[Tóm tắt và đánh giá] Bạn không thông minh lắm đâu | Cuốn sách tâm lý học thú vị bạn nên đọc vào năm 2024
IMG

[Tóm tắt và đánh giá] Bạn không thông minh lắm đâu | Cuốn sách tâm lý học thú vị bạn nên đọc vào năm 2024

139.000 ₫ 104.000 ₫ GIẢM 25%
Học cách hiểu biết về cuộc sống là để dấn thân vào một chuyến du hành kỳ lạ có vẻ rất hợp lý. Và trong hành trình của mình, chúng ta sẽ vô cùng bất ngờ khi nhận ra sự ngây thơ và kém hiểu biết của bản thân
Lượt xem: 540
Số lượng
“Bạn không thông minh lắm đâu" là một cuốn sách vô cùng thú vị khai thác các khía cạnh “chìm” trong tâm trí con người. Trong cuốn sách, tác giả David McRaney đã trình bày và giải thích cặn kẽ 46 nguyên lý, hiệu ứng tâm lý mà con người thường bỏ sót hoặc không nhận thức được sự tồn tại của chúng.
Trong thế giới hiện đại, khi tri thức cập nhật liên tục, không dễ để chúng ta thừa nhận sự thiếu sót của bản thân. Nhưng khi đọc cuốn sách này, bạn có thể khám phá ra rằng bản thân bạn không thông minh và bạn hoàn toàn thoải mái để thừa nhận điều đó.
Ngoài cuốn sách “Bạn không thông minh lắm đâu”, tác giả David McRaney còn sở hữu một cuốn sách khác có tựa đề “Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy”. Hai cuốn này hiện tại đang làm mưa làm gió tại thị trường Việt Nam về chủ đề tư duy, phát triển bản thân, thấu hiểu tâm lý, tích lũy tri thức.

4 hiệu ứng giúp bạn giải mã những điều thú vị trong cuộc sống

Cuốn sách tập hợp 46 hiệu ứng tâm lý học giá trị, tuy nhiên mình đã chọn ra bốn hiệu ứng “đắt giá” nhất để tóm lược và giải thích trong bài. Lý do mình chọn bốn hiệu ứng trên vì đây là những hiệu ứng xuất hiện hàng ngày bên trong mỗi người. Mặc dù những hiệu ứng này rất gần gũi, chúng tác động đến hầu hết suy nghĩ, hành vi, quyết định quan trọng nhưng đôi khi bản thân chúng ta lại không nhận ra sự có mặt cũng như tầm ảnh hưởng của chúng.
Khi nhận biết và chú tâm đến bốn hiệu ứng tâm lý dưới đây, mỗi khoảnh khắc bạn có thể khám phá và hiểu rõ hơn về cách mà ý thức và tư duy của bạn đang hoạt động. Bên cạnh đó, mỗi hiệu ứng đều đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành quan điểm, quyết định của bạn, đồng thời ảnh hưởng đến cách bạn đánh giá thông tin, nhìn nhận bản thân và cả những người xung quanh.

Mồi tiềm thức

Mồi tiềm thức là một hiện tượng tâm lý khi tâm trí của chúng ta dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài mà chúng ta không nhận ra. Quảng cáo, thông điệp, chuyện từ quá khứ, mùi hương, màu sắc, đồ vật. Tất cả các yếu tố này đều có khả năng kích hoạt hàng loạt các liên hệ chớp nhoáng trong tâm trí bạn, ảnh hưởng đến quyết định và lựa chọn của bạn trong cuộc sống hiện tại.
Hãy tưởng tượng bạn đến một cửa hàng bánh ngọt, bạn đang băn khoăn giữa việc nên chọn một chiếc bánh hình chiếc nhẫn hay một chiếc bánh hình con mèo đáng yêu. Mặc dù chiếc bánh nhẫn không đẹp mắt nhưng bạn vẫn quyết định chọn mua nó. Lúc ăn bánh, một ký ức quen thuộc bỗng xuất hiện trong đâu bạn. Bạn nhớ rằng người bạn cũ từ trung học đã tặng cho bạn một chiếc nhẫn có nét hao hao giống hình chiếc nhẫn trên cái bánh. Mặc dù hình ảnh chiếc nhẫn đã mờ nhạt, không còn rõ ràng trong tâm trí bạn. Bạn cũng chưa giờ nghĩ đến chuyện chiếc nhẫn năm xưa có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn mua bánh ngọt của bạn ở hiện tại. Nhưng sự thật là chúng có đấy. Bạn chọn chiếc bánh hình nhẫn thay vì chiếc bánh hình con mèo, bởi vì ký ức về chiếc nhẫn từ người bạn cũ là một loại mồi tiềm thức kích hoạt lựa chọn của bạn.

Hình minh họa vui vui (Internet)
Năm 2005, nhà nghiên cứu Henk Aarts tại đại học Utrecht đã cho người tham gia trả lời một bảng câu hỏi. Sau khi trả lời xong thì họ sẽ được ăn một chiếc bánh quy. Nhóm thứ nhất thực hiện thí nghiệm trong một căn phòng thoang thoảng mùi chất tẩy rửa, trong khi nhóm khác ngồi trong căn phòng không có gì. Kết quả những người thuộc nhóm bị mồi bởi mùi chất tẩy sau khi ăn bánh đều đã lau chùi miệng gấp ba lần so với nhóm còn lại.
Một nghiên cứu tâm lý được thực hiện chứng minh tác động mạnh mẽ tiềm thức đến hành vi con người. Nhóm nghiên cứu đặt ra yêu cầu người tham gia kể về một lỗi lầm khủng khiếp trong quá khứ, việc mà họ đã làm trái với đạo lý. Sau đó, yêu cầu một nửa số người tham gia đi rửa tay. Cuối buổi, họ hỏi tất cả thành viên tham gia liệu có đồng ý tham gia vào dự án nghiên cứu không trả công để hỗ trợ các nghiên cứu sinh nghèo hay không.
Kết quả, 74% người không đi rửa tay đồng ý tham gia, chỉ có 41% số người đã đi rửa tay đồng ý. Theo phân tích của các chuyên gia, lý do số lượng người đi rửa tay ít bởi hành động “rửa tay” đã vô thức làm giảm mặc cảm tội lỗi những người này và nhu cầu làm việc thiện đã giảm. Vì trong một số văn hóa “rửa tay” là một hành động thanh tẩy, xóa bỏ tội lỗi. Rửa tay là mồi tiềm thức khiến những người tham gia quyết định từ chối lời đề nghị hỗ trợ nhóm nghiên cứu.
Nhãn hàng Coca cola đã khám phá sức mạnh của miếng mồi tiềm thức mang tên “ông già Noel”. Những ký ức hạnh phúc thời thơ ấu và một gia đình đầm ấm được lưu trữ trong tiềm thức khiến bạn lựa chọn Coca cola thay vì nhãn hàng khác.
Sòng bài cũng chính là một ngôi đền của tiềm thức. Ở mọi ngóc ngách người ta nghe thấy tiếng “ding ding”, âm nhạc, tiếng leng keng của đồng xu, âm thanh của biểu tượng giàu sang phú quý. Hơn thế sòng bài luôn ở trong không gian kín, nơi người chơi không bị tác động bất cứ yếu tố ngoại cảnh. Đó lý do con người ta ở mãi trong sòng bạc, không có ý định sẽ bước ra ngoài.

Ý nghĩa của việc nhận ra mồi tiềm thức:

"Mồi tiềm thức"sẽ giúp hiểu được vì sao có bạn lại có nhiều quyết định và hành động mà bạn không thể giải thích rõ ràng.
"Mồi tiềm thức" cũng giúp bạn nhận ra sức mạnh của tôn giáo, phong tục và ý thức hệ những yếu tố liên tục ảnh hưởng và chi phối suy nghĩ, hành động của bạn ở hiện tại.
Mặc dù không phải lúc nào bạn cũng có thể nhận biết những yếu tố tác động đến "mồi tiềm thức", nhưng khi bạn hiểu về nó, bạn hoàn toàn có thể tận dụng "mồi tiềm thức" tạo ra một môi trường tích cực giúp cuộc sống bạn trở nên tốt đẹp hơn.
Vì "mồi tiềm thức" dễ tác động nhất khi bạn ở trong chế độ tự động (tâm trí thả trôi). Vậy nên, ở nhiều khía cạnh, bạn có thể tận dụng “mồi tiềm thức” tạo ra chu trình tích cực cho cuộc sống.

Nếu thường xuyên bị cuốn vào việc mua sắm quá đà, bạn có thể mang theo một danh sách những món đồ cần mua đã chuẩn bị sẵn.

Căn phòng của bạn ẩm ướt và có mốc meo làm bạn khó chịu, bạn có thể đốt nến thơm để làm dịu không khí và tạo cảm giác thoải mái thư giãn.

Khi bạn biết rằng việc nghe nhạc sôi động sẽ giúp tâm trạng bạn làm việc sáng tạo và hiệu quả. Bạn có thể bật những bài hát yêu thích để khơi gợi nguồn cảm hứng trong quá trình làm việc.

Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas

“Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas”: Đề cập đến xu hướng chọn người chọn bỏ qua tính ngẫu nhiên của vạn vật và lý giải các sự kiện trùng hợp trở thành một hiện tượng có ý nghĩa.
Đa bao giờ bạn rơi vào trường hợp khi bạn có dự định mua một thứ gì đó, đột nhiên sau đó bạn thấy nó xuất hiện tràn lan trước mắt bạn cả trên tivi, trên biển quảng cáo bạn đi qua, hay được đề cập trong câu chuyện của bạn bè?
Bạn đi hẹn hò và khi trò chuyện, bạn vô cùng bất ngờ khi biết hai người cùng sở thích một sở thích, cùng ghét một món ăn. Điều kinh ngạc hơn, mẹ của hai bạn cùng tên. Những nguồn thông tin bạn có, khiến bạn ngấm ngầm tin rằng bạn và đối phương sinh ra là để cho nhau. Hai bạn là định mệnh của nhau.
Nếu tác giả nói với bạn, sự tương đồng giữa bạn và người kia đơn giản chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Lý giải bạn thực chất là bạn đang rơi vào cái bẫy của nguyên lý “Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas”. Liệu bạn sẽ cảm thấy như thế nào. Có phải bạn sẽ phản đối rất quyết liệt đúng không?
Nhưng xin hãy bình tĩnh, hãy cùng xem tác giả giải thích nguyên lý này như thế nào.
Sự ngụy biện của tay thiện Texas bắt nguồn từ giai thoại về một anh chàng cao bồi tập bắn súng. Anh ta liên tục bắn hàng trăm vết đạn găm vào hông của căn nhà. Sau hàng trăm lần bắn, có những chỗ chi chít vết găm bắn, nhưng cũng có chỗ chẳng có mấy. Kế đó, anh chàng cao bồi lấy sơn vẽ vòng tròn đồng tâm vào những chỗ đã bắn nhiều đạn nhất. Bằng cách này anh có thể khoe khoang mình là tay thiện xạ.


Việc tập bắn vào chỗ nhiều đạn găm nhất, chàng cao bồi đã tạo nên trật từ giả tạo trên sự phân bổ các viên đạn ngẫu nhiên. Trí não của chúng ta cũng hoạt động tương tự, chúng ta thường có xu hướng chọn lọc tập hợp ngẫu nhiên trở thành một câu chuyện hợp lý và dễ tiên đoán.
Quay lại câu chuyện hẹn hò. Ở một góc độ khác bạn sẽ thấy: Việc bạn và đối phương bằng tuổi, điều đó có nghĩa hai bà mẹ cũng xêm xêm tuổi nhau. Vì vậy tên của họ có thể là cái tên phổ biến ở thời điểm đó. Bạn và người đó có cùng lịch sử và lớn lên trong cùng một thập kỷ, có thể hai bạn thời niên thiếu đều sở thích chung như sưu tầm đĩa CV thần tượng chẳng hạn. Thậm chí món ăn mà cả hai ghét cũng có thể là một món mà hàng trăm người trên thế giới ghét.
Dưới lăng kính khoa học, các nhà nghiên cứu sẽ cho biết những sự kiện mà chúng ta lý giải là duyên phận, ý trời, định mệnh thực chất chỉ là biến số trùng hợp. Đó là sự tương tác qua lại giữa các nguyên tử mang nhiều nét tương đồng trong vũ trụ.
Nên việc bạn dự định mua một món đồ và sau đó tình cờ gặp nó trên đường, trong cuộc trò chuyện với bạn bè, thực tế chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Gặp người có cùng sở thích và ghét cùng một món ăn, mẹ của hai bạn cùng tên, cũng là một sự trùng hợp.
Nếu cho rằng tất cả mọi sự kiện trên thế giới đều là trùng hợp, chúng ta rất khó chấp nhận cách giải thích như vậy. Xu hướng tự nhiên của con người là tìm kiếm ý nghĩa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Chúng ta cảm thấy thoải mái hơn khi có thể giải thích các sự kiện và có cảm giác rằng chúng ta đang kiểm soát tình huống. Việc lý giải các sự kiện cũng giúp chúng ta tổ chức cuộc sống theo một trật tự và nguyên tắc cụ thể. Bên cạnh đó, những câu chuyện có ý nghĩa cũng là nguồn động lực giúp chúng ta vượt qua giai đoạn biến cố.
Theo quan điểm của tác giả, việc lý giải ý nghĩa, tìm kiếm thông điệp của các tình huống vẫn nên được xem là một hành động giá trị.

Nếu ta tin rằng duyên phận là sợi dây kết nối ta với đối phương, vậy thì cứ để ý niệm duyên phận kết nối hai người yêu thương và xích lại gần nhau.

Nếu ta tin rằng bản thân mình sinh ra để làm công việc nào đó, hãy để niềm tin đó giúp ta nuôi dưỡng tình yêu với nghề, nỗ lực làm việc chăm chỉ, cống hiến trên con đường bản thân lựa chọn.
Ở một góc độ khác, khi biết về nguyên lý “Sự ngụy biện của tay thiện xạ Texas”, bạn có thể học được cách xây dựng sự cân bằng, không quá tin vào các loại tin tức lan truyền, hoặc những lời tiên tri cố định về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống.

Thiên lệch nhận thức muộn

Trong cuộc sống, chúng ta thường có xu hướng thay đổi ký ức của mình để tránh trở thành kẻ ngốc khi một sự việc không diễn ra như dự đoán.
Ví dụ, khi chúng ta học được một điều mà chúng ta đã mong muốn biết trước đó, chúng ta có xu hướng tự cho rằng chúng ta đã biết nó từ lâu. Điều này được gọi là thiên lệch nhận thức muộn (hindsight bias). Một phần tự nhiên trong tiềm thức con người.
Nghiên cứu tại Đại học Harvard đã chỉ ra rằng khi con người già đi, họ thường giữ vững niềm tin vào quan điểm cũ và khó chấp nhận những ý tưởng mới. Điều này thường được gọi là "Tre già khó uốn".
Một nghiên cứu khác tại Đại học Alberta cho thấy không bao giờ là quá muộn để học hỏi. Người lớn tuổi, với kinh nghiệm và kiến thức tích lũy qua nhiều thập kỷ, thường hoàn thành bốn năm đại học trước thời hạn so với một thanh niên 18 tuổi với trí não đang phát triển. Điều này cho thấy rằng việc học và thay đổi không bị giới hạn bởi tuổi tác.
Nếu đọc đến dòng này, bạn bất ngờ khi biết rằng hai nghiên cứu trên không hề tồn tại, chúng chỉ là một bài kiểm tra tác giả muốn thử để kiểm tra khả năng nhận định và đánh giá của bạn.
Qua thử nghiệm này, bạn sẽ thấy hầu hết chúng ta sẽ liên tục điều chỉnh suy nghĩ và nhận thức của mình để phù hợp với trải nghiệm, nhận thức và mong muốn cá nhân.
Việc nhận biết về nguyên lý thiên lệch nhận thức trong tiềm thức sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Khi bạn nhận thấy rằng bạn có xu hướng thay đổi nhận thức để phù hợp với trải nghiệm trong cuộc sống, điều đó cho thấy bạn đang sở hữu tư duy mở, bạn đang học được cách không bị giới hạn bởi quan điểm cũ. Bạn có thể liên tục học hỏi, rút ra những kinh nghiệm từ sai lầm, linh hoạt thay đổi quan điểm khi cần thiết.

Bây giờ, khi bạn biết về nguyên lý thiên lệch nhận thức muộn, mỗi khi bạn thảo luận với người khác về một vấn đề hoặc nghe ai đó kể lại một câu chuyện từ quá khứ, bạn có thể hiểu rằng mỗi người đang giải thích mọi sự kiện theo góc nhìn riêng và cảm nhận chủ quan của họ.

Những lời tiên tri tự hoàn thành

"Những lời tiên tri tự hoàn thành"(self-fulfilling prophecy), là một hiện tượng tâm lý xảy ra khi một niềm tin hoặc dự đoán về một sự kiện cụ thể dẫn đến hành vi hoặc sự tác động nhằm chứng minh rằng niềm tin hoặc dự đoán đó là chính xác.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng con người rất dễ rơi vào cái bẫy của hiện tượng lời tiên tri tự hoàn thành, bởi chúng ta thường có xu hướng dự đoán trước hành vi của người khác.
Tương lai là hệ quả của các hành động, và hành động là hệ quả của các hành vi, còn hành vi lại là hệ quả của các dự đoán về tương lai. Đây được gọi là định luật Thomas.
Năm 1928, nhà xã hội học W.l. Thomas nhận định: “Nếu người ta cho rằng tình huống là thật và hành động dựa trên “sự thật đó”, thì đến cuối cùng nó sẽ trở thành sự thật.” Thomas cho rằng khi con người cố gắng tiên lượng tương lai, người ta sẽ tạo ra rất nhiều giả định về hiện tại. Nếu giả định đủ mạnh, các hành động kéo theo những hành động cụ thể, biến những lời tiên định trở thành sự thật.
Một ví dụ giúp bạn dễ hiểu hiện tượng này, nếu bạn tin rằng một vụ khủng hoảng kem đánh răng sắp sửa xảy ra, bạn sẽ chạy ra mua hàng mua về tích trữ - giống như tất cả những người khác. Và cứ thế nhà nhà đi mua, người người đi mua, cuối cùng, vụ thiệt hụt kem đánh răng cũng đã xảy ra.


Trên thực tế không hề có vụ khủng hoảng kem đánh răng. Nhưng niềm tin đã quyết định hành động của mọi người và biến tin đồn trở thành sự thật.
Trong tâm lý học xã hội, những lời tiên trị tư hoàn thành có cái tên khác đó là lý thuyết gắn mác. Theo lý thuyết này khi ai đó tin rằng bạn thuộc một tuýp người nhất định, bạn sẽ có xu hướng hành xử sao cho khớp với suy nghĩ và mong đợi của người đó.
Nếu thầy cô tin bạn thông minh, họ sẽ đối xử với bạn như người có khả năng. Việc cảm nhận nhiều quan tâm và sự tôn trọng, bạn sẽ có động lực, ra sức nỗ lực. Vòng quay phản hồi tích cực lặp lại, điều này giúp bạn khớp với dán nhãn mà họ trao cho bạn từ ban đầu.
Lý thuyết được minh chứng được hai nhà tâm lý William Crapo và Phyllis Mello thực hiện năm 1978. Hai nhà tâm lý chọn ra vài học sinh tiểu học ngẫu nhiên trong lớp. Sau đó, thông báo thầy cô rằng qua một bài kiểm tra trí tuệ, nhận định một vài đứa trẻ trong đó là những đứa trẻ thông minh. Thực tế bài kiểm tra đã không diễn ra. Tuy nhiên, vì tin vào lời tiên tri của các nhà nghiên cứu, các thầy cô đã đặc biệt chú ý đến các học sinh được đánh giá thông minh. Cuối cùng các em ấy có được kết quả học tập tốt hơn so với bạn đồng trang lứa.
Về bản chất, "những lời tiên tri tự hoàn thành" nằm ở vấn đề nhận thức, trong cách chúng ta tư duy, xây dựng và củng cố niềm tin, từ đó hành động theo niềm tin của mình.
Đó là lý do, những tiên đoán tiêu cực sẽ tạo ra góc nhìn tiêu cực, góc nhìn tiêu cực sẽ quyết định hành động tiêu cực.
Đọc phần lời tiên tri tự hoàn thành mình chợt nhớ câu nói kinh điển của huyền thoại Henry Ford: “Dù bạn nghĩ là mình có thể hay không thể, thì bạn đều đúng cả.”
Rất khó để phân biệt ranh giới giữa hai niềm tin “tôi có thể” và “tôi không thể”, vì chúng khá mơ hồ và mong manh. Nhưng có thể diễn tả một cách ngắn gọn như sau: "Hầu hết kết quả cuộc đời ta đều bắt nguồn từ những niềm tin về những việc mà chúng ta tin rằng mình có khả năng hoặc không". Niềm tin quyết định hành động, hành động củng cố niềm tin.

Khi biết về ý nghĩa của lời tiên tri tự hoàn thành, bạn sẽ nhận ra rất nhiều bi kịch trong cuộc sống bạn không phải là sự sắp đặt của số phận, thực chất nó bắt nguồn từ trong niềm tin và tư duy trong bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng sức mạnh của "lời tiên tri tự hoàn thành" bằng cách tạo khuôn mẫu tích cực về con người bạn muốn trở thành trong tương lai. Hãy viết ra mục tiêu cụ thể, nỗ lực bám sát mục tiêu của mình để hiện thực hóa. Chưa chắc bằng cách này bạn có thể biến tất cả mục tiêu trở thành sự thật, tuy nhiên nỗ lực vì mục tiêu trong cuộc sống vẫn tốt hơn là không làm gì.
Trên đây chỉ là 4 trong 46 nguyên lý và hiệu ứng tác giả chia sẻ. Tên một số hiệu ứng khác: sự xác nhận chủ quan, sự truyền bá các giao phát, tư duy tập thể, sự trì hoãn, thiên kiến tự đề cao, hiệu ứng ánh đèn sân khấu… rất nhiều điều thú vị và có giá trị bạn được tiếp cận khi đọc cuốn sách.

Đánh giá sách

"Bạn không thông minh lắm đâu" của David McRaney mang lại một số giá trị như sau:
- Cuốn sách sẽ giúp bạn có hiểu biết sâu hơn về cách mà bạn có thể nhận thức và đánh giá thông tin. Điều này sẽ giúp bạn ý thức dành thời gian xem xét các quan điểm hạn chế.
- Nội dụng đa dạng và phong phú, chứa đựng nhiều kiến thức hữu ích, Kiến thức trong sách sẽ giúp bạn mở rộng tầm nhìn, khuyến khích bạn khám phá tư duy, phát triển khả năng sáng tạo, phát triển quan điểm mới mẻ, thú vị về con người và đời sống.

Chút cảm nhận của mình

Lúc đọc cuốn sách, mình thấy khá bất ngờ. Vì đọc đến đâu cũng thấy hình như bản thân mình ở trong đó, trong niềm tin sai lầm và có nhiều kiến thức chưa biết.
Đặc biệt, chương đề cập đến "lời tiên tri tự hoàn thành". Đây là một chương quan trọng giúp mình vững tin, giải thoát bản thân khỏi gánh nặng từ những câu chuyện trong quá khứ. Lúc còn nhỏ, mình luôn nghe người lớn xung quanh nói rằng nếu có khuôn mặt trái xoan thì cuộc đời sẽ vất vả hoặc con gái có khuôn mặt giống mẹ sẽ khổ. Lớn lên, mình cũng trải qua nhiều thách thức trong cuộc sống. Mình có niềm vui, niềm hạnh phúc, cũng có ngày mệt mỏi và buồn bã, nhưng sau nhiều trải nghiệm, mình vẫn cảm thấy mình đang sống cuộc đời hạnh phúc.
Những câu nói bâng quơ không có căn cứ của người lớn từ thuở nhỏ vẫn luôn là sự ám ảnh trong mình, nhưng qua việc học tập, đọc sách, mình dần lấy lại niềm tin vào việc tự làm chủ cuộc sống thay vì để chi phối lời dán mác trong quá khứ.
“Bạn không thông minh lắm đâu” là một cuốn sách giúp mình lý giải, có thêm những góc nhìn khoa học về những trăn trở như vậy.
Khi đọc cuốn sách mình khuyến khích bạn không nên hoàn toàn tin vào tất cả nhận định của tác giả. Trong quá trình đọc, bạn hãy dành thời gian tự kiểm nghiệm, phản biện lại những lý thuyết tác giả đưa ra. Việc phản biện sẽ giúp bạn chắt lọc những khía cạnh khách quan của tri thức, đồng thời làm mới quá trình tư duy.

Đôi nét về tác giả



David McRaney là phóng viên, nhân viên truyền thông, David từng viết quảng cáo cho Heineken và tham gia sản xuất các chương trình truyền hình.
Với niềm đam mê tâm lý học, ông đã nghiên cứu, tổng hợp, và đem đến cho người đọc nhiều thông tin thú vị ẩn sâu trong bộ não con người thông qua trang blog You Are Not So Smart (Bạn Không Thông Minh Lắm Đâu).
Trang blog này đã trở thành một hiện tượng, thu hút hàng triệu lượt xem. Nhờ sự thành công của trang blog, cuốn sách cùng tên được ra đời, You Are Not So Smart được dịch ra hơn 14 thứ tiếng, nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới.
Viết Cùng Tiểu Hy
540 | 1/23/2024 9:18:18 PM
Bình luận