Nợ công quốc gia có phải là vấn đề lớn như mọi người vẫn lầm tưởng?

Đây là một bài blog người viết đã nung nấu ý định viết từ lâu nhưng luôn trì hoãn vì những ý tưởng mang tính đột phá nhưng không kém phần điên rồ mà độc giả chuẩn bị biết đến. Tất cả những ý tưởng người viết chuẩn bị trình bày dưới đây đều đến từ Học Thuyết Tiền Tệ Hiện Đại (Modern Moneratry Theory) đầy tranh cãi trong cộng đồng học giả kinh tế lý thuyết. Học thuyết này đang dần tạo được một tiếng vang nhất định và ngày càng cảm hóa được nhiều người trở thành những con chiên ngoan đạo, tuy nhiên, những ý tưởng thuộc về trường phái này vẫn thường được xem là báng bổ đối với những giáo sư kinh tế học truyền thống. Nếu như ta xem kinh tế học là một tôn giáo lâu đời thì không hề quá lời khi nói rằng Học thuyết Tiền Tệ Hiện Đại là một dị giáo với những tín đồ cuồng tín luôn sẵn sàng tử vì đạo.
Chúng ta sẽ cùng nhau truy vấn xem tính hợp pháp của một loại tiền tệ đến từ đâu? Tiền tệ, về cơ bản, là một hệ thống niềm tin được chia sẻ bởi đám đông. Bản thân tiền tệ chỉ là một tờ giấy vô giá trị được tạo ra từ máy in được kiểm soát bởi ngân hàng nhà nước, nhưng giá trị của đồng tiền lại được đông đảo người mua và người bán củng cố qua thời gian thông qua các hành động giao dịch diễn ra hằng ngày. Nhưng nếu ta truy xét về nguồn gốc ban đầu của bất kì loại tiền tệ nào trên thế giới, hệ thống niềm tin này đã hình thành và bắt đầu như thế nào?
 
Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu xem liệu nợ công quốc gia có thật sự là một vấn đề nguy hiểm như giới báo chí vẫn thường xuyên khua chiêng đánh trống mỗi khi Hoa Ky chạm trần nợ công? Mỗi khi sự kiện lịch sử này diễn ra, như một thói quen đã trở thành truyền thống, đảng phái hai bên lại công kích và buộc tội lẫn nhau nhưng tất cả mọi người đều biết đây chỉ là màn kịch chính trị được trình chiếu cho cả thế giới chiêm ngưỡng, và sự thống nhất để nâng trần nợ công chỉ là vấn đề thời gian. Lưỡng đảng hiểu rõ rằng vấn đề thực sự không phải là mức trần nợ công đang quá cao có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng đời sống của thế hệ tương lai, thực tế thì lưỡng đảng hiểu rằng họ luôn có thể nâng mức trần nợ công liên tục miễn là nền kinh tế quốc gia có thể mở rộng và phát triển một cách tương ứng. Vấn đề thật sự luôn nằm ở sự khác biệt về tư tưởng chính trị và cách để đạt được thỏa thuận mà hai bên đều có thể xem là một chiến thắng đối với thành viên lưỡng đảng.
Người viết không hoàn toàn tin tưởng vào học thuyết này, nhưng người viết tin vào sự cởi mở đối với những ý tưởng mới, đặc biệt là những ý tưởng mang tính cách mạng có thể phá bỏ những nền móng tư tưởng đã cắm rễ vào tiềm thức của chúng ta. Suy cho cùng, kinh tế học luôn là một trong những ngành học đầy tranh cãi trong cộng đồng tri thức, nên nếu lĩnh vực này có thêm một đứa con quậy phá thì đây có thể xem là một truyền thống đáng được khích lệ.


Quyền lực tối thượng của một quốc gia đến từ đâu?


Max Weber, một nhà tư tưởng nổi tiếng người Đức, đã từng nói một trong những câu nói bất hủ mang tính biểu tượng trong lĩnh vực kinh tế-chính trị - "Nhà nước là một tổ chức nắm giữ quyền lực độc quyền trong việc sử dụng vũ lực một cách hợp pháp". Hai từ quan trọng mà chúng ta cần lưu ý ở đây là "độc quyền"(monopoly) và tính hợp pháp (legitimacy). Độc quyền là khi không ai khác có thể sở hữu quyền năng này, và hợp pháp là ta có quyền hạn để thực thi điều này mà không phải chịu trách nhiệm với bất kì ai. Quyền hạn này có thể đến từ luật pháp, và dĩ nhiên nhà nước chính là cơ quan tạo ra hệ thống pháp luật của một đất nước. Cho dù bạn có là người giàu nhất thế giới thì bạn cũng không được phép xây dựng quân đội hoặc lực lượng vũ trang của riêng mình, hoặc bạn có thể làm điều này một cách lén lút bất hợp tác và tự chịu những rủi ro to lớn đi kèm. Chỉ có duy nhất quốc gia là tổ chức có quyền xây dựng lực lượng vũ trang như quân đội hoặc cảnh sát được dùng để duy trì trật tự an ninh đất nước hoặc bảo vệ độc lập toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Người viết có thể nghĩ đến trường hợp của Prigozhin và lực lượng đánh thuê Wagner như là một bằng chứng phủ định cho nhận định trên của Max Weber, nhưng suy cho cùng thì ý tưởng của ông vẫn khá chính xác đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới. Thực tế thì nếu như các quốc gia trên thế giới ai cũng cho phép công dân của họ dễ dàng xây dựng lực lượng vũ trang cá nhân thì điều này luôn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh nội tại của chính quốc gia đó.
Nếu như quốc gia là một chủng người đặc biệt trên thế giới, điều gì họ sở hữu mà người bình thường khác không thể có? Điều gì là sự khác biệt mang tính cơ bản nhất giữa các quốc gia và những con người khác đang sinh sống trong biên giới của chính đất nước đó?
Sức mạnh độc quyền trong việc sử dụng vũ lực hợp pháp (monopoly on the legitimate use of force) mà Max Weber đã nói trên chắc chắn là một câu trả lời hoàn hảo. Tuy nhiên, sức mạnh này chỉ cho phép quốc gia khả năng kiểm soát an tinh và tăng cường khả năng bảo vệ bản thân trước những quốc gia khác. Để trở nên mạnh mẽ hơn qua thời gian, các quốc gia cần phải kiểm soát được dòng chảy kinh tế đang diễn ra hằng ngày trong lòng đất nước, và đây là lúc quyền lực tối thượng khác của một đất nước được phơi bày - sức mạnh độc quyền trong việc tạo ra tiền tệ được lưu hành trong nền kinh tế.
Nếu quốc gia là một chủng người đặc biệt, điều khiến họ đặc biệt chính là hai loại quyền lực tối thượng mà những người dân bình thường, cho dù họ có giàu có hoặc tài giỏi thế nào, cũng không tài nào có thể sở hữu:
  1. Độc quyền trong việc sử dụng vũ lực hợp pháp (monopoly on the legitimate use of force)
  2. Độc quyền trong việc phát hành tiền tệ được sử dụng trong nền kinh tế (monopoly on the issurance of currency)
Một sự thật đơn giản mà ai cũng phải công nhận là tất cả những loại tiền tệ khác nhau trên thế giới đều đến từ chính phủ sở tại của quốc gia đó, và không một ai khác có thể tạo ra nó, ít nhất là theo một cách một pháp (in tiền giả). Với sự thật trên, Học thuyết Tiền tệ Hiện đại khẳng định rằng chính phủ không thật sự cần phải kiếm ra tiền trước khi chi tiêu, theo cách mà những công dân có ích có cho xã hội vẫn thường suy nghĩ, mà thực tế họ có thể tự tạo ra tiền trước để tiêu xài và sau đó những đồng tiền này sẽ được đưa vào nền kinh tế. Sau đó chính phủ sẽ tạo ra các loại thuế quan khác nhau với mục đích hợp pháp hóa đồng tiền đó bằng cách tạo ra nhu cầu tích trữ từ người dân. Chính phủ không cần tiền thuế của nhân dân để phục vụ cho mục đích chi tiêu, lí do của việc tạo ra thuế là để người dân phải thực hiện các nghĩa vụ thuế với chính phủ bằng chính đồng tiền mà chính phủ phát hành nhằm tạo ra nhu cầu sử dụng và tích trữ. Qua thời gian, tính hợp pháp của đồng tiền sẽ ngày càng được củng cố, và vì thế hệ thống niềm tin được chia sẻ bởi đám đông cũng sẽ từ đó mà hình thành.


Nói cách khác, khác với những công dân xã hội cần phải tạo ra được dòng tiền trước rồi mới có khả năng chi tiêu (hoặc bạn có thể đi vay, nhưng không sớm thì muộn bạn cũng phải dùng thu nhập trong tương lai để thanh toán khoản vay đó), chính phủ có thể chi tiêu trước mà không cần phải có sẵn tiền mặt trong tay, họ luôn có thể tự tạo ra tiền mới và chi tiêu ngay lập tức. Chính phủ không cần tiền thuế từ nhân dân trong các vấn đề liên quan đến chi tiêu công, mà chính chúng ta mới cần tiền tệ được hợp pháp hóa và ban hành từ chính phủ cho các nhu cầu chi chiêu của bản thân.
Từ từ nào, người viết biết bạn đọc đang nghĩ gì, nếu điều này tuyệt vời đến thế thì tại sao chính phủ không liên tục tạo ra tiền mới và chi tiêu thoải mái tẹt ga mà không cần phải suy nghĩ nhiều? Tại sao không in ra càng nhiều tiền càng tốt và phân phát miễn phí cho người dân?
Điều mà Học thuyết Tiền Tệ Hiện Đại luôn nhấn mạnh chính là số tiền nợ công của một quốc gia tăng cao như thế nào không quan trọng, điều mà chúng ta phải lưu tâm mà liệu sự gia tăng trong nợ công có thúc đẩy lạm phát tăng theo chiều hướng mất kiểm soát. Giới hạn thật sự trong việc chính phủ liên tục in ra tiền mới để chi tiêu chính là tốc độ tăng trưởng lạm phát. Nếu như khả năng sản suất ra hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia không gia tăng tương ứng với tốc độ tiền mới được in ra cũng như nhu cầu tiêu dùng trong xã hội, lạm phát gia tăng là không thể tránh khỏi, và lạm phát cao bất thường luôn là con quỷ dữ mọi nền kinh tế tăng trưởng ổn định cần phải tránh bằng mọi giá.
Chính phủ không thể cứ in ra tiền mới để chi tiêu mất kiểm soát chỉ vì họ sở hữu sự độc quyền trong việc tạo ra đồng tiền mới. Lạm phát tăng cao bất thường đã luôn được chứng minh trong lịch sự là mối hiểm họa lớn nhất nếu mục đích của chính phủ là tạo ra một nền kinh tế phát triển ổn định và lành mạnh. Gia tăng nguồn cung tiền lưu hành trong nền kinh tế một cách vô lối và bừa bãi khi khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một đất nước không thể theo kịp luôn là công thức nhanh nhất dẫn đến lạm phát phi mã. Khi lạm phát phi mã xuất hiện trong nền kinh tế, mọi chuyện có thể trở thảm họa trong nháy mắt vì niềm tin của người dân vào sự ổn định của đồng tiền đã biến mất. Khi điều này xảy ra, nền kinh tế của quốc gia đó đang bên vờ vực sụp đổ nếu như chính phủ không mạnh tay trong việc thiết lập lại mức lãi suất an toàn (thật sự thì không đơn giản để làm được việc này vì có những đánh đổi kinh tế đau đớn mà một quốc gia phải gánh chịu khi họ cố gắng đưa mức lạm phát cao xuống mức ổn định).

Lạm phát ảnh hưởng thế nào lên nền kinh tế?


Theo như triết lý của Học Thuyết Tiền Tệ Hiện Đại, vấn đề không phải là một quốc gia có bao nhiêu số không đằng sau con số nợ công, mà số tiền nợ công tăng cao có gây ra lạm pháp quá mức hay không. Số tiền mới được tạo ra sẽ lưu hành vào nền kinh tế và cuối cùng chảy vào túi tiền hoặc tài khoản ngân hàng của người dân, vì thế theo một cách hiểu trực diện, gia tăng nợ công quốc gia chính là gia tăng số tiền cuối cùng mà một người dân trung bình có thể nắm giữ.
Hiểu một cách đơn giản, khi chính phủ gia tăng nợ công, và điều này được thực hiện đúng cách thông qua các hình thức đầu tư công gia tăng khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế quốc gia, cuối cùng số tiền đó sẽ trở thành sự giàu có cho người dân. Miễn là chính phủ có thể thực hiện việc gia tăng nợ công mà không kéo theo lạm pháp tăng cao theo cách mất kiểm soát, thì chính phủ vẫn còn trong vùng an toàn cũng như dư địa để tiếp tục theo đuổi chính sách trên. Vấn đề không nằm ở việc số tiền nợ công đó lớn đến như thế nào (chính phủ không bao giờ lo lắng về vấn đề vỡ nợ vì họ luôn có thể in ra tiền mới để thanh toán), vấn đề thật sự chính là lượng cung tiền trong nền kinh tế quá lớn so với khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia dẫn đến lạm phát quá mức.
Lạm phát quá mức luôn là một vấn đề nhức nhối trong kinh tế học. Trên thực tế, lạm pháp ở mức thấp vừa phải là một điều tuyệt vời vì nó thể hiện nền kinh tế đang phát triển ổn định. Nhưng lạm pháp tăng cao bất thường thì lại là một vấn đề rất nghiêm trọng, một con quỷ dữ mà mọi nhà kinh tế học đều muốn đánh bại, vì một khi niềm tin vào sự ổn định của đồng tiền mất đi, mọi hành vi kinh tế có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của một quốc gia bắt đầu xuất hiện. Kinh tế luôn gắn liền với chính trị, một khi nền kinh tế đi xuống, không sớm thì mọi vấn đề chính trị cũng theo đó mà bùng phát như quả bom nổ chậm.
Điều này nghe có vể hiển nhiên với độc giả, nhưng do ý nghĩa của nó rất quan trọng nên người viết vẫn muốn nhấn mạnh ở đây - một tờ tiền giấy có bao nhiêu số không đằng sau không quan trọng, điều quan trọng là nó có thể mua được những gì?


Giá trị nội tại của tiền tệ không nằm ở con số, mà luôn nằm ở sức mua (purchasing power). Nếu như sức mua của một đồng tiền không ổn định, ví dụ như hôm nay bạn có thể dùng số tiền này mua 3 quả trứng, nhưng lại chỉ mua được 2 quả vào ngày mai, rồi ngày sau chỉ còn được có 1 quả, bạn nên tự hiểu là bạn chuẩn bị chết đói tới nơi rồi đấy. Lạm phát quá mức không gây ra mọi vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, nhưng mọi vấn đề nhức nhối liên quan đến chất lượng đời sống người dân đều có thể truy ngược về lạm phát. Vì thế để có được một nền kinh tế phát triển ổn định, kiểm soát lạm phát là điều kiện bắt buộc phải có.
Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới, Federal Reserse(thường được gọi tắt là Fed), từ trước tới nay vẫn luôn được Quốc hội Hoa Kỳ tin tưởng giao trọng trách quản lý hai nhiệm vụ kinh tế chiến lược quan trọng nhưng đối nghịch nhau:
  1. Giảm thiểu tình trạng thất nghiệp tới mức tối đa
  2. Kiểm soát lạm phát ở mức vừa phải (Mục tiêu là 2%)
Hai nhiệm vụ này vốn dĩ đối nghịch nhau là vì để đạt được một mục tiêu thì mục tiêu còn lại sẽ phải bị đánh đổi. Lạm pháp thấp và tỷ lệ thất nghiệp đi theo chiều hướng trái ngược nhau. Khi lạm pháp thấp có nghĩa là hoạt động nền kinh tế không được sôi nổi -> công ty không có thu nhập -> cắt giảm nhân sự để giảm chi phí hoặc không có nhu cầu tuyển thêm nhân viên -> thất nghiệp tăng cao. Lúc này để cải thiện nền kinh tế, chiêu thức mà Fed hay dùng là hạ lại suất, khi lãi suất đi xuống -> chi phí vay thấp -> người dân và doanh nghiệp đi vay tăng cao -> tiêu dùng cá nhân và đầu tư doanh nghiệp mở rộng -> gia tăng chi tiêu -> gia tăng thu nhập hiện tại -> nhu cầu việc làm tăng cao -> lạm pháp tăng theo tương ứng.
Theo một cách khá hài hước, có thể nói chiếc ghế chủ tịch Fed là một công việc cực kì tồi tệ, mặc dù theo lý thuyết đó là vị trí quyền lực nhất trên nền kinh tế toàn cầu, đơn giản là vì họ phải quản lý 2 mục tiêu về cơ bản là không thể đạt được đồng thời tại bất kỳ thời điểm nào, mà điều khả dĩ nhất mà họ có thể làm là đưa ra những quyết định đánh đổi cần thiết, tùy vào tình hình nền kinh tế hiện tại cần phải ưu tiên cái nào hơn. Mặc dù các bài phát biểu của chủ tịch Fed luôn là thông tin được giới tài chính toàn cầu theo dõi sát sao, nhưng thực tế thì ít ai hiểu được cái giá phải trả để đứng ở vị trí trên. Như một câu nói của Sơn Tùng đã gắn liền với tên tuổi của anh - "Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu cảm giác không ai chịu được". Trên thực tế, bất kỳ quyết định nào của Fed đều gây ảnh hưởng tiêu cực đến một nhóm người nào đó và họ luôn có lý do chính đáng để lên tiếng mỗi khi họ cảm thấy quyền lợi kinh tế của mình đang không được ưu tiên, vì thế chỉ trích luôn là điều diễn ra như cơm bữa mỗi khi Fed đưa ra một quyết định mới đơn giản là vì thế giới luôn có những người nghĩ rằng mình có thể điều hành nền kinh tế tốt hơn. Nói ngắn gọn là làm gì cũng sẽ bị ăn chửi và công kích, đó chính là công việc thường ngày của người đàn ông quản lý Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất thế giới.


Lý thuyết Tiền Tệ Hiện Đại khẳng định rằng giới hạn thật sự của việc gia tăng nợ công luôn nằm ở lạm phát, chứ không phải là số nợ đó lớn như thế nào như nhiều người vẫn thầm nghĩ, và dĩ nhiên là cả kịch bản quốc gia có thể vỡ nợ trong tương lai hoàn toàn vô căn cứ (người viết sẽ giải thích điều này ở phần dưới). Lạm phát quá mức chỉ có thể xảy ra nếu như lượng cung tiền tăng quá lớn so với khả năng sản xuất hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, khi lượng cung tiền tăng cao quá mức sẽ dẫn đến tần suất tăng cao trong hoạt động giao dịch diễn ra hằng ngày trong nền kinh tế, người dân ngày càng phải trả thêm nhiều tiền cho một lượng hàng hóa và dịch vụ đang không thể bắt kịp được với lượng nhu cầu đang tăng cao một cách chóng mặt. Khi số lượng sản phẩm không thể đáp ứng được số lượng nhu cầu, lạm phát tăng cao là điều không thể tránh khỏi (demand-pull inflation).
 
Nợ công thực sự không xấu như nhiều người vẫn lo sợ, số tiền nợ công lớn qua thời gian là bằng chứng rõ rệt nhất để nói rằng số lượng người giàu có ngày càng tăng qua thời gian. Khi chính phủ liên tục in tiền mới để chi tiêu công và qua đó tăng mức nợ công tương ứng hằng năm, số tiền trên sẽ bắt đầu được đưa vào nền kinh tế và cuối cùng sẽ nằm ở tài khoản một người dân nào đó trong đất nước. Dĩ nhiên, yếu tố tham nhũng và sự bất bình đẳng sẽ luôn tồn tại ở mọi nền kinh tế trên thế giới dẫn đến sự phân bổ dòng tiền bất công, phần lớn nguồn tiền mới khả năng rất cao sẽ chảy vào túi một số ít những cá nhân vốn dĩ đã giàu có và quyền lực. Tuy nhiên, ta không thể nói là sự gia tăng nợ công quốc gia không làm cho chính người dân đất nước đó, tính theo mức trung bình, trở nên giàu có lên.
Miễn là miếng bánh kinh tế ngày càng to ra, ta có thể tranh luận rằng ai xứng đáng có nhiều hơn và ai xứng đáng có ít lại, nhưng một khi miếng bánh ngày càng thu nhỏ, tất cả những gì bạn có là một trò chơi tranh giành đẫm máu một phần lợi ích ngày càng tan biến qua thời gian. Những quốc gia giàu có như Hòa Ky hay Nhật Bản đều có mức nợ công lớn kinh khủng, nhưng người dân họ vẫn có mức sống tốt hơn rất nhiều nếu so với những quốc gia khác. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia tin rằng nợ công quá lớn là một quả bom nổ chậm, và chính thế hệ tương lai của đất nước là những người sẽ hứng chịu vụ nổ kinh hoàng. Không sớm thì muộn thì toàn bộ số nợ trên phải được thanh toán, bằng cách này hay cách khác, và thế hệ con cháu trong tương lai chính là người sẽ phải khát nước do thế hệ cha ông của chúng đã ăn quá mặn.
Gánh một khoản nợ mà bạn không hề vay mượn chỉ vì chính phủ của bạn đã vay quá nhiều và chi tiêu hoang phí chắc chẳn không phải là điều làm cho bạn cảm thấy muốn cống hiến cho đất nước.

Nên hiểu như thế nào về nợ công?


Nợ công quốc gia luôn là một chủ đề nhạy cảm, nó luôn khơi dậy cảm giác vừa khó chịu vừa sợ hãi mỗi khi cuộc tranh luận nổ ra. Khi một quốc gia chi tiêu nhiều hơn số tiền nó kiếm được và nợ bắt đầu được hình thành, liệu số nợ trên có được chia đều cho dân số quốc gia đó? Liệu có công bằng khi nói rằng mỗi khi một đứa trẻ mới được sinh ra, nó đã gánh trên lưng món nợ mà chính phủ quốc gia đó đã vay mượn để xây dựng nên đất nước mà nó đang chuẩn bị sinh sống?
Có một xu hướng chung đang diễn ra trên toàn thế giới chính là nợ công quốc gia đang ngày càng phình to, đặc biệt là các quốc gia phát triển mà Hoa Kỳ là một ví dụ tiêu biểu. Công tác nâng mức trần nợ công của Hoa Kỳ đã trở thành một thủ tục định kỳ với những chiêu trò đấu tố chính trị cực kì kịch tích giữa hai phe đảng phái, việc hai bên không thể đi đến một thống nhất chung có thể đẩy Hoa Kỳ rơi vào tình trạng vỡ nợ luôn là một rủi ro thường trực được kịch tính hóa bởi với các kênh truyền thông biết rằng drama luôn là thỏi nam châm chất lượng thu hút lượng view khủng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đối với những người quá am hiểu trò chơi này, họ biết rằng kết cục trong tương lai luôn chỉ có một - lưỡng đảng đi đến thống nhất là tăng mức trần nợ công để tránh đẩy Hoa Kỳ rơi vào tình thế vỡ nợ. Hãy tạm thời bỏ qua yếu tố chính trị mà chỉ tập trung vào tính chất bất thường của sự việc, làm thế nào mà một quốc gia có thể liên tục vay nợ không có hồi kết như thế?
Câu trả lời là một quốc gia không thể vỡ nợ chừng nào chính phủ còn kiểm soát hoạt động phát hành tiền tệ được lưu hành trong nền kinh tế quốc gia đó. Một ví dụ khả dĩ nhất để hiểu rõ về ý trên là trường hợp của Hy Lạp, do ảnh hưởng sốc từ khủng hoảng tài chính 2008-2009, đã lâm vào tình thế vỡ nợ vì chính phủ đã mất đi khả năng thanh toán các món nợ đã vay trước đó. Nếu như Hy Lạp vẫn còn sử dụng đồng drachma cũ, một loại tiền tệ được sử dụng trước khi Hy Lạp chuyển sang sử dụng đồng Euro, thì khả năng thanh toán các khoản vay chắc chắn sẽ không phải là một vấn đề. Chỉ có duy nhất Ngân hàng Trung ương Châu Âu (European Central Bank) là có quyền hạn in thêm đồng euro ra nền kinh tế, và vì thế khi Hy Lạp chuyển sang sử dụng đồng euro cũng là lúc họ đã đánh mất quyền tự chủ trong khả năng tự phát hành đồng tiền lưu hành trong nền kinh tế quốc gia. Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffet cũng đã có những kết luận tương tự khi nhận xét về trường hợp vỡ nợ của Hy Lạp "Hy Lạp đã mất đi quyền tự chủ trong việc in tiền, nếu như họ vẫn tiếp tục in tiền drachma, họ sẽ có những vấn đề khác, nhưng khả năng thanh toán nợ vay sẽ không phải là một trong những vấn đề đó". Chừng nào một chính phủ vẫn còn kiểm soát hoạt động in tiền của đất nước, vỡ nợ không phải là một viễn cảnh tương lai khả thi, họ luôn có thể in ra tiền mới để trả cho các khoản vay cũ.


Dĩ nhiên chính phủ không thể lạm dụng quyền năng này một cách mất kiểm soát vì như người viết đã giải thích ở trên, lạm phát phi mã không phải là một trò đùa hài hước nếu như nó thật sự xảy ra. Vì thế chính phủ luôn phải sử dụng quyền năng "in tiền" một cách khôn ngoan và đầy thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức vừa phải nhằm thúc đầy nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
Khi chính phủ gia tăng thêm mức nợ công, điều đó đồng nghĩa với lượng cung tiền trong nền kinh tế gia tăng, và điều ngược lại cũng chính xác. Nợ công tăng cao của chính phủ chính là sự gia tăng nguồn cung tiền trong nền kinh tế, khi chính phủ thu nhiều hơn chi và qua đó giảm đi mức nợ công, điều đó cũng có nghĩa là số tiền trong túi người dân đã ít hơn trước (tiền bị rút ra khỏi nền kinh tế), và khả năng xảy ra suy thoái kinh tế cũng ngày càng tăng cao với mỗi năm mà ngân sách thặng dư tài chính của chính phủ là số dương thay vì là số âm. Bạn đọc có thể thấy điều này mỗi khi nền kinh tế đang yếu kém cần nhận sự hỗ trợ tức thời, gia tăng đầu tư công luôn là giải pháp được chính phủ ưu tiên thực thi. Khi tổng tiêu dùng đang quá thấp, chính phủ phải là bên đứng ra lấp đầy khoảng trống chi tiêu trong nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng trở lại.

Sự hoảng sợ về nợ công quốc gia của một bộ phận người dân là hoàn toàn có thể hiểu được, họ đã bị truyền thông hoặc các kênh fake news đánh úp vào nỗi sợ. Bạn sẽ gánh một số nợ khi bạn vừa mới sinh ra đơn giản bởi vì nhà nước của bạn đã vay tiền một cách ngu ngốc, số nợ không thể tự biến mất đi mà phải được thanh toán, vì thế nếu một ngày nào đó chính phủ vỡ nợ, con dân là người sẽ bị chủ nợ lôi đầu ra siết nợ. Gánh một khoản nợ bạn không hề vay mượn chắc chắn là một nỗi nợ có thể làm cho chúng ta phát điên đến mức quẫn trí. Như người viết đã giải thích ở trên, một quốc gia kiểm soát hoạt động in tiền như Việt Nam không thể mất đi khả năng thanh toán như Hy Lạp, và tình hình kinh tế - chính trị ổn định trong khu vực Đông Nam Á chắc chẳn không thể biến Việt Nam trở thành một Argentina thứ 2. Trong tương lai gần, người viết không thể hình dung ra một viễn cảnh mà nhà nước Việt Nam tuyên bố vỡ nợ trước thế giới và người dân phải chung tay góp tiền túi cá nhân để tất toán món nợ mà họ chưa từng vay mượn (Không thể chắc chắn điều gì trong dài hạn vì mọi thứ đều có thể thay đổi chóng mặt). Hãy nhìn trường hợp của Nhật Bản, 9.2 nghìn tỷ USD là con số nợ công, xấp xỉ 260% GDP quốc gia, là quốc gia có mức nợ công lớn nhất trong các nước phát triển trên thế giới. Các chuyên gia kinh tế trên thế giới đều chỉ ra rủi ro vỡ nợ đang ngày càng tăng cao đơn giản là vì số nợ lớn như thế không thể nào ổn định được, một ngày nào đó quả bong bóng nợ công sẽ phải phát nổ, và kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường khi một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới lâm vào cảnh đường cùng.

Bạn biết người nào có suy nghĩ khác so với những vị chuyên gia trên không? Không ai khác chính là huyền thoại đầu tư Warren Buffett, gia tăng tỷ trọng đầu tư vào Nhật Bản là một trong những nước đi gây khó hiểu nhất của ông vào những năm gần đây. Một nền kinh tế tốc độ tăng trưởng chậm chạp cùng với những rủi ro như dân số già đi và mức nợ công khổng lồ không phải là một bức tranh đẹp đẽ với đại đa số những nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thế giới, nhưng Warren Buffett lại có suy nghĩ hoàn toàn khác. Ông đã rút khỏi các khoản đầu tư tại Đài Loan (vì ông cho rằng rủi ro chiến tranh với Trung Quốc là hoàn toàn có thật), nhưng lại đầu tư mạnh tay vào Nhật Bản những năm gần đây. Chỉ có thời gian mới có thể trả lời liệu đây có phải là một khoản đầu tư khôn ngoan hay không, nhưng chắc chắn đối với nhận định cá nhân của ông, rủi ro Nhật Bản vỡ nợ là không có cơ sở khi ông đã quyết định đầu tư mạnh tay vào đất nước này.


Nỗi sợ về con số nợ công khổng lồ của quốc gia là một câu chuyện được thêm thắt drama bởi các nguồn tin đang muốn tạo ra sự bất an bao trùm lên người đọc, hoặc đơn giản là họ đang muốn câu view vì họ biết không gì kịch tích người đọc hơn là sự sợ hãi. Người viết không biết bạn đọc nghĩ thế nào, nhưng có lẽ người viết sẽ không chuẩn bị sẵn một khoản tiền để chi trả cho phần nợ của bản thân khi nhà nước tuyên bố phá sản và một chủ nợ nào đó người viết chưa từng gặp mặt đang đứng trước nhà. Viễn cảnh một nhà nước ổn định về cả kinh tế và chính trị, kiểm soát hoạt động in tiền quốc gia như Việt Nam có thể mất đi khả năng thanh toán là một sự thêu dệt dựa trên những lời khẳng định vô căn cứ. Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại đã cho chúng ta thấy một góc nhìn mới về cách đồng tiền hoạt động, và cách chính phủ kiểm soát dòng chảy kinh tế ra sao, và hy vọng rằng với những kiến thức này, độc giả có thể có một góc nhìn độc đáo hơn về cách các nền kinh tế toàn cầu đang vận hành.
Tuy nhiên, có một sự thật là người viết luôn đắn đo khi suy nghĩ về nợ công quốc gia thông qua góc nhìn của Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại. Vay nợ liên tục mà không có giới hạn nào ngoại trừ tốc độ tăng trưởng lạm phát là một điều quá tốt để có thể trở thành sự thật, mặc dù đích thị là chính phủ kiểm soát máy in tiền của đất nước. Liệu có thật sự khôn ngoan khi chính phủ, miễn là vẫn nằm trong vùng an toàn lạm phát, liên tiếp gia tăng chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế? Liệu việc này có khuyến kích chi tiêu hợp lý? Liệu sự phân bổ dòng tiền mới vào nền kinh tế có thật sự có ích cho phần lớn người dân, hay chỉ chảy về túi những số ít vốn dĩ đã giàu có và quyền lực?. Không có bữa trưa nào miễn phí, như môt châm ngôn đã quá nổi tiếng trong kinh tế học, những công cụ kinh tế tưởng chừng như quá quyền lực luôn ẩn chứa một lưỡi dao thứ hai mà ít người có thể thấy được. Có lẽ ta không nên quá tôn sùng một trường phái kiến thức nào mà nên sẵn lòng mở mang đầu óc khi tiếp nhận những kiến thức mới, và vận dụng khả năng tư duy độc lập để tự chắt lọc những điều bạn cho là hợp lý trong thế giới quan của bạn.

GÓC QUẢNG CÁO

Người viết xin tự giới thiệu cuốn sách mới "Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư" vừa được xuất bản cách đây không lâu. Đây không phải là một cuốn sách hoàn toàn mới, mà nó là sự kết hợp và biên tập của những bài viết blog trong series "Đầu tư cơ bản" người viết đã đăng trên Spiderum từ trước.
Trong cuốn sách này, người viết đã tổng hợp và chỉnh sửa lại những kiến thức, gợi ý và kinh nghiệm về đầu tư để giúp bạn hiểu rõ hơn về thế giới tài chính trên thị trường chứng khoán và từ đó có thể đưa ra quyết định đầu tư thông minh. Người viết xin nhấn mạnh lần nữa vì điều này quan trọng, nội dung trong cuốn sách không có gì mới mẻ mà đã được phát hành online từ trước, nhưng quyển sách này được ra đời để bạn đọc có thể tiếp cận dễ dàng hơn một bản tổng hợp đầy đủ đã qua chỉnh sửa hoàn chỉnh, và nếu có thể thì ủng hộ tác giả vài ly cà phê ^_^. Người viết rất trân trọng sự ủng hộ của các bạn và hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn phát triển tối đa kiến thức đầu tư của riêng mình, và từ đó có thể trở thành một trong những số ít nhà đầu tư thành công trên thị trường.
Độc giả có thể tìm hiểu thêm thông tin về sách tại đường link dưới đây, và đặt sách ngay để nhận được sản phẩm trong thời gian sớm nhất. Người viết cảm ơn các bạn rất nhiều!
 
https://gerarddo.com/
133 | 9/15/2023 10:31:11 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Nhật Bản - Sự Trỗi Dậy Của Con Hổ Phương Đông?
Nhật Bản - Sự Trỗi Dậy Của Con Hổ Phương Đông?
BoJ đã chính thức trở thành ngân hàng cuối cùng trên thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo khi quốc gia này đang phải đối mặt với hàng thập kỷ giảm phát.
Viễn cảnh đầu tư 2024: giá hàng hóa leo thang và “chiếc giẻ lau” mới của Mỹ
Viễn cảnh đầu tư 2024: giá hàng hóa leo thang và “chiếc giẻ lau” mới của Mỹ
Lạm phát vẫn ở mức cao khiến FED có cái cớ để tiếp tục duy trì thắt chặt, giá cả của các loại hàng hóa và tài sản vẫn tiếp tục xu hướng gia tăng
Hiểu đúng về lạm phát – áp lực chi tiêu khi đồng tiền mất giá
Hiểu đúng về lạm phát – áp lực chi tiêu khi đồng tiền mất giá
Lạm phát là một từ phổ biến trong lĩnh vực kinh tế và thường xuyên xuất hiện trong đời sống hằng ngày quanh ta
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Federal Reserve hoạt động như thế nào?
Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ Federal Reserve hoạt động như thế nào?
Nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn mỏng manh nhất trong lịch sử hoạt động của mình