Sự thật về Biểu tượng Ông Công, Ông Táo

Cứ mỗi năm nhằm ngày 23 tháng Chạp, những người con Việt lại sửa soạn mâm cơm "cúng ông Công, ông Táo", và đi thả cá với hi vọng ông bà Táo thật tâm báo cáo lại những điều mà gia chủ đã làm trong suốt một năm qua với Ngọc Hoàng.
Do đó, nơi này nảy ra một nghi vấn, rằng "sự tích ông Công, ông Táo có thực sự bắt nguồn từ Trung Quốc?"
Theo dòng suy nghĩ đó, thì trước tiên, ta cần tìm hiểu xem, hình ảnh của Ông Công, Ông Táo trong tầm hồn người Trung Quốc đã biến đổi theo thời gian như thế nào chứ nhỉ?!
Đầu tiên, có thể khẳng định, Táo quân là một vị thần có lịch sử lâu đời và lai lịch hiển hách trong văn hóa tín ngưỡng truyền thống Trung Quốc. Ta có thể tìm thấy dấu vết về Táo Quân ở rất nhiều điển tích của Trung Hoa, như trong Tư Mã Thiên hay Hán Thư.
Vì sao người Trung Quốc lại phải cúng tế các vị thần này? Vì đi lại, ăn uống có liên quan mật thiết với cuộc sống của con người. Thời phụng các vị thần đó, để luôn được phù hộ bình an, may mắn trong cuộc sống.

Vậy, thần Táo Quân xuất phát từ đâu?

Thời Tần Hán, thần Táo Quân được coi là hậu duệ của các bậc đế vương thời Cổ đại của Trung Quốc như Viêm Đế, Chúc Dung... Sách Hoài Nam Tử - Phàm luận biên viết: "Viêm Đế tác hỏa nhi tử vi táo", nghĩa là Viêm Đế tạo ra lửa, nên sau khi mất được phong làm Táo Thần. Một số văn tịch cổ Trung Quốc cho rằng, thần Táo Quân Chúc Dung là một bà cụ phúc hậu. Sách Thái Bình ngự lãm quyển 59 dẫn sách Ngũ Kinh dị nghĩa viết: "Táo Thần Chúc Dung, thị lão phụ", nghĩa là thần Táo quân Chúc Dung là một cụ bà.
Về sau này, thần Táo quân từng bước được thế tục hóa, trở thành một nhân thần có tên tuổi lai lịch và có dung mạo xinh đẹp như mỹ nữ, có gia đình giống như người phàm trần.
Như vậy, có thể hiểu, đối với người Trung Quốc, ban đầu thần Táo quân là hiện thân của những vị á thần, là những người đầu tiên biết sử dụng lửa, hoặc phát minh ra bếp đun nấu. Họ chính là một dạng của thần Ánh Sáng và thần Lửa. Về sau, thần Táo quân biến thành một bà lão phúc hậu, chuyên quản việc bếp núc theo quan niệm dân gian về thiên chức nấu ăn và chăm sóc gia đình của người phụ nữ Trung Quốc. Cuối cùng, thần Táo Quân trở thành một vị nam thần có dung mạo xinh đẹp và có gia đình, vợ con.
Song song với những nguồn thư tịch cổ này, do đặc trưng vùng miền, người dân ở những nơi khác nhau của Trung Quốc lại lưu truyền những câu chuyện về nguồn gốc của Táo Thần với những nội dung hết sức phong phú.
Nào là chuyện người chồng nghèo, nhưng ham mê cờ bạc, đến độ khuynh gia bại sản, phải bán cả vợ. Người vợ vẫn thương xót chồng, thường giấu giếm cho ăn. Về sau, người chồng xấu hổ vô cùng, đâm đầu vào bếp, tự đăng xuất. Sau khi chết, Thượng Đế cho anh ta làm Táo thần. Đây là câu chuyện của vùng Phúc Châu.
Rồi đến câu chuyện của vùng Sơn Đông, khi có một anh chàng tên Trương Lang lấy vợ tên là Đinh Hương. Lang không thích làm ruộng, bỏ ra ngoài đi buôn, để vợ ở nhà một mình với bố mẹ chồng lam lũ. Sau 5 năm bặt vô âm tín, Lang về nhà, liền đuổi vợ và lấy một người phụ nữ lẳng lơ về làm vợ. Hương không nơi nương tựa được một bà lão đưa về nuôi, về sau trở thành con dâu của bà. Một năm nọ, gia đình Trương Lang gặp phải đám cháy lớn, tài sản bị thiêu rụi, người vợ sau cũng bị thiêu chết. Trương Lang bị thiêu mù đôi mắt, không còn cách nào đành lưu lạc xin ăn ngoài đường. Tình cờ một hôm, Lang đến nhà Đinh Hương xin ăn. Nhận ra chồng cũ, nàng không chỉ mang cơm ngon ngọt ra mời, mà còn tặng thêm vàng bạc cho chồng cũ. Về sau, Trương Lang biết được người phụ nữ hảo tâm chính là vợ cũ của mình, trong lòng hối hận, xấu hổ vô cùng, bèn đâm đầu vào bếp lửa và bị đăng xuất. Vì Trương Lang có họ hàng với Ngọc Hoàng Thượng Đế, nên được Ngọc Hoàng phong cho làm Táo vương.
v.v...
Ta có thể thấy, những câu chuyện dân gian Trung Quốc về sự tích thần Táo quân có nội dung phong phú, vừa ca tụng công đức, lại vừa châm biếm đả kích thần. Vì thần quản chuyện bếp núc, nên mọi người hết sức kính trọng và cảm ơn ân đức của Thần. Nhưng, Thần lại có trách nhiệm giám sát tội trạng, thiện ác của cả gia đình trong một năm, nên mọi người nể sợ thần, từ sợ lại sinh ra ghét, nên xuất hiện các câu chuyện trào lộng, để châm biếm, đả kích Táo Thần.
Còn ở nước Việt, dân ta lại coi trọng vị thần Táo ở một góc độ hoàn toàn khác. Câu chuyện của vị thần Táo tồn tại trong đất Việt thì hầu như ai cũng tỏ. Sở dĩ có 3 vị, là vì táo thần trong tâm hồn người Việt là một hệ thống "tam vị nhất thể". Thổ công trông nom việc trong bếp, Thổ địa trông coi việc trong nhà, Thổ kỳ là phụ nữ nên đảm nhiệm trông coi việc chợ búa.
Người Việt cũng phong ba vị thần Táo quân thành "Nhất gia chi chủ", tức là cũng giống như người chủ trong ngôi nhà, có quyền cai quản nhà cửa, kỵ tà tránh quỷ, và ngày 23 tháng Chạp hàng năm, báo cáo lại mọi chuyện khách quan với Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhằm định đoạt phúc họa gia đình trong năm mới. Người Việt không có cách nói hối lộ Táo quân. Dân gian cho rằng, bởi vì ba vị Táo quân sinh tiền trọng tình trọng nghĩa, sau khi hóa thành thần linh có thể phù hộ cho gia đình bình an, hạnh phúc, tránh được bệnh tật, nên nhận được sự sùng bái và thờ cúng của người đời.
Lễ cúng tế Táo thần vì thế trở nên vừa nghiêm trang vừa thần thánh. Đồng thời, niềm tin này làm cho người ta thường xuyên nhắc nhở mình làm việc gì cũng phải phù hợp với quy phạm đạo đức và nhân tình thế thái, nhằm bảo vệ phúc lộ của cả gia đình.
Ngoài ra, ta sẽ thấy sự khác biệt còn xuất hiện ở hình thức trang trí ở nơi thờ thần Táo quân của người Việt ở Việt Nam và người Hán ở Trung Quốc. Người Hán thường chọn câu đối "Thượng thiên ngôn hảo sự/Hạ giới bảo bình an", nghĩa là lên Trời nói lại những việc tốt lành/Dưới hạ giới bảo hộ gia đình được bình yên. Như vậy, nội dung câu đối này đã thể hiện sự mưu lợi của mỗi cá nhân, gia đình người Hán đối với Táo quân. Trái lại, người Việt trước đây cũng có tục dán câu đối vào dịp Tết ở hai bên ban thờ thần Táo quân, với nội dung "Hữu đức năng tư hỏa/Vô tư khả đạt thiên", nghĩa là Sự đức độ của Thần có thể điều khiển được lửa/Sự vô tư của thần thấu lên tận thời cao. Câu đối này thể hiện thái độ sùng kính của người Việt với sự đức độ và vô tư của thần Táo quân.
Người Hán tin rằng, "Trần sao Thần vậy", coi thần Táo quân là vị quan lại thời phong kiến thường nhận tiền hối lộ, nên họ cũng hối lộ để thần che chở cho gia đình những điều xấu không tấu lên để Ngọc Hoàng tiếp tục ban thưởng phúc lành cho gia đình. Vì vậy, hàng ngày trước khi nấu ăn, người Hán thường thắp hương lên ban thờ thần Táo quân, thi thoảng đặt lên trước ban thờ một ít hoa quả, người Việt còn có thêm đồ cúng mặn như là gà, chân giò... Đối với người Việt, thần Táo quân không phải là vị quan thời phong kiến thích ăn hối lộ, nên họ không nói hối lộ thần Táo quân, mà luôn nói thắp hương dâng cúng Thần.
Nếu ta nhìn sâu vào văn hóa bếp của người Việt từ xưa thì đã có rất nhiều đổi thay. Dựa trên các chứng cứ khảo cổ học, Trần Quốc Vượng đã chứng minh, cách đây gần 10.000 năm, chủ nhân của văn hóa nước Việt đã sử dụng bếp lửa có ba ông đầu rau. Từ ba ông đầu rau đun bằng rơm rạ, chuyển sang bếp kiềng sắt đun bằng củi, bếp lò đun bằng than, và đến nay là bếp đun bằng ga, điện. Ta có thể thấy, ban đầu sự sùng bái đối với bếp lửa có ba ông đầu rau chính là tầng sâu mang tính biểu tượng và nội hàm văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng thần Thổ công kiểu "Tam vị nhất thể" của người Việt, đã tồn tại trước khi tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán chuyển sang.
Nếu ta nhìn theo góc độ Dân tộc học, tín ngưỡng thờ Thần táo quân của người Việt có tận từ thời viễn cổ lận! Hiện tượng ba hòn đá trong bếp ông đầu rau, tạo thành chỉnh thể của "Tam vị nhất thể" lại là tượng trưng của đống lửa. Vì đá có thể tạo ra lửa!
Bếp lửa bao hàm nội hàm văn hóa và tích lũy lịch sử một cách sâu sắc, từ chức năng đơn thuần là chiếu sáng, sưởi ấm, nấu ăn đến hình thành một tín ngưỡng vừa mang nội dung văn hóa xã hội vừa là nơi để người và thần giao tiếp với nhau.
Có thể nói, trong quá trình giao lưu, tiếp thu văn hóa Hán của dân tộc, người Việt đã có sự sàng lọc, sau đó cải biên thành cái riêng của dân tộc mình. Đáng nói là, tín ngưỡng thờ Thần táo quân của người Việt bắt nguồn từ việc sùng bái bếp lửa có ba ông đầu rau của con người thời Cổ Đại! Tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Việt bảo lưu được nhiều yếu tố tượng trưng và nội hàm văn hóa của lửa. Ngược lại, tín ngưỡng thờ thần Táo quân của người Hán lại có sự biến dị tương đối lớn, mất đi nội hàm văn hóa cổ và mang nhiều tượng trưng của xã hội thế tục.
Vốn cũng định viết nốt vài ý về Thổ công, song thấy bài cũng đã dài, nên xin tạm dừng ở đây.
Chúc bình an đến tất cả mọi nhà.
Jung Indi.
95 | 2/2/2024 10:07:21 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Đăng ký
Bài viết liên quan
Sơ lược lịch sử đầy chính trị của Phở
Sơ lược lịch sử đầy chính trị của Phở
Phở đã trở nên gần gũi với Văn hóa Việt Nam tới mức người ta đã dùng nó như một ẩn dụ trong các mối quan hệ tình cảm
Lịch sử năng lượng của nhân loại một cách vắn tắt
Lịch sử năng lượng của nhân loại một cách vắn tắt
Vì sao có thể khẳng định rằng xu hướng chuyển dịch năng lượng luôn là tất yếu trong quá trình phát triển của loài người
Con mèo trong văn hóa lịch sử Việt Nam
Con mèo trong văn hóa lịch sử Việt Nam
Tết là lúc mọi người có những khoảng thời gian quý giá quây quần bên gia đình và cùng nhau tìm lại những giá trị lâu đời của dân tộc
Abraham Lincoln: Người tái sinh Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ
Abraham Lincoln: Người tái sinh Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ
Abraham Linconln luôn tin rằng, khi những Tổ phụ của nước Mỹ tuyên bố độc lập ngày 4/7/1776