Sự cần thiết của Tự mình suy tư vấn đề

Trước đây, mình hay có thói quen hễ thấy vấn đề gì khó xíu là chạy đi tham khảo Google cho tiện.

Và mình nghĩ đây cũng là thói quen chung của nhiều người trẻ lớn lên cùng internet: chúng ta đề cao sự tối ưu hóa thời gian, trong khi thông tin ta cần thì lại quá dễ tìm, cho nên ta sa đà vào việc tìm những giải đáp nông và tiện lợi. Thói quen này về lâu dài sẽ khiến chúng ta lười tư duy, làm việc không hiệu quả, và cảm thấy bối rối trong ma trận tri thức hiện đang quá đỗi rộng lớn và phức tạp.

Sau này, có một số lần, mình gạt hết đống sách, tắt luôn wifi, chỉ ngồi lại một mình với tờ giấy trắng cùng cây bút, và thế là thời gian như ngừng trôi, mình thật sự đối diện với vấn đề của mình. Lúc ấy, các ý tưởng trở nên rất mạch lạc, và thường dẫn mình đến những quyết định nhanh chóng và hiệu quả. Mà cho dù vấn đề có trở nên khó hơn mình tưởng, đôi khi khiến mình nhìn lên trần nhà và thở dài, thì ít nhất, sự khó khăn đó cũng đã rõ ràng hơn, chứ không còn là một làn sương mù khiến mình hoang mang như trước nữa.

Rõ ràng là kiểu tư duy chủ động thế này đem lại kết quả rất khác với kiểu tư duy vay mượn từ sách, báo, blog, youtube,... Tư duy vay mượn, dù là từ vĩ nhân nào chăng nữa, thì nó cũng chỉ là tư duy của người khác, tuy có lợi ích nhất định mang tính tham khảo, nhưng cũng rất hạn chế trong việc giúp ta thật sự giải quyết vấn đề của riêng ta.

Chúng ta cần giải pháp riêng tư, cho vấn đề riêng tư.

PHẦN I. NGUYÊN NHÂN, HỆ QUẢ CỦA VIỆC LƯỜI TƯ DUY

Bạn sẽ không thật sự giải quyết được vấn đề nếu không truy đến tận gốc nguyên nhân vấn đề.

1. Tại sao chúng ta lười tư duy

Tự mình suy tư là khó, và có 3 lý do chính:

a. Từ nhỏ, chúng ta đã không được khuyến khích tư duy độc lập

Chúng ta hôm nay là sản phẩm của sự giáo dục chủ yếu từ gia đình, nhà trường, và xã hội.

Khi đi học, môn duy nhất cho phép ta nêu lên suy nghĩ là môn văn, thì cũng phải chấm theo barem điểm, đủ ý đủ điểm. Do vậy, học sinh sẽ có xu hướng nêu cảm nghĩ dựa trên những ý tưởng đã được quy định trước (what to think). Và sự học thế này khiến cho chúng ta sợ suy tư, vì chỉ cần nói lên ý nghĩ của mình, ta sẽ bị trừng phạt.

Bạn có thể đọc thêm bài viết này của tác giả Tornad để hiểu rõ hơn cách nền giáo dục của chúng ta vận hành:

Với phần lớn gia đình, thì bố mẹ sẽ phải đi làm, nên ít có thời gian để chăm sóc, giám sát cho sự học của con. Bản thân bố mẹ cũng là nạn nhân của nền giáo dục và văn hóa cũ, cho nên họ phần lớn là ít có kiến thức về tâm lý, giáo dục, để thực sự hướng con đến với tư duy độc lập. Có thể thấy tâm lý "thương cho roi cho vọt", đề cao bạo lực, là một trong biểu hiện thất bại của giáo dục như vậy.

Vậy là, dù là ở gia đình, hay ở trường học, chúng ta đa phần đều không được khuyến khích tư duy độc lập.

b. Cách xã hội vận hành

Trong cuốn tự truyện Totto-chan bên cửa sổ, trường tiểu học Tomoe trông như thế này:

♦ Buổi sáng là giờ học. Chiều thì tự do, học sinh ra sân trường chơi tùy ý. Trường không cho bài tập về nhà.

♦ Trong giờ học, học sinh lựa môn mình thích. Tức là cả lớp cùng lúc sẽ học nhiều môn.

♦ Thầy cô rất tôn trọng suy nghĩ của học sinh. Thầy hiệu trưởng thậm chí còn ngồi nghe Totto-chan kể chuyện suốt 4 tiếng đồng hồ. Đó là lần đầu tiên và duy nhất trong đời, có người lắng nghe Totto-chan lâu vậy.

Nhưng ở cuối sách, tác giả bảo rằng bây giờ Nhật Bản không thể có một ngôi trường như vậy nữa.

Vì sao? Vì xã hội cơ bản là không muốn có những cá nhân tự do.

Để một tập thể thật sự mạnh và tồn tại được, thì các cá nhân phải hy sinh lợi ích bản thân cho mục tiêu, ý chí của tập thể. Và trong lịch sử loài người, các tập thể, quốc gia hiếu chiến đã tiêu diệt những cộng đồng người yếu thế hơn.

Đó là lý do, điểm số sức mạnh quân sự (PowerIndex 2022) của các quốc gia sau đây là lớn nhất thế giới: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Và bây giờ, hãy đoán xem nền giáo dục của các nước này áp lực như thế nào?

c. Thay đổi thói quen là khó, thay đổi thói quen tư duy càng khó hơn

Thông thường, chúng ta được khuyến khích những thói quen hữu hình, khá dễ hiểu như: siêng thể dục, ăn uống lành mạnh, chăm đọc sách,... Người ngoài nhìn vô sẽ dễ dàng đánh giá, thấy ngay kết quả.

Nhưng ngay cả các thói quen đó chúng ta cũng khó mà làm được.

Những thói quen vô hình như thói quen tư duy thì lại càng khó hơn nữa: ví dụ như thói ghen tỵ.

Một trong những lý do ta khó thuyết phục được một người thay đổi cách họ suy nghĩ, đó là do tư duy mang tính hệ thống.

Ví dụ như anh A có tư duy gia trưởng, thì kèm theo tư duy đó là đức tính hiếu thảo, tự tôn dân tộc, coi trọng thắng thua, cái Tôi rất lớn, dễ phản ứng.

Cho nên, thuyết phục một người thay đổi là khó, vì như vậy chẳng khác gì thay đổi hết tính cách của họ. Và bạn sẽ thường xuyên nghe lời khuyên rằng đừng cố gắng thay đổi một người.

Tóm lại phần này đó là:

  • Về ngoại cảnh: Cả nền giáo dục lẫn xã hội đều không khuyến khích ta tư duy độc lập.
  • Về cá nhân: Thay đổi thói quen tư duy là khó.

Khi thấy thay đổi tư duy khó quá, bạn có thể nản, nghĩ rằng, "Thôi kệ, người ta sao thì mình cứ vậy, không nghĩ nữa, mệt!". Nhưng suy nghĩ đơn giản vậy lại đem đến những hậu quả nhất định.

2. Tác hại của tư duy phụ thuộc, thụ động

a. Thế giới quan lẫn trải nghiệm sống bị bó hẹp

Tư duy thụ động là thế này: khi ta đối diện một vấn đề, ta thường theo công thức "Nếu A, làm B, thì C". Tức, mọi vấn đề đều theo công thức ABC. Ta chẳng cần nghĩ gì nhiều nữa cả.

Ví dụ: Nếu Không có tiền (A), thì Tán gái (B) sẽ Không được (C). Đó là định kiến 'Tán gái phải có tiền'.

Nhưng thực tế thì không có tiền vẫn có thể tán gái được. Không nhất thiết cứ đi tự ti rồi bỏ lỡ mất cơ hội.

Hồi sinh viên mình thường yêu đương mà không cần nhiều tiền, và tất cả người yêu cũ mình đều chia sẻ tình phí một cách hợp lý.

Hồi đấy mình túng tiền tới mức đi ăn hàu nướng với người yêu, thấy menu, thế là nói dối là anh ở nhà ăn no rồi, và để người yêu ăn phần lớn bữa đó, xong tối về mình ăn mì tôm bù.

Một tháng mình tốn chắc tầm 500k trở xuống. Tụi mình hoàn toàn có thể đi ăn tô hủ tíu lề đường 15.000đ cùng nhau rất vui. Lựa mua tặng đồ si 10.000đ cho nhau. Hay có những chuyến đi phượt siêu rẻ,...

Tất nhiên vì đa phần xã hội đều sống phụ thuộc vào định kiến, tư duy tập thể, nên câu nói "phải có tiền mới tán gái" lại trở thành có tác dụng. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều nam giới tự ti rồi FA, và những người nhiều tiền thì lại có hàng chục tình nhân, thay bồ như thay áo.

Tuy vậy, nếu có tư duy độc lập, bạn sẽ tự do hơn, còn vấn đề tình và tiền có thể tóm gọn trong chữ "tùy": Tùy người, tùy cảnh, tùy cơ ứng biến. Ít tiền thì tán gái kiểu ít tiền.

Và thực tế thì với các xã hội tương đối bình đẳng nam nữ, tư duy độc lập được khuyến khích, thì chuyện "tán gái phải có tiền" không quá quan trọng. Phụ nữ họ quan trọng cảm giác bên cạnh người đàn ông, tính cách người ấy hơn là độ dày của ví tiền.

Dù sao mình cũng không cổ xúy sống nghèo, ngược lại, mình khá nghiêm túc chuyện tài chính. Và hiện tại mình cũng sẵn sàng chi phần lớn tình phí, vì mình hiện tại khác thời sinh viên rồi.

Chốt lại ở đây đó là: nếu bạn tư duy định kiến, bầy đàn, thì thế giới quan lẫn trải nghiệm sống của bạn sẽ bị bó hẹp trong những niềm tin cứng nhắc đó.

b. Học tập, làm việc thiếu hiệu quả

Xã hội luôn biến chuyển để có kẻ thắng, người thua - thương trường là chiến trường, cho nên các vấn đề mới sẽ luôn xảy ra và đòi hỏi giải pháp tương ứng. Nếu vẫn cứ suy tư bằng một nền tư duy cũ kỹ, ta sẽ bị chậm chân, qua mặt,... Những ai đã ra trường và bắt đầu đi làm sẽ hiểu được điều này.

Ngay cả chuyện học hành ở trường lớp, khi mà những đòi hỏi về kiến thức là rất chân phương, ít có sự phức tạp như kinh doanh, thì cũng cần một sự tư duy mang tính cá nhân và sáng tạo.

Lấy ví dụ, với môn Địa Lý, làm sao để bạn nhớ tên các con sông ở Tây Bắc?

Nếu bạn học thuộc lòng là có 4 con sông gồm: sông Đà, sông Mã, sông Nậm Thi, sông Bôi; thì sự học của bạn sẽ rất trắc trở vì phải nhồi nhét kiến thức quá nhiều.

Thay vì vậy, nếu bạn có thể sáng tạo ra một sự liên tưởng, mà chỉ riêng bạn có, thì bạn sẽ học rất dễ, và nhớ bài rất lâu, ví dụ như thế này: Con Đà điểu và con Ngựa tham gia cuộc Thi chạy, con nào thua thì bị Bôi nhọ nồi lên mặt. Bạn thích con nào thua, mặt đen thui thì tùy bạn tưởng tượng.

Đó là lý do, các bậc cha mẹ nên cho trẻ con có một tuổi thơ thật huy hoàng, được tự do khám phá, những yếu tố này sẽ giúp chúng có nhiều vốn sống, sau này học và thích ứng rất nhanh.

c. Lười tư duy khiến tâm lý tiêu cực, cuộc sống khó khăn

Xã hội này vận hành dựa trên những quy tắc nhất định, giống như một trò chơi với những luật chơi phức tạp vậy.

Và để chơi trò chơi của xã hội, bạn cần tư duy để hiểu thật cặn kẽ luật chơi, từ đó bạn cũng sẽ chơi tốt hơn, thậm chí có thể từ chối luật chơi với một sự vững tâm, vì bạn nhận ra có luật chơi khác phù hợp hơn với bạn.

Tuy nhiên, vì tư duy là khó, nên nhiều người lựa chọn việc không tư duy. Họ chọn những giải pháp dễ dãi hơn như im lặng, thỏa hiệp với cái sai, rồi cố gắng theo đuổi những mục tiêu vô nghĩa, đi ngược mong muốn của họ. Khi tâm lý tiêu cực, họ tìm đến những sự thỏa mãn nhất thời như luyện phim, cày game, ăn uống no say, nhậu nhẹt bí tỉ.

Thậm chí, đọc sách tuy là thói quen tưởng tốt, nhưng nếu chỉ đọc để hài lòng với những đáp án dễ dãi, mà không tư duy phản biện lại cuốn sách, thì rất dễ sinh ra thói ảo tưởng, suy nghĩ đơn giản, nghiện lời khuyên, rồi không thay đổi được điều gì một cách vững chắc cả.

Lười tư duy tuy trong ngắn hạn sẽ giúp ta thanh thản hơn, ít phải lo nghĩ, nhưng thực tế lại khiến cuộc sống trở nên khó khăn, khổ sở, sống không được là chính mình.

Khủng hoảng tuổi trung niên, chính là cái kết buồn cho một tuổi trẻ suy nghĩ đơn giản, không nhìn thấy trước những tác hại lâu dài về sức khỏe, tâm lý, tài chính, các mối quan hệ.

Để thoát khỏi cái kết cục đó, ta cần học cách tư duy một cách chủ động, độc lập, ngay từ khi còn trẻ. Mà phần sau đây, mình sẽ trình bày cách để Tự mình suy tư vấn đề.

PHẦN II. KỸ NĂNG TỰ MÌNH SUY TƯ VẤN ĐỀ

ĐỐI DIỆN VẤN ĐỀ BẰNG VĂN BẢN

1. Bước đầu tiên và căn bản nhất, là bạn cần ngồi một mình với cây bút và tờ giấy trắng.

Sau đó, bạn ghi vấn đề bạn đang đối mặt lên giữa trang.

Ở đây, mình sẽ lấy một vấn đề gần gũi với hầu hết chúng ta để minh họa: Trì hoãn.

Và khi gõ bài tới đây, mình cũng đã lấy một tờ giấy trắng ra và để trước mặt: chúng ta sẽ cùng nhau suy tư vấn đề.

2. Bạn cần cụ thể. Hãy viết thứ thật sự diễn ra trong đầu bạn.

Bạn không nên ghi "Trì hoãn", nó không cụ thể. Mà hãy viết:

"Mình đang trì hoãn việc viết, ngày mai mình sẽ bắt đầu, giờ mình sẽ chơi game."

Khi trì hoãn việc cần làm, thường chúng ta sẽ tự nhẩm với bản thân rằng "Mai mình sẽ bắt đầu", "lần này nữa thôi", rồi mới chính thức chơi game, luyện phim, order đồ ăn, coi porn, lướt youtube, facebook, tiktok và tự trách bản thân sau đấy.

3. Phân nhỏ vấn đề ra, rồi phân tích để thấy trọng tâm vấn đề

Bạn không thể cắn một lúc hết chiếc bánh to được, phân nhỏ ra thì dễ ăn hơn. Giải quyết vấn đề cũng vậy.

Ở đây, sau khi chia vấn đề ra, chúng ta có 3 thành phần:

♦ Mình đang trì hoãn viết

♦ Mai mình sẽ viết

♦ Mình giờ chơi game

"Trì hoãn" là một từ khá mơ hồ, thật ra là mình đang "sợ viết", "ngại viết" thì mới đúng và cụ thể.

Thế nên, dùng đúng từ thì ta mới nhận đúng vấn đề được. Vậy hãy đổi sang:

♦ Mình đang trì hoãn viết --> Mình đang sợ viết

Trong 3 thành phần, thì "chơi game" là thứ chưa xảy ra, nên nó không phải là trọng tâm vấn đề.

Cái đang xảy ra mới là trọng tâm vấn đề, đó là ta đang sợ viết, và ta tự nhủ "mai sẽ viết" để tự thuyết phục mình.

4. Truy nguồn tận gốc vấn đề

Một điều dễ xảy ra khi làm tới bước này, đó là ta đi giải quyết luôn vấn đề, chứ không còn thắc mắc hay suy tư nữa. Vì cơ bản là ta vốn đã thừa hiểu lý do rồi, ta đọc cả mớ sách về vấn đề này rồi, cái ta thiếu chỉ là động lực thôi.

Bạn viết lên giấy, thấy mình tư duy thật sai, và bạn nhận ra luôn.

Đối diện sự sợ hãi, và cái chết của sợ hãi là điều chắc chắn. - Mark Twain.

Trong sự nhận ra, đã bao gồm giải pháp.

Giống như bạn nhận ra cục cứt giữa đường vậy, bạn không đạp nó nữa. 😄

Có khả năng là bạn chưa truy tới tận nguồn vấn đề của bạn, nên nếu bạn đi làm việc bạn đang trì hoãn, thì nhiều khả năng là bạn sẽ thấy khó khăn và từ bỏ. Đặc biệt với những việc đòi hỏi sự kiên trì như viết lách, đọc sách, học tập.

Đó là câu chuyện thường gặp của việc Nghiện sách self-help: đọc lời khuyên, cảm thấy phấn khích, làm, và thất bại, xong thất vọng, xong đi đọc tiếp lời khuyên.

Một vòng lặp không lối thoát.

Để thoát khỏi vòng lặp đó, bạn cần tạo thói quen ngồi lại với vấn đề, một cách kiên trì, chứ không đi tìm sự giải thoát trong mấy cái giải trí nhất thời.

ĐỐI DIỆN VẤN ĐỀ BẰNG HÀNH ĐỘNG

Có một hiện tượng thế này:

  1. Bạn nghĩ rằng bạn ghét một việc, nhưng đến khi thực sự động tay vào làm việc đó, thì bạn lại thấy nó không tệ như bạn nghĩ: Ví dụ ngồi viết cái bài bạn đang sợ. Hay ra ngoài chạy bộ.
  2. Hoặc, bạn nghĩ rằng bạn thích một thứ, nhưng đến khi gặp, thì bạn lại thấy không thích: Ví dụ gặp một người và nói chuyện với người đó.

Vậy, cái suy nghĩ của bạn, nó có đáng tin cậy không, khi mà nhiều lần trải nghiệm, bạn thấy nó không như bạn nghĩ?

Đây chính là một hạn chế rõ ràng của Lý trí: nó chưa có trải nghiệm, mà chỉ là phỏng đoán.

Điều này đem đến cho Hành động một sức mạnh nhất định trong việc hiểu sâu hơn vấn đề. Bởi Hành động tranh thủ được cái "vô thức", "tiềm thức" của bạn, thứ mà khi bạn lý luận, bạn không thể khơi dậy được, nó chỉ xuất hiện lúc bạn thực sự trải nghiệm sự vật, hiện tượng đó.

Lần sau, hãy coi thường suy nghĩ của bạn một chút, và thử bắt tay vào làm cái bạn đang sợ.

CÁI HAY CỦA VIẾT VẤN ĐỀ LÊN GIẤY

Đầu tiên, vấn đề sẽ xuất hiện dưới dạng suy nghĩ.

Suy nghĩ, là bạn đang có sự phản ứng. Những ngôn từ, hình ảnh, cảm giác cứ đan xen xuất hiện rồi biến mất.

Suy tư, là bạn mời gọi suy nghĩ đó lại ngồi với bạn, lắng nghe nó.

Vậy, khi vấn đề ập tới trong suy nghĩ bạn, hãy mời vấn đề ngồi lại bằng dạng văn bản, rồi suy tư vấn đề.

Tư duy trên mặt giấy sẽ mạch lạc rõ ràng hơn là suy nghĩ lộn xộn. Nó cũng tạo cảm giác bạn đang làm chủ vấn đề.

Và để hiểu vấn đề hơn, bạn cần có lòng tò mò với nó, đặt câu hỏi tại sao, thế nào, và cố gắng trả lời. Dần dần bạn sẽ thấy là một tờ giấy là không đủ, bởi các vấn đề của cuộc sống vừa phức tạp, lại khá chồng chéo lẫn nhau.

Nếu cảm thấy khó quá, vì bạn thiếu kiến thức và kinh nghiệm, thì bạn có thể tham khảo cách người ta giải quyết vấn đề cụ thể đó. Và cứ thế, cả bạn lẫn vấn đề sẽ dẫn dắt nhau tới một kết luận, hành động nhất định.

Vì việc học có khi là cả đời, nên chắc chắn là bạn sẽ có lúc sai, nhận lầm vấn đề. Và chuyện này là bình thường. Bạn của tuổi 30 sẽ nhận thấy bạn tuổi 20 ngốc nghếch thế nào.

Quan trọng là bạn cần giữ thói quen đối diện vấn đề, coi nó là thói quen cốt lõi mà bạn sẽ đem theo suốt cuộc đời. Rồi bạn sẽ sớm nhận thấy thành quả từ thói quen đơn giản này.

LỜI KẾT

Đối với các kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving skills), thì cụm từ "mô hình tư duy" (mental models) hiện đang là một cụm từ ngày càng thịnh hành, với hàng trăm mô hình khác nhau. Nhưng thực chất chúng không quan trọng lắm, đọc tham khảo thì được.

Bạn hãy nghĩ chúng như một trăm kiểu bơi khác nhau vậy.

Ngồi vào bàn, thẳng lưng, cầm cây bút trên tay, đối diện tờ giấy trắng, là bạn đang làm điều quan trọng nhất: nhảy vào làn nước.

Và nếu bạn giữ được thói quen nhảy vào làn nước thật nhiều lần, thì bạn sẽ không sợ nước nữa. Thậm chí bạn còn có thể thử nhiều kiểu bơi khác nhau.

Và đây cũng chính là điều mà cả bài viết này muốn nhắn nhủ.

Chúc bạn thành công.

Trà Kha

673 | 1/27/2022 2:23:05 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register