Thiết kế một cuộc đời đáng sống - Bạn luôn có khả năng kiến tạo cuộc đời theo cách riêng của bạn
Từ nhỏ, cô có hẳn một bộ sưu tập về những viên đá đủ kích thước, hình dạng, chủng loại và màu sắc.
Lượt xem: 696
Số lượng
Ellen đặc biệt yêu thích những hòn đá.
Từ nhỏ, cô có hẳn một bộ sưu tập về những viên đá đủ kích thước, hình dạng, chủng loại và màu sắc.Lớn lên, Ellen theo học ở trường danh giá, đã đến lúc cô phải chọn chuyên ngành. Ở thời điểm đó, Ellen chưa có ý niệm về nghề nghiệp, cô cũng chưa biết mình sẽ làm gì với cuộc đời mình. Nhưng cô cần phải đưa ra lựa chọn.
Cuối cùng cô chọn học địa chất. Chúng có vẻ phù hợp vì thứ cô thích nhất là sưu tập những hòn đá.
Cha mẹ vô cùng tự hào về con gái, một cô sinh viên ngành địa chất, một nhà địa chất tương lai.
Nhưng sau tốt nghiệp, Ellen lại chuyển về sống cùng bố mẹ, bắt đầu công việc trông trẻ, mỗi sáng đều đặn dắt thú cưng đi dạo cùng với nguồn thu nhập ít ỏi.
Đây là lúc gia đình, bản thân cô trở nên bối rối về mọi chuyện đang diễn ra.
Tại sao Ellen lại trở thành người trông trẻ? Tại sao Ellen lại không bắt đầu sự nghiệp của mình, tại sao cô không trở thành một nhà địa chất thực thụ?
Kỳ thực thì Ellen không phải là người duy nhất, thực tế tại Mỹ chỉ có 27% sinh viên tốt nghiệp làm đúng với công việc đúng chuyên ngành.
Số liệu mình tìm hiểu được thì ở Việt Nam có hơn 70% sinh viên ra trường là làm trái ngành (Theo Thống kê của bộ Lao động - Thương Binh - Xã hội - số liệu cập nhật vào năm 2021, tuy nhiên đến nay vẫn chưa con số cụ thể, có thể con số này đã gia tăng đáng kể)
Theo tác giả Dave Evans, ý nghĩ chuyên ngành chọn học sẽ theo ta suốt đời, giúp ta sống một cuộc đời viên mãn là một trong nhiều niềm tin sai lệch thường gặp nhất ở phần đông mọi người.
Donald có một sự nghiệp vững chắc và một cuộc sống ổn định.
Mỗi ngày, việc của Donald là thức dậy, đi làm, thanh toán các hóa đơn, về nhà, đi ngủ, mọi việc lặp lại mọi thứ đều đặn và an toàn.
Hơn ba mươi năm, các con ông đều đã tốt nghiệp, căn nhà trả góp của ông cũng gần thanh toán xong, quỹ hưu trí cũng đầu tư hoàn chỉnh.
Thế nhưng trong suốt nhiều năm, Donald mãi băn khoăn một câu hỏi: “Vì sao mình lại làm công việc này?”, “Ông có thực sự hài lòng với sự nghiệp và cuộc sống đang có được hay không?”
Donald mang theo câu hỏi này đến quán cà phê, trong bàn ăn, đi nhà thờ, thậm chí tới quán rượu, những ngụm Scotch có thể ông tạm quên đi suy tư trong lòng, nhưng khi tỉnh táo câu hỏi ấy vẫn quay lại.
Chưa một lần ông tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Kỳ thực thì Donald không đơn độc. Chỉ tính riêng nước Mỹ ở thời điểm ông sống, đã có ba mươi mốt triệu người từ độ tuổi bốn mươi bốn đến bảy mươi luôn khao khát gầy dựng được sự nghiệp viên mãn, phù hợp cá nhân, đáp ứng nhu cầu tài chính, hữu ích cho xã hội.
Nhưng rất ít người có thể tìm được sự nghiệp lý tưởng để cống hiến hết mình, phần lớn họ đều làm những công việc để giải quyết các nhu cầu cơ bản, nhưng càng về sau, họ lại càng cảm thấy không thỏa đáng.
Bản thân họ khao khát làm điều ý nghĩa, nhưng phần lớn không ai bắt đầu vì họ luôn e sợ đã quá muộn để bắt đầu.
Điểm chung của Janine và Donald trong việc không hạnh phúc không thể sống với cuộc sống lý tưởng không phải họ không đủ năng lực hay không có tài năng. Theo tác giả điểm chung là: "Trong họ hình thành những quan điểm sai lệch trong việc nhìn nhận và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống".
Liệu chúng ta có giống như Janie và Donald lạc lối trong quyết định bản thân, liên tục mất phương hướng, không thể tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự, dù đã cố gắng giải quyết những vấn đề căn bản trong cuộc sống.
Nếu sống chỉ để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản, để mỗi ngày được trôi qua an nhàn, liệu đó có phải là cuộc sống mà bạn thực sự muốn được sống?
Thế nào là một cuộc đời đáng sống?
Cuộc sống đáng sống là khi bạn sống theo quan điểm và niềm tin của chính bạn. Đó là khi bạn theo đuổi công việc mà bạn đam mê, một công việc sẽ mang lại hạnh phúc cá nhân, tạo ra giá trị cho người khác. Đồng thời, nó cũng giúp bạn tạo ra hài hòa trong các khía cạnh của đời sống.Nhưng làm thế thế nào để bắt đầu một cuộc đời đáng sống? Bạn có cần phải biết rõ đam mê của mình thì mới có thể bắt đầu sống cuộc đời như bạn mong muốn.
Câu trả lời là không nhất thiết. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay từ vị trí hiện ngay cả khi bạn còn mơ hồ và mông lung. Bởi vì cuộc sống đáng sống không đòi hỏi bạn phải biết rõ về đam mê, nhưng nó sẽ đòi hỏi bạn sở hữu một loại tư duy quan trọng đó là tư duy thiết kế.
Tư duy thiết kế là gì?
Nếu dành thời gian quan sát xung quanh, bạn sẽ nhận ra từ văn phòng, ngôi nhà, chiếc ghế, bàn làm việc và chiếc điện thoại bạn đang cầm trên tay, tất cả đều bắt đầu từ những bản thiết kế.Trên thế giới, có nhiều loại siêu xe sang trọng. Mỗi chiếc xe có phong cách riêng - chiếc Ferrari với vẻ ngoài lãng tử đậm chất Ý, còn chiếc Porsche tập trung vào chi tiết theo kiểu Đức. Có phải tất cả mẫu xe, đồ dùng đều cần một bản thiết kế nghiên cứu với mục tiêu, ý tưởng và quan điểm riêng từ người thiết kế sao.
Tương tự, cuộc sống của bạn, công việc, sở thích, mối quan hệ đều cần một bản thiết kế do chính bạn là người phác thảo, thử nghiệm ý tưởng, sáng tạo, kiểm nghiệm lại đến khi bạn tìm ra bản thiết kế hoàn hảo nhất cho bản thân.
Tư duy thiết kế là tiến trình bạn tạo ra một thiết kế cuộc đời của riêng bạn.
Bản thiết kế hoàn hảo
Một cuộc sống được thiết kế hoàn hảo là cuộc sống phù hợp bạn, là bản tổng hợp giữa điều bạn tin tưởng và những điều bạn muốn làm.Cuộc sống ấy sẽ lấp đầy bởi trải nghiệm, sự phiêu lưu, bao gồm cả thành công lẫn thất bại.
Một lưu ý quan trọng là bản thiết kế hoàn hảo không phải là một phiên bản có thể giúp bạn né tránh khó khăn, vất vả.
Cuộc đời đáng sống đúng hơn sẽ chứa đựng nhiều bài học, thử thách, đôi khi bạn sẽ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt để gầy dựng.
Tuy nhiên khi sống trong một cuộc đời thú vị, sau cùng bạn sẽ thấy mọi trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.
5 yếu tố giúp bạn sở hữu một bản thiết kế cuộc đời hoàn hảo
1.Tính hiếu kỳ: Tính hiếu kỳ có gọi đơn giản là sự tò mò và khám phá. Trong cuộc sống, sự hiếu kỳ sẽ giúp bạn nhìn thấy cơ hội ở mọi thời điểm của cuộc sống, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.2.Thử nghiệm/ thiên hướng hành động: Thử nghiệm, chính là hành động, tìm ra giải pháp khắc phục vấn đề.
Không phải chỉ ngồi yên suy đoán, bạn cần chọn dấn thân thử nghiệm, đánh giá nhiều lần. Gặp thất bại, không được nao núng. Phải tiếp tục dấn thân để bắt đầu một thử nghiệm khác.
3.Tái định dạng nhận thức: Tái nhận thức chính là quá trình bạn liên tục đối diện và định dạng lại niềm tin sai lệch, những niềm tin ngăn bạn tìm đến sự nghiệp và cuộc sống bạn khao khát. Tái định dạng nhận thức là yếu tố cần thiết để tìm ra đúng vấn đề, đúng giải pháp.
Một số ví dụ về niềm tin sai lệch và tài định hướng nhận thức:
Ví dụ số 1:
Niềm tin sai lệch: Nếu thành công, tôi sẽ hạnh phúc.
Tái định nhận thức: Hạnh phúc thực sự đến từ việc tạo dựng một cuộc sống phù hợp với bản thân.
Ví dụ số 2:
Niềm tin sai lệch: Đã quá muộn để bắt đầu sự nghiệp tôi ao ước.
Tái định dạng nhận thức: Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cuộc đời bạn mong muốn.
4.Nhận thức đúng đắn: Để có cuộc sống đáng sống, hãy học cách suy nghĩ như một nhà thiết kế và chú ý đến quá trình.
Cuộc sống là một hành trình, đôi khi nó có thể là hỗn độn, thậm chí có những lúc bạn vừa tiến lên một bước đã thụt lùi hai bước. Trong cuộc đời đáng sống bạn vẫn gặp sai lầm và thất bại trong những mẫu thử nghiệm. Tuy nhiên, bạn luôn có cơ hội loại bỏ chúng và tìm giải pháp hữu ích, có giá trị hơn.
Việc hiểu đúng và điều chỉnh nhận thức của bản thân vô cùng quan trọng. Hiểu đúng sẽ giúp bạn giảm bớt sai lầm. Có được sự tập trung và trân trọng những gì bạn đang làm ở từng giai đoạn của cuộc sống.
5.Sự cộng tác thiết yếu: Sự cộng tác đề cập việc bạn học cách hợp tác. Bạn là nhân vật chính, là nhà thiết kế duy nhất trong cuộc sống bạn. Tuy nhiên bạn vẫn cần sự hỗ trợ từ những người cố vấn và cộng đồng hữu ích để hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề khác nhau. Tất cả luôn cần những người bạn đồng hành, chúng ta không ai có thể sống một mình.
Cách để thiết kế cuộc đời đáng sống
Quên đi mọi đam mê
“Có rất nhiều người bị vướng vào một niềm tin sai lệch rằng họ chỉ cần tìm ra đam mê của bản thân là gì. Rồi tất cả sẽ đâu vào đấy.”
Nhưng sự thật là: Hầu hết chúng ta không biết rõ bản thân thực sự đam mê điều gì.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đam mê đến khi chúng ta làm việc gì và chợt phát hiện bản thân yêu thích nó. Bắt đầu từ niềm yêu thích đơn thuần, chúng ta sẽ nỗ lực, dành nhiều thời gian để luyện tập. Và khi càng có nhiều kỹ năng, chúng ta ngày càng đam mê hơn với điều mình đang làm.
Điều này đúng với trải nghiệm của cá nhân mình. Ngay cả khi đã là sinh viên đại học, mình hoàn toàn không có bất kỳ khái niệm về đam mê hay công việc mơ ước. Lúc đó, mình chỉ nghĩ đơn giản học xong sẽ tính tiếp. Vào đại học, mình mới bắt đầu đọc sách, nhưng đọc sách chỉ là sở thích giải trí đơn thuần.
Sau này ra trường, mình làm một việc liên quan chuyên ngành, một công việc cũng khá phù hợp. Tuy nhiên sau hai năm cũng vì một vài vấn đề mà mình nghỉ việc, thời điểm đó mình bắt đầu tìm hiểu và chọn dấn thân vào viết lách. Sau nhiều lần thử nghiệm các dự án nho nhỏ khác nhau, phần lớn là không thành công, thì cuối cùng mình chọn đi hướng viết liên quan về sách. Sách ngày trước đơn giản sở thích, nhưng bây giờ lại chính con đường mình nghiêm túc theo đuổi. Đây cũng là công việc mình thực sự rất yêu thích và muốn cố gắng làm tốt hơn.
Vì vậy nếu hiện tại bạn vẫn còn loay hoay để tìm ra đam mê tác giả khuyến nghị bạn không nên tự gây áp lực cho bản thân. Thay vì ráo riết phải biết chính xác về đam mê, tác giả đề xuất bạn nên tập trung vào việc phát triển tư duy đúng đắn. Tư duy đúng đắn sẽ giúp bạn khám phá những thứ bạn thực sự yêu thích, đồng thời giúp bạn kiến tạo một cuộc đời phù hợp.
Tư duy đúng đắn ở đây là việc bạn cho phép bản thân được khám phá, thử nghiệm, tìm ra điều mình thích và muốn làm, sau đó nỗ lực hết mình vì nó.
Để thiết kế cuộc đời đáng sống, bạn cần bắt đầu ngay từ vị trí hiện tại
Không quan trọng bạn đến từ đâu, định đi đến đâu, bạn đang làm công việc gì, bạn suy nghĩ thế nào về điều bạn có thể hoặc không thể. Tư duy thiết kế sẽ luôn là công cụ giúp bạn xây dựng cuộc sống mơ ước.Tuy nhiên để bắt đầu có hướng đi phù hợp, bạn cần xác định đúng vấn đề để giải quyết. Rất nhiều người trong chúng ta mắc phải sai lầm, dành quá nhiều thời gian để giải quyết vấn đề sai.
Vấn đề sai được tác giả gọi là vấn đề trọng lực. Vấn đề trọng lực là những vấn đề không thể giải quyết được. Nó có thể được xem như một trở ngại, một tình huống nan giải nào đó, một sự thật hiển nhiên không thể thay đổi.
Ví dụ có người nói tôi muốn trở lại trường học, tốt nghiệp trở thành một bác sĩ, nhưng nó sẽ ngốn ít nhất là mười năm, tôi không muốn đến tuổi này rồi còn phải bỏ ra nhiều thời gian như thế. Tôi phải làm thế nào đây?
Vấn đề người này đang băn khoăn, thực ra là một vấn đề trọng lực. Chúng ta đều biết rằng để trở thành bác sĩ, người ta phải đầu tư rất nhiều thời gian, nỗ lực và công sức. Nếu người này không muốn dành quá nhiều thời gian nhưng vẫn muốn tham gia vào lĩnh vực y tế, tác giả đề xuất họ cân nhắc một hướng đi khác mà vẫn đáp ứng được nhu cầu và khả năng của mình. Đó có thể là trở thành điều dưỡng viên hoặc chuyển sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe để rút ngắn thời gian học tập, thực tập và thử việc, trong khi vẫn có được trải nghiệm có giá trị.
“Nếu không thế thay đổi cuộc sống, bạn chỉ cần thay đổi tư duy của mình thôi. Điểm mấu chốt chính ở đây chính là đừng để mắc kẹt trong mục tiêu vĩ đại, gắng sức thay đổi toàn bộ thế giới.”
Phân biết được đâu là vấn đề thực sự cần giải quyết, đâu là vấn đề trọng lực chính là một trong điều bạn cần rèn luyện trong tư duy thiết kế.
Đánh giá 5 lĩnh vực cuộc sống bạn
Cách để xác định vị trí hiện tại là bạn bắt tay vào đánh giá lại 4 lĩnh vực chính quan trọng: Sức khỏe - Công việc - Vui chơi - Tình yêu.Sức khỏe là quan trọng nhất vì nếu không có sức khỏe, bạn không thể tận hưởng các lĩnh vực khác của cuộc sống theo cách tương tự.
Để hiểu bạn đang ở đâu, hãy đánh giá cuộc sống của bạn theo thang điểm từ 0 đến 10 cho từng lĩnh vực: Sức khỏe, Công việc, Tình yêu và Vui chơi.
Viết một đoạn văn mô tả lý do tại sao bạn chọn đánh giá vấn đề đang có. Điều gì đang diễn ra tốt đẹp ở từng lĩnh vực? Cái gì còn thiếu? Tại sao nó lại bị thiếu?
Hãy dành ít nhất 30 phút cho bài tập này. Viết ra sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng bạn đang ở đâu và bạn cũng có thể bắt đầu vạch ra vị trí hiện tại có khoảng cách bao xa đối với nơi bạn muốn đến.
Tạo ra chiếc la bàn riêng của bạn
Sau khi làm xong bảng đánh giá, bạn cần tạo cho mình một chiếc la bàn để định hướng hướng đi tiếp theo.
Chiếc là bàn riêng ở đây được hiểu được giản chúng được tạo nên chính quan điểm sống và quan điểm làm việc của bạn.
Quan điểm sống là tập hợp ý kiến của bạn về thế giới và cách vận hành của nó. Một số câu hỏi giúp bạn định hình quan điểm sống:
- Điều gì khiến cuộc sống bạn có ý nghĩa?
- Điều gì khiến cuộc sống bạn có giá trị và đáng để sống?
- Những yếu tố có ảnh hưởng và quyết định cuộc sống bạn? Ví dụ tiền bạc, danh vọng, gia đình, sự cống hiến cho cộng đồng…
Bên cạnh đó, mục tiêu sống trong giai đoạn hiện tại của mình là có được một cuộc sống bình yên và tĩnh lặng. Vì thế sau khi làm xong việc, mình muốn dành thời gian ở một nơi riêng tư thư giãn và tận hưởng những điều bình dị trong cuộc sống. Mình nghĩ chính quan điểm sống đang định hình công việc cũng như thói quen sống của mình.
Đối với quan điểm làm việc, thì quan điểm làm việc được hiểu là những vấn đề cốt lõi liên quan về định nghĩa bạn với công việc tốt và ý nghĩa công việc đó với bản thân bạn.
Một số câu hỏi giúp bạn hiểu về quan điểm của bản thân:
- Tại sao bạn muốn công việc đó?
- Mục tiêu công việc bạn muốn làm là gì?
- Công việc đó có ý nghĩa gì với cá nhân bạn?
- Tiền bạc có mối quan hệ như thế nào công việc?
Quan điểm làm việc có thể rất đa dạng và không có khuôn thước nhất định. Mỗi người chúng ta đều có những suy nghĩ, quan điểm về địa vị, tiền bạc, tiêu chuẩn sống, kỹ năng, sự phát triển khác nhau.
Vậy nên bạn cần trung thực và dành thời gian để tìm ra quan điểm riêng bạn về cuộc sống và công việc. Hiểu về mong muốn của bản thân sẽ là nền tảng quan trọng bạn xây dựng cuộc sống ý nghĩa của riêng bạn.
Sự gắn kết và năng lượng
Để thiết kế một cuộc sống đáng sống, bạn cần biết điều gì thu hút bạn và khiến bạn tràn đầy năng lượng. Bạn cũng cần biết điều gì khiến bạn mất hứng thú và tiêu hao năng lượng của bạn.Với mình, mình thấy bản thân có nhiều năng lượng nhất là khi mình dành thời gian viết lách, đọc sách, làm những thứ liên quan đến sở thích. Và mình có khả năng sáng tạo hơn khi đến những quán cafe để làm việc.
Và mình nhận ra bản thân có xu hướng mất nhiều năng lượng khi phải giao tiếp với nhiều người cùng lúc, hoặc ở một nơi nào đó quá ồn ào trong một khoảng thời gian dài.
Việc hiểu về những thứ giúp bạn có thêm năng lượng và mất đi năng lượng rất quan trọng. Trong cuốn sách, tác giả khuyên bạn nên thực hành viết nhật ký cảm xúc để hiểu về bản thân và những gì có ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Cuốn nhật ký cảm xúc bao gồm hai phần:
- Nhật ký hoạt động: Ghi lại những khoảnh khắc bạn cảm thấy gắn bó và được tiếp thêm năng lượng.
- Chiêm nghiệm: Ghi lại những suy nghĩ bạn rút ra mỗi ngày, những vấn đề sâu sắc, những điều đáng ngạc nhiên, bất cứ điều gì có thể cho bạn manh mối điều phù hợp hoặc không phù hợp với bạn.
Nếu bạn là một người quá bận rộn, hãy viết nhật ký cảm xúc ít nhất ba lần trong một tuần.
Bắt tay vào thiết kế cuộc sống
Chọn nhìn nhận cuộc sống theo một cách mới:Niềm tin sai lầm khá phổ biến là chúng ta tin rằng để có cuộc sống tốt nhất, chúng ta phải biết chính xác điều đó là gì, nếu không có câu trả lời, cuộc sống sẽ trở nên nhàm chán và tẻ nhạt. Nhưng thực tế không phải như vậy. Câu hỏi về cuộc sống tốt nhất là một câu hỏi vô nghĩa.
Cuộc sống tốt nhất là cuộc sống phù hợp với bạn. Đó là nơi bạn có thể dành thời gian, thông qua trải nghiệm, khám phá để hiểu về bản thân và những điều bạn yêu thích.
Viết ra ba bản kế hoạch khác nhau cho năm năm tiếp theo trong cuộc đời bạn
Tại sao lại là năm năm? Bởi vì hai năm thì quá ngắn (nó sẽ khiến bạn lo lắng tầm nhìn của mình chưa đủ xa) còn bảy năm thì quá dài (chúng ta biết rằng sẽ có nhiều sự kiện xảy ra làm thay đổi quyết định lựa chọn chúng ta).Năm năm là quãng thời gian vừa đủ cho giai đoạn chuẩn bị, bước đệm, thực hành và đón nhận kết quả.
Ba bản kế hoạch bạn nên phác họa:
Cuộc sống số 1: Việc bạn đang làm: Những điều bạn có sẵn trong đầu, hoặc đó cũng có thể là những ý tưởng giúp công việc hiện tại bạn được cải thiện, hoặc một ý tưởng bạn ấp ủ bấy lâu muốn thực hiện.
Cuộc sống số 2: Việc bạn sẽ làm: Nếu một ngày bạn thất nghiệp, không thể làm công việc hiện tại. Thì bạn sẽ làm gì để kiếm sống. Ý tưởng bắt đầu một công việc khác với công việc quen thuộc có thể giúp bạn nghĩ ra những điều hay ho và mới lạ.
Cuộc sống số 3: Việc bạn sẽ làm hoặc cuộc đời bạn muốn sống: Nếu tiền bạc và hình tượng bản thân không phải vấn đề với bạn. Nếu bạn biết mình có thể tạo ra công việc tử tế với công việc này, nếu không quan tâm đến việc người khác nghĩ gì, thì bạn sẽ làm gì.
Hãy nhớ khi việc về mong muốn của bản thân, bạn hãy thật thoải mái và ghi lại chân thực tất cả những suy nghĩ trong bạn. Việc thành thật sẽ giúp bạn tìm ra những điều phù hợp với giá trị sống của bạn.
Lập ra kế hoạch phiêu lưu
Hãy lập ra các phiên bản tương đương của mỗi cuộc sống trong vòng năm năm tới.- Một khung thời gian rõ ràng, bao gồm các sự kiện các sự kiện về đời sống cá nhân, các sự kiện không liên quan đến công việc: liệu bạn có muốn kết hôn, tham gia một khóa huấn luyện của môn thể thao nào đó không?
- Trong mỗi lựa chọn, hãy viết sáu mô tả phần cốt lõi của lựa chọn, chi tiết như cụ thể bạn muốn làm gì, công việc đó như thế nào…
- Trong mỗi khung thời gian tiềm năng, bạn sẽ xem xét tỉ mỉ khả năng học hỏi về những điều khác nhau ở bản thân và thế giới. Bạn muốn kiểm nghiệm và khám phá điều gì trong mỗi phiên bản cuộc sống?
Sau đó hãy có một bảng đánh giá:
- Các nguồn lực: Bạn có những nguồn lực khác quan nào như thời gian, tiền bạc, kỹ năng và các mối quan hệ cần thiết để thực hiện kế hoạch của mình không?
- Sự thích thú: Bạn yêu thích, hào hứng với kế hoạch của mình đến mức nào?
- Sự tự tin: Bạn cảm thấy hoàn toàn tự tin hay còn lưỡng lự về việc thực hiện kế hoạch này?
- Tính thống nhất: Kế hoạch ấy có nghĩa hay không? Liệu nó có nhất quán với bạn và thế giới quan của bạn hay không?
Một số điều bạn nên cân nhắc:
- Bạn sống ở đâu?
- Bạn sẽ có trải nghiệm hay bài học gì?
- Những tác động và kết quả của việc thực hiện lựa chọn này là gì?
- Cuộc sống bạn sẽ trở nên như thế nào? Bạn nhìn thấy bản thân trong vai trò, ngành nghề hoặc công ty nào?
Cuối cùng hãy tiến hành thử nghiệm
Mọi ý tưởng chỉ thực sự trở thành hiện thực khi bạn hành động.Lời khuyên hữu ích dành cho bạn là bạn luôn có thể thử nghiệm một điều gì mà bạn thấy thích nhất. Cách tốt nhất để bắt đầu là hãy thử nghiệm những trải nghiệm đơn giản, có tính ràng buộc thấp.
Ví dụ bạn là nhân viên văn phòng, cuộc sống bạn hướng tới là người viết toàn thời gian. Đừng vội vàng bỏ công việc hiện tại, thay vào đó bạn có thể thử dành 30 phút - một giờ dành cho việc viết thứ gì đó bạn thích, sau đó tìm một nền tảng nào đó công bố tác phẩm của mình.
Một vài lưu ý quan trọng trong quá trình thử nghiệm phiên bản cuộc sống mà bạn muốn sống:
- Hãy đi những bước nhỏ chậm và chắc chắn.
- Đừng cố gắng né tránh thất bại, hãy hiểu rằng cuộc sống chính là chuỗi những biến cố, thách thức bất ngờ. Bạn có thể thành công, cũng có thể gặp thất bại liên tục. Vì vậy đừng cố gắng né tránh, hãy chọn học hỏi và xem thất bại là một người bạn đồng hành giúp bạn tích lũy vốn sống và kinh nghiệm.
- Hãy nhớ khi có vấn đề nào không thể giải quyết, bạn có thể tham khảo ý kiến cố vấn, những người có chuyên môn vững vàng trong lĩnh vực bạn muốn theo đuổi để họ đưa ra cho bạn những lời khuyên đáng giá để bạn tham khảo và cân nhắc.
Đồng thời trong quá trình lựa chọn thiết kế cuộc sống, tác giả cũng khuyên bạn hãy nên thực hiện theo quy trình bốn bước.
Đầu tiên, bạn hãy tập hợp và tạo ra một số lựa chọn, kế tiếp hãy thu hẹp danh sách chỉ lại thành một đến ba lựa chọn hàng đầu, sau đó lựa chọn, cuối cùng hãy liên tục suy ngẫm về lựa chọn bạn đưa ra, để xem xét liệu bạn đã suy nghĩ thấu đáo hay chưa.
Một khi đưa ra quyết định thì hãy trân quý và chọn đi đến cùng với nó.
Điều quan trọng nhất trong việc thiết kế cuộc sống đáng sống bạn cần nhớ cuộc sống là một tiến trình. Cuộc sống có lên, có xuống, có thắng, có bại rồi lại thắng.
Nhận thức về tiến trình của cuộc sống sẽ giúp bạn giảm bớt sự thất vọng, ngăn bạn vấp ngã, hoặc nhanh chóng bỏ cuộc.
Bản thiết kế về cuộc đời đáng sống cùng giúp bạn có thêm niềm tin, cho phép bản thân được dấn thân, thử sai, loại bỏ, trở nên thành công và sống hạnh phúc hơn.
Đôi nét về tác giả:
Tác giả (Internet)
Dave Evans là giảng viên chuyên ngành Thiết kế Sản phẩm đại học Stanford kiêm Cố vấn quản lý kiêm nhà đồng sáng lập Electronic Arts.Sau khi tốt nghiệp Cử nhân và Thạc sĩ ngành kỹ sư cơ khí tại Stanford, Dave trải qua hơn ba mươi năm thử sức và thử nghiệm những điều thú vị mà công việc điều hành kiêm cố vấn quản lý ngành công nghệ cao mang lại.
Ông giám sát quá trình phát triển sản phẩm chuốt và dự án máy in laser tiên phong của Apple. Sau này khi đồng sáng lập và điều hành công ty Electronic Arts, Dave tiếp tục hỗ trợ nhiều nhà khởi trên con đường tìm lối đi riêng. Khi nhận thức được khả năng của mình được phát huy trên con đường hỗ trợ người khác trả lời câu hỏi: “Tôi nên làm gì với cuộc đời mình?”.
Dave quay lại Stanford để hợp tác cùng Bill Burnett tạo nên các khóa học Thiết kế cuộc sống, đầu tiên là cho cho sinh viên Stanford, nay là dành cho tất cả mọi người.
Viết Cùng Tiểu Hy
Tags:
GIẢM
18 %
115.000 ₫
140.000 ₫
GIẢM
16 %
548.265 ₫
650.900 ₫
GIẢM
15 %
203.150 ₫
239.000 ₫
GIẢM
12 %
218.000 ₫
248.000 ₫
696
|
1/30/2024 9:19:50 PM