[Review sách] Đứa con đi hoang trở về: Khi tự do chỉ là lối thoát trong tâm tưởng

Có bao giờ cậu tự hỏi, vì sao con người ta cứ đâm đầu làm một việc, bất chấp những lời cảnh báo, những tấm gương thất bại trước đó? Và vì sao, khi đã thật sự thất bại, họ vẫn không thay đổi quyết định của mình?
Trong phần lời dẫn của cuốn sách "Đứa con đi hoang trở về", dịch giả Bửu Ý có viết:

Trở về là thất bại của đứa con đi hoang, nhưng một thất bại động lòng người. Trên con đường tự giác, thất bại là chuyện thường tình và được chia đều cho mỗi cá nhân: Một lúc nào đó, đối với tôi, thất bại có thể là một phần hình hài bị hủy hoại; đối với anh, thất bại có thể là một phần tâm hồn chịu rách nát. Đối với hắn: một cuộc ra đi bất thành… Nhưng nỗi niềm hy vọng, vốn vượt quá tri thức và khả năng con người, chẳng suy suyển trong lòng hắn.
Bởi vì thứ người ta muốn không phải là thắng hay thua, thứ người ta muốn chỉ là quyền được tự do quyết định với những điều họ chọn.
Là một cuốn sách ngắn nhưng không dễ đọc, tuy nhiên, nếu vượt qua sự khó đọc ấy, thứ cậu nhận được sẽ còn nhiều hơn cả một cuốn sách hay...
*Disclaimer: trong bài review, mình có spoil một chút nội dung để giúp quá trình phân tích dễ dàng hơn.
 

1. Sơ lược về tác phẩm:

 
“Đứa con đi hoang trở về” là tác phẩm được André Gide phóng tác dựa trên Dụ ngôn "Đứa con hoang đàng" mà Đức Jesus kể lại với những người Pharisees. Nội dung Dụ ngôn nói về một người cha có hai người con trai. Sau khi được chia gia sản, người con thứ ra đi để tìm kiếm tự do. Khi lâm vào cảnh túng thiếu, thất bại, cậu con thứ trở về nhà, trong sự bao dung của người cha và sự khắc nghiệt của người anh. Tác phẩm của André là phần tiếp nối của Dụ ngôn này, câu chuyện mở ra bốn cuộc đối thoại của người con thứ với cha, anh trai, mẹ và em trai.

2. Review "Đứa con đi hoang trở về"


a. Một vài suy nghĩ về nội dung:

Về cơ bản, nếu như chỉ cảm nhận gói gọn trong nội dung sách thì mình thấy thông điệp truyền tải của cuốn sách chưa trọn vẹn. Theo mình hiểu thì bốn cuộc nói chuyện đều hướng tới thông điệp - phải ra đi thì mới biết tầm quan trọng của gia đình, mới biết bản thân là kiểu người không phù hợp để sống tự do. Đối với Manh, điều này không chính xác ở thời hiện đại nữa, bởi vì một đứa con khi lựa chọn cuộc sống tự do thì nó cần có trách nhiệm tự lo liệu cuộc sống của mình. Đứa con trai thứ này buộc phải trở về vì anh ta phung phí tài sản, không thể tự lo cho bản thân chứ không phải vì anh ta thấy nhà, thấy cha mẹ là tuyệt nhất.
Nếu chỉ hiểu ở nghĩa phía trên thì Manh cũng không hiểu vì sao cuốn sách này lại nổi tiếng đến vậy 🤣. Điều đó thôi thúc mình tìm hiểu sâu hơn về cuốn sách, để rồi nhận ra, có những khi chúng ta không thể nhìn một cuốn sách có tuổi đời hơn trăm năm dưới lăng kính thời hiện đại.

b. Một khát vọng tự do bị kìm kẹp trong lối sống hà khắc:

André Gide là bạn của Oscar Wilde - cũng là một nhà văn với tác phẩm chống lại tư tưởng hà khắc ở thời ông sống (một trong số đó là cuốn “Chân dung của Dorian Gray”). Bản thân André cũng sinh trưởng trong một gia đình theo đạo Tin lành, lối sống của ông bị giới hạn bởi sự hà khắc trong cách giáo dục và tín ngưỡng của gia đình. Có lẽ vì vậy, viết lách và cuộc hành trình của người con thứ giống như một lối thoát để ông có thể tự do trong tâm hồn.
Nhưng tự do trong tâm hồn là một chuyện, tự do trong hành động là một chuyện khác. Ở đó, tự do đi kèm với trách nhiệm cá nhân, tức là anh phải chịu trách nhiệm với những việc mình làm, chịu trách nhiệm trong trường hợp anh thành công hoặc thất bại, chịu trách nhiệm trước những lời chỉ trích xung quanh. Và cho dù kết quả có thế nào, thì ít nhất khát khao tự do trong anh cũng được thỏa mãn. Giống như người con trai thứ trong sách, anh ta trở về trong một cuộc ra đi thất bại, đối mặt với từng thành viên của gia đình, thẳng thắn thừa nhận thất bại và không giấu diếm suy nghĩ của mình, nhưng đồng thời anh cũng không hối hận về quyết định này.

c. Một cách bày tỏ tình yêu với Chúa rất khác:

Dụ ngôn là một khái niệm dùng trong Thiên Chúa giáo (cái này mình cần research thêm vì nhiều tài liệu nhắc về đạo Tin lành, Kito giáo…) chỉ những câu chuyện diễn tả tình yêu thương vô bờ bến của Chúa với nhân loại, đồng thời hướng dẫn con người về cách sống, cách đối nhân xử thế.
André sáng tác một tác phẩm nói về tự do dựa trên chính sản phẩm từ đức tin của ông. Có lẽ đối với André, ông yêu tự do nhưng cũng yêu đức tin của mình và Manh nghĩ ông cố gắng cân bằng hai điều đó với nhau. Chúng ta luôn được dạy rằng không nên thất bại, không nên mắc sai lầm, nhưng đôi khi cách để không thất bại, không mắc sai lầm chính là để bản thân trải qua những điều đó một lần, để rút kinh nghiệm, và để hiểu thứ gì phù hợp với chúng ta. Manh nghĩ tác giả muốn truyền tải rằng ông vẫn tin yêu Chúa, vẫn hướng về đức tin của mình nhưng ông muốn thể hiện nó theo một cách khác, và cuốn sách này là cách để ông truyền đi thông điệp ấy.

3. Hướng dẫn đọc "Đứa con đi hoang trở về"

Cuốn này mỏng nhưng khó đọc, một phần vì cách viết, một phần vì từ ngữ trong sách không thông dụng. Vì vậy, để đọc sách một cách dễ dàng hơn, các cậu nên đọc kỹ phần lời giới thiệu và phần đề bạt ở đầu sách và cuối sách nhé.
Ngoài ra, việc tìm hiểu về cuộc đời của André cũng như hoàn cảnh ra đời tác phẩm cũng rất hữu ích để hiểu cuốn sách này sâu hơn.
140 | 9/10/2023 7:32:13 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Đôi nét về cuốn sách Nghệ thuật Kaizen tuyệt vời của Toyota
Đôi nét về cuốn sách Nghệ thuật Kaizen tuyệt vời của Toyota
Kaizen được hiểu đơn giản là những thay đổi nhỏ được thực hiện liên tục với mục tiêu cải tiến một sự vật, sự việc theo chiều hướng tốt lên
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Là một quyển sách tài chính nhẹ nhàng và gần gũi. Với những câu chuyện thú vị về thành công và thất bại của những chuyên trong lĩnh vực tài chính
Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport
Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport
Cuốn sách “lối sống tối giản thời công nghệ số” là một tập hợp những quan điểm, suy tư của Cal Newport về cách sử dụng công nghệ ngày nay
Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống
Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống
Suy Tưởng có lẽ là cuốn sách “độc nhất vô nhị” từng được thực hiện: nó bản chất là cuốn nhật ký viết về những suy nghĩ riêng tư của Marcus Aurelius