Đạo quán Linh Tiên 靈僊觀 | |
---|---|
Di tích quốc gia | |
Tên khác | Chùa Linh Tiên |
Thờ phụng | |
(Danh sách chi tiết) | |
Thông tin đền | |
Tôn giáo | Đạo giáo, Phật giáo |
Địa chỉ | thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Việt Nam |
Thành lập | Nhà Triệu (ban đầu), Nhà Mạc (hiện tại) |
Người sáng lập | Lữ Gia (tương truyền) |
Di tích quốc gia | |
Quán Linh Tiên | |
Phân loại | Di tích kiến trúc nghệ thuật |
Ngày công nhận | 9 tháng 1, 1990 |
Quyết định | 34-VH/QĐ |
Đạo quán Linh Tiên hay Chùa Linh Tiên quán, Chùa Linh Tiên: là công trình kiến trúc Đạo giáo được thành lập từ thời nhà Triệu nước Nam Việt. Tuy nhiên, kiến trúc tồn tại đến ngày nay là có từ thời Mạc.[1]
Đây là trung tâm tín ngưỡng hỗn dung của Đạo Phật và đạo Lão, ban đầu là am thất của nhà sư Phật giáo, sau chuyển thành đạo quán, rồi từ đạo quán lại chuyển thành chùa như hiện nay.
Đạo quán ở thôn Cao Xá, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội).
Quán có từ rất lâu đời, có lẽ từ trước công nguyên. Tương truyền, lúc đầu đây là nơi tu hành của một nhà sư, thừa tướng Lữ Gia nhà Triệu qua đấy thấy tiên ngồi đánh cờ rồi bay lên trời bèn sai dựng quán.
Đời Trần Minh Tông, con gái vua Trần là Thái Trưởng công chúa cầu tự linh nghiệm nên vua Trần cho trùng tu lớn, sau dân đắp tượng vua thờ ở tiền đường.
Đời Mạc đạo giáo thần tiên thịnh hành, các vương tộc Mạc về quán tu hành nhiều, thậm chí Quán được xoay hướng từ Tây nam sang Đông bắc như hiện nay cũng từ đời này, người để lại dấu ấn trùng tu lớn nhất là Đà Quốc Công Mạc Ngọc Liễn và Vợ.
Khi xoay lại hướng gác chuông vốn ở trước của chùa, nay lại thành ra sau lưng chùa nên chùa không giống kiểu "tiền gác chuông, hậu gác khánh " như các chùa quán thường thấy. Các giếng đào đan sa vốn trước sân cũ, sau khi quay hướng đã nằm ở dưới các bệ thờ như hiện nay.
Thời Lê sơ, quán đã từng là nơi khắc ván in ra nhiều sách kinh.
Quán Linh Tiên tọa lạc trên khu đất cao rộng trong làng, tổng thể công trình là sự hỗn hợp của kiến trúc quán Đạo với chùa Phật. Ngoài cùng là tam quan 3 gian 2 dĩ, 2 tầng, 8 mái với các đầu đao uốn cong. Tiếp theo là một con đường nhỏ lát gạch gọi là " Nhất chính đạo" dẫn đến tam quan phụ theo dạng 4 cột trụ. Qua sân hẹp là đến khu trung tâm của quán. Đây là khu vực thờ chính với 3 nếp nhà hình chữ Công (工), bao gồm: quán Dưới, quán Trên và nhà thiêu hương. Các bộ phận kiến trúc ít trang trí, nhưng y môn và cửa võng được chạm trổ tỉ mỉ. Ở cuối đường trục là gác chuông 2 tầng 8 mái, bên phải là điện Mẫu 3 gian. Kiến trúc ở quán đơn giản nhưng hợp lại với vườn cây thì tạo thế sang trọng.
Ngoài ra còn có các công trình gần đây như nhà Tổ, nhà Mẫu và một số di vật có giá trị khác như đôi nghê, nhiều cuốn thư, y môn, cửa võng, hương án, khánh, chuông đồng và tấm bia đá.