[Tập hiểu sâu]: Vì sao Bạn luôn KHÔNG ỔN?

I’m OK - You’re OK, một tựa sách dành cho những ai luôn thấy bản thân Không-Ổn. Đặc biệt, với những ai đã trải qua thời gian tìm kiếm và thử nghiệm các phương pháp cải thiện tâm lý nhưng vẫn thấy mình Không-Ổn.

1- Một quyển sách khó:

Sơ lược về khởi nguồn, những năm 1950 tại Mỹ, Eric Berne - một Tiến sĩ trong lĩnh vực Tâm thần học người Canada đã thất vọng về các kỹ thuật trị liệu tâm lý đang thịnh hành lúc bấy giờ vì nhận ra nó không giúp ích nhiều cho bệnh nhân. Các liệu pháp đó chỉ mô tả được triệu chứng nhưng không giải thích được nguồn gốc “vì sao tôi có chứng rối loạn lo âu này, vì sao tôi có chứng ám ảnh này,...” một cách trực quan, cụ thể. Năm 1957, Eric Berne quyết định phát triển học thuyết của riêng mình, phân tích tương giao (transactional analysis), lời giải đáp cho những câu hỏi “vì sao”. Quyển sách “Games people play” ông viết về học thuyết này đã phát hành thành công vượt bậc trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sách vẫn còn nhiều biệt ngữ kỹ thuật, gây trở ngại khó đọc với nhiều người.
I’m OK – You’re OK được chấp bút bởi Tiến sĩ Tâm thần học Thomas Harris, người học trò cùng tuổi của Eric Berne. Thomas Harris đã rất giúp đỡ chúng ta trong việc viết lại học thuyết phân tích tương giao theo “kiểu ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu và ứng dụng được”. Sách xuất bản lần đầu tại Mỹ năm 1969, Top #1 best seller New York Times năm 1972. Đến nay, sách đã được dịch ra hơn 20 thứ tiếng khác nhau, với hơn 15 triệu bản in được phát hành trên khắp các châu lục.
 

Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, sách được dịch bởi nhóm dịch giả có chuyên môn cao trong ngành Tâm lý Lâm sàng, bản in cuối cùng được hiệu đính bởi Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, một bác sĩ nổi tiếng trong chuyên khoa Tâm thần - Tâm lý tại Việt Nam. Chất lượng được bảo chứng là thế, nhưng đây không phải là một quyển sách nổi tiếng tại thị trường này. Phần vì nội dung khá khó tiếp cận với thị hiếu chung của bạn đọc, phần vì bản thân sách không được PR rầm rộ. Nhưng tôi tin đây là một quyển sách đặc biệt, được dành riêng cho những ai đang thật sự cần đến nó, “người cất công đi tìm đáp án, sẽ tìm được đáp án”.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng vào nội dung!

2- Cảm giác “sống lại” và cảm giác “nhớ lại”:


Chắc hẳn bạn từng bất chợt bắt gặp một mùi hương, một âm thanh mang đến cho bản thân sự thoải mái dễ chịu tột cùng. Đó là cảm giác “sống lại” một điều gì đó tốt đẹp trong quá khứ. Giả thuyết khi nhỏ bạn đã ngửi được mùi hương hay nghe được âm thanh đó khi đang được nằm ấm áp trong vòng tay bảo bọc của mẹ. Ký ức đó theo bạn mãi dù bạn không thể nhớ ra được nó.
Nếu cố gắng (và “may mắn”) nhớ ra được nguồn gốc của ký ức này, lúc này bạn sẽ trải qua cảm giác “nhớ lại”. Lần này bạn vẫn có cảm xúc, nhưng tất nhiên, “nhớ lại” lúc này không thể mang đến cho bạn cảm xúc mạnh như khi “sống lại” được.
Cảm giác “sống lại” là cảm giác vô thức, bạn không biết rằng nó tồn tại nhưng nó vẫn tạo ảnh hưởng mạnh mẽ lên bạn. Cảm giác “nhớ lại” là cảm giác của ý thức, bạn đã nhận biết được lý do nó tồn tại nên lúc này mức độ ảnh hưởng được giảm bớt và có thể kiểm soát được.
 

Điều này cho thấy, quá khứ luôn đóng một vai trò quan trọng, chúng ta phần lớn sẽ không nhớ về ký ức, cảm giác đã từng tồn tại nhưng về cơ bản, chúng vẫn đang ngày đêm chi phối mô thức suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chúng ta ở thì hiện tại.
Nhưng mọi chuyện sẽ trở nên dễ thở hơn nếu chúng ta có khả năng quan sát, mang những gì đang hoạt động ở tầng “vô thức” lên được tầng “ý thức”. Hay nói đơn giản hơn, bạn tự nhiên sẽ đỡ đau hơn, nếu bạn biết vì sao bạn đau và thậm chí có thể hết đau hẳn nếu bạn chữa lành được nó.

3- Bạn, có 3 nhân cách:


Một người phụ nữ đang nổi nóng với con mình, bỗng nhận được cuộc điện thoại từ sếp, cô nhanh chóng bắt máy với giọng tươi vui. Sau khi gác máy, cô lập tức quay trở lại với trạng thái cáu kỉnh ban đầu, tình hình xem ra vẫn vậy. Nhưng, trong phút chốc đó, đã có gì đó thay đổi bên trong cô ấy, có gì đó đã chuyển dịch qua – lại!?
Theo Berne, nhân cách mỗi người gồm 3 Cái-Tôi. Chúng được hình thành từ tuổi thơ và giờ đây được chúng ta vô thức mang ra sử dụng mỗi giờ- mỗi phút- mỗi giây trong những tình huống khác nhau của đời sống. Đó là:
_ Cái-Tôi-Cha-Mẹ _ Cái-Tôi-Trẻ-Em _ Cái-Tôi-Người-Lớn
Cái-Tôi-Cha-Mẹ là phần nhân cách có vai trò quản trị và cấm đoán bản thân bạn làm những điều “không đúng”. Cái-Tôi-Trẻ-Em là phần nhân cách rất cảm xúc và bốc đồng. Cái-Tôi-Người-Lớn là phần nhân cách đóng vai trò cân bằng, “lý trí” nhất.
Và đây là cách chúng đã hình thành trong quá khứ:
Cái-Tôi-Cha-Mẹ được hình thành bởi tác động từ môi trường bên ngoài. Chất liệu để hình thành nên Cái-Tôi-Cha-Mẹ là điều mà cha mẹ (hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp) của bạn đã từng thể hiện qua lời nói hoặc hành vi. Đối với một đứa trẻ nhỏ bé như bạn đó sẽ là “chân lý”, bạn không có khả năng đánh giá điều đó là đúng hay sai, tiêu cực hay tích cực, 100% dữ liệu sẽ được “nhập trực tiếp” vào hệ thống nhận thức của bạn mà không cần thông qua kiểm duyệt.
Sẽ không khó để bắt gặp những mẫu câu tiêu cực được người lớn truyền đạt như: “học hành như vậy sau này không làm nên trò trống gì”, “mày cũng hư hỏng hệt như mẹ mày” hay “con đừng bao giờ tin tưởng đàn ông”.
Nhưng cũng sẽ có những dữ liệu tích cực như “con không được chạy ra đường nếu không xe sẽ làm con đau”, “con phải chăm chỉ học hành để trở thành người có ích”. Những chương trình tivi, sách truyện,… trẻ tiếp xúc trong giai đoạn này cũng góp phần vào việc hình thành Cái-Tôi-Cha-Mẹ của trẻ.
Trẻ tin nếu muốn sống được trong cuộc đời này, phải tuân thủ đúng những nguyên tắc đó, những nội dung này rất khó xóa bỏ và có khả năng ảnh hưởng suốt đời trẻ. Nếu những chất liệu cha mẹ trao truyền càng lành mạnh thì Cái-Tôi-Cha-Mẹ của trẻ sẽ được nuôi dưỡng một cách khỏe mạnh và ngược lại.
Cái-Tôi-Trẻ-Em được hình thành bởi chính bên trong thế giới nội tâm của bạn, Là quá trình bạn “nghe thấy - nhìn thấy - cảm nhận thấy và hiểu” về thế giới xung quanh.
Chúng ta ai cũng đã từng có Cái-Tôi-Trẻ-Em Không-Ổn vì ai trong chúng ta cũng đều từng là một đứa trẻ. Mối quan hệ cộng sinh 9 tháng trong bụng mẹ, cảm giác được bảo bọc tuyệt đối này thật an ổn. Khi vừa được sinh ra, chúng ta “mất tất cả”, tay trắng, hình hài bé nhỏ, không biết nói, không biết đi và xung quanh là những “gã khổng lồ” cao một-mét-bảy.
Để có được cảm giác an toàn, một cách tự nhiên chúng ta đã học được cách “nghe lời và nhìn sắc mặt” của người lớn để sống. Do đó, theo Berne, dù bạn có may mắn được cặp đôi cha mẹ tốt lành nhất nuôi dưỡng thì bạn cũng đã từng có Cái-Tôi-Trẻ-Em Không-Ổn, vì xuất phát điểm thể lý là không thay đổi. Đây là “sản phẩm phụ” bắt buộc phải có khi đến với thế giới này. Khi lớn lên, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng mỗi khi “sống lại” những sự thất vọng của Cái-Tôi-Trẻ-Em Không-Ổn trong giai đoạn khủng hoảng nguyên thủy này.
Nhưng Cái-Tôi-Trẻ-Em không chỉ có màu sắc đen tối, đây cũng là nơi đầy màu sắc, vùng đất của hi vọng và những khát khao. Đứa trẻ đó đã từng rất tò mò, sáng tạo, ham muốn được khám phá và trải nghiệm thế giới. Những giai điệu vui tươi, nhịp nhàng của một buổi chiều đầy nắng, lần đầu tiên bạn biết cách cho diều bay lên cao, lần đầu tiên bạn được chạm vào một con mèo,…
Tuy nhiên, cảm xúc Không-Ổn của bạn sẽ luôn nặng ký hơn cảm xúc Ổn. Do đó, tổng thể, chúng ta đều có một Cái-Tôi-Trẻ-Em Không-Ổn ngay từ khi bắt đầu.
Cái-Tôi-Người-Lớn được hình thành từ 10 tháng tuổi, khi trẻ bắt đầu có khả năng tự vận động và dần có cảm giác làm chủ được nhiều thứ trong cuộc sống của mình. Cảm giác “tôi có thể mang lại sự an toàn cho tôi” xuất hiện.
Tuy nhiên ở giai đoạn đầu này Cái-Tôi-Người-Lớn rất mong manh, chỉ mang tính thử nghiệm và có thể bị đàn áp ngay lập tức bởi Cái-Tôi-Cha-Mẹ và Cái-Tôi-Trẻ-Em. Nhưng Cái-Tôi-Người-Lớn biết được là nó vẫn sống và tiếp tục ngày càng trưởng thành hơn.
Cái-Tôi-Người-Lớn là khả năng chọn lựa, phân tích, đánh giá và xử lý thông tin trước mỗi tình huống khác nhau. Cái-Tôi-Người-Lớn nhận ra sự khác biệt về cuộc sống mà nó được dạy (Cái-Tôi-Cha-Mẹ) và cuộc sống mà nó mong muốn hoặc tưởng tượng ra (Cái-Tôi-Trẻ-Em). Cái-Tôi-Người-Lớn chính là thực tiễn cuộc sống mà chúng ta tự thân vận động tìm hiểu được.
 

Một ví dụ về sự hoạt động của 3 Cái-Tôi: 
Cái-Tôi-Cha-Mẹ từng được nhập vào dữ kiện “đàn ông là không đáng tin cậy”. Cái-Tôi-Trẻ-Em từ dữ kiện đó luôn có cảm giác e dè, sợ sệt với đàn ông. Cái-Tôi-Người-Lớn sẽ ra ngoài kia, nhìn ngắm và tương tác với thế giới thật sự, sau đó đánh giá lại thông tin của Cái-Tôi-Cha-Mẹ và Cái-Tôi-Trẻ-Em đã nhập liệu đúng hay chưa, nếu nhập sai, Cái-Tôi-Người-Lớn sẽ quyết định sửa nó lại. Kết quả là “Đàn ông có người đáng tin cậy và có người không đáng tin cậy, không phải ai cũng mang màu đen tối và không phải tất cả đều tốt đẹp”.
Lưu ý là cảm giác e dè của Cái-Tôi-Trẻ-Em về chuyện này không hề biết mất khi Cái-Tôi-Người-Lớn phân tích được dữ liệu đúng, cảm giác đó đã được ghi và không thể xóa. Tuy nhiên, chúng ta sẽ biết được là nó có tồn tại và có quyền bấm nút tắt. Nghĩa là “ừ, biết tôi biết rằng mình vẫn đang e dè, nhưng cũng biết rằng sự e dè này không hợp lý, tôi sẽ cho mình cơ hội nếu gặp được người đàn ông chân thành mà sẽ không quá sợ hãi nữa”. Hãy cứ e dè, và cũng hãy cho mình cơ hội.
Nếu Cái-Tôi-Người-Lớn không đủ phát triển hoặc tập hợp không đủ thông tin xác thực mới thì không thể làm thay đổi thông tin sai lệch cũ.

4- Tương tác Xã hội: Bốn vị thế - Bạn là ai?


Được rồi, đọc đến đây chắc hẳn bạn đã biết chúng ta đều từng Không-Ổn và thế giới xung quanh toàn những “gã khổng lồ” Ổn. Do đó, Tôi-Không-Ổn / Bạn-Ổn là vị thế đầu tiên được hình thành trong quan hệ của chúng ta với những người xung quanh. Trong cuối năm 2 tuổi, bạn sẽ vô thức quyết định mình sẽ chọn tiếp tục vị thế đầu tiên đó hay chuyển dịch sang 2 nhóm vị thế khác.
Nhóm 1: Tôi-Không-Ổn / Bạn-Ổn Nhóm 2: Tôi-Không-Ổn / Bạn-Không-Ổn Nhóm 3: Tôi-Ổn / Bạn-Không-Ổn
Cái gì quyết định sự lựa chọn này? Đó là việc trẻ có được người lớn vỗ về, chăm sóc về cả thể chất và tinh thần hay không


Mỗi nhóm vị thế sẽ có những mẫu tính cách tương ứng.
Nhóm 1: Tôi-Không-Ổn / Bạn-Ổn: “Nếu muốn được yêu thương, tôi phải vâng lời”.
Với nhóm này, mẫu nhân cách có thể cơ bản được định hình theo 3 dạng: (1) Người sống thu rút và chấp nhận là một đứa trẻ ngoan lặng lẽ để tiếp tục nhận được sự vỗ về từ người lớn; (2) Trở thành kẻ nổi loạn, “à ừ được rồi, các người nói tôi không vâng lời là không được yêu thương, vậy thì tôi không vâng lời nữa, dù sao tôi cũng không được yêu thương”. Những người này luôn sống với sự tuyệt vọng về bản thân, dùng sự ngỗ nghịch để thu hút sự chú ý. (3) Trở thành người phấn đấu điên cuồng để tìm kiếm sự công nhận, rất quyết tâm trong việc làm hài lòng người khác. Nhìn từ ngoài vào, trở thành kiểu người này có vẻ rất khả quan vì với đặc tính phấn đấu không ngừng nghỉ của mình họ sẽ có thành công về điểm số, vật chất,… nhưng họ khổ tâm vì chưa bao giờ được sống vì hạnh phúc thật sự của mình cả.
** Người thuộc nhóm này có số lượng phổ biến nhất so với các nhóm khác.
Nhóm 2: Tôi-Không-Ổn / Bạn-Không-Ổn: “Dù có cố gắng, tôi cũng không được yêu thương”
Điều gì đã xảy ra với “Tôi-Ổn” ban đầu? Nó đã biến mất. Vì sự vỗ về đã biến mất. Đây là nhóm trẻ không được quan tâm hoặc bị bỏ bê. Hãy tưởng tượng đó là một đứa trẻ 1 tuổi không được ăn đủ bữa, không được ôm, vài ngày mới được tắm một lần, nếu có bệnh thì cũng ráng mà tự qua khỏi. Trẻ “cầu cứu” mong ước được sự chăm sóc, vỗ về từ cha mẹ nhưng nhu cầu của trẻ thường xuyên bị phớt lờ hoặc không được coi trọng, dần dà trẻ không còn hi vọng và trông đợi gì nữa.
Khi trưởng thành, người này thường có xu hướng dễ bỏ cuộc trong cuộc sống, lối sống cực kỳ thu rút, có tâm lý muốn thoái lui về những năm đầu đời (thời điểm duy nhất mình được yêu thương, ôm ấp nhiều nhất – vì mình là đứa trẻ sơ sinh). Phần đông những người ở viện tâm thần thuộc nhóm này.
Nhóm 3: Tôi-Ổn / Bạn-Không-Ổn: “Chỉ có duy nhất tôi có thể bảo vệ tôi”
Điều gì đã xảy ra mà có sự chuyển dịch vị thế nhanh chóng như vậy? Đây là những đứa trẻ bị bạo hành đủ lâu. Tôi-Ổn chính là “sản phẩm” của sự tự vỗ về sau mỗi trận bạo hành, với những tổn thương nghiêm trọng và đau đớn (có thể chảy máu hoặc gãy xương). Trong lúc tự ôm ấp chính mình, “sự thoải mái cô độc” được hình thành, tôi sẽ ổn nếu tôi một mình, tự tôi có thể cứu vãn cuộc đời mình.
Khi trưởng thành, người này luôn có xu hướng tin tưởng mọi vấn đề bất ổn xảy ra là do người khác. “Dù tôi có phạm pháp cũng là lỗi của người khác, không phải tôi”. Lòng thù hận của trẻ không bao giờ biến mất nhưng nó có thể được che giấu bởi sự lịch thiệp khi trưởng thành. Bởi sự hoang tàn này, họ có thể trở thành những người “mạnh mẽ” được nhiều người khác theo sau kính nể, nhưng sâu thẳm họ biết, họ rất đơn độc. Phần đông những kẻ tội phạm thuộc nhóm này.

5- Chúng ta nên chấp nhận số phận mình trong 3 vị thế trên?

 
Không, chúng ta có thể thay đổi sang vị thế thứ Tư: Tôi-Ổn / Bạn-Ổn.
Nếu ba vị thế đầu tiên được xây dựng dựa trên cảm giác và được lựa chọn bởi vô thức, thì vị thế Tôi-Ổn / Bạn-Ổn được xây dựng dựa trên tư duy, đức tin, sự dũng cảm và được lựa chọn bởi ý chí tự do của bạn. Đặc trưng khác biệt tuyệt đối này sẽ tạo nên sự chuyển biến lớn trong tâm thức.



Bài đến đây cũng đã khá dài để có thể viết thêm, tôi hi vọng bạn đã thích bài viết này. Tất cả những gì tôi truyền đạt thuộc các chương đầu tiên của I’m OK – You’re OK, giúp bạn hiểu được nguồn gốc những khó khăn tâm lý bạn đang gặp phải. Vẫn còn đó rất nhiều kiến thức tôi muốn chia sẻ đến bạn về cách thức phát triển Cái-Tôi-Người-Lớn, và chuyển đổi vị thế trong tương giao với người khác để từ đó có được một cuộc đời tự do.
Để tôi biết rằng bài viết này được bạn đón nhận và mong chờ sự xuất hiện của phần 2: “Trò chơi có thể thay đổi”, tôi cần bạn nhấn upvote bài viết này, nếu đạt 60 lượt upvote trước ngày 12/08/2023, tôi sẽ thực hiện phần tiếp theo. Hẹn gặp lại bạn ở đó!
Người thực hiện: Chloe Châu với kiến thức cá nhân và tổng hợp
193 | 8/5/2023 7:36:30 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Đôi nét về cuốn sách Nghệ thuật Kaizen tuyệt vời của Toyota
Đôi nét về cuốn sách Nghệ thuật Kaizen tuyệt vời của Toyota
Kaizen được hiểu đơn giản là những thay đổi nhỏ được thực hiện liên tục với mục tiêu cải tiến một sự vật, sự việc theo chiều hướng tốt lên
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Những điều mình học được từ quyển sách tâm lí học về tiền
Là một quyển sách tài chính nhẹ nhàng và gần gũi. Với những câu chuyện thú vị về thành công và thất bại của những chuyên trong lĩnh vực tài chính
Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport
Cảm nhận sách: lối sống tối giản thời công nghệ số - Cal Newport
Cuốn sách “lối sống tối giản thời công nghệ số” là một tập hợp những quan điểm, suy tư của Cal Newport về cách sử dụng công nghệ ngày nay
Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống
Triết học thực hành: Những cuốn sách triết học bạn có thể thực sự ứng dụng trong cuộc sống
Suy Tưởng có lẽ là cuốn sách “độc nhất vô nhị” từng được thực hiện: nó bản chất là cuốn nhật ký viết về những suy nghĩ riêng tư của Marcus Aurelius