Dạng | Trang phục thể thao, athleisure |
---|---|
Phát minh bởi | Chip Wilson |
Quần yoga là loại quần bó sát được thiết kế dành riêng cho việc tập luyện bộ môn yoga. Loại quần này được công ty chuyên về quần yoga Lululemon bán lần đầu tiên vào năm 1998. Quần yoga làm bằng vải chuyên dụng, ban đầu được cấu thành từ hỗn hợp nylon và lycra. Tuy nhiên, càng về sau thì quần yoga được may bằng nhiều loại vải chuyên dụng hơn, chúng có tính năng thấm ẩm, nén chặt và giảm thiểu mùi hôi.
Việc bộ môn yoga ngày càng phổ biến đã dẫn đến mức tiêu thụ quần yoga trên thị trường cũng gia tăng theo. Bên cạnh việc sử dụng với mục đích chính là tập luyện yoga, loại quần này đang càng ngày càng trở nên phổ biến do nhiều phụ nữ thích sử dụng chúng làm trang phục hàng ngày. Xu hướng dài lâu của việc mua sắm quần yoga nói riêng và loại quần athleisure nói chung trên thực tế đã đe dọa doanh số bán quần jeans truyền thống. Tại Hoa Kỳ, việc mặc quần yoga ngoài việc dùng cho tập thể dục đã gây ra tranh cãi, nhất là việc mặc chúng trong trường học được các nữ sinh ưa chuộng.[1] Doanh số bán quần yoga tăng một cách nhanh chóng, đạt khoảng 31 tỷ đô la Mỹ theo số liệu năm 2018.[2]
Bộ môn yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ, vốn là một môn tập luyện tâm linh.[3] Đầu thế kỷ 20 tại Ấn Độ, các tư thế của hatha yoga có từ thời Trung cổ đã được kết hợp với các động tác từ bộ môn thể dục dụng cụ, tạo nên một diện mạo mới về tư thế tập luyện yoga.[4] Vào thập niên 1990, yoga đã trở thành một hình thức tập thể dục phổ biến trên khắp thế giới phương Tây, đặc biệt thu hút phụ nữ.[5]
Vào năm 1998, quần yoga làm bằng nylon và lycra xuất hiện trên thị trường, được Lululemon bán lần đầu tiên ở một cửa hàng tại Vancouver, Canada và giới thiệu là một kiểu trang phục phù hợp để mặc trong phòng tập yoga.[6][7] Người sáng lập Lululemon là Chip Wilson đã tham gia một lớp yoga vào năm 1997. Tại lớp học này, người giáo viên hướng dẫn mặc "trang phục khiêu vũ", ôm sát hệt như lớp da thứ hai. Nhờ vào chuyện đó mà anh đã có cảm hứng thành lập doanh nghiệp thời trang yoga của riêng mình.[8]
Năm 2005, Lululemon giới thiệu một loại vải co giãn (Luon) với nhiều sợi nylon hơn và ít polyester hơn. Tiếp theo là một số loại vải chuyên dụng hơn: vải thấm ẩm bốn chiều (Luxtreme), vải nén (Nulux), và một loại vải khử mùi có chứa bạc dùng làm chất kháng khuẩn (Silverescent).[6] Quần yoga dần trở nên phổ biến đến mức vào năm 2014 thanh thiếu niên Mỹ thích chúng hơn cả quần jean; do đó hãng sản xuất quần jean Levi Strauss bị đe dọa bởi "một cuộc khủng hoảng hiện sinh",[6] và họ buộc phải chuyển sang sản xuất một số kiều quần jean có khả năng co giãn.[6] Quần yoga chỉ mất vài năm để lan rộng khắp thế giới, và cửa hàng Lululemon đầu tiên ở châu Âu được khai trương vào năm 2014 tại Covent Garden, Luân Đôn.[9] Nhiều đối thủ cạnh tranh cũng gia nhập thị trường, như Nike, Adidas và Target. Các hãng này cũng sử dụng các loại vải chuyên dụng tương tự.[6]
Quần yoga đến từ nhiều nhãn hiệu cũng như đa dạng về kiểu dáng có mặt trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau.[10] Mức giá của quần chủ yếu được các nhãn hiệu thời trang tự niêm yết. Năm 2015, một chiếc quần yoga cao cấp đến từ nhà bán lẻ chuyên nghiệp Lululemon có giá 98 đô la Mỹ, trong khi một thương hiệu ít nổi tiếng hơn thì lại bán tại Nhà bán lẻ Target với mức giá 20 đô la Mỹ.[5] Theo Bloomberg, vào năm 2018 thị trường có hơn 11.000 loại quần yoga. Cũng theo thông tin trên trang tin này, loại quần yoga có giá cao nhất là quần yoga phong cách của Lucas High, rơi vào 230 đô la Mỹ.[6]
Quần yoga kiểu boot-cut và quần yoga ống loe được thiết kế với một dây thắt lưng phẳng và co giãn.[11] Quần yoga tiêu chuẩn cơ bản có màu đen, bó sát, boot-cut, ống loe và có thể lộn ngược lại; nó được làm bằng vải co giãn bốn chiều, với dây thắt lưng phẳng co giãn ở phía trên nhằm mang đến sự linh hoạt thoải mái và hút ẩm cơ thể, đồng thời giúp người mặc cảm thấy mát mẻ và dễ chịu. Quần yoga tiêu chuẩn cơ bản có thể được dệt may từ hỗn hợp cotton, lycra spandex, nylon, polyester, len hoặc vật liệu tổng hợp nhẹ và co giãn nhằm đem lại sự mềm mại, mịn màng.[12][13]
Quần yoga đã được mặc từ trong phòng tập yoga đến ngoài đường phố. Từ đầu thập niên 2010, loại quần này ngày càng được sử dụng phổ biến với vị thế là một trang phục thường ngày.[14][15] Một số phụ nữ chọn mặc quần yoga khi ở nhà, phối cùng với áo bà bầu, để khiêu vũ hay đi đến các câu lạc bộ.[16][17] Quần yoga thậm chí còn được sử dụng làm trang phục công sở; vào năm 2014, "chiếc quần yoga com lê" của công ty Betabrand đã trở thành sản phẩm bán chạy nhất của họ.[18] Tạp chí Fortune cho biết quần yoga có thể kết hợp với giày cao gót và áo blouse tạo sự vừa vặn.[19] Jessica Grose, viết trên tạp chí Slate rằng bất kể có làm gì với quần yoga để khiến nó trông như quần trang trọng lịch thiệp (quần tây công sở) thì nó vẫn là quần leggings.[20] Suzanne Wexler viết trên tờ The Vancouver Sun, đã gọi quần yoga có gót và áo blouse là "một món đồ giả thời trang".[21] Tuy nhiên, The Atlantic trích dẫn dựa trên một nghiên cứu sơ bộ năm 2012 về "nhận thức kèm theo" (enclothed cognition),[a] mặc quần áo năng động có thể khuyến khích mọi người tập thể dục nhiều hơn.[22][23]
Nhà sử học thời trang Amanda Hallay đã lên tiếng rằng phụ nữ đang muốn tỏ vẻ như đang chạy đến phòng tập thể dục, không cần biết có thật sự muốn vậy hay là không.[24] Một nhà sử học thời trang khác, Deirdre Clemente, tuyên bố rằng nhóm trang phục athleisure đã xuất hiện khi nhiều xu hướng kết hợp với nhau, như việc cải tiến kỹ thuật của ngành sợi đã tạo ra các vật liệu chắc, bền và linh hoạt như spandex và sự suy giảm quan điểm hình thức trong ăn mặc, cho phép quần áo yoga hòa vào trang phục công sở. Theo quan điểm của Clemente, cả ba xu hướng này phát triển chậm trong suốt thế kỷ 20.[8] Rachel Marlow, viết trên tạp chí Vogue rằng quần yoga đã trở thành trang phục chấp nhận được đối với phụ nữ "đang theo học, uống cà phê buổi sáng, trong lúc đang ăn trưa ở sở làm, thậm chí là khi nhậu nhẹt".[25]
Nhu cầu về trang phục thoải mái, mang tính chất thể thao và tính giản dị đã tăng lên kể từ đầu thế kỷ 21.[26] Nike, Inc. đã báo cáo doanh số bán quần phụ nữ của họ đạt 7 tỷ đô la vào năm 2010.[27] Thị trường trang phục athleisure lớn hơn đã tăng lên 33,6 tỷ đô la vào năm 2015,[28] và 48 tỷ đô la vào năm 2018.[6] Nike tuyên bố yếu tố chuyển hướng mạnh là từ nhu cầu về trang phục tập luyện và hợp thời trang.[27] Màu sắc, hoa văn và thiết kế kiểu mới đã tạo ra sự linh hoạt hơn và tăng khả năng chọn lựa mặc quần yoga trong các địa điểm công cộng. Tác giả Mae Anderson, viết trên tờ Denver Post năm 2013, đã gọi quần yoga là "quần jean mới".[27] Năm 2015, viết trên tờ Financial Post, Hollie Shaw ghi nhận "hiệu ứng Lululemon"[29] đã thay thế quần jean bằng quần yoga, và nhận xét đàn ông cũng bắt đầu mặc chúng thay vì denim.[29]
Tại các trường học Hoa Kỳ, việc sử dụng quần yoga một cách phổ biến đã vấp phải tranh cãi.[1] Một số trường áp dụng quy định về trang phục cấm quần yoga đối với tất cả học sinh hoặc chỉ cấm học sinh nữ mặc.[30][31][32] Tạp chí Bitch cho rằng nguyên nhân đưa ra những lệnh cấm như vậy phần lớn là vì khêu gợi, gây "đánh lạc hướng" cái nhìn của các chàng trai vào các cô gái mặc quần áo bó sát;[33] những khiếu nại tương tự đã gây ra lệnh cấm ở Rockport, Massachusetts.[30] Tại tiểu bang Montana, vào năm 2015, một dự luật năm 2015 được dự định là sẽ đưa các loại quần yoga và legging ra ngoài vòng pháp luật,[34] thế nhưng dân biểu tiểu bang David Moore, người đưa ra dự luật này tuyên bố rằng đây chỉ là một trò đùa.[34][35]
Bản chất bó sát của quần yoga cho phụ nữ trưởng thành cũng đã làm dấy lên các cuộc tranh luận. Trên tờ The Atlantic vào năm 2014, Rosalie Murphy đã chỉ trích các tạp chí yoga như Yoga Journal luôn luôn treo ảnh bìa hình nữ học viên yoga dáng chuẩn trong quần yoga bó sát và áo tank top, "vươn tay lên trời hoặc nhắm mắt thiền."[36] Tạp chí Time ghi nhận vào năm 2016, một người đàn ông ở Rhode Island đã viết cho một tờ báo địa phương gọi việc mặc quần yoga của phụ nữ là "kỳ quái và đáng lo ngại"; đáp lại, hàng trăm người biểu tình mặc quần áo bó sát trước nhà ông.[37]
Trong một ý kiến đăng trên tờ New York Times, Honor Jones đã lập luận rằng phụ nữ mặc quần yoga là do áp lực xã hội. Áp lực đó là phải "gợi cảm", và họ bị thúc giục phải mặc quần bó sát nhằm che giấu hình dạng thật của cơ thể họ.[38] Trên tờ Maclean's vào năm 2018, Anne Kingston không đồng tình với ý kiến của Jones. Bà cho rằng một phong cách quần ít bó sát hơn (looser style) của trang phục thể thao đã tái bước trở lại vào dòng thời trang athleisure, và có nhiều lý do thực tế chính đáng cho việc mặc quần yoga bó sát. Chẳng hạn, kiểu quần ấy giúp cho các giảng viên và học viên kiểm tra cơ thể của họ dễ dàng hơn, nhờ đó giảm nguy cơ chấn thương.[39]
Base Year for Estimate: 2018 Report ID: GVR-3-68038-810-7