Red Loong lại đeo một đống lò lửa trên lưng - Black Myth: Wukong

Các Tề Thiên Đại Thánh có biết nguồn cơn làm sao mà Red Loong lại đeo một đống lò lửa trên lưng chẳng có tác dụng gì ngoài việc để cho anh em đập vỡ rồi nó nổ tan xác luôn chú Rồng tội nghiệp không? Nghĩ cũng khổ, là nó bị tên gian thương yêu quái Hắc Phong lừa bịp mới thành ra cơ sự như vậy đấy.
Trong phần lore của Xích Nhiêm Long (Red Loong), có kể rất chi tiết về số phận vừa bi vừa hài và đầy tính châm biếm của chú Rồng này.
Khói bốc cao cao, củi lửa đượm
Lưng rồng đập đập, nhịp thở gượng
Như là mây mù, như là sương
Nếu thấy sấm sét, mưu khó lường



Đọc bài thơ Thất Ngôn Tứ Tuyệt này xong, hẳn nhiên những ai đã từng tỷ thí cao thấp mấy chục mấy trăm hiệp với con boss ẩn này sẽ nhận ra rõ ràng đây là lời gợi ý về cách đánh boss của game khéo léo cài cắm vào lore đúng không? Thế mới rút ra kinh nghiệm nếu có đánh boss mãi không được, vào đọc lore biết đâu lại ngộ ra bí quyết.
Kính Hà Long Vương (bố của Xích Nhiêm Long) đang yên lành thì bỗng rảnh rỗi tạo mưa lũ cho dân chúng lầm than chơi nên đã phạm vào tội Trời bị lôi đi xử tử trên Trảm Long đài mất tiêu cái mạng. Cũng may, Kính Hà Long Vương khi ra đi không rơi vào cảnh mẹ già con nhỏ vì 9 đứa con của y thì hết 8 đứa đều đã khôn lớn, 4 thiếu gia đầu, được gọi là "Tứ Long" có địa vị nhất, được giao cai quản 4 con sông lớn ở Trung Quốc là Giang, Hà, Hoài, Tế.
Tuy chức quyền đầy đủ là vậy, Tứ Long vẫn cảm thấy tiền đồ phía trước thật u ám bởi trước đây cha của chúng có dậy phép dâng nước nhưng chưa có dạy rút nước, nếu cứ cai quản sông kiểu gì cũng lại phạm tội trời, bèn đến tìm thầy bói Viên Thủ Thành (chính là tiên sinh Hồ Lô tặng chúng ta pháp bảo thu thập linh hồn ở rừng trúc) để xem một quẻ lành dữ ra sao.
Viên Thủ Thành thấy mấy thiếu gia nhà Rồng đáng thương mới bèn bói rồi khích lệ rằng "Tiềm Long vật dụng", tức là "Rồng nên ẩn mình chớ có manh động", phải ẩn nhẫn rồi sẽ có lúc gặp thời. Những lời phán của Viên Thủ Thành không làm cho Tứ Long yên lòng mà càng cảm thấy tương lai bất ổn. Sợ rằng một ngày nào đó có thể mang họa sát thân như cha mình, cả bốn con Rồng bèn hẹn nhau đồng lòng, cùng một lượt nhất tề xông lên dâng sớ xin từ chức nhưng Thiên Đình không hồi âm chúng.
Xích Nhiêm Long là người con thứ tư, cai quản sông Hà. Vốn là kẻ nhanh nhạy với thời cuộc (hoặc là hắn nghĩ thế), nghĩ lên nghĩ xuống cuối cùng mới xuất ra một diệu kế, hắn bèn gom hết của cải tặng cho một nhân vật uy tín trong Tam Giới là tên yêu quái Hắc Phong, chỉ để đổi lấy một hang động bé tí ẩn sau một thác nước làm chốn nương thân. Ở đây hắn có thể an tâm ngủ một giấc dài, không cần quan tâm đến những biến động ngoài kia.
Một ngày nọ, Xích Nhiêm Long ngủ dậy và muốn vươn mình muốn bay một chút cho giãn gân cốt nhưng hắn đã ngủ lâu đến nỗi chẳng thể đạp mây mà lên trời được nữa. Xích Nhiêm Long nhớ lại người xưa có câu "Long dục phi thiên, tiên giai chỉ mộc", tức là rồng muốn bay lên trời, trước tiên phải tựa vào một thân cây để làm bàn đạp. Nhưng con Rồng râu đỏ thực hiện theo mà vẫn không bay được.
Hắc Phong Đại Vương đâu có bỏ qua cơ hội kiếm tiền tốt như vậy, bèn nói với Xích Nhiêm Long rằng: "Huynh đài chưa nghe câu "Long vô vân, năng bất thăng thiên" sao?" Tức là rồng mà không có mây thì không thể bay lên được.
Nhân đó bèn bán cho Xích Nhiêm Long một cái bếp lò gọi là "Bác Sơn Lư", khoe rằng là bảo vật hắn kiếm được khi ở Nam Hải, khi đốt lửa trong lò có thể tạo ra mây.
Xích Nhiêm Long cả nửa đời bay lượn trên mây, Nam Hải với loài Rồng mà nói cũng là chốn thân quen, dĩ nhiên hiểu rất rõ lửa lò không thể tạo ra mây được nên biết ngay là Hắc Phong có ý giúp mình thật, bèn chi bội tiền mua Bác Sơn Lư, nhưng vẫn chưa bay được.
Hắc Phong lại nói rằng một cái chưa đủ, tiếp tục ngỏ ý bán thêm cho con Rồng mấy cái Bác Sơn Lư khác. Xích Nhiêm Long lấy làm lạ, sao pháp bảo gì mà đại trà như thế, không phải có duy nhất một cái mà muốn bao nhiêu có ngay bằng đấy, hắn lờ mờ nhận ra, bèn đùng đùng tìm đến Hắc Phong tranh thủ mua, mua sạch cho bằng hết kẻo lỡ thời cơ hiếm có thu thập pháp bảo. Vậy là Xích Nhiêm Long từ đó luôn đeo rất nhiều lò lửa trên lưng, nhờ đeo vật nặng trên lưng nên trước kia chỉ bay được là là không quá ngọn cây nay nhảy lên cũng tạm coi là nhấc mình khỏi mặt đất.


Mặc dù có vẻ rất buồn cười, nhưng hàm ý trong mẩu chuyện ngắn này cũng rất sâu xa, Rồng trong văn hóa dân gian Trung Hoa vốn tượng trưng cho một sinh vật siêu việt - ấy thế nhưng nằm im một thời gian dài thì cũng thoái hóa trở nên vô dụng.
Câu chuyện bốn anh em Tứ Long vì lo lắng, sợ hãi trốn tránh sự đời để không gặp tai họa cũng là phép châm biếm rất thâm thúy, thể hiện thái độ nhu nhược của giới quan chức cầm quyền, đi làm quan có bổng lộc thì làm mà lỡ phải chịu trách nhiệm thì trốn tránh. Thực tình, dòng họ nhà Rồng giữ vai trò quan trọng mật thiết đến đời sống nông nghiệp của nhân dân thời xưa, người dân làm ăn được hay không, mùa màng có tốt hay không phụ thuộc cả vào họ - nhưng liệu họ có một ngày nghĩ đến dân không?
Kết cục của Xích Nhiêm Long và Tứ Long trong cốt truyện Black Myth: Wukong đem đến một nghịch lý rất khôi hài, chính vì sợ họa sát thân, vì trốn tránh nên họ mới gặp họa, nếu từ đầu bản lĩnh, nghiêm chỉnh làm quan thì có lẽ đã "gặp thời" đúng như Viên Thủ Thành phán.
Ấy là lý do vì sao chính cái lò Bác Sơn Lư đã khiến Xích Nhiêm Long nổ tan xác.

Black Myth: Wukong VN
109 | 8/25/2024 2:09:26 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
No data
Không có dữ liệu