Taylor Swift: từ "Công chúa nhạc đồng quê" đến nữ tỷ phú thống trị nền công nghiệp âm nhạc

"Những Kỷ Nguyên của Taylor Swift" trở thành concert film có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam sau chưa đầy hai tuần công chiếu, với thành công vang dội của bộ phim này, cái tên Taylor Swift một lần nữa dậy sóng truyền thông Việt.
 
"Những Kỷ Nguyên của Taylor Swift" - concert film có doanh thu lớn nhất tại Việt Nam

Taylor Alison Swift, sinh năm 1989, là nữ nghệ sĩ được trao giải thưởng nhiều nhất hành tinh (với 1115 đề cử và 562 giải thưởng), cô sở hữu album nhạc Pop đạt nhiều giải thưởng nhất lịch sử (1989) cũng như album nhạc Đồng quê đạt nhiều giải thưởng nhất lịch sử (Fearless). Chưa từng có nghệ sĩ hay ban nhạc nào trong lịch sử Hoa Kỳ sở hữu tới 6 album đạt doanh thu hơn 1 TRIỆU bản tuần đầu nội địa như Taylor Swift.
Trong thời đại các nền tảng streaming lên ngôi, cô vẫn tiếp tục lập kỷ lục về doanh số đĩa than (vinyl), với gần 700,000 bản được bán ra trong tuần đầu ra mắt của album 1989 (Taylor’s Version), ước tính cứ 15 đĩa than được bán ra trong năm nay tại Mỹ thì có 1 bản là của Taylor Swift. Nhắc đến thời đại streaming, Taylor cũng không hề hấn gì với việc bắt kịp thời đại, trở thành nghệ sĩ có lượng người nghe hàng tháng cao nhất Spotify, và nắm trong tay vô vàn kỷ lục streaming trong ngày, tuần, tháng, quý, năm trên nền tảng này. Apple Music mới đây cũng đã vinh danh cô là Nghệ sĩ của năm, và tiết lộ cô chính là nữ nghệ sĩ được stream nhiều nhất trên nền tảng của họ.
Có thể nói, Taylor Swift càn quét trong mọi thước đo về thành công, dù là sự đánh giá cao từ giới phê bình, hay doanh thu, streaming, đi tour,... Nhà báo Barbara Walters từng đưa ra một nhận định đình đám trên tạp chí Bloomberg Businessweek năm 2014: “Taylor Swift IS the music industry”, tạm dịch: “Taylor Swift CHÍNH LÀ nền công nghiệp âm nhạc”; và đến năm 2023, câu nói ấy lại càng được chứng minh là nhận định đúng đắn. Sau 17 năm trong nghề, Taylor Swift đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp hơn bao giờ hết.
 
Nhà báo Barbara Walters, 2014



Vậy làm thế nào mà một cô gái 16 tuổi sáng tác và biểu diễn nhạc đồng quê, một thể loại nhạc còn chưa phổ biến toàn cầu thời bấy giờ, có thể vươn lên trở thành một thế lực thống trị nền công nghiệp âm nhạc, trở thành nữ tỷ phú với doanh thu chỉ làm từ âm nhạc?

Từ Taylor Swift đến công chúa nhạc đồng quê


Những ngày thơ ấu của Taylor Swift


Taylor Alison Swift sinh ngày 13 tháng 12 năm 1989, tại West Reading, Pennsylvania. Cô lớn lên trong một gia đình “kiểu mẫu” khá giả, cùng với bố mẹ và em trai. Từ bé Taylor đã bộc lộ khả năng văn thơ của mình, khi đã chiến thắng cuộc thi sáng tác thơ toàn quốc năm lớp 4, với bài thơ “Monster in My Closet”. Cũng trong năm này Taylor bắt đầu đến thành phố New York để tham gia lớp luyện giọng và diễn xuất.
Được truyền cảm hứng bởi những tên tuổi trong nền nhạc đồng quê như Shania Twain và Faith Hill, cô bộc lộ niềm đam mê với dòng nhạc này. Năm 11 tuổi, Taylor cùng mẹ đến Nashville để gửi những bản thu demo đến các hãng thu âm, bao gồm các bản trình diễn karaoke bài hát của Dolly Parton và Dixie Chicks. Nhưng cô đã bị nhiều nơi từ chối, trong số đó có nơi nhận định cô chỉ là một “Britney wannabe” nữa mà thôi. "Mọi người ở đó đều có mục tiêu giống như tôi. Thế nên, tôi tự hỏi chính mình, tôi cần phải nghĩ ra một hướng đi khác biệt" - Taylor chia sẻ.
 
Taylor Swift năm 12 tuổi biểu diễn quốc ca tại một trận đấu



Cô bắt đầu học đánh đàn guitar năm 12 tuổi, với sự giúp đỡ của người hàng xóm tốt bụng, giúp cô sáng tác bài hát đầu tiên “Lucky You”. Với sự hỗ trợ của bố mẹ, từ năm 2003, Taylor bắt đầu có những hợp đồng với các hãng thu âm lớn, trong đó có RCA Records, họ quyết định giữ cô trong một thoả thuận phát triển nghệ sĩ và cô bắt đầu thực hiện nhiều chuyến đi đến Nashville cùng mẹ. Nhằm giúp cô phát triển trong làng nhạc đồng quê hơn nữa, năm Taylor 14 tuổi, gia đình cô chuyển tới Tennessee sinh sống. Vào một đêm diễn tại Bluebird Cafe, Nashville năm 2005, Taylor đã thu hút sự chú ý của Scott Borchetta, giám đốc hãng DreamWorks Records, khi ông chuẩn bị thành lập hãng thu âm độc lập Big Machine Records. Cô trở thành một trong những người đầu tiên ký kết cùng hãng, và bố cô đã mua lại 3% cổ phần trong công ty còn non trẻ này với giá tiền ước tính 120.000 đô la Mỹ. Có thể thấy sự hỗ trợ của gia đình trong khoảng thời gian tiền sự nghiệp của Taylor là rất lớn, cũng vì vậy mà gia đình và tình thân là những chủ đề khá quen thuộc trong nhiều bài hát của cô.

Vươn lên trong làng nhạc đồng quê


Sau khi ký hợp đồng với Big Machine, Taylor bắt tay vào sáng tác và sản xuất album đầu tay cùng tên của mình, và phát hành vào năm 2006. Album này đã cho ra nhiều đĩa đơn thành công trên bảng xếp hạng như “Our Song” và “Teardrops On My Guitar”, đặc biệt là “Our Song” khi đã vươn lên No. 1 Billboard Hot 100, giúp Taylor trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất có bài hát tự sáng tác đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc uy tín nhất Hoa Kỳ. Album cũng đã mang về cho cô nhiều giải thưởng, Taylor là một trong hai người nhận giải “Tác giả/Nghệ sĩ của năm” do Hiệp hội nhạc sĩ Nashville trao tặng năm 2007, trở thành người trẻ tuổi nhất nhận được giải thưởng này. Cô cũng được đề cử cho “Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất” tại Grammys - giải thưởng âm nhạc lớn nhất hành tinh. Có thể nói album đầu tay “Taylor Swift” là một bước đệm chắc chắn để dần đưa cô ấy đến với danh hiệu “công chúa nhạc đồng quê” của mình.
 
"Fearless Tour", thu về 63 triệu đô-la Mỹ


Cuối năm 2008, Taylor phát hành “Fearless” - album phòng thu thứ hai. Những ca khúc bất hủ như “Love Story” hay “You Belong With Me” đều nằm trong album này, giúp đưa tên tuổi của cô đến với công chúng toàn cầu, góp phần không nhỏ khiến cho nhạc đồng quê trở nên phổ biến hơn. “Fearless” đạt No. 1 bảng xếp hạng Billboard 200, và trở thành album bán chạy nhất năm 2009 tại Mỹ. Để quảng bá cho album, cô thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên mang tên Fearless Tour, thu về 63 triệu đô-la Mỹ. Album “Fearless” đã nhận giải thưởng danh giá nhất của Grammys - “Album của năm” - giúp Taylor trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất nhận được giải thưởng này thời bấy giờ, album cũng đã nhận được 3 giải Grammys nữa trong đêm đó, cùng vô số giải thưởng tại các lễ trao giải âm nhạc khác, và trở thành album nhạc đồng quê đạt nhiều giải thưởng nhất trong lịch sử âm nhạc. Tại thời điểm này trong sự nghiệp, Taylor Swift đã được công chúng biết tới với danh hiệu Công chúa nhạc đồng quê.

Taylor có gì ngoài "viết nhạc cho người yêu cũ"


“Người yêu cũ” có lẽ là một chủ đề được truyền thông và dư luận bàn tán rất nhiều khi nhắc đến Taylor Swift, một phần cũng vì đây là chủ đề được Taylor nhắc đến kha khá trong âm nhạc của mình, những mối tình chính thức của cô, dài có, ngắn ngủi cũng có, bao gồm 11 người tổng cộng: ca sĩ kiêm diễn viên Joe Jonas, diễn viên Taylor Lautner, ca sĩ John Mayer, diễn viên Jake Gyllenhaal, Conor Kennedy (cháu trai cựu Tổng thống Hoa Kỳ John F Kennedy), ca sĩ Harry Styles, DJ Calvin Harris, diễn viên Tom Hiddleston, diễn viên Joe Alwyn, ca sĩ Matty Healy, và hiện tại là ngôi sao bóng bầu dục Travis Kelce.
 
Là một nghệ sĩ tham gia vào quá trình sáng tác tất cả bài hát của mình, là lẽ đương nhiên khi cô chia sẻ những cảm xúc và trải nghiệm của mình trong âm nhạc, giống như bao nghệ sĩ khác cũng chia sẻ về đời sống tình cảm của mình trong nhạc của họ. Tuy nhiên, Taylor Swift bị truyền thông gắn mác là “kẻ hẹn hò hàng loạt” và những câu đùa “cẩn thận nhé Taylor Swift sẽ viết một bài hát về anh đấy” trở nên phổ biến. Trải dài qua gần 20 năm sự nghiệp của một người trưởng thành, việc yêu đương và sáng tác nhạc về trải nghiệm đó là hoàn toàn bình thường, tuy nhiên, vì chủ đề hẹn hò của người nổi tiếng chưa bao giờ là hết hot, nên việc báo chí liên tục “đào bới” đời tư của cô đã vô tình vẽ nên một hình tượng “cô gái đi vòng quanh thế giới thu thập đàn ông nhưng không thể giữ họ”, một hình tượng mà sau này chính Taylor đã tô vẽ lại một cách đầy châm biếm trong bản hit Blank Space (2014) của mình.
 
Hình tượng "crazy ex-girlfriend" đầy châm biếm trong bản hit Blank Space

Nhiều người không thực sự nghe nhạc của Taylor và phần nào bị ảnh hưởng bởi những dòng tít báo “cô ta chỉ viết nhạc về người yêu cũ” sẽ dễ đưa ra nhận định tương tự. Thế nhưng nhạc của cô chạm đến nhiều vấn đề hơn họ nghĩ. Đó là gia đình và bạn bè, là quá trình trưởng thành, là những khó khăn vật lộn trong cuộc sống, và cả chính trị.

Các chủ đề trong âm nhạc của Taylor


Như đã nhắc đến ở trên, gia đình là một chủ đề xuất hiện nhiều trong bài hát của Taylor, “The Best Day” là một ví dụ tiêu biểu, bài hát dành lời tri ân đến mẹ cô đã luôn ở bên cạnh qua những lúc khó khăn, và có nhắc tới bố và em trai ở gần cuối bài hát. “Never Grow Up” là ca khúc về khoảng thời gian cô chứng kiến em trai mình lớn lên, và cô phản ánh lại với quá trình trưởng thành của chính mình, những khó khăn của việc làm người lớn. Bạn bè của Taylor cũng đã trở thành những nhân vật chính trong một số bài hát của cô, như cô bạn thân từ thời trung học Abigail là nguồn cảm hứng của ca khúc “Fifteen”.
 
Taylor Swift nhận giải Milestone Award cùng mẹ Andrea Swift


Trong những năm gần đây, Taylor Swift đã lên tiếng nhiều hơn về những vấn đề chính trị, cả lên tiếng trực tiếp và chia sẻ qua âm nhạc. Những vấn đề như bình đẳng giới (bài hát “The Man”), giới trẻ đi bầu cử (bài hát “Only The Young”), ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ (bài hát “You Need To Calm Down”), những khó khăn vất vả của lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid (bài “Epiphany”),.. là một số vấn đề chính trị và xã hội nhức nhối được cô đem vào âm nhạc của mình. Trong bộ phim tài liệu “Miss Americana”, cô từng chia sẻ lý do thời gian đầu trong sự nghiệp cô phải đối mặt với áp lực dư luận và từ hãng đĩa, rằng mình phải giữ một hình tượng “good girl” và không lên tiếng về chính trị, tuy nhiên quan điểm này đã thay đổi khi cô nhận ra tiếng nói của mình sẽ có ảnh hưởng lên công chúng và đặc biệt là giới trẻ, và cô nên đấu tranh cho những giá trị mà cô tin tưởng.
 
Taylor Swift ủng hộ cộng đồng LGBTQ+ trong bài hát “You Need To Calm Down”

Ngoài những chủ đề kể trên, cô cũng có nhiều bản hit về self love, những khó khăn trong cuộc sống của một người trẻ đang trưởng thành, những nỗi sợ và sự mặc cảm của bản thân, sự phản bội và trả thù,.. Tất cả đều vô cùng quen thuộc và gần gũi với rất nhiều người, đó cũng là lý do nhiều người có thể thấy chính mình trong âm nhạc mà cô sáng tác.

Ngoài âm nhạc, Taylor còn làm gì?


Lòng nhân ái và tâm hồn phong phú của Taylor không chỉ thể hiện qua âm nhạc, mà còn qua những hành động của cô với những người xung quanh. Trước giờ cô vẫn luôn được biết tới là một người nổi tiếng siêng làm từ thiện, nhiều năm liền cô được vinh danh trên trang DoSomething.org, là người nổi tiếng dành ra khoản tiền làm từ thiện lớn nhất trong năm. Cô đã hỗ trợ tài chính cho những bệnh nhân ung thư, những nạn nhân của quấy rối tình dục, các tổ chức cứu trợ thiên tai, các ngân hàng thực phẩm trên đường chuyến lưu diễn Eras Tour của mình, và nhiều hơn thế nữa.
 
Taylor thăm một bạn fan nhỏ tuổi tại Trung tâm chữa bệnh ung thư New York



Với bạn bè của chính cô cũng vậy, Taylor đã hỗ trợ Kesha khoản tiền 250,000 đô la trong vụ kiện đình đám năm 2014, và gần đây đã giúp đỡ Sophie Turner, để mẹ con cô sống trong căn hộ New York City của mình sau cuộc ly dị của Sophie với Joe Jonas. Taylor cũng luôn dành tình yêu vô bờ bến cho fan của mình, giúp đỡ nhiều bạn fan gặp khó khăn về tài chính, như hỗ trợ học phí đại học cho một bạn sinh viên nghèo, hay mua nhà cho một bạn đang mang thai vô gia cư. Cô cũng từng nhiều lần mời fan từ khắp nơi trên thế giới đến nhà riêng của mình và cho họ nghe album mới trước ngày phát hành. Và ngược lại, cũng đã từng đến tận nhà, hoặc bệnh viện, để thăm những bạn fan gặp bệnh hiểm nghèo, đồng thời tặng họ những tấm vé vip đi tour của cô. Cô cũng đã sáng tác bài hát Ronan cho một cậu bé qua đời vì căn bệnh ung thư chỉ vài ngày trước khi sinh nhật tròn bốn tuổi, Taylor lấy cảm hứng từ bài blog của Maya Thompson, mẹ của Ronan, để sáng tác bài hát, cô cũng credit Maya là đồng sáng tác bài hát, và toàn bộ số tiền thu được từ bài hát này đều được quyên góp cho mục đích từ thiện nhằm nâng cao nhận thức và cuộc chiến chống lại bệnh ung thư. Lời cảm ơn fan luôn là câu cửa miệng của Taylor mỗi khi cô nhận giải thưởng hay đạt được thành tích nào đó, việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với fan ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp chính là yếu tố quan trọng trong việc có một fandom “hùng hậu” như Swifties bây giờ.

Những người "làm bão" cuộc đời Taylor Swift


Drama với nhà Kim - Kanye West


“I swear I don’t love the drama, it loves me”
 
Mặc dù bản thân Taylor Swift không chủ động tìm đến rắc rối, thì rắc rối vẫn tìm đến với cô theo nhiều cách khác nhau.
Mọi thứ bắt đầu từ khoảnh khắc Taylor lên nhận giải tại MTV Video Music Awards năm 2009 và bị rapper Kanye West (Ye) lên giật mic, chẳng phải để chúc mừng mà là để phản đối việc cô được nhận giải thưởng ấy. Taylor Swift bấy giờ ở tuổi 19 đã bị sốc trước hành động của đàn anh là Kanye và đứng chết lặng một lúc lâu, sự việc cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của Taylor thời gian sau đó. Tưởng chừng như mối quan hệ giữa hai người đã hàn gắn xong khi Kanye gửi lời xin lỗi đến Taylor, hai người có đi ăn tối cùng nhau, và năm 2015 Kanye còn gửi tặng hoa hồng cho Taylor sau khi cô lên sân khấu trao giải cho anh tại lễ trao giải VMAs năm đó; thế nhưng Kanye lại phát hành bài hát Famous với lyric phản cảm “I feel like me and Taylor might still have sex // Why? I made that bitch famous”, cùng với chiếc MV với hình ảnh của những bức tượng sáp khoả thân của nhiều nghệ sĩ trong giới, trong đó đương nhiên có cả của Taylor, và cô đã có phản hồi mang tính phê phán về lời bài hát này.
 
Kanye West giậc mic của Taylor tại VMAs 2009



Ngay lập tức, vợ Kanye khi đó là Kim Kardashian đã đăng tải đoạn clip quay lại cuộc gọi giữa Kanye và Taylor về bài hát, tuy nhiên, đoạn clip đã bị cắt xén để chèo lái dư luận rằng Taylor là kẻ nói dối. Truyền thông khi đó không khác nào “ong vỡ tổ”, chia bè phái, nhưng có thể thấy cú plot twist “good girl gone bad” được rất nhiều người yêu thích, nên Taylor phải nhận vô số chỉ trích từ truyền thông và cộng đồng mạng. Hashtag #TaylorSwiftIsOverParty tràn lan khắp mạng xã hội, và đỉnh điểm là khi Kim đăng một dòng tweet “Wait it's legit National Snake Day?!?!? They have holidays for everybody, I mean everything these days!” với ẩn ý rằng “Taylor xảo quyệt như rắn độc”, dẫn đến việc nhiều người thả icon rắn tràn lên trên khắp nền tảng mạng xã hội của Taylor Swift.
 
Kim Kardashian ngụ ý Taylor Swift là "rắn" trên Twitter

Cô đã ở ẩn trong một năm sau đó, và xoá sạch mạng xã hội, chỉ đăng một video con rắn, trước khi comeback ngoạn mục với Look What You Made Me Do, mở đường cho album reputation. Single này đã nhanh chóng dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng, vượt qua cả siêu hit bấy giờ là Despacito trên Billboard. Vài ngày sau khi phát hành bài hát, cô tung MV khủng dậy sóng truyền thông, với vô số “easter egg” và những thông điệp ẩn trong đó, một trong số những hình ảnh nổi bật nhất từ MV chắc phải kể đến hình tượng “rắn chúa”, Taylor Swift ngồi trên ngai vàng với vô vàn con rắn vây quanh; rồi hình ảnh Taylor đứng trên đỉnh tháp, ở dưới là tất cả những “old Taylor” khác, cố gắng bám víu trèo lên đỉnh mà không được, chốt hạ bằng một câu lyric “I’m sorry, but the old Taylor can’t come to the phone right now. Why? Oh, cause she’s dead”.
 
Hình ảnh Taylor đứng trên đỉnh tháp, ở dưới là tất cả những “old Taylor” khác



Hình ảnh rắn này cũng trở thành chủ đề xuyên suốt trong chuyến lưu diễn reputation stadium tour, là tour có doanh thu cao nhất tại Bắc Mỹ thời bấy giờ. Từ một hình ảnh được dùng làm “vũ khí” chống lại mình, Taylor Swift đã biến nó thành thương hiệu của mình, chú rắn khổng lồ Karyn cao gần 20 mét trên sân khấu reputation tour đã trở thành biểu tượng khó quên trong mắt công chúng.

Sự kiện dẫn tới quyết định tái thu âm 6 album của Taylor Swift


Ngay trước khi chuyến lưu diễn cho album reputation kết thúc, Taylor thông báo cô sẽ ký kết hợp đồng với hãng đĩa mới - Republic Record, UMG - và rời hãng đĩa cũ là Big Machine Records sau nhiều năm gắn bó. Cô cũng chia sẻ là trong hợp đồng với hãng đĩa mới, cô sẽ có quyền sở hữu những bản thu âm gốc (master recordings) của mình. Đây là một điều hiếm hoi trong ngành công nghiệp âm nhạc vì đối với phần lớn nghệ sĩ, hãng đĩa sẽ là bên sở hữu những bản master nhạc của họ, bản thân Taylor cũng vậy, Big Machine Records sở hữu quyền với 6 album đầu tiên của cô.
Trong thông báo của mình, cô cũng gửi lời cảm ơn tới chủ tịch của Big Machine là Scott Borchetta, người đã ký hợp đồng với Taylor khi cô mới 15 tuổi, và Scott cũng đáp lại lời cảm ơn này. Dường như mối quan hệ đôi bên vẫn tốt đẹp, cho đến khi tin tức bùng nổ trên báo chí: “Scooter Braun mua lại Big Machine Records, cùng với toàn bộ album của Taylor Swift, trị giá hơn 300 triệu đô la”. Taylor Swift đã đăng tải một bức tâm thư trên mạng xã hội, chia sẻ rằng Scooter Braun là người đứng đằng sau những vụ việc bắt nạt mạng của cô (bằng chứng là Justin Bieber đăng ảnh trên Instagram cùng Kanye và Scooter sau vụ việc bài hát “Famous” với dòng caption khịa Taylor, Scooter khi đó là quản lý của Justin). Và giờ thì anh ta còn tước đi thành quả công sức làm việc cả đời của cô.
 
"Đây là Scooter Braun, bắt nạt tôi trên MXH vào thời điểm tồi tệ nhất của tôi. Anh ta chuẩn bị sở hữu toàn bộ âm nhạc của tôi" - Taylor chia sẻ trong tâm thư của mình.



“Đây là viễn cảnh tồi tệ nhất đối với tôi” - Taylor chia sẻ, sau khi tiết lộ rằng cô đã cố gắng thương lượng mua lại bản master album của chính mình, nhưng bị đưa ra điều kiện éo le rằng, với mỗi album tiếp theo mà cô phát hành dưới Big Machine, cô sẽ có quyền mua lại một album cũ của mình. Không chấp nhận được việc bị vướng vào vòng lặp này, Taylor chọn cách rời đi, cô cũng đã lường trước việc album của mình sẽ bị Scott bán đi, điều cô không thể ngờ là ai sẽ là người được mua chúng.
Nhiều cuộc thương lượng đã diễn ra sau đó nhưng đều không đi đến kết quả. Taylor Swift rất kiên quyết với việc không muốn Scooter thu lợi từ sản phẩm nghệ thuật của mình, nên đã thông báo về quyết định tái thu âm lại toàn bộ 6 album đầu tiên của mình, gọi chúng là Taylor’s Version. Đây không phải là lần đầu tiên có nghệ sĩ làm việc này, nhưng chắc chắn thành công vang dội của những album Taylor’s Version là chưa từng có tiền lệ. Sự đấu tranh không ngừng nghỉ của cô đối với những bất công trong nền công nghiệp âm nhạc đã truyền cảm hứng cho vô vàn nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ trẻ mới nổi, để họ nhận thức được rõ hơn về những hợp đồng mà mình sẽ đặt bút ký.
 
Những album "Taylor's Version" tới thời điểm hiện tại



Vùng lên từ tro tàn: Từ công chúa country đến người phụ nữ thống trị nền công nghiệp âm nhạc

Chuyển mình với Pop
Sau thành công với ba album đồng quê đầu tiên, Taylor Swift bắt đầu thử sức mình với những bài hát thuần Pop, đầu tiên là trong album Red, với những bản hit toàn cầu như "We Are Never Ever Getting Back Together" (WANEGBT), "I Knew You Were Trouble" hay "22".
 
"We Are Never Ever Getting Back Together" tại RED Tour



Single mở đường cho album Red, WANEGBT, trở thành No. 1 hit đầu tiên của Taylor tại Mỹ, vươn lên hạng nhất bảng xếp hạng iTunes chỉ sau 50 phút ra mắt, là bài hát bán chạy nhanh nhất lịch sử kỹ thuật số, ghi danh kỷ lục Guinness Thế giới thời bấy giờ. Những bản Pop hit sôi động, bắt tai này một lần nữa nâng tầm danh tiếng toàn cầu của Taylor. Album Red nối tiếp chuỗi thành tích doanh thu của Taylor, mở màn tại vị trí quán quân trên Billboard với 1.21 triệu bản tuần đầu tại Hoa Kỳ, đưa cô trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử có hai album làm được điều này, tiếp tục được ghi danh vào kỷ lục Guinness. Album cũng được giới phê bình đánh giá cao, mang về nhiều giải thưởng, và nhận được 4 đề cử Grammys năm đó, trong đó có “Album của Năm”. Chuyến lưu diễn The Red Tour thu về hơn 150 triệu đô la, là tour diễn có doanh thu lớn nhất của một nghệ sĩ nhạc đồng quê trong lịch sử.

1989 - cột mốc quan trọng với Pop của Taylor Swift


Thành công vang dội đến vậy, nhưng đây mới chỉ là Taylor Swift thử sức mình với Pop, bản thân “Red” vẫn là một album nhạc đồng quê. Cho đến năm 2014, cô mới thực sự lột xác và chính thức chuyển sang Pop, với Pop album đầu tiên của mình, “1989”.
 
1989 album photoshoot



Tên album chính là năm sinh của cô, Taylor nói rằng cô chọn cái tên này với ý nghĩa như sự tái sinh của bản thân. Có thể nói rằng sự thành công của album này là một trong những dấu mốc đáng chú ý trong lịch sử nền công nghiệp âm nhạc. “1989” mở màn với 1,28 triệu bản tuần đầu tại Mỹ, Taylor tiếp tục được ghi danh kỷ lục Guinness khi trở thành nghệ sĩ đầu tiên có ba album tẩu tán hơn triệu bản trong tuần đầu lên kệ. Album mang về ba đĩa đơn No. 1 Billboard, là “Shake It Off”, “Blank Space”, và “Bad Blood”, cả ba bài hát đều có MV hàng tỷ lượt xem trên Youtube. Với MV “Blank Space” trở thành video đạt 1 tỷ lượt xem nhanh nhất trên hệ thống Vevo.
“1989” mang về cho Taylor vô số giải thưởng: ba giải Grammys danh giá trong đó có “Album của Năm”, đưa cô trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên trong lịch sử đem về nhà chiếp cúp này hai lần, bốn giải Video âm nhạc MTV năm 2015, giải “Người phụ nữ của năm” của Billboard, “Dick Clark for Excellence” tại Giải thưởng Âm nhạc Mỹ AMAs, và lễ trao giải nhạc Pop BMI đã vinh danh cô với chiếc cúp “The Taylor Swift Award”, chỉ có hai nghệ sĩ trong lịch sử được BMI trao giải mang tên chính họ, là Michael Jackson và Taylor Swift, và đó mới chỉ là một vài giải thưởng nổi bật. Không lâu sau đó, “1989” trở thành album nhạc Pop được trao giải nhiều nhất lịch sử.
 
“1989” mang về cho Taylor 03 kèn Grammys danh giá trong đó có “Album của Năm”



Cuối năm 2015, Taylor khởi động chuyến lưu diễn thế giới “The 1989 World Tour”, thu về 250 triệu đô la, trở thành tour diễn có doanh thu cao nhất năm 2015, lọt top danh sách doanh thu cao nhất thập niên. Đây là bước ngoặt trong sự nghiệp của Taylor, đưa cô lên một đỉnh cao mới về độ phủ, tới thời điểm này, công chúng đã không còn nhắc tới cô với cái tên “Công chúa nhạc đồng quê” nữa, mà là “Global Superstar” (siêu sao toàn cầu).

Vươn mình với Alternative


Taylor tiếp tục theo đuổi dòng nhạc Pop trong hai album tiếp theo là “reputation” và “Lover”, cũng đều là những thành công về mặt thương mại, tuy nhiên, một sự cố xảy ra khiến cho “Lover” era bị gián đoạn, đó chính là đại dịch Covid toàn cầu. Chuyến lưu diễn cho album này đã bị trì hoãn nhiều tháng trời, và cuối cùng đã phải huỷ, khi mà đại dịch diễn ra liên tục với tình trạng khó lường tại nhiều quốc gia.
Nhưng đại dịch cũng không ngăn cản được sức sáng tạo và đam mê của cô với công việc, vào ngày 23 /07/2020, Taylor bất ngờ thông báo trên mạng xã hội, rằng cô sẽ phát hành album mới của mình, có tên folklore, vào nửa đêm cùng ngày. Thông báo đã gây chấn động cộng đồng mạng, khi điều này là hoàn toàn chưa từng có tiền lệ, thông thường cô sẽ luôn có một thời gian chuẩn bị phát hành và quảng bá album đường dài, từ lúc thông báo tới lúc phát hành lên đến vài tháng trời, và không chỉ với Taylor mà nhiều nghệ sĩ khác cũng vậy. Việc phát hành album bất ngờ như vậy thực sự là một làn gió mới.
Và nó không phải là bất ngờ duy nhất, khi cô lại tiếp tục lột xác một lần nữa với dòng nhạc mới, Alternative. Album ngay lập tức được đón nhận với thái độ vô cùng tích cực từ công chúng và giới phê bình. Mặc dù không phải là dòng nhạc phổ biến nhất, và là phát hành bất ngờ không có quảng bá từ trước, “folklore” vẫn tẩu tán hơn hai triệu bản toàn cầu trong tuần đầu tiên, đồng thời phá vỡ nhiều kỷ lục về streaming nhạc trực tuyến.
 
Taylor Swift thông báo album "folklore"



Taylor thực sự phát huy tối đa khả năng sáng tác của mình trong album này, khi cô thực sự tập trung vào nghệ thuật chứ không còn bị ràng buộc bởi những tiêu chuẩn trong ngành công nghiệp về việc những bài hát phải thế nào để trở thành hit, hay có thể biểu diễn ở tour. Không chỉ dừng lại ở đó, vỏn vẹn 5 tháng sau, cô tiếp tục phát hành bất ngờ album thứ hai trong năm đó, “evermore”, được cô gọi là “album chị em” với “folklore”, cô cảm thấy cảm hứng sáng tác trong mình vẫn còn dồi dào nên vẫn tiếp tục chứ chưa muốn dừng lại với chỉ một album.
Có thể nói “folklore” và “evermore” là đỉnh cao về tính hàn lâm trong sự nghiệp âm nhạc của Taylor Swift. Và điều này càng được chứng minh khi “folklore” thắng giải thưởng danh giá “Album của Năm” một cách thuyết phục tại Grammys, khiến cô trở thành nghệ sĩ nữ đầu tiên trong lịch sử làm được điều này ba lần. Hai album này cũng đã trở thành liều thuốc chữa lành tinh thần cho rất nhiều người trong thời kỳ khủng hoảng, phải cách ly xã hội đó.
 
“folklore” thắng giải thưởng danh giá “Album của Năm” tại Grammys


Branding & Marketing: “Quân bài” giúp làm nên nữ tỷ phú âm nhạc Taylor Swift


Không chỉ có sức sáng tạo và khả năng sáng tác không ngừng nghỉ trong âm nhạc, Taylor cũng vô cùng sành sỏi trong việc branding và quảng bá hình ảnh của bản thân.
Trong từng era của mỗi album, Taylor sẽ luôn có những hình ảnh rất đặc trưng theo chủ đề của era đó, từ kiểu tóc, cách trang điểm, đến thời trang. Điều này còn rõ rệt trong những sản phẩm nghệ thuật của cô, một ví dụ điển hình là hình tượng rắn - một hình ảnh từng được dùng để làm vũ khí bắt nạt cô trên mạng - được chính Taylor tận dụng làm một chủ đề xuyên suốt để lột xác trong “reputation” era, từ việc đeo nhẫn, vòng cổ, và nhiều trang sức khác có hình rắn, đến việc mặc quần áo có hoạ tiết rắn, hoá thân thành nữ hoàng rắn trong MV, và đem những con rắn khổng lồ lên sân khấu reputation tour - chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất lịch sử Bắc Mỹ thời bấy giờ. Từ một thứ tiêu cực thành công cụ kiếm về hàng trăm triệu đô, quả là một nước đi xuất sắc từ phía Taylor Swift.
 
Taylor Swift cùng với Karyn - mãng xà khổng lồ trên sân khấu reputation tour

Mối quan hệ giữa Taylor với cộng đồng fan của mình cũng là “có một không hai”. Không chỉ quảng bá âm nhạc một cách đơn thuần, trước giờ Taylor luôn tìm cách thả “hint”, những “manh mối” trong bài đăng, hình ảnh, lời nhạc, hoặc MV của mình, hoặc là những câu đố vui, ghép chữ, để fan hào hứng trong thời gian chờ đợi album ra mắt, điển hình như cơn sốt giải đố để “mở khoá” tên bài hát mới trong album 1989 (Taylor’s Version), mỗi khi từ khoá “Taylor Swift” được tìm kiếm trên Google, một mini game sẽ hiện ra để người dùng có thể chơi, và Swifties toàn cầu đã đồng tâm hiệp lực giải tổng cộng 33 triệu câu đố chỉ trong chưa đầy 24 giờ. Cách cô quảng bá album Midnights cũng vô cùng sáng tạo, tận dụng sức mạnh truyền thông của Tik Tok, cứ dăm ba ngày một lần, cô đăng clip Tik Tok quay xổ số lô tô, lần lượt tiết lộ tên từng bài hát trong album này.
Sự kết nối với fan hâm mộ của Taylor càng được làm rõ hơn trong chuyến lưu diễn The Eras Tour. Hiểu được nhu cầu của fan do 5 năm trời chưa có cơ hội đi tour, cũng như nhiều album chưa từng được biểu diễn, cô quyết định biểu diễn liên tục 45 bài hát trong show dài hơn 3 tiếng đồng hồ.
Có lẽ đã nhiều bạn ở Việt Nam cũng đã có cơ hội được đi xem phim tour tại rạp, và chứng kiến sự chuyên nghiệp trong cả phần nghe lẫn phần nhìn của chuyến lưu diễn này. Từng chi tiết về hình ảnh trên màn hình lớn, đến visual trên sân khấu, đều được đầu tư tỉ mỉ, bản thân sân khấu cũng là một màn hình, được sử dụng rất khôn khéo để tạo hiệu ứng hình ảnh vô cùng lộng lẫy. Đặc biệt phải kể đến màn đánh lừa thị giác sáng tạo, khi mà Taylor nhảy ngụp xuống sân khấu, và cả sân khấu hiển thị hình ảnh Taylor bơi về phía màn hình lớn.
 
Sân khấu đồ sộ của The Eras Tour

Dàn vũ công hùng hậu của Taylor cũng góp phần không kém cho màn trình diễn này, không chỉ khoe những vũ đạo xịn sò của mình, họ cũng được thử sức với vai trò diễn viên, vào vai những nhân vật trong bài hát của cô. Và tất nhiên, ngôi sao của chương trình, diễn viên chính Taylor Swift, thực hiện xuất sắc vai của mình, ca hát nhảy múa trong hơn 3 tiếng đồng hồ, luôn luôn tràn đầy năng lượng cho đến bài hát cuối cùng.
Và tại mỗi show, cô sẽ biểu diễn 2 “surprise songs”, là một truyền thống giữa cô và fan, những bài hát bất ngờ này không cố định trong setlist, và sẽ được cô chọn ngẫu nhiên cho từng show, để fan có cơ hội được nghe những bài họ vô cùng yêu thích nhưng không có tên trong setlist biểu diễn. Taylor cũng lắng nghe những mong muốn của fan trên mạng xã hội, và tìm cách chiều lòng người hâm mộ của mình, càng khiến cho mối quan hệ giữa cô và fan trở nên bền chặt hơn. Chính sự thấu hiểu fan của mình, cùng với sự chăm chỉ, tập trung, và sức sáng tạo bền bỉ đã khiến cô trở thành một thế lực không thể cản phá trong nền công nghiệp âm nhạc.
 
Taylor cùng dàn vũ công chào tạm biệt khán giả trước khi kết thúc show

Không chỉ là âm nhạc


Ảnh hưởng của Taylor Swift lên nền kinh tế


Ảnh hưởng của Taylor Swift không chỉ nằm trong phạm vi nền công nghiệp âm nhạc, mà vươn rộng ra nền kinh tế nói chung.
Các nhà phân tích ước tính Eras Tour sẽ vượt mốc 1 tỷ đô doanh thu vào tháng Ba năm 2024, nếu điều này trở thành hiện thực, thì Taylor Swift sẽ đạt được cột mốc lớn nhất trong lịch sử lưu diễn, vượt qua chuyến lưu diễn chia tay kéo dài trong hàng năm trời của Elton John. Nhưng đó chỉ là bề nổi, vì The Eras Tour được ước tính sẽ tạo ra 5 tỷ đô tiền chi tiêu của người tiêu dùng tính riêng tại Mỹ. “Nếu coi Taylor Swift là một nền kinh tế, cô ấy sẽ vượt qua 50 quốc gia trên thế giới” - theo chia sẻ của Dan Fleetwood, chủ tịch của QuestionPro Research and Insights.
 
Ước tính của QuestionPro về ảnh hưởng của Eras Tour lên nền kinh tế nội địa

Thông thường, cứ 100 đô được chi cho các buổi biểu diễn live sẽ tạo ra khoảng 300 đô chi tiêu cho những thứ như khách sạn, thực phẩm và phương tiện đi lại. Nhưng đối với Eras Tour, Swifties - cộng đồng fans của Taylor Swift, đang đưa điều này lên một tầm cao mới, với mức chi tiêu khoảng $1.300-$1.500 cho những thứ như trang phục, hàng hóa, ăn uống và du lịch - thúc đẩy nền kinh tế địa phương hàng trăm triệu đô la chỉ trong cuối tuần. Thống đốc bang Illinois (Mỹ) ghi nhận Taylor Swift đã vực dậy ngành du lịch của bang chỉ sau ba đêm diễn ở Chicago. Cô thậm chí còn được nhắc đến trong một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ FED, ghi nhận cô là người đã thúc đẩy ngành du lịch quốc gia.
Không chỉ dừng lại ở đó, Taylor Swift tiếp tục mang lại động lực cần thiết cho nền kinh tế Mỹ khi bộ phim mới của cô lập kỷ lục phòng vé mới. Hệ thống rạp phim AMC Theaters ước tính, "Taylor Swift: The Eras Tour" kiếm được từ 95 triệu đến 97 triệu đô tiền bán vé ở Mỹ và Canada, đánh bại “bom tấn” năm 2011 của Justin Bieber "Never Say Never", thu về 73 triệu đô, trở thành doanh thu mở màn xuất sắc nhất từ trước đến nay của một bộ phim hòa nhạc, trong cuối tuần bắt đầu công chiếu.

Đấu tranh cho quyền bình đẳng của nghệ sĩ


Là người làm nghệ thuật, và cũng nhận thức được tầm ảnh hưởng của mình, trước giờ Taylor Swift vẫn luôn luôn tìm cách đấu tranh cho quyền bình đẳng cho đồng nghiệp của mình, đặc biệt là những nghệ sĩ mới và nhỏ.
Đầu tiên có thể kể đến cuộc đấu tranh giữa cô và những ông lớn trong ngành, cụ thể là Apple Music và Spotify. Năm 2015, vài ngày sau khi nền tảng Apple Music mới được tung ra, có thông tin xác nhận rằng album cực kỳ thành công “1989” của Taylor Swift sẽ không có mặt trên nền tảng này. Taylor sau đó đã gửi một bức thư tới Apple trên trang Tumblr của mình, nêu chi tiết chính xác lý do tại sao cô ấy không cung cấp album của mình.
Cô đưa ra vấn đề việc việc Apple sẽ không trả bất kỳ khoản tiền bản quyền nào cho các nghệ sĩ hoặc hãng thu âm trong thời gian dùng thử miễn phí ba tháng đầu trên Apple Music. Taylor chia sẻ trong bức thư, “Ba tháng là một khoảng thời gian dài không được trả công, và thật không công bằng khi yêu cầu bất kỳ ai làm việc không công… Chúng tôi không yêu cầu Apple cung cấp iPhone miễn phí. Vui lòng đừng yêu cầu chúng tôi cung cấp âm nhạc cho Apple mà không được trả thù lao”. Cô cũng nói rõ đây không là vấn đề tài chính của cá nhân mình “Chuyện này không phải là về tôi… Đây là về những nghệ sĩ hoặc ban nhạc mới vừa phát hành bài hát đầu tiên của họ và sẽ không được trả tiền cho thành công của nó.” Chính bức thư này đã khiến ban lãnh đạo của Apply đổi ý, và thay đổi chính sách của mình ngay sau đó.
Còn với Spotify, Taylor đã rút toàn bộ nhạc của mình khỏi nền tảng này vào cuối năm 2014, cũng với lý do tương tự . “Âm nhạc là nghệ thuật, nghệ thuật rất quan trọng và hiếm có. Những thứ quan trọng, hiếm có đều có giá trị. Những thứ có giá trị phải được trả tiền. Theo quan điểm của tôi, âm nhạc không nên miễn phí... Tôi hy vọng nghệ sĩ sẽ không phải đánh giá thấp bản thân hoặc đánh giá thấp nghệ thuật của họ.” - Taylor chia sẻ trong một bài phỏng vấn với Wall Street Journal. Cô đã xa lánh dịch vụ streaming này trong 3 năm trời, chính thức quay trở lại vào năm 2017, vài tháng trước khi phát hành album “reputation”. Năm 2018, trong hợp đồng ký kết với hãng đĩa hiện tại của cô, Republic Records thuộc Universal Music Group (UMG), cô đưa ra điều khoản rằng UMG sẽ bàn giao cho các nghệ sĩ thuộc hãng đĩa này một phần lợi nhuận từ Spotify trong tương lai.
Tiếp theo đó là cuộc đấu tranh của cô trong việc sở hữu bản master của 6 album đầu, như đã đề cập ở trên, thành công vang dội của những album tái thu âm, cũng như việc lên tiếng công khai về những điều khoản hợp đồng, đã nâng cao nhận thức của công chúng và đặc biệt là nghệ sĩ rất nhiều trong những vấn đề quan trọng này, cũng như truyền cảm hứng cho họ đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Đấu tranh cho bình đẳng giới


Không chỉ cho nghệ sĩ, Taylor cũng đấu tranh không ngừng nghỉ cho phụ nữ và bình đẳng giới, bắt đầu từ việc thể hiện quan điểm trong chính âm nhạc của mình, với những bài hát như “The Man” hay “Mad Woman”. Cô cũng chia sẻ trong nhiều cuộc phỏng vấn về sự phân biệt đối xử và tiêu chuẩn kép của truyền thông và dư luận đối với nữ nghệ sĩ, đời sống hẹn hò của họ, và việc họ viết nhạc về người yêu cũ, so với nam giới.
Vụ kiện đình đám giữa Taylor và DJ David Mueller là ví dụ điển hình cho sự đấu tranh và lên tiếng của cô. Trong một buổi gặp mặt năm 2013, Taylor đã bị David sờ soạng và quấy rối tình dục, đội ngũ an ninh của Taylor sau đó đã gặp trực tiếp với người này tại cánh gà và buộc tội anh ta với hành vi quấy rối, dẫn đến việc anh ta bị sa thải bởi đài radio mà anh ta đang làm việc. Vào năm 2015, người này lên đơn kiện Taylor Swift với hành vi phỉ báng, nói rằng anh ta chưa bao giờ quấy rối cô, cáo buộc rằng do những tuyên bố sai sự thật mà anh ta phải chịu oan uổng, mất việc, hình ảnh bị phá hoại, và bị cấm vĩnh viễn khỏi tất cả show của Taylor một cách vô lý. Phiên toà xét xử vụ kiện này diễn ra vào tháng 8 năm 2017, với sự xuất hiện của cả Taylor và David, Taylor cũng đã kiện ngược lại David với tội tấn công tình dục, đòi bồi thường thiệt hại là 1 đô la mang tính biểu tượng. Phiên tòa kết thúc với phần thắng về phía Taylor Swift.
 
Taylor Swift trong phiên toà xét xử vụ kiện tấn công tình dục

Trong một tuyên bố được Taylor đưa ra sau phiên tòa, cô tiết lộ lý do khởi kiện ngược lại là để tiếp sức mạnh cho những nạn nhân khác của tấn công tình dục. Trong tuyên bố, cô cũng cam kết quyên góp cho các tổ chức giúp tài trợ chi phí pháp lý cho những nạn nhân bị tấn công tình dục muốn bảo vệ chính mình. Những chi tiết của vụ việc này cũng được chính Taylor chia sẻ trong bộ phim tài liệu “Miss Americana” của mình.
Ngoài ra, bộ phim cũng đề cập tới những vật lộn của phụ nữ đối với chuẩn mực ngoại hình của công chúng. Đây là lần đầu tiên Taylor tiết lộ mình đã từng gặp phải chứng rối loạn ăn uống, “...Khi tôi nhìn một bức ảnh chụp mình mà tôi cảm thấy như bụng mình quá to, hoặc… ai đó nói rằng tôi trông như đang mang bầu… điều đó sẽ khiến tôi nhịn đói một chút - tôi sẽ ngừng ăn luôn”. “Nếu bạn đủ gầy thì bạn sẽ không có được cặp mông mà mọi người mong muốn, nhưng nếu bạn có đủ trọng lượng để có một cái mông thì bụng bạn sẽ không đủ phẳng. Thực sự là không thể làm được.” - cô chia sẻ về những tiêu chuẩn phi thực tế về hình thể phụ nữ. “Tôi đã từng nghĩ việc cảm thấy như sắp ngất xỉu sau mỗi buổi diễn là điều bình thường. Nhưng tôi đã nhận ra là không phải vậy, nếu bạn ăn uống đầy đủ, bạn sẽ có năng lượng, khoẻ mạnh hơn, và có thể biểu diễn tất cả những show này mà không cảm thấy tồi tệ như vậy”.
Ở thời điểm hiện tại, Taylor đã tự tin với chính mình hơn bao giờ hết, và cô đã tìm được cách chăm sóc bản thân mình đúng đắn hơn, và hy vọng bài học của mình cũng sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người phụ nữ khác.
Là tỷ phú đi lên từ âm nhạc, Taylor Swift trở thành một hình tượng nổi bật của thế hệ này. Xuyên suốt quá trình đi từ một cô bé hát nhạc đồng quê lên siêu sao toàn cầu của cô ấy, qua những bài học cô đã trải qua, từ những đấu tranh của cô trong cuộc sống, cách cô ấy đam mê làm việc và trân trọng gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cũng như fan hâm mộ của mình, chúng ta có thể học hỏi rất nhiều.
Cô truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ, rằng chúng ta cần phải mạnh mẽ, chăm chỉ, cố gắng, yêu chính mình và những người thân thiết xung quanh, để rồi đến khi đạt được mục tiêu, ta sẽ nhận ra rằng, chính chúng ta và những người đồng hành đó, đã giúp chúng ta đến được đích đó.
Xin được kết lại với trích đoạn bài phát biểu của Taylor Swift khi cô lên nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại Đại Học New York năm 2022. Đoạn trích có lẽ đã phần nào tóm lược được quá trình gần hai mươi năm trong nghề của Taylor:
“Trong cuộc sống, bạn sẽ không tránh khỏi những điều sau: nói sai, tin nhầm người, phản ứng thiếu cẩn trọng, phản ứng thái quá, làm tổn thương những người không xứng đáng, suy nghĩ quá nhiều, không suy nghĩ gì cả, tự hủy hoại bản thân, tạo ra một thực tại nơi chỉ tồn tại trải nghiệm của bạn, hủy hoại những khoảnh khắc tốt đẹp của chính bạn và những người khác, phủ nhận mọi hành vi sai trái, không cố gắng điều chỉnh lại cho đúng, sau đó cảm thấy rất tội lỗi, để cảm giác tội lỗi đó gặm nhấm bạn, chạm đáy, bắt đầu giải quyết cơn đau bạn đã gây ra, cố gắng làm tốt hơn vào lần sau, và cứ thế lặp lại. Và tôi sẽ không nói dối đâu, những sai lầm này sẽ khiến bạn mất nhiều thứ. Nhưng mất đi không chỉ có nghĩa là mất mát. Nhiều lúc trong cuộc sống, khi chúng ta mất đi nhiều thứ, chúng ta cũng đạt được nhiều thứ.”
Taylor Swift nhận bằng Tiến sĩ danh dự tại Đại Học New York, năm 2022


Reference:
https://www.facebook.com/TaylorSwiftVN
454 | 11/27/2023 9:22:36 PM
Bình luận
Bài viết liên quan
Teshima Aoi - Âm nhạc... sự bình yên vô tận (From Up on Poppy Hill)
Teshima Aoi - Âm nhạc... sự bình yên vô tận (From Up on Poppy Hill)
Khi những thanh âm đi xuyên qua, chạm đến cả những phần tâm hồn ẩn sâu nhất, đục đẽo những góc cạnh sần sùi, xấu xí, sắc nhọn thành
Tại vì sao lyrics nhạc MCK suy nhưng vẫn hay đến như vậy?
Tại vì sao lyrics nhạc MCK suy nhưng vẫn hay đến như vậy?
Nger vốn gắn liền với những bản tình ca, nổi nhất với lũ GenZ đời đầu chúng tôi khi đó là “Tình đắng như ly cafe” ft cùng Nân