Những bài học kinh doanh rút ra từ Itaewon Class


Nguồn ảnh: ELI9

Mình rất ít khi xem phim Hàn, nhưng lại thích mê Itaewon Class. Không phải vì tình tiết đầy drama xoay quanh mối tình tay ba của nhân vật chính hay các pha bẻ lái cực gắt đến từ biên kịch, mà vì những bài học kinh doanh được gài gắm trong phim. Đối với mình, điểm đặc sắc nhất phim chính là cuộc chiến kinh doanh giữa quán nhậu nhỏ bé DanBam và doanh nghiệp lớn đầy quyền lực Jangga. Sau đây là 5 bài học kinh doanh mà ELI9 rút ra được sau khi xem 10 tập đầu của Itaewon Class.

1️⃣ Kinh doanh vì con người 👨🏻‍💼


Sự khác biệt lớn nhất giữa chủ tịch Jang và Park Sae Royi chính là đức tin kinh doanh của họ.
Chủ tịch Jang tuy tài giỏi, nhưng là người từng dạy con mình rằng: nhân viên là để sai bảo. Mình là chủ, mình có quyền. Ông này chỉ thích khi nhân viên ngoan ngoãn nghe lời như một chú cún. Nếu chống đối thì sẽ phải lãnh chịu hậu quả.
Suy nghĩ đó không chỉ ăn sâu vào đứa con cả của ông, mà còn vào chính nhân viên. Khi Soo Ah thắc mắc về quyết định của Chủ tịch, thư ký Kim đã nói rằng: Chúng ta là nhân viên, việc của chúng ta là nghe lời. Một môi trường như thế liệu có lành mạnh? Hơn nữa, ngoài mặt thì xu nịnh Chủ tịch nhưng đã có nhiều người lập âm mưu nhằm lật đổ Jang Dae Hee, sẵn sàng ủng hộ giám đốc Kang soán ngôi ông.
Khác với chủ tịch Jang, đức tin của Park Sae Royi là kinh doanh vì con người. Anh từng nói: “Sự tín nhiệm của những người đó khiến tôi mạnh mẽ". Anh luôn quan tâm tới từng nhân viên của mình. Khi nhân viên phạm lỗi, anh cho họ nguồn động lực để sửa chữa lỗi lầm và cải thiện bản thân thay vì chì chiết và tìm người thay thế.
Hơn nữa, nhân viên của anh cũng là những người rất đặc biệt: một cô bé mới 20 tuổi (và còn mắc chứng rối loạn nhân cách chống đối xã hội) đã được giao chức quản lý , một người có tiền án bạo lực, người chuyển giới, người da màu, con trai của đối thủ truyền kiếp.
Nhưng, dù DanBam có gặp khó khăn gì, dù bị đình chỉ kinh doanh, phải rời địa điểm hay thua lỗ, họ vẫn theo Park Sae Royi đến cùng. Anh không ngừng đặt niềm tin vào họ, nên họ cũng luôn giữ vững niềm tin vào ông chủ của mình. Thậm chí nhà cung cấp thực phẩm của DanBam khi được Jangga offer một hợp đồng tốt hơn cũng từ chối.
Park Sae Royi đã dạy cho chúng ta một bài học về trọng dụng nguồn nhân lực. Đồng ý là kinh doanh phải ra lợi nhuận, nhưng một người kinh doanh giỏi phải biết tận dụng người và của, rồi mới đến tính đến lợi nhuận. Sự khác nhau lớn nhất giữa một nhà lãnh đạo và một quản lý chính là: Quản lý khiến nhân viên nghe lời, còn lãnh đạo khiến người ta tự nguyện theo bước mình.

2️⃣ Nghiên cứu thị trường thật kỹ trước khi mở rộng quy mô kinh doanh 🤓


Ở tập 3, Geun Won đề xuất tạo ra hệ thống tìm bạn gái tại cửa hàng chi nhánh Itaewon. Tuy nhiên, kế hoạch của anh này không chỉ bị bác bỏ, mà anh còn bị ăn một cú vả từ Chủ tịch aka bố mình. Lý do tại sao kế hoạch này sẽ thất bại?
Chính là bởi Geun Won không hề có một chút kiến thức nào về thị trường hay khách hàng Itaewon. Nếu đã nghiên cứu, hẳn anh sẽ biết được 2 điều sau:
👉Quán nhậu săn gái không hề phù hợp với Itaewon - nơi hội tụ nhiều nền văn hoá và có mức chi tiêu khá cao. Ở đây, điều khách hàng cần nhất chính là chất lượng quán ăn xứng đáng với số tiền họ bỏ ra.
👉Chủ đề quán nhậu săn gái chỉ phù hợp với giới trẻ. Đối tượng khách hàng mục tiêu (target customer) của Itaewon là độ tuổi 25-40, với thu nhập trung bình-cao. Những người như vậy liệu có nhu cầu đến quán nhậu tìm bạn gái?
Khách hàng là nhân tố quyết định số phận công ty bạn. Vì vậy, trước khi mở rộng địa bàn, phải nghiên cứu thật kỹ các thông tin cơ bản như độ tuổi, giới tính, thu nhập và sở thích, thói quen của khách hàng.

3️⃣ Theo đuổi giá trị bền vững, không chạy theo trend 🙅‍♀️


Vẫn là câu chuyện ở trên: Chi nhánh Hongdae và Kondae có doanh thu cao vì được biết đến như những quán nhậu tìm bạn gái, vậy tại sao ta không làm thế với Itaewon? Soo Ah đã đưa ra lý lẽ rất thuyết phục rằng: Chúng thành công là do đặc điểm của 2 khu phố đó, chứ không phải thứ công ty ta tạo ra.
Nếu bạn để ý thì xuyên suốt bộ phim, Jangga luôn luôn trung thành với giá trị mình đã xây dựng từ lúc thành lập đến giờ: đó chính là hương vị. Chính chủ tịch Jang luôn đích thân đi từng chi nhánh để kiểm tra chất lượng món ăn thường xuyên, nhằm đảm bảo giá trị ấy luôn được duy trì.
Nếu chạy theo trend, thay đổi chiến thuật marketing, hình ảnh thương hiệu của Jangga chắc chắn sẽ bị tổn hại. Tuy là vai phản diện nhưng ta không thể phủ nhận rằng chủ tịch Jang là một doanh nhân rất tài ba, với tâm thế duy trì những giá trị bền vững mà mình đã gây dựng từ đầu.

4️⃣ Tích tiểu thành đại và bài học về đầu tư 💵


Khi Park Sae Royi mất bố, mọi thứ xung quanh anh như sụp đổ. Khi ấy, trong tay anh chỉ còn đúng số tiền bảo hiểm thiệt mạng của bố. Với số tiền ít ỏi ấy, Sae Royi không giữ lại một đồng nào mà đầu tư hết vào công ty lớn nhất nhì đất nước, đồng thời là công ty của kẻ thù gián tiếp hại chết bố mình.
Chắc bạn đang nghĩ, tiền bảo hiểm ít như thế, mà Jangga lại là công ty lớn, giá cổ phiếu chắc chắn rất cao, làm gì có chuyện mua nổi đúng không? Sae Royi hiểu được điều đó, và kiên nhẫn chờ đợi. Anh chờ đến thời điểm khi Jangga đang có scandal hành hung nhân viên của Geun Won, chờ đến khi giá cổ phiếu tuột dốc rồi mới vung tiền đầu tư.
Điều khiến mình thích nhất ở nhân vật này là có tầm nhìn xa trông rộng và biết chớp thời cơ. Tám năm sau, số tiền ít ỏi ấy đã lên đến 1,9 tỉ won, chờ thêm 1 năm nữa là được thêm 500 triệu. Kế hoạch của Park Sae Royi như một cú đánh bất ngờ vào nội bộ Jangga, khi anh được xuất hiện trong danh sách cổ đông chính của Jangga và khiến Chủ tịch Jang phải đến tận nơi gặp mặt.

5️⃣ Tầm ảnh hưởng của mạng xã hội và Influencer 👸🏻


Influencer là những người tạo nên tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội như YouTube, Facebook, Instagram,.. Trong trường hợp này, Jo Yi Seo chính là một influencer chính hiệu với hàng ngàn người theo dõi trên Instagram.
Thời gian đầu, DanBam không hề có khách hàng vì vẫn quảng bá theo phương pháp truyền thống: mặc đồ linh vật và phát tờ rơi ngoài đường. Nhờ Yi Seo quảng cáo DanBam trên Instagram cá nhân mà ngay ngày hôm sau, khách hàng lũ lượt kéo đến check in vì “có chị hot girl khen quán này ngon”, “chị í còn đang làm quản lý ở đây nữa.” Nhiều người còn phải xếp hàng để chờ được vào quán.
Ngoài đời cũng vậy, quảng cáo qua KOLs hay Influencer luôn là một chiến thuật Marketing hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số ngày nay. Bạn thấy một food blogger nổi tiếng khen quán bánh mì này ngon, lại còn đăng kèm thông tin khuyến mãi của quán, nên hôm sau bạn phải đến thử ngay cho nóng. Bạn thấy một beauty blogger khen dòng son này dùng thích, màu đẹp, mềm môi, bạn vội vàng order ngay một thỏi qua đường link mà họ cung cấp.
Tất nhiên, trong thực tế thì giá để thuê một Influencer quảng cáo cho nhãn hàng của bạn không hề rẻ, có thể lên đến hàng chục triệu đồng. Bởi vậy mới nói, Park Sae Royi quả là may mắn khi được một Influencer đình đám như Yi Seo PR miễn phí cho quán ăn của mình. 🤷🏻‍♀️

✅ KẾT


Với những người nghĩ rằng phim Hàn chỉ nói về tình cảm nam nữ sến súa, hãy xem ngay Itaewon Class. Nhân vật chính của bộ phim không phải là anh chàng Park Sae Royi, mà chính là đức tin mãnh liệt của anh - tin vào sự tự do, không chịu khuất phục trước bất công. Bộ phim khắc hoạ nhiệt huyết của những người trẻ và đức tin của họ. Dù họ có tin vào lợi ích của bản thân hay đấu tranh vì người mình yêu thì cũng đều là những nhân vật rất thú vị.
Nhạc phim hay, góc quay đẹp. Xem xong thấy hừng hực khí thế tuổi trẻ. Đáng xem, 8/10.
281 | 6/13/2023 9:28:43 PM
Bình luận
No data
NoData