Con mèo trong văn hóa lịch sử Việt Nam

Tạm thời rời khỏi guồng quay của cuộc sống bộn bề, tấp nập, Tết là lúc mọi người có những khoảng thời gian quý giá quây quần bên gia đình và cùng nhau tìm lại những giá trị lâu đời của dân tộc. Và một trong số những giá trị thiêng liêng đó chính là biểu tượng của năm nay: loài mèo. 

VÌ SAO NĂM MÃO CỦA VIỆT NAM LẠI LÀ CON MÈO?

Hẳn ai trong chúng ta từ khi còn bé đều đã được nghe qua về 12 con giáp, rằng Tý là chuột, Sửu là trâu, Dần là hổ, Mão là mèo… Thế nhưng, đó chỉ là phiên bản của người Việt Nam mà thôi. Ở những nước đồng văn láng giềng như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Mão lại là con thỏ. Chà, nếu bây giờ bạn mới biết điều này thì đừng quá bất ngờ nhé. Còn nếu đã biết về sự khác biệt đó rồi, vậy thì có bao giờ bạn tự hỏi rằng, vì sao năm Mão của người Việt Nam chúng ta lại là con mèo, thay vì là con thỏ như trong những phiên bản mười hai con giáp của các nước đồng văn khác chưa

Khác biệt so với phần còn lại của thế giới
Khác biệt so với phần còn lại của thế giới

Thực ra, để giải thích cho câu hỏi hóc búa này, các nhà nghiên cứu đã dày công khảo cứu hàng chục, thậm chí là cả trăm năm nay nhưng vẫn chưa thể đưa ra một kết luận cuối cùng. Dù rằng chúng ta đều có thể chắc chắn một điều rằng, mọi phiên bản 12 con giáp đều bắt nguồn từ phiên bản ban đầu của người Trung Quốc, nhưng quá trình biến đổi và tạo thành những dị bản tại các quốc gia khác nhau thì vẫn còn là một ẩn số. Hiện tại, giới nghiên cứu chỉ có thể nêu ra một số giả thuyết như sau:

Giả thuyết thứ nhất, đó là, với người Việt Nam, mèo phổ biến hơn thỏ cho nên đã có sự thay đổi như vậy. Tuy nhiên, nếu xem xét kĩ thì điều này không thực sự chính xác. Phạm vi phân bố của loài thỏ rất rộng, gần như tất cả các châu lục trên thế giới vào thời cổ đại trừ Bắc Cực, Nam Cực và châu Úc thì còn lại đều có sự góp mặt của loài thỏ. Tại Việt Nam, con thỏ xuất hiện trong đời sống của người dân cũng tương đối phổ biến chứ không đến mức ít ỏi đến mức mờ nhạt, để mèo có thể dễ dàng thay thế. Đấy là còn chưa kể, mèo hay thỏ du nhập vào Việt Nam trước, hình tượng loài nào được phổ biến hơn trong văn hóa thời xưa hơn vẫn còn là chưa xác định, nên rất khó để chúng ta có thể đồng tình với giả thuyết này.

Do đó, chúng ta có thể đến với giả thuyết thứ hai, đó là do có sự khác biệt về ngôn ngữ mà mà thay vì Mão là con thỏ, người dân Việt Nam đã thay thế bằng mèo. Trong tiếng Trung Quốc, hai từ này khác nhau về cấu tạo, nhưng về ngữ âm thì mão (măo) và mèo (máo) lại có cách đọc gần giống nhau, đều nghe giống như “mao”. Giả thuyết này được củng cố bởi cuốn từ điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes. Trong đó, vị mục sư đã ghi nhận việc người dân Việt Nam tại những vùng mà ông tiếp xúc gọi năm Mão là năm “mẹo”, với mẹo ở đây trong phương ngữ của cư dân có nghĩa là mèo. Có thể tóm tắt quá trình sự biến đổi theo giả thuyết này như sau: 12 con giáp du nhập vào Việt Nam với Mão ban đầu là thỏ, sau đó do hiện tượng gần âm mà người Việt Nam dần đi chệch từ hình tượng con thỏ sang con mèo. Ở những vùng địa phương, bản thân từ “mão” cũng được Việt hóa thành “mẹo”.

Dù thế, vẫn có bằng chứng cho thấy rằng các lễ hội đón năm mới trong cung đình của các triều đại phong kiến Việt Nam sử dụng hình ảnh con thỏ vào năm Mão thay vì con mèo. Vậy phải lí giải ra sao đối với hiện tượng này? Đến đây, chúng ta lại phải tiếp tục đặt ra một giả thuyết thứ ba khác nữa: trái với tầng lớp dân chúng, giới thượng lưu của Việt Nam trong lịch sử vẫn giữ vững truyền thống từ Trung Quốc ban đầu, nên hình tượng Mão là thỏ vẫn được giữ nguyên. Dễ thấy, trong bối cảnh cung đình, những người tham gia các lễ hội đón năm mới thì thường là các bậc sĩ phu uyên bác, các vị quý tộc được đào tạo ăn học bài bản… nói chung là đều biết Hán tự ở một mức cao hơn so với đa phần dân chúng. Có lẽ vì thế nên họ đã không xảy ra sự nhầm lẫn từ “mão” thành “mèo” như đại chúng đương thời gặp phải. Do đó, sự phát triển Mão từ thỏ thành mèo được văn hóa dân gian nuôi dưỡng và phát triển cho đến ngày nay, trái ngược với đó là sự sụp đổ của văn hóa cung đình Việt Nam khi chế độ phong kiến kết thúc, kéo theo sự biến mất của hình tượng Mão như là loài thỏ tại Việt Nam.

LOÀI MÈO ĐÃ “XÂM CHIẾM” THẾ GIỚI (VÀ CẢ VIỆT NAM) NHƯ THẾ NÀO?

Như vậy, việc thay đổi Mão từ con thỏ sang con mèo đã phản ánh sự xuất hiện của con mèo trong dòng chảy lịch sử văn hóa Việt Nam. Tất nhiên, đó cũng là một hiện tượng rất thuận theo xu thế chung, dĩ nhiên rồi, vì ở mọi quốc gia trên thế giới này, nơi nào cũng tồn tại động đảo những con người yêu quý loài mèo mà. Vậy, loài mèo đã “xâm chiếm” thế giới như thế từ bao giờ, và bằng cách nào?

Ngược xa về quá khứ, khoảng 10000 năm về trước, ở khu vực Lưỡi Liềm Màu Mỡ, ngày nay là Trung Đông, con người đang bước vào giai đoạn hưng thịnh nhất của thời kì đồ đá mới. Lương thực được sản xuất thừa mứa và những cư dân đương thời tích trữ chúng trong những kho, những hầm, những bình, những vại. Điều này thu hút những kẻ phá hoại: loài gặm nhấm. Tiêu biểu nhất của đám này chính là chuột.

Trước tình hình này, những cư dân của thời kì đồ đá mới cũng rất đau đầu suy tính và thử nhiều biện pháp, nhưng họ nhận ra rằng một mình họ thì không thể nào giải quyết được vấn đề. Đặt bẫy? Đám chuột có thể dễ dàng né mấy cãi bẫy thô sơ của họ. Tự thân lùng diệt? Quá khó và cũng tốn rất rất nhiều thời gian. Nói chung, lúc này những con người cổ đại chỉ hi vọng có một thế lực nào đó sẽ xuất hiện để giúp đỡ mình.

Cùng lúc đó, sự phát triển của đám chuột cũng đã kéo theo sự xuất hiện của một giống loài khác tại những khu định cư của con người: mèo rừng châu Phi. Chúng là những kẻ săn mồi chuyên nghiệp, với danh sách thực đơn có thể xực trải dài từ côn trùng, chuột, các loài chim nhỏ cho tới cả rắn. Trong mắt đám mèo nguyên thủy này thì những chỗ cất lương thực của con người không khác gì những mảnh đất tiềm năng cho chúng tác nghiệp sát thủ cả.

Dĩ nhiên, con người cũng nhận thấy nơi nào có sự xuất hiện của chúng thì số lượng chuột bọ phá hoại được giảm đi đáng kể, và thế là cái bắt tay lịch sử giữa con người và loài mèo lần đầu tiên được thiết lập. Con người cung cấp khu vực kiếm mồi và bảo vệ mèo khỏi những mối đe dọa từ thiên nhiên khác, mèo bắt chuột giúp bảo vệ lương thực, tài sản giúp con người. Đó là sự trao đổi ngang hàng.

Sự hợp tác ấy mang lại lợi ích cho cả đôi bên nhiều đến nỗi loài mèo đã dần được xem như là một thành viên trong gia đình của những con người thời kì đồ đá. Quá trình thuần hóa loài mèo lần thứ nhất đã diễn ra như thế, rất khác với những loài động vật được thuần hóa khác khi không có một chiếc lồng, một hàng rào hay những bài huấn luyện, chọn giống lai tạo nào. Thực tế, có thể nói là loài mèo đã tự thuần hóa chính chúng để có thể chung sống với con người.

Khoảng 5000 năm sau, một đợt thuần hóa loài mèo khác đã diễn ra tại Ai Cập. Cũng giống như với lần thuần hóa đầu tiên, đó cũng là một cuộc gặp gỡ và là những cái bắt tay hợp tác giữa cả hai giống loài.

Từ Trung Đông và Ai Cập, mèo rừng châu Phi đã thuần hóa, lúc này còn được biết với cái tên mèo nhà, đã lan toa khắp thế giới thông qua những cuộc di cư, những đoàn người phiêu du từ nơi này đến nơi khác. Trên hành trình dọc con đường tơ lụa nối liền hai châu lục Á-Âu, mèo theo chân những nhà buôn tới phương Đông xa xôi. Trên những con thuyền, mèo cũng những người đi biển cập bến tới tiểu lục Ấn Đồi khu vực hải đảo Đông Nam Á. Bất cứ nơi nào con người có mặt, chuột cũng sẽ mò tới phá hoại và mèo cũng sẽ xuất hiện để đảm bảo những kho lương thực được an toàn.

Những con mèo đầu tiên tới Việt Nam, có lẽ là thông qua những người Hán đầu tiên đặt chân tới vùng đất phiên thuộc Giao Chỉ, hoặc là những thương nhân đến từ phía Nam xa xôi. Thật khó xác định rằng liệu mèo đã đến với người Việt Nam chúng ta như thế nào, nhưng chắc có lẽ ít nhất là từ thời Lý. Bằng chứng là tại nhiều điểm khai quật, người ta đã tìm thấy các bức tượng gốm hoa nâu về chúng, cũng như các sáng tác thời trung đại từ giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện hình bóng của sinh vật này.

Gắn kết khăng khít với con người là thế, nên trong vòng một vài thế kỉ gần đây, sự quan tâm của con người với mèo tăng vọt. Thay vì đơn thuần như một loài vật nuôi giúp kiểm soát động vật gây hại, chúng dần trở thành một loại thú cưng để chủ nhân của chúng có thể khoe mẽ trước mọi người. Giống như chó và nhiều loài sinh vật kiểng khác, mèo bắt đầu được lai tạo để tạo thành những giống mới có tính thẩm mỹ cao hơn. Dần dà, mốt nuôi mèo cảnh được định hình và trở thành một xu thế nổi bật trên khắp thế giới mà tới nay vẫn chưa hề hạ nhiệt. Hàng loạt “con sen” cũng từ đó mà ra đời.

Nhìn lại hành trình loài mèo đến với con người, chúng ta có thể thấy đó là một tình bạn tuyệt vời giữa hai loài. Hoặc suy nghĩ theo một hướng khác, có lẽ chúng đã bày mưu thống trị chúng ta từ hàng ngàn năm trước và việc tự thuần hóa chính mình cũng chỉ là một bước trong kế hoạch của chúng hay chăng? Mặc dù không biết mèo có suy nghĩ đáng sợ đó không, nhưng chẳng thể phủ nhận rằng bây giờ chúng đúng là thú cưng kiểm soát mọi sự đáng yêu và láo toét trên đời này rồi chứ còn gì nữa nhỉ?

HÌNH TƯỢNG CON MÈO TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM

Dù là một loài có ích và đáng yêu như thế, nhưng trong văn hóa dân gian Việt Nam xưa kia, hình tượng loài mèo lại thường hiện lên… khá là tiêu cực. Không rõ tại sao lại như thế, chỉ biết rằng kể từ khi góp mặt trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, loài mèo đã hiện lên như thế rồi.

Về mặt tâm linh, nhiều người đánh đồng mèo với vận rủi. Dân gian vẫn lưu truyền câu tục ngữ: Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang. Mèo đã mang đến vận rủi rồi, mèo đen thì lại càng đem đến nhiều xui xẻo hơn. Nhiều người mê tín rằng nếu mèo đen nhảy qua xác một người mới chết, người đó sẽ hóa thành quỷ nhập tràng. Thậm chí, có niềm tin rằng những con mèo già sẽ dễ thành tinh hơn các loài động vật khác, cần nên đề phòng: Mèo già (thì) hóa cáo.

Về mặt tập quán, người ta thường đem mèo ra để gán cho những đức tính xấu. Đã từ lâu con mèo đi vào văn học dân gian với hình tượng của những kẻ không ra gì. Dọc theo dòng chảy lịch sử của Việt Nam, loài mèo được khoác cho vô vàn nhán dãn, hành động, suy nghĩ khác nhau để ám chỉ các hạng người không mấy được thiện cảm trong xã hội. Những câu thành ngữ, tục ngữ hay từ lóng nói về con mèo có thể xếp thành ba nhóm chính như sau:

Nhóm thứ nhất và cũng là nhiều nhất, ám chỉ loại người lăng nhăng, thiếu đứng đắn làm ăn dối trá. Dân gian có câu Mèo mả gà đồng ý nói loại người vô giáo dục sống buông thả. Một câu tục ngữ khác là Mèo đàng chó điếm thì ám chỉ loại người bịp bợm ăn chơi đàng điếm, linh tinh. Lại có câu Chó khô mèo lạc chỉ hạng người vô học, lang thang bất cần đời. Còn những câu như Ăn cơm mèo, nói leo các cụ; Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa là để phê phán hạng người chỉ biết ăn, ham nói dóc, còn làm thì chẳng ra thể thống gì. Còn câu Mèo già khóc chuột chết thì dùng để ám chỉ những kẻ đạo đức giả, sống không thật với lòng mình…

Nhóm thứ hai dùng để chê bai, móc mỉa những hành động ngu ngốc, hay là để nói đến tình trạng cuộc sống bất lợi, hoặc là để ám chỉ đến những sự éo le của xã hội. Có câu: Mèo nhỏ bắt chuột to dùng để chỉ những hành động dại dột, liều lĩnh, nguy hiểm của những kẻ không biết tự lượng sức mình. Còn câu Chưa biết mèo nào cắn mĩu nào để đưa ra nhận định về một thế cuộc căng thẳng, không thể xác định được bên nào sẽ thắng. Khi nói về sự thiếu thốn, tréo ngoe của số phận, người ta có câu Cơm treo mèo nhịn đói. Hay như một câu khác là Chó treo mèo đậy là một bài học về tính cẩn thận, cảnh giác, trước những thế lực bất hảo thì phải học cách đối phó. Câu “mèo đã khen mèo dài đuôi” đã khắc họa hình ảnh của những kẻ luôn ngạo nghễ một cách rất chủ quan, tự mãn. Hay như câu Mèo vẫn hoàn mèo được dùng để móc mỉa những kẻ bất hảo tưởng như đã thay đổi nhưng cuối cùng lại quay trở về bộc lộ bản chất thật của mình…

Nhóm ba chỉ những khát khao hớ hênh, sự cạnh khoé, nỗi thất vọng và niềm bất đắc chí. Dân gian ta có thành ngữ Mỡ để miệng mèo là để ám chỉ một sự phô bày hớ hênh dễ kích thích cho kẻ xấu đánh cắp, còn như câu Mèo thấy mỡ lại chỉ sự thèm muốn, khát khao không nhịn được của những kẻ không lấy gì làm tốt đẹp. Khi cần chỉ sự tức giận, bất bình, cạnh khóe đã có các câu Chửi mèo quèo chó hoặc Chửi chó mắng mèo hay Đá mèo quèo rế. Chỉ sự mâu thuẫn không hoà hơp được có câu Ăn ở như chó với mèo. Những kẻ buồn bã, ỉu xìu thất vọng thì được so sánh Tiu nghỉu như mèo mất tai. Để chỉ những kẻ vô tích sự mà lại gặp may bất ngờ trong cuộc sống, có câu Mèo mù vớ cá rán…

Không chỉ trong những câu ca dao, dân ca, ngay cả các sáng tác của những bậc trí giả trong thiên hạ thời bấy giờ, hình tựng loài mèo cũng bị đem ra để vùi dập. Đại thi hào Nguyễn Trãi cũng đã từng có đề thơ chê bai loài mèo qua bài thơ “Miêu” như thế này:

  Lọ vẫn sinh ra mãi phương Tây Phụng sự Như Lai, trộm phép thầy Hơn chó được ngồi khi mặt bếp Tiếc hùm, chẳng bảo chước leo cây…  - Nguyễn Trãi, Bài thơ "Miêu" -

Ngoài kho tàng văn học, mèo cũng được đi vào trong nền hội họa-kiến trúc Việt Nam với những hình tượng mang cảm giác không được tốt đẹp cho lắm. Tuy rằng trong nghệ thuật tạo hình, hình tượng con mèo ít được nhắc đến như những con giáp khác như: hổ, trâu, dê, ngựa, gà, lợn… Nhưng hễ cứ xuất hiện, thì mèo lại thường được sắm cho những vai phản diện rõ mồn một. Ví dụ tiêu biểu nhất có thể kể tới là tranh khắc gỗ của làng Đông Hồ ở Việt Nam nổi tiếng, với hai bức tranh "Đám cưới chuột" và "Trạng chuột vinh quy". Trong đó, cả hai bức đều có vẽ cảnh một bầy chuột đem cá và chim đến cống nạp cho mèo. Hai bức tranh này gần giống nhau, dựa theo những chữ Hán và chữ Nôm trong tranh mà người ta sẽ phân biệt ra làm "Đám cưới chuột" hay "Trạng chuột vinh quy". Trong những bức tranh kể trên, con mèo luôn được khắc họa mang đến sự thiếu thiện cảm cho người xem với vẻ mặt dữ tợn, hống hách. Song song với đó là chuột lại được khắc họa giống như những người thuộc tầng lớp dưới, yếu thế và cam chịu, mang lại cảm giác quen thuộc và sự cảm thông cho người xem. Hay như trong những hình vẽ điêu khắc trên Đình Đại Phùng ở Đan Phượng, Hà Nội có một tấm gỗ khắc hình con mèo đang tha trộm cá với vẻ mặt lấm lén, gian manh đang nhìn xuống dưới những người vào viếng…

Phải chăng, trong văn hóa dân gian trung đại Việt Nam, giới nghệ sĩ xem sự tung tác tự do, không phụ thuộc vào chủ của loài mèo là tượng trưng cho một thế lực ngang tàng và tinh ranh, nguy hiểm cần phải chịu sự lên án nên đã bôi xấu hình tượng loài mèo bất chấp? Và cũng phải chăng, chính những người dân Việt Nam thấy ở trong loài chuột hình ảnh của những kẻ thấp cổ bé họng, muôn đời phải chịu sự hà hiếp, phải luôn tìm cách lo lót hậu hĩnh cho tầng lớp cai trị thì cuộc sống mới yên bề trót lọt nên đã có sự thiên vị chúng trong những sáng tác, thậm chí là còn có lúc đánh đồng bản thân với giống loài gây hại này? Câu hỏi này mình xin phép để các bạn tự suy ngẫm nhé!

NHỮNG NĂM QUÝ MÃO ĐÁNG NHỚ NHẤT TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC

Nhân một năm Quý Mão sắp tới, hãy cùng mình điểm lại một vài năm Qúy Mão đáng nhớ nhất trong lịch sử dân tộc:

Đầu tiên, là năm cuối cùng trong thời kì trị vì của các Hùng Vương. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, kỷ Hồng Bàng thị, từ Kinh Dương Vương được phong năm Nhâm Tuất, cùng thời với Đế Nghi, truyền đến cuối thời vua Hùng Vương, ngang với đời Noãn Vương nhà Chu năm thứ 57, tức năm Quý Mão 258 TCN là thì hết, tất cả 2.622 năm [2879 - 258 TCN]. Như vậy, năm Quý Mão đầu tiên trong danh sách là thời điểm khép lại một giai đoạn thuở ban sơ của lịch sử dân tộc ta.

Thứ hai là năm Qúy Mão 43 CN, tương đương với năm Hán Kiến Vũ năm thứ 19). Mùa xuân, tháng giêng, Trưng Nữ Vương cùng em gái là Nhị chống cự lại với quân nhà Hán, thế cô, đều thua chết. Tướng địch Mã Viện đuổi theo đánh quân còn sót là bọn Đô Dương. Đến huyện Cư Phong thì bọn Đô Dương đầu hàng, Viện bèn dựng cột đồng làm giới hạn cuối cùng của nhà Hán. (Cột đồng tương truyền ở trên động Cổ Lâu châu Khâm. Viện có câu thề: "Cột đồng gãy thì Giao Châu diệt". Người Việt ta đi qua dưới cột ấy, thường lấy đá chất vào, thành như gò đống, vì sợ cột ấy gãy).

Thứ ba là năm Qúy Mão 1063. Đây là năm mà vua Lý Nhân Tông ra đời. Bấy giờ vua đương nhiệm là Lý Thánh Tông đã nhiều tuổi, hơn 40 mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông. (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán, xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Vua muốn có con trai, sai Bông đem hương cầu đảo ở chùa Thánh Chúa. Nhà sư dậy cho Bông thuật đầu thai thác hoá. Bông nghe theo. Việc phát giác, đem chém Bông ở trước cửa chùa. Người sau gọi chỗ ấy là Đồng Bông. Chùa ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm, Đồng Bông ở phía tây trước cửa chùa, nay hãy còn).

Thứ tư là năm Quý Mão 1123. Đây là năm mà nước Chân Lạp cử người sang tiến cống xưng thần với nước ta, nâng cao vị thế của nước Đại Việt trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài ra, cũng trong năm này, luật cấm giết trâu được ban bố:

Xuống chiếu rằng: "Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật".

Thứ năm là năm Qúy Mão 1183, vua Lý Cao Tông bổ nhiệm tướng Ngô Lý Tín làm Đốc tướng Ai Lao, đánh dấu dã tâm tái xâm lược của nước ta đối với quốc gia này (lần thứ nhất diễn ra dưới thời Lý Thái Tông năm Mậu Tý 1048).

Thứ sáu là năm Qúy Mão 1243. Tháng 2, nhà Lý đắp thành nội, gọi là thành Long Phượng và trùng tu Quốc tử giám. Đây chính là nền tảng cho các Hoàng thành Thăng Long sau này. Tháng 8, nước to, vỡ thành Đại La (đây có lẽ là một trận lũ kỷ lục vào thời ấy). Mùa đông, tháng 10, chọn người bổ sung vào các quân bộ để sai khiến.

Thứ bảy là năm Quý Mão 1303. Mùa xuân, tháng giêng, ngày 15, thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí. Tháng 2, lấy Đô áp nha thượng vị Chiêu Hoài hầu Hiện làm Nhập nội phụ quốc thái bảo. Mùa đông, tháng 10, quy định kiểu mũ của vương hầu: người tóc dài đội mũ triều thiên, người tóc ngắn đội mũ bao. Lấy Trần Khắc Chung làm Nhập nội đại hành khiển. Lấy Đoàn Nhữ Hài làm Tham tri chính sự. Trước đây, vua sai Nhữ Hài đi sứ Chiêm Thành, Nhữ Hài xin yết kiến Thượng hoàng ở chùa Sùng Nghiêm núi Chí Linh, suốt ngày không được gặp. Một lát sau, pháp giá ra chơi, Nhữ Hài đến bái yết. Thượng hoàng nói chuyện với Nhữ Hài có đến một giờ. Khi trở về, Thượng hoàng bảo tả hữu: "Nhữ Hài đúng là người giỏi, hắn được Quan gia sai khiến là phải". Trước đây, sứ nước ta tới Chiêm Thành, đều lạy chúa Chiêm trước, rồi sau mới mở chiếu thư. Đến khi Nhữ Hài tới, liền bưng ngay chiếu thư để lên trên án và nói với chúa Chiêm: "Từ khi sứ thiên triều mang chiếu thư của thiên tử sang, xa cách ánh sáng lâu ngày, nay mở chiếu thư, thực như trông thấy mặt thiên tử, tôi phải lạy chiếu thư đã, rồi mới tuyên đọc sau". Rồi lập tức hướng vào tờ chiếu mà lạy. Lúc ấy, chúa Chiêm đứng bên cạnh, lạy thế không khỏi có chút chưa ổn, nhưng lấy cớ mà lạy chiếu thư thì về lý là thuận, mà sứ tiết cũng không phải khuất. Hôm sau, Nhữ Hài treo bảng cấm buôn bán ở Tỳ Ni (bến cảng của Chiêm Thành, nơi tụ tập các thuyền buôn), tuyên đọc xong, treo bảng lên, lại gọi viên coi cảng đến bảo: "Chỗ này người buôn bán tụ họp phức tạp, lại là bến tàu xung yếu, khó giữ gìn, sứ thần về rồi, cất ngay bảng đi, đừng để mất". Ý ông cho rằng Chiêm Thành tuy đã thần phục, nhưng thực ra chưa chịu nội phụ, bảng cấm rốt cục cũng bị bỏ đi, cho nên nói trước như vậy, không để tự họ làm như thế. Sau này, đi sứ Chiêm Thành, không lạy chúa Chiêm là bắt đầu từ Nhữ Hài. Khi về nước, vua rất khen ngợi ông và quyết ý dùng vào chức to, cho nên có lệnh này.

524 | 2/29/2024 8:06:53 PM
Bình luận
Bài viết liên quan
Mao Trạch Đông - Mặt trời đỏ của nhân dân Trung Quốc (P.1)
Mao Trạch Đông - Mặt trời đỏ của nhân dân Trung Quốc (P.1)
Trên cao có một mặt trời tỏa sáng, và trong trái tim mỗi người dân Trung Quốc cũng có một mặt trời không kém phần rực đỏ - Mao Trạch Đông
Tết Hàn thực cổ truyền của dân tộc
Tết Hàn thực cổ truyền của dân tộc
Tết Hàn Thực hay Tết bánh trôi bánh chay là một ngày tết vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch.
Sơ lược lịch sử đầy chính trị của Phở
Sơ lược lịch sử đầy chính trị của Phở
Phở đã trở nên gần gũi với Văn hóa Việt Nam tới mức người ta đã dùng nó như một ẩn dụ trong các mối quan hệ tình cảm
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Nguồn gốc Tết Đoan Ngọ
Tết Đoan Ngọ còn gọi là Tết Đoan Đương, tổ chức vào ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm