Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport

Cuốn sách “lối sống tối giản thời công nghệ số” là một tập hợp những quan điểm, suy tư của Cal Newport về cách sử dụng công nghệ ngày nay. Sau khi chứng kiến những người xung quanh sử dụng công nghệ thiếu mục đích, ông đã đi tìm giải pháp làm thế nào để cân bằng và giành lại quyền làm chủ công nghệ để chúng phục vụ cho cuộc sống.

Trong những chương đầu, tác giả giải thích cách vận hành của những nền tảng mạng xã hội, những doanh nghiệp sáng tạo nên chúng đã biến một thị trường ngách trở thành một thị trường đem lại doanh thu khổng lồ, đó là nền kinh tế kinh doanh sự chú ý. Các nền tảng ban đầu là công cụ để trao đổi và liên lạc với bạn bè và những người xung quanh. Nhưng với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, các tập đoàn đã điều hướng một công cụ trở nên bắt mắt, xinh đẹp, thu hút sự chú ý của người dùng nhằm mục đích giữ chân người dùng lâu nhất có thể, người dùng càng dùng ứng dụng mạng xã hội nhiều, công ty càng có nhiều lợi nhuận. Họ đã biến những người dùng ứng dụng trở thành một sản phẩm. Một câu nói tóm lược đầy đủ nhất đó là: “Nếu bạn không phải trả tiền, thì bạn chính là sản phẩm”.

IMG

Sau khi phân tích kỹ lưỡng sự phát triển và cách vận hành của các nền tảng mạng xã hội. Chúng ta thấy rằng chúng ta luôn bị lôi kéo bởi những giao diện đẹp mắt, những tính năng thú vị, và mạng xã hội đã biến thành một thú tiêu khiển hấp dẫn, lôi kéo sự chú ý. Chúng ta vô tình không nhận ra rằng chúng ta đang phí phạm thời gian vào những video vô thưởng vô phạt mà quên đi mục đích thật sự của công cụ, và từ đó, công nghệ xóa ngôi và trở thành ông chủ của ta. Chúng ta chỉ là người phục vụ máy móc, chứ máy móc không hề phục vụ con người như mục đích ban đầu nữa

Đối diện với vấn đề này, tác giả gợi ý về một lối sống tối giản công nghệ. Thông thường, chúng ta luôn thấy rằng sử dụng nhiều hơn là hiệu quả, năng suất hơn, nhưng thực tế thì không phải vậy. Chúng ta càng sử dụng công nghệ nhiều, ta càng thấy bản thân mình chỉ tiếp nhận được những thông tin bề nổi, hết thú vui này sang thú vui khác kéo chúng ta đi, ta vô tình không nhận ra rằng nhận thức tường tận đã bị bỏ quên mất. Sau hàng giờ sử dụng công nghệ, trong ta chỉ là nỗi trống trải. Tưởng chừng như tiếp cận càng nhiều thông tin, ta càng hiểu biết hơn, thế nhưng thực tế là ta càng trở nên mông lung, vô định hơn.

Nhận ra mối nguy này, một giải pháp hiệu quả được đề xuất đó là chúng ta hãy sử dụng ít tiện ích, ít ứng dụng mạng xã hội hơn. Triết lý: “ít hơn để được nhiều hơn”, chính là thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến mỗi người. Quả thật, chúng ta chỉ sử dụng công nghệ theo đúng mục đích ban đầu đề ra mà thôi, ta càng hiểu và có thời gian suy ngẫm hơn, giúp bản thân mình có hiểu biết tập trung hơn. Càng nhiều thứ rườm rà, phân tâm, ta càng khó có thể đạt tới điều mong muốn.

Những công nghệ số có thể giúp ích cho chúng ta, nhưng phải xác định rõ mục đích sử dụng và chỉ tuân thủ theo mục đích ban đầu mà thôi. Sử dụng ít công nghệ hơn, nhưng trọng tâm hơn, ta càng nhận được lợi ích từ công nghệ đem lại.

Tác giả đề xuất những phương án thực hành trong cuộc sống thực, để ta hạn chế lạm dụng mạng xã hội. Đó là hãy bắt tay vào làm việc, trau dồi kỹ năng sống của bản thân như đan len, nấu ăn, vẽ,vv… Hãy tự có cho mình một kỹ năng thành thục, tương tác với không gian thật, nhờ đó ta càng trở nên tinh tường và công nghệ sẽ giúp ích cho ta nhờ vào cách ta học hỏi.

Cách thứ hai mà tác giả đề xuất là hãy dành thời gian ở một mình. Bởi vì mọi vấn đề đều xuất phát từ nguyên nhân con người không thể ở yên trong căn phòng - Blaise Pascal. Hãy tập cho mình một tâm thái tĩnh lặng, đối diện với chính suy nghĩ của mình, sống và cảm nhận giây phút hiện tại. Không phải là ta tách biệt khỏi hoạt động xã hội và lui vào sống ở ẩn, nhưng hãy biết dành cho mình một khoảng thời gian đều đặn chỉ ở một mình mà thôi. Chỉ khi ở một mình, ta mới có được một tinh thần sáng suốt và phân định tốt. Các bận triết gia, hiền nhân đều có khoảng thời gian ở một mình và những tư tưởng của họ luôn là mẫu gương cho mọi thời đại.

Cách thứ ba đó là hãy sử dụng mạng xã hội để kết nối mà thôi, đặt công nghệ ở vị trí là một công cụ để giúp cho mình kết nối với nhóm, cộng đồng. Hãy tích cực tham gia vào đời sống, hội nhóm, để bản thân mình trở thành một phần của một nhóm lớn hơn. Cảm thức cộng đồng sẽ giúp ta cải thiện bản thân và không còn lệ thuộc vào công nghệ trong những lúc cô đơn nữa.

Cách thứ tư là hãy vạch cho mình một khoảng thời gian nghỉ ngơi thật sự, tách biệt khỏi công nghệ số, nhưng không phải làm theo cách cực đoan là không sử dụng mạng xã hội nữa. Mà là lên thời khóa biểu thời gian kiểm tra tin nhắn, để giải quyết hoàn toàn công việc.

Công nghệ số không phản ánh được những cảm xúc, tương tác thực tế, nó là một cầu nối, công cụ để kết nối mà thôi, đừng lạm dụng để thay thế nó cho những cuộc gặp thật. Những buổi nói chuyện trực tiếp giúp cho bản thân mình thực sự là “người” hơn, nghĩa là có cảm xúc và mối quan tâm một cách thực chất với người khác.

Kết luận: chúng ta cần nỗ lực để kháng lại sự lôi kéo của những nền tảng mạng xã hội, công nghệ số. Những tiếp xúc gián tiếp đó không thể giúp hoàn thiện bản thân được. Nhà sản xuất không bao giờ lưu ý cho chúng ta những mặt trái của công nghệ, vì thế, cần hơn hết là ý thức cá nhân và giữ cho lòng mình được bình an. Đừng đánh đổi bình an của tâm hồn để có những thứ khác.

Trên đây chỉ là tóm tắt sơ lược và cảm nhận của bản thân mình sau khi đọc cuốn sách. Ngoài ra, trong cuốn sách chứa đựng rất nhiều thông tin hữu ích về lối sống tối giản công nghệ, mời bạn tìm đọc để hiểu rõ hơn những quan điểm của tác giả.

Mua sách trên Tiki

229 | 9/25/2023 9:01:11 AM
Bình luận
No data
NoData