[Sách] Những cô em gái - Nguyễn Nhật Ánh
IMG

[Sách] Những cô em gái - Nguyễn Nhật Ánh

40.000 ₫ 34.800 ₫ GIẢM 13%
Cuốn sách của bác Nguyễn Nhật Ánh viết vào năm 2000 tức cách đây 23 năm vẫn đủ sâu sắc, xúc cảm như bao tác phẩm khác của ông.
Lượt xem: 584
Số lượng
Cuốn sách của bác Nguyễn Nhật Ánh viết vào năm 2000 tức cách đây 23 năm vẫn đủ sâu sắc, xúc cảm như bao tác phẩm khác của ông. Tác phẩm thể hiện niềm tiếc nuối cho tình cảm chân thành của chàng trai xa quê lên thành phố học tiếp cấp ba và cô tiểu thư đoan trang tối đến vẫn hay chơi piano sau ô cửa sổ. Xen lẫn vào đó có chút hài hước khôi ngô tuổi học trò cũng như sự lúng túng của chàng trai tỉnh lẻ với cuộc sống của mình. Cuốn sách này còn đánh dấu một kỉ niệm đối với tôi rằng lần đầu tôi đọc hết một cuốn sách ngay tại. hiệu sách.


Câu chuyện bắt đầu vào năm lớp 12 của chàng trai tên Khoa. Ở quê anh Thăng Bình không mở cấp ba nên anh và đám bạn thân phải tản mác mỗi đứa một phương. Người vào Nam, người ra tỉnh, người vẫn gắn bó với quê hương, còn anh chọn ra Đà Nẵng học với "đám cựu học sinh trường Tây". Gọi như thế bởi chủ yếu học sinh lớp 12C anh theo học đều chuyển từ Lycée Pascal sang để... thi tú tài ở bên này dễ hơn.
Thời gian lưu lạc ở thành phố, anh trọ nhà bác Đán. Gọi là nhà nhưng thực ra là cái phòng nhỏ trong cơ quan, hai bác cháu cùng chia sẻ "túp lều tranh". Bác tự giới thiệu là bạn thân của ba anh nên coi anh như con trai. Đúng như vậy, bác rất thương anh, ít khi giận dỗi dù vẫn hay trách anh đầu óc ngẩn ngơ. Bác khuyên anh chân thật mà anh chỉ ... "vâng dạ!" rồi vài ngày sau lại như cũ như nó đã thường. Đó là một con người từng nếm trải đủ hương vị cuộc sống, không bao giờ mà áp đặt lên. Khoa có thể làm sai ý bác, bác luôn tin ngày mai cậu sẽ nghĩ khác. Lời khuyên của bác thoạt đầu vào tai thoáng thấy cổ hủ của tuổi già, vậy mà giọng nói chân thành đó theo Khoa suốt câu chuyện và theo chúng ta suốt cuộc đời. Khoa mà biết lắng nghe bác có lẽ kết cục câu chuyện sẽ khác:

"Người lãng mạn ra đời khó sống lắm con ơi!"
 
Kết thúc buồn là chuyện thường trong nhiều tập truyện dài của tác giả. Truyện này còn bắt đầu bằng một câu chuyện buồn khác. Thời gian đầu ra thành phố như "lạc vào hành tinh xa lạ", không bà con thân thích, chẳng bạn bè thân quen. Dù cùng anh ra thành phố còn có cô bạn Gia Khanh, khổ nỗi lại lỡ đem lòng "crush". Từ khi biết cô có người yêu ngoài quê, "sao chổi Halley trong chàng trai đã tắt".
Anh học trường nam nên lớp không một bóng nữ. Tụi con trai lớp anh đều từng học trường tây nên nói sõi tiếng Pháp, anh vểnh tai trâu còn không bắt kịp nửa câu. Đã thế, còn là học sinh tỉnh lẻ nên chỉ biết ngồi lẻ loi một góc mà chẳng ai để ý. May thay, lớp còn có thêm Hồng Hà, cũng quê Quảng Nam lên, cũng ngồi lẻ loi, trông đẹp trai, học giỏi, mỗi tội mắc tật nói lắp, nghe một hồi mới hiểu. Buổi đầu đến lớp mà có người cùng quê đến bắt chuyện làm quen thì coi như gặp được tri kỉ thất lạc, một đỡ cơn ngại, một đỡ ngồi lơ ngơ. Nhưng Khoa còn may mắn hơn vì Hồng Hà không có ... em gái, để giới thiệu trước "nhà thơ tương lai".
Vùng quê Quảng Nam là chốn "chôn rau cắt rốn" của nhiều nhà văn nhà thơ lớn, như bác Nguyên Ngọc với "Đất nước đứng lên", bác Nguyễn Nhật Ánh với nhiều tập truyện dài nức lòng... Những người Quảng Nam khác như cũng sẵn máu thi ca trong người. Mỗi mùa thi đại học chỉ đếm trên đầu ngón tay số đạt điểm mười môn văn, ấy thế luôn luôn phải có người Quảng Nam trong số đó. Khoa cũng vậy, thơ ca là hành trang quý giá nhất suốt năm tháng rời xa quê hương.
Dù vậy, tiếng Pháp lại là nỗi tự ti lớn của anh. Biết trình độ tiếng Pháp của mình gần như "đội sổ", anh đến Lycée Pascal đăng kí lớp học đêm cùng đám nhóc tì lớp dưới. Nhưng vẫn "chứng nào tật nấy", anh trụ được buổi một, buổi hai, đến buổi thứ mười thì ngã.
Dẫu sao, mười ngày đó, Khoa buồn chân mà lang thang qua những con phố như muốn vơi đi nỗi sầu xa xứ. Tình cờ thay, con thuyền mơ mộng đưa Khoa lướt qua con đường Nguyễn Du. Con đường nằm dọc theo bờ sông Hàn, bên kia hè là một ngôi nhà cao tầng có ánh đèn hắt ra từ ô cửa sổ khép. Trên tấm rèm in bóng của một cô gái tóc dài đang rải mười ngón tai xuống phím đàn piano, thả từng nốt nhạc thánh vang cả khu phố. Những nốt nhạc vô tình "rơi" vào tai Khoa, khiến anh lập tức anh chùn bước. Nỗi sầu muộn bị xoá nhoà nhanh chóng bởi cảm xúc lạ, Khoa thấy mình trong mơ là "chàng chăn cừu" và cô gái ngồi sau tấm rèm chính là "nàng Stéphanette". Đó là một đêm thay đổi cuộc đời Khoa. Từ nay chàng trai đã có một bầy cừu để hằng đêm đứng chờ tin mừng trước "lâu đài của nàng Stéphanette" kia.

Tôi là chàng chăn cừu cô đơn lang thang trên đồng cỏ Đêm không biết làm gì, ngồi đếm sao thưa Có những lúc buồn không sao ngủ được Mơ hồ tiếng ai trong tiếng gió lùa

Bài thơ dành cho người con gái Khoa chưa từng thấy mặt. Nàng Stéphanette chỉ là chiếc bóng người con gái tóc dài với ngón tay mềm thướt tha. Nàng hằng đêm ngồi solo bên ô cửa sổ cũng làm sao biết được tên khán giả dưới kia chờ một ngày cô sẽ nhìn thấy và xuống mở "cánh cửa thiên đường".
Bài thơ này sau được in trên tờ Bạn Trẻ có tiếng trong giới học sinh, sinh viên thời đó. Ngay lập tức, biệt danh Rimbaud Việt Nam được đám bạn trong lớp đặt cho Khoa, từ một hạt đỗ lập loè nay đã thành ngôi sao Bắc Đẩu trong vòm trời thi ca. Thằng bạn thân Hồng Hà cũng khen anh hết nấc bằng cái giọng cà lăm quen thuộc: "Mày...Mày là thi sĩ mà giấu bạn bè hả?".
Đông Anh nhanh nhảu mời Khoa về nhà giới thiệu với gia đình và luôn tiện giới thiệu cô em gái Đinh Lăng xinh đẹp của anh. Khoa không nỡ nào từ chối mà sau khi về còn hứa viết tặng nàng Đinh Lăng một bài thơ. Không chỉ nhà Đông Anh, mấy hôm sau Khoa thăm sang nhà Minh Khôi, thằng Bội, thằng Diên,... y như chạy show. Cái lớp mà hay không tưởng: toàn con trai mà đứa nào cũng có em gái (trừ Hồng Hà), nên cứ mỗi lần thăm nhà bạn về, đêm đến mắt lại đỏ kè làm thơ.
Bác Đán thấy vậy liền lo lắng. Bác chỉ biết lắc đầu thêm khi biết toàn bộ bài thơ Khoa viết là dành cho nàng Stéphanette mà anh còn chưa từng thấy mặt. Sự thật là thế, kể các bài thơ tặng em thằng Đông Anh, em thằng Minh Khôi cho đến em "răng sún" của thằng Bội cũng là dành cho nàng Stéphanette. Chúng nó và cả bác Đán đâu có biết Khoa chỉ "mượn nắng trong vườn" bởi đâu có diễm phúc để gửi cho nàng Stéphanette. Ngôi nhà ấy vẫn khoá cửa, kéo rèm mỗi tối, Khoa chỉ ngậm ngùi về làm thân phận chàng chăn cừu nhỏ nhoi. Mặc bác Đán cứ trách thằng cháu "si tình"...

Tôi là hòn sỏi buồn Lăn qua cuộc đời bằng những vòng hiu quạnh Chiều nay chợt biết chỗ dừng chân. Người con gái tóc dài che mặt Em đến từ đâu và em sẽ về đâu Tôi ở lại với lần đầu gặp gỡ Xin chiều đừng qua mau. Tôi là kẻ ngu ngơ bị tình yêu đánh lưới Những sợi tóc nào đan kín giấc mơ tôi? Tôi đã gặp hàng ngàn gương mặt Chiêm bao sao chỉ một người?
Thời gian học ở thành phố, Khoa có làm quen với Minh Hoa, một người bạn cùng quê và "crush" của thằng Bội bạn thân. Minh Hoa vừa hiền lành vừa tốt bụng, ai mà không muốn kết bạn? Khoa hứa cứ ba ngày lại sang chơi. Có Minh Hoa, Khoa cũng phấn chấn hơn trước. Dù thế không thể nào vơi hết nỗi sầu muộn.
Một lần đến chơi nhà Minh Hoa, tình cờ ngồi ở đó một vị khách lạ. Lạ từ khuôn mặt cho đến cảm xúc. Đó là nhỏ Quyên, nhỏ xinh xắn lạ lùng với mái tóc dài thướt tha và đôi mắt đen láy như những hạt nhãn trong vườn. Chẳng đến lượt Khoa hỏi, Minh Hoa giới thiệu luôn Quyên là bạn chung lớp. Không biết phải cảm xúc của một tâm hồn nghệ sĩ không, lần gặp hôm đó mặt Khoa nghệch ra thấy tội.

Ba tháng sau, sau lần uống rượu say li bì, Khoa nằm giường tận ba ngày. Minh Hoa thấy bặt tin nên nóng ruột đến thăm. Khổ nỗi, Minh Hoa dẫn cả nhỏ Quyên đi cùng, nên Khoa chả dám khai thật mình nằm liệt là do men rượu chứ phải loại bệnh nào. Nằm trên giường, anh chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để hai bạn gái sớm chán mà về và để bác Đán thôi nheo nheo con mắt. Nhìn nhỏ Quyên xinh như thế, bác không khỏi nghi ngờ: "Con bé đi theo tối hôm qua ... là con bé đánh đàn vẫn khiến con tối tối thức làm thơ?".
Nào ngờ câu nói vu vơ của bác Đán lại đúng!
Trái Đất quả là hình tròn. Khoa biết được điều đó vào đúng ngày sinh nhật của Quyên, ở ngôi nhà trên đường Nguyễn Du mà chỉ mới hôm qua thôi chàng chăn cừu vẫn ngồi nghe tiếng đàn của nàng Stéphanette. Thật khó tin rằng anh đang đứng trong lâu đài giấc mơ và hoá ra cái cảm xúc hồi hộp trong lần gặp đầu tiên không phải tự dưng...
Khó tin nàng Stéphanette bước ra khỏi cánh gà sớm như vậy, dù sao, đã gõ đến tận cửa thiên đường, chàng thi sĩ nào lại bỏ về đằng sau. Nhỏ Quyên ra vẻ vui vẻ, hoà đồng không khác gì cô bạn Minh Hoa: "Quyên biết Khoa ở ngoài này ít bạn bè, nếu rảnh cứ đến chỗ Quyên chơi. Đừng ngại!"
Khoa thoạt đầu ngờ ngợ, sau cũng xem như "thích nghi" với "bình thường mới". Anh thường xuyên ghé nhà Quyên hơn, nhìn cô chơi đàn, tâm sự, thậm chí đem tập đến làm cùng. Nói không ngoa đó là những ngày đẹp nhất của tuổi thanh xuân, nó kéo dài suốt tuần, suốt tháng.
Cho đến một ngày. Tình cờ một mảnh giấy rơi xuống đất, anh nhặt lên, tò mò đọc trộm những dòng đầu tiên: "Tôi là hòn sỏi buồn...". Khoa đã ngỡ ngàng: đó chính là bài thơ anh viết tặng cho nàng Đinh Lăng em thằng Đông Anh...
Trước đó Minh Hoa đã "cảnh báo" rằng: "Quyên có người yêu rồi!". Khoa thoạt đầu lo lắng rồi cũng tự an ủi mình mà nghĩ rằng biết đâu Minh Hoa cũng thích anh nên gài mình.
Phải chăng anh cũng nên tự thấy mình sống trong giấc mơ tự hoạ quá lâu rồi. Đến khi chính Quyên xác nhận bài thơ đó là của người yêu nhỏ tặng, cơn mưa giông vùn tới, bông hoa đang vươn mình thăng hoa những ngày qua đẽ đã héo rụi.
Nếu Đông Anh là người tặng bài thơ đó cho Quyên, thì đã dễ... Thực sự, Đông Anh đã không đem bài thơ cho em gái mà tặng cho người con gái khác. Đông Anh nhát gái chẳng kém không trực tiếp gửi mà nhờ anh trai của cô ấy. Vậy ra chính là thằng anh này! Không dễ đến vậy, thằng này không khác gì Đông Anh, đem gửi cho người con gái khác... vòng luẩn quẩn này lặp đi lặp lại đưa bài thơ đi khắp thành phố Đà Nẵng, về tận Quảng Nam quê anh, vào Nam ra Bắc, đi hết một vòng trái đất mới về tay nhỏ Quyên. Số phận những bài thơ gửi em thằng Bội, thằng Minh Khôi và tất cả cũng y rằng.
Trải qua bao đêm thao thức, nàng như người cứu rỗi Khoa khỏi sự hiu quạnh, để Khoa gửi gắm hạnh phúc vào tiếng đàn của nàng dù đó là Quyên hay "nàng Stéphanette". Nhưng thật trớ trêu, Khoa không thể chứng minh được đó là bài thơ của chính mình sáng tác dành tặng "nàng Stéphanette" mà ngậm ngùi nhìn nó trao duyên cho Quyên cùng với một người khác.
Mãi mãi không ai biết người đó là ai...

584 | 2/12/2024 4:53:25 PM
Bình luận