[Review sách] Tàn ngày để lại: Còn lại gì sau một quá khứ huy hoàng đã mất
IMG

[Review sách] Tàn ngày để lại: Còn lại gì sau một quá khứ huy hoàng đã mất

169.000 ₫ 123.200 ₫ GIẢM 27%
Trong cuộc phỏng vấn với bà Sara Danius - thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy điển, bà nói về giải thưởng Nobel Văn học dành cho Kazuo
Lượt xem: 307
Mua ngay
Càng đọc nhiều sách của Kazuo Ishiguro, mình càng nhận ra dường như những đề tài về quá khứ luôn có sức hút đặc biệt với ông. Tác phẩm của Kazuo luôn nhuốm màu hoài niệm, đặc biệt là giai đoạn hậu chiến tranh thế giới thứ hai, và rất nhiều trong số đó là câu chuyện của bên thua cuộc.
Trong cuộc phỏng vấn với bà Sara Danius - thư ký thường trực Viện Hàn lâm Thụy điển, bà nói về giải thưởng Nobel Văn học dành cho Kazuo (với cuốn sách "Tàn ngày để lại") như thế này:

Ông ấy là người rất có hứng thú trong việc thấu hiểu quá khứ, nhưng ông ấy không bù đắp quá khứ, mà khai thác những gì chúng ta phải quên đi để tồn tại.
"Tàn ngày để lại" có lẽ sẽ là một cuốn sách "good starter" dành cho những ai muốn tìm hiểu về văn chương của Kazuo Ishiguro. Hãy cùng Manh tìm hiểu về 4 tầng ý nghĩa cũng như mối liên hệ của chúng với quá khứ và hiện tại để hiểu hơn về màu sắc hoài niệm của Kazuo nhé.
*Disclaimer: Trong bài review sẽ có một chút spoil nội dung để phục vụ việc phân tích tốt hơn.


1. Sơ lược nội dung:


"Tàn ngày để lại" của Kazuo Ishiguro là câu chuyện của ngài Stevens - một quản gia hoàn hảo. Để cải thiện chất lượng phục vụ tại dinh thự, ông đã lên đường trong một cuộc hành trình 7 ngày để đi thăm cô Kenton - một người đồng nghiệp cũ. Mỗi chặng đường trên hành trình là một lần hé lộ về quá khứ của Stevens, khi ông còn phục vụ người chủ cũ là Huân tước Darlington, thời kỳ trước và trong chiến tranh thế giới thứ hai. Toàn bộ cuốn sách là những màn đấu tranh tư tưởng, những mâu thuẫn của Stevens giữa nghĩa vụ của một người quản gia và thế giới thực tại.
Đây là cuốn sách Nobel đầu tiên mà mình đọc, và cũng là cuốn sách khó review một cách logic. Vì vậy, để các cậu dễ theo dõi, mình sẽ bóc tách 4 lớp ý nghĩa của cuốn sách này, xen kẽ vào đó, mình sẽ bàn thêm về các khía cạnh cơ bản của sách (nhân vật, giọng văn, cốt truyện...) nha.

2. Một vài dòng về "Tàn ngày để lại"


a. Bổn phận của một người quản gia:


Là một người luôn có ý thức mãnh liệt về phẩm cách nghề nghiệp, Stevens là một quản gia cao cấp đúng nghĩa, ông luôn đảm bảo những bộ đồ ăn bằng bạc được đánh bóng kỹ càng; luôn đứng đúng vị trí để quan sát tất cả các vị khách và sẵn sàng phục vụ họ; thậm chí còn tinh tế đến mức đọc sách để học những kiểu giao tiếp khiến những vị khách của chủ nhân cảm thấy thoải mái. Không chỉ rèn giữa kỹ năng nghề quản gia đến mức bậc thầy, ông còn nâng tầm nghề nghiệp này lên một lý tưởng - đó là tin tưởng chủ nhân của mình, đem hết tâm trí để hỗ trợ người chủ nhân vĩ đại, đảm bảo bộ mặt của chủ nhân để họ theo đuổi nghĩa vụ quân tử.
Đối với Manh, đó không phải điều dễ dàng, Stevens phải đánh đổi quá nhiều thứ để đạt được trình độ đó, ông kìm hãm những cảm xúc cá nhân, giấu đi chính kiến của bản thân. Những điều này, vừa đưa ông trở thành người quản gia tốt nhất, vừa khiến ông vô tình đẩy chủ nhân của mình - Huân tước Darlington xuống vực thẳm. Ông phải tỏ vẻ ngờ nghệch không hiểu câu hỏi của các quý tộc, phải tỏ ra thờ ơ trước sự thật rằng Huân tước Darlington đang bị lợi dụng để tiếp tay cho Đức Quốc xã. Stevens đã bị các nhân vật khác (hoặc một vài người đọc) chỉ trích vì điều này. Nhưng Manh không nghĩ như vậy, bởi trong bối cảnh ấy, ông không phải là một công dân Stevens, ông là quản gia (không có nhiều kiến thức về ngoại giao so với chủ nhân), và Manh nghĩ, chúng ta không thể đòi hỏi gì hơn ngoài việc Stevens đã hoàn thành tốt nhất những gì trong bổn phận của ông ấy.

b. Lịch sử được viết bởi người chiến thắng:


Huân tước Darlington cho thôi việc 2 cô hầu gái gốc Do Thái, người đời nói ông theo chủ nghĩa bài Do Thái. Huân tước Darlington chỉ gặp gỡ Oswald Mosley 3 lần. Người đời đồn ông theo Liên minh Phát xít Anh, bất chấp ông đã tuyệt giao với đám người ấy ngay lập tức. Những câu chuyện bề mặt được chắp nối trong bối cảnh phức tạp của thế giới, vô tình hủy hoại thanh danh của Huân tước. Chẳng ai, ngoài Stevens, biết ông là một bậc quân tử đúng nghĩa, một người bao dung với địch thủ của mình trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông muốn đem đến sự phát triển tốt đẹp cho tất cả. Nhưng thật đáng tiếc, cốt cách cao quý ấy lại bị lợi dụng cho mục đích xấu xa.
Manh nghĩ rằng, sự cố chấp của Stevens về thứ gọi là phẩm cách nghề nghiệp, không hẳn xuất phát từ công việc quản gia của ông, mà đến từ lòng tin với sự quân tử của Huân tước Darlington. Stevens tin điều đó mang lại nhiều thứ tốt đẹp hơn cho thế giới. Góc nhìn của Stevens về vị chủ nhân này khiến Manh giật mình, rằng có quá nhiều thứ mà chúng ta chưa biết về một nhân vật, được lịch sử phán xét là xấu xa; đau lòng hơn; rằng lòng tốt không phải là thứ dùng để chấm dứt chiến tranh. Lòng tốt không bao giờ đủ để bao dung với kẻ thù.

c. Một cuộc đời tốt đẹp hơn mà tôi có thể có:


Đây là tầng ý nghĩa Manh thích nhất vì nó liên quan nhiều nhất tới đời sống hiện tại. Nếu mọi người để ý, mỗi ngày trôi qua trong chuyến hành trình, khi từng lớp quá khứ lộ ra, Stevens lại đánh mất một thứ. Đầu tiên là cơ hội ở bên cha lần cuối, tiếp đó là mối tình với cô Kenton, và cuối cùng là ý thức về phẩm cách nghề nghiệp.

..tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất cho Huân tước Darlington. Tôi đã dành những gì tốt đẹp nhất mình có thể trao đi và giờ thì - nói sao nhỉ - tôi thấy mình không còn lại bao nhiêu để mà cho đi nữa
Trích "Tàn ngày để lại"
Giống như đoạn trích trên, ông cho đi quá nhiều và chẳng còn lại gì, để rồi đến cuối đời, ông cũng như cô Kenton, luôn hối tiếc về những điều họ đã không làm. Họ chỉ có thể tưởng tượng về nó, mơ về nó, và khi sự thật kéo họ lại, họ sẽ cáu bẳn vì một thứ mãi không bao giờ đạt được. Nói ngắn gọn, tầng ý nghĩa này nghĩa là "nếu như tôi làm thế này thì cuộc sống của tôi sẽ thế kia...". Nghe quen đúng không, vì đó là câu hỏi mà chúng ta vẫn hỏi hằng ngày. Manh hy vọng rằng, nếu cậu muốn làm điều gì, hãy nói ra và thực hiện nó. Ít nhất chúng ta còn có thể sửa sai vì những gì chúng ta làm chưa thể nào đạt đến tầm vĩ mô như phát động một cuộc thế chiến như trong cuốn sách này được ;)). Manh cũng tin rằng, Huân tước Darlington cũng không có nhiều nuối tiếc, vì chí ít ông nhận ra đó là sai lầm và học được một bài học về bậc quân tử.

d. Nhưng chúng ta vẫn phải bước tiếp


Nhưng nếu tôi không thể có được cuộc đời tốt đẹp ấy, thì sao? Trong cuộc gặp với Stevens ở vườn hồng, cô Kenton nói thế này

..đâu có thể quay ngược thời gian được nữa. Người ta không thể ngâm ngợi mãi những gì có thể đã xảy ra. Người ta cần phải nhận ra mình đang có một thứ cũng tốt gần bằng thế, thậm chí còn hơn thế, và biết cảm kích vì điều đó.
Trích "Tàn ngày để lại"
 
Và sự thật là, sau khi kết hôn, cô Kenton đã học cách quên đi Stevens để yêu thương chồng mình. Những nuối tiếc về quá khứ sẽ là nguồn cơn phá hỏng mọi điều tốt đẹp đang chờ chúng ta trong tương lai. Cuộc đời vẫn cứ trôi đi và ta phải tiếp tục tìm kiếm cuộc sống khác mà ta nên trở thành, điều đó bao gồm cả việc từ bỏ những lý tưởng cũ, chấp nhận thay đổi chính mình, mở lòng để đón nhận những trải nghiệm mới mẻ hơn, như cách Stevens học những câu đùa bông lơn để làm vui lòng chủ nhân mới người Mỹ của mình. Đó không phải là điều dễ dàng, nhưng ít nhất nó cho chúng ta mục tiêu mới để nỗ lực hướng về.

Tags:
307 | 1/23/2025 10:45:14 PM
Bình luận
Để lại bình luận Đăng nhập / Register