Power vs Force – khi “thử cơ” bá đạo hơn “cầu cơ”

Anh em nghĩ gì khi nghe ai đó khẳng định rằng: chúng ta có thể tìm ra câu trả lời đúng/sai cho bất cứ vấn đề nào trên đời chỉ trong 1 phút?
Dựa trên những nghiên cứu về một lĩnh vực khoa học tên là Applied Kinesiology (vận động học ứng dụng), tiến sĩ Hawkins đã phát triển nên một công cụ cực kỳ đơn giản để đo lường chân lý (thật/giả, đúng/sai, tích cực/tiêu cực) gọi là phương pháp “thử cơ”.

Phương pháp “thử cơ” thực hiện như thế nào?

Trang 91 của cuốn sách hướng dẫn anh em làm thế này:

Kỹ thuật này cần có hai người. Một người là đối tượng thử nghiệm, người này giơ ngang một cánh tay ra song song với mặt đất. Người thứ hai ấn hai ngón tay mình vào cổ tay của cánh tay giơ ra đó và nói: “Đỡ lấy”. Đối tượng thử nghiệm sẽ hết sức chống lại lực ấn. Tất cả chỉ có vậy. Có thể một trong hai người đưa ra một tuyên bố. Trong khi đối tượng thử nghiệm đang nghĩ câu đó trong đầu thì sức mạnh nơi cánh tay anh ta đang được thử bằng sức ấn của người tiến hành. Nếu tuyên bố này là tiêu cực, là sai, hoặc phản ánh một điểm hiệu chỉnh dưới 200 (xem “Bản đồ ý thức”, chương 3), thì đối tượng thử nghiệm sẽ “phản ứng yếu”. Nếu câu trả lời là có hoặc có điểm hiệu chỉnh trên 200, thì anh ta sẽ “phản ứng mạnh”. Để thực hiện quy trình này, đối tượng thử nghiệm có thể hình dung ra hình ảnh của Abraham Lincohn trong suốt thời gian thử nghiệm, và rồi, ngược lại, hình ảnh của Adolf Hitler. Chúng ta có thể thấy hiệu ứng tương tự khi hình dung ra ai đó mà ta yêu quý so với người mà ta ghét, sợ, hoặc có nhiều tiếc nuối, đắng cay về họ.
Nếu anh em đọc hướng dẫn trên mà chưa hiểu lắm thì có thể lên youtube tìm các video hướng dẫn trực quan bằng từ khóa: Hawkins Muscle Testing.


Theo tiến sĩ Hawkins, phương pháp “thử cơ” có tính thực tế rất cao, nó còn đánh giá được mức độ tiến hóa của ý thức con người dựa trên thang điểm từ 1 đến 1.000 (Phật, chúa Jesus là những người đạt được mức điểm ý thức 1.000). Ông đã áp dụng phương pháp “thử cơ” này hàng triệu lần, và đưa nó vào luận văn tiến sĩ của ông mang tên “Phân tích và đo đạc định tính và định lượng các cấp độ ý thức của con người”.


Tôi thử điểm qua sơ sơ những ứng dụng hay ho của phương pháp này cho anh em nghe nhé:
- Biết được chiếc xe cũ mà ta sắp mua có chạy tốt hay không (VD thực hiện “thử cơ” với tuyên bố “Chiếc xe này chạy tốt” để nhận về kết quả đúng hoặc sai.) (trang 159)
- Biết được bác sĩ hoặc luật sư nào đó có năng lực hay không (VD thực hiện “thử cơ” với tuyên bố “Bác sĩ X rất giỏi phẫu thuật thẩm mỹ” để nhận về kết quả đúng hoặc sai.) (tr 159)
- Biết được quả táo trước mặt anh em có phải là thực phẩm hữu cơ hay không. (trang 94)
- Biết được mức độ hiệu quả của một chính sách hoặc một dự luật mà không cần qua các bước bàn bạc, phản biện, biểu quyết, áp dụng thí điểm… (tr 162)
- Chọn đúng ứng viên cho một chức vụ mà không mất thời gian thử việc, không cần bỏ phiếu hay bình bầu... (tr 162)
- Biết được mức độ hiệu quả của một chiến lược kinh doanh mà không cần khảo sát, phân tích thị trường… (tr 163)
- Biết ngay đối tác làm ăn có đáng tin hay không. (tr 163)
- Xác định được tiền thật/giả, séc thật/giả, đá quý thật/giả mà anh em không cần có kỹ năng quan sát, nhận diện. (tr 164)
- Chấm điểm một cuốn sách nào đó có đáng đọc hay không, phim có đáng xem hay không dù anh em chưa xem lần nào. (tr 92, tr 166)
- Edison đã thử nghiệm hơn 1600 chất trước khi phát hiện ra Vonfram là chất thích hợp để làm sợi đốt cho bóng đèn, nhưng ông không hề biết rằng có một cách dễ dàng để tìm ra chất liệu thích hợp nhất chỉ mất vài phút là... “thử cơ”. (tr 149)
- Điều tra hình sự, xác định được thủ phạm các vụ án, kẻ có tội, kẻ vô tội, giải mã những bí ẩn lịch sử mà không cần nhân chứng... (tr 161)
- Không cần phải trải qua bước thu thập dữ liệu trong khi có thể có ngay kết quả thống kê chỉ trong vài phút. (tr 161)
- Xác định được giá trị của luận án khoa học, lý thuyết khoa học, đề tài nghiên cứu mà không cần phải lập hội đồng thẩm định, phản biện. (tr 164)
- Biết được chính xác một phác đồ điều trị có hiệu quả với bệnh nhân hay không. (tr 165)
- Xác định loại nhạc nào là tích cực, loại nhạc nào là tiêu cực (theo kết quả thử cơ được nêu trong sách thì rap, heavy metal là nhạc tiêu cực; nhạc cổ điển, rock cổ điển, nhạc đồng quê, pop trữ tình là nhạc tích cực – tr 166, tr 315).
- Xác định được đấng nào giác ngộ thật sự, “đấng” nào là lừa đảo chém gió (fake guru). Biết được mức độ giác ngộ của đấng nào cao hơn đấng nào. VD: Mẹ Teresa được 710 điểm, nhưng mức độ của Mẹ lại thua Ramana Maharshi với 720 điểm (tr 169). Thậm chí còn đánh giá được các nhà khoa học: Freud, Einstein, Descartes chỉ đạt 499 điểm (tr 335).
- Biết được những cơ quan, tổ chức có hoạt động hiệu quả hay không mà không cần đọc báo cáo hay lập đoàn thanh tra. (tr 170)
- Xác định được tin thật, tin giả. (tr 159)
- …
Tôi xin nhắc lại: tất cả những vấn đề trên sẽ có kết quả ngay trong một phút (hoặc vài phút) chỉ bằng phương pháp “thử cơ”. "Câu trả lời mang tính phi cá nhân và không phụ thuộc vào các hệ thống niềm tin của cả người thử nghiệm lẫn đối tượng thử nghiệm" (tr 357). Cơ thể của những người thử nghiệm phản ứng chính xác y như nhau, ngay cả khi ý thức của họ không biết gì về vấn đề được hỏi (tr 89). Tôi có thể tiếp tục kể ra những ứng dụng "vi diệu" của phương pháp này trong 10 trang A4 nữa (và có thể là 20 trang), chỉ sợ việc này khiến nhiều anh em chưa đọc qua cuốn sách này thấy khó tin, và nghĩ tôi vừa phê cần vừa bịa chuyện.
Khi đọc sách, thỉnh thoảng, anh em sẽ bắt gặp những con số thống kê như này:
- Chỉ 4% dân số thế giới đạt được mức 500 điểm trở lên (tr 129).
- Trong suốt một kiếp sống, ý thức của con người chỉ nhích hơn 5 điểm. (tr 280)
- 2,6% dân số thế giới gây ra 72% vấn đề cho xã hội. (tr 140)
- …
Những số liệu này ở đâu ra? Chỉ qua mấy phút “thử cơ” là có ngay! Có vẻ “thử cơ” còn bá đạo hơn cả “cầu cơ” anh em ạ!
Tuy vi diệu là thế, nhưng phương pháp này không phải là không có điểm hạn chế. Tiêu chuẩn để thực hiện được phương pháp “thử cơ” là:
- Người thử nghiệm và đối tượng thử nghiệm không phải là kẻ vô thần, không được có thái độ hoài nghi hay nhạo báng, và họ có số điểm ý thức đạt từ 200 trở lên. (tr 362)
- Phương pháp này không có khả năng đoán định tương lai (tr 357). Vấn đề cần xác minh phải thuộc về quá khứ hoặc hiện tại. (tr 92)
Nếu không đáp ứng được tiêu chuẩn trên mà vẫn thực hiện “thử cơ” thì sẽ cho ra kết quả sai.
Ở trang 215-216, tác giả nói về việc “thử cơ” để xác định một vận động viên thi đấu vì động lực vị tha hay vị kỷ. Tôi thấy điều này thật buồn cười, nếu một vđv có cả 2 động lực cùng lúc thì kết quả thử cơ sẽ mạnh hay yếu?
Trang 88-89 nói về việc chất tạo ngọt nhân tạo cho kết quả thử yếu, chứng tỏ nó có hại cho cơ thể. Paracelsus, cha đẻ của ngành độc chất học, đã từng viết: “Mọi thứ đều là chất độc, trong mọi thứ đều có chất độc. Chỉ có liều lượng là làm cho một thứ không phải là một chất độc”. Tôi tò mò rằng “muối ăn” sẽ cho kết quả mạnh hay yếu? Cả cuốn sách không hề đề cập đến. Cái phương pháp đánh giá nặng tính nhị nguyên này có vẻ không ổn.
Trang 159, tác giả viết rằng: “kỹ thuật này cũng có thể xác định được một khoản đầu tư nào đó có an toàn hay không, hoặc cơ quan này có đáng tin hay không. Chúng ta có thể đoán chính xác tiềm năng của những phát triển mới mẻ, không chỉ trong marketing, mà còn trong cả nghiên cứu y học và kỹ thuật.” Xuống đoạn dưới, tác giả nói rằng kỹ thuật này còn cho bạn biết “mối tình mới chớm của bạn sẽ đi về đâu?” Có lẽ tác giả quên chính ông đã viết ở trang 92 rằng: “Kết quả không đáng tin khi câu hỏi là về tương lai”!
Có thể nói, phương pháp “thử cơ” là xương sống của cả quyển sách. Tác giả cứ lặp đi lặp lại xuyên suốt cuốn sách rằng “thử cơ” là một phương pháp khoa học, có “khả năng sao chép thí nghiệm hoàn hảo”. Anh em nào nửa tin nửa ngờ thì dùng phương pháp này để chơi trò đoán đồng xu sấp-ngửa rồi cho tôi biết kết quả nhé, hehe. Tôi thử rồi, vẫn cứ may rủi lắm anh em à. Sau đó, tôi nghĩ có lẽ mình không đủ tiêu chuẩn để thực hiện “thử cơ” vì tôi có “thái độ hoài nghi”, và một tiêu chuẩn nữa là người thực hiện thí nghiệm phải có số điểm ý thức đạt từ 200 trở lên thì mới cho kết quả chính xác. Theo ông Hawkins thì 85% dân số có điểm ý thức dưới mức 200 (tr 327), vậy tìm đâu ra mấy người nằm trong số 15% còn lại để làm thí nghiệm? Rồi có anh em sẽ thắc mắc: “Làm sao để biết những người tham gia có mức độ ý thức từ 200 điểm trở lên?” Xin thưa: cũng dùng phương pháp “thử cơ” để “đoán mò” điểm ý thức của họ (tr 92). Nhưng ta đâu biết liệu họ có đủ điểm tiêu chuẩn hay không để mà tiến hành “thử cơ” đánh giá điểm. Đúng là cái vòng luẩn quẩn! Đến đây, anh em có nhận ra sự mâu thuẫn về mặt logic của phương pháp này không? Nhiêu đó thôi cũng đủ khẳng định rằng phương pháp “thử cơ” này chỉ là trò ngụy khoa học, và tôi hoài nghi về bằng cấp, học vị của ông đốc tờ Hawkins này.
Việc tiến sĩ tâm lý hay chuyên gia tâm lý gian lận bằng cấp, học vị không phải là hiếm. Ở Việt Nam có Dr. Pepper, người tự xưng là tiến sĩ tâm lý, từng bị phát hiện đã lấy “bằng cử nhân” lẫn “bằng tiến sĩ” từ một đơn vị diploma mill (nơi sản xuất bằng giả, không được công nhận về mặt pháp lý.)


Nhiều diploma mill ở nước ngoài làm việc rất "có tâm" nhé anh em, họ không chỉ đơn giản là bán cho người ta một cái bằng mà còn bán kèm cả học bạ: bảng điểm, giấy chứng nhận hoàn tất các tín chỉ, học phần, thậm chí “sản xuất” được cả luận văn! Nếu anh em có một “công trình nghiên cứu” tào lao xàm xí nào đó (ví dụ như "Nghiên cứu những tác động của môn cầu lông lên đường đời và số phận của người chơi"), không cần biết "công trình" đó có khoa học hay không, tính thực tiễn thế nào, anh em chỉ cần gửi nó cho bên diploma mill kèm theo một số tiền đã thỏa thuận thì nghiễm nhiên “công trình” của anh em sẽ được họ “hô biến” thành luận văn nghiên cứu khoa học, và anh em được cấp bằng với đầy đủ hồ sơ học bạ!
Theo thông tin từ Thái Hà Books, cuốn Power vs. Force đã được dịch ra 25 thứ tiếng và đã bán được trên một triệu bản. Ở tay gấp của cuốn sách ghi tiến sĩ Hawkins là nhà tâm thần học, bác sĩ, người thầy tâm linh, nhà nghiên cứu về ý thức nổi tiếng thế giới; ông là nhà khoa học thực nghiệm hiện đại đầu tiên trải qua sự “khai sáng”, “hiệp thông mầu nhiệm” (nghĩa là ông này đã thành đấng giác ngộ rồi, cùng tầng với Phật và Chúa). Thế là tôi lên mạng tìm hiểu kỹ hơn về tiến sĩ David R. Hawkins, và điều lạ lùng là… trang Wikipedia tiếng Anh không hề có thông tin gì về ông (trong khi Phật với Chúa thì lại có)! Anh em nào may mắn tìm thấy thì xin gửi link cho tôi.


Sau một hồi lục lọi trên internet, tôi mới biết ông Hawkins lấy bằng tiến sĩ ở đại học Columbia Pacific University (phần tiểu sử tác giả ở trang 381-382 không hề nói ông lấy bằng tiến sĩ ở đâu). Tìm kiếm thông tin của Columbia Pacific University một chút, tôi phát hiện ra một sự thật “ối dồi ôi” luôn: Columbia Pacific University là một cơ sở diploma mill, nó đã bị tòa án quận Marin ký quyết định đóng cửa vào tháng 12-1999 đồng thời bị phạt 10.000 đô vì "các hành vi lừa dối và không công bằng"; năm 2000, toàn án tối cao bang California đưa ra phán quyến cuối cùng là vẫn giữ nguyên quyết định đóng cửa của tòa án quận Marin.
(Một thông tin ngoài lề là Columbia Pacific University cũng đã cấp bằng tiến sĩ cho John Gray, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Đàn ông Sao Hỏa, Đàn bà Sao Kim. Anh em có thể đọc bài review cuốn Những bậc thầy ngụy tạo để hiểu thêm một chút về John Gray.)
Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao trong suốt cuốn sách này, thỉnh thoảng ông đốc-tờ Hawkins lại chỉ trích thái độ hoài nghi. VD ở trang 100, ông cho rằng thói hoài nghi chỉ có 160 điểm vì nó phản ánh những định kiến tiêu cực; ở trang 362, ông cho rằng thái độ hoài nghi phản ánh sự xét đoán vội vàng tiêu cực. Trong khi đó, trong kinh Kālāma, Phật giảng rằng:

“Đừng vội tin tưởng một điều gì dù điều đó thường nghe nhắc nhở đến luôn. Đừng tin tưởng điều gì mà điều đó là một tập tục đã qua cả ngàn xưa để lại. Đừng tin tưởng những điều sáo ngữ hay bất cứ một điều gì mà người ta thường nói đến nhiều quá. Đừng tin tưởng bất cứ điều gì, dù cho điều đó là bút tích của thánh nhân xưa để lại bảo ta phải tin. Đừng tin một điều gì dù điều đó ở dưới mãnh lực của ông thầy hay nhà truyền giáo.”
Tôi nghĩ việc ông Hawkins hay chỉ trích thái độ hoài nghi là để người ta buông lỏng sự cảnh giác cho ông dễ lùa gà hơn.
À, còn một thông tin bên lề nữa giải thích lý do vì sao ông tiến sĩ Hawkins tài giỏi thế, "giác ngộ" cao đến thế mà không có tiểu sử trên Wikipedia: phía Hawkins dọa kiện nếu wiki không xóa thông tin của ông trên website của họ. Ông ấy “sợ” người ta đăng thông tin gì về mình nhỉ? Theo bản đồ ý thức thì ông xếp “Sợ hãi” ở thang điểm 100, trong khi ông đã vài lần ám chỉ rằng mình đã giác ngộ, cùng tầng với Phật và Chúa Jesus. Dù Hawkins không tiết lộ chính xác số điểm ý thức của mình là bao nhiêu, nhưng ở trang 350, ông chấm cuốn sách của mình đạt 850/1000 điểm, ngụ ý rằng tác giả của nó sẽ có số điểm cao hơn thế nhiều.
Tóm lại, tôi xem Power vs Force là một cuốn sách tâm linh sử dụng nhiều từ khóa hàn lâm cho có vẻ “nguy hiểm”, dễ thao túng những độc giả nhẹ dạ cả tin. Khi tham khảo những bài review về cuốn này trên mạng, tôi thấy các reviewer người Việt (kể cả những booktuber kỳ cựu) đánh giá nó rất cao, họ xem nội dung trong sách là khoa học chân chính, chưa thấy ai chỉ ra những điểm bất ổn của nó.
Từ lâu, tôi đã thấy nội dung cuốn này rất lấn cấn, nhưng tác giả của nó là một người nổi tiếng, có học vị cao nên tôi bị “rén”. Gần đây, sau khi trao đổi với bạn Kiera Ngô (một chuyên gia tâm lý) về cuốn sách này, tôi nhận ra không chỉ riêng mình thấy nó bất ổn, nên tôi tự tin hơn, quyết định viết một bài review về nó cho anh em đọc để cảnh giác.
Nếu tách các phần dính líu đến phương pháp “thử cơ” ra khỏi cuốn sách, chỉ giữ lại những phần nói về tâm lý và tâm linh, thì tôi đánh giá cuốn này 3.5/5 sao. Tuy nhiên, sự đạo đức giả của tác giả cùng nội dung ngụy khoa học với mục đích lùa gà đã khiến tôi có cái nhìn tiêu cực về nó. Tổng kết lại, tôi cho cuốn này 1.5/5 sao.


P.S: Nếu anh em chịu khó google từ khóa “Applied Kinesiology” (phương pháp thử cơ) sẽ phát hiện ra đây là một kỹ thuật ngụy khoa học chứ nó không được giới khoa học chấp nhận như Dr Hawkins đã khẳng định nhiều lần trong sách.
319 | 8/12/2023 9:19:14 AM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register