Abbey Road | ||||
---|---|---|---|---|
Album phòng thu của The Beatles | ||||
Phát hành | 26 tháng 9 năm 1969 | |||
Thu âm | 22 tháng 2 – 20 tháng 8 năm 1969 EMI, Olympic Studios và Trident Studios, Luân Đôn | |||
Thể loại | Rock | |||
Thời lượng | 47:23 | |||
Hãng đĩa | Apple | |||
Sản xuất | George Martin | |||
Thứ tự album của The Beatles | ||||
| ||||
Thứ tự album của The Beatles tại Mỹ | ||||
| ||||
Đĩa đơn từ Abbey Road | ||||
| ||||
Abbey Road là album thứ 11 của ban nhạc rock người Anh, The Beatles. Album phát hành vào ngày 26 tháng 9 tại Anh, và ngày 1 tháng 10 năm 1969 tại Mỹ. Cho dù Let It Be được phát hành vào năm 1970, thực tế Abbey Road mới là album phòng thu cuối cùng của ban nhạc. Ngày 20 tháng 8 năm 1969, bốn thành viên của The Beatles đã cùng nhau thảo luận lần cuối, và sau khi George Martin cho phát hành album, John Lennon khẳng định anh sẽ không tham gia vào bất kể hoạt động nào của nhóm nữa. Tuy nhiên, tới tháng 4 năm 1970, The Beatles mới chính thức tuyên bố tan rã.
Abbey Road được coi là một trong những album xuất sắc nhất của The Beatles, là một trong những album quan trọng của âm nhạc thế giới, cho dù nó được thu âm vào giai đoạn cuối cùng của ban nhạc. Năm 2004, tạp chí Rolling Stone xếp Abbey Road vào vị trí thứ 14[1] trong danh sách "500 album vĩ đại nhất mọi thời đại" và tới năm 2009, độc giả của tờ báo này bầu chọn Abbey Road là album hay nhất của The Beatles[2][3]. Abbey Road bán được khoảng 20 triệu bản trên toàn thế giới, và trở thành album bán chạy thứ hai của The Beatles, sau Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band. Ảnh hưởng của Abbey Road là vô cùng lớn, khi các ca khúc của album vẫn trở thành những bản hit khi album được chỉnh âm và ghi lại dưới dạng CD vào năm 2009.
Năm 1968, sau thành công của Album trắng, The Beatles tiếp tục có ý định thực hiện album hoành tráng tiếp theo, và theo đó viết nên "dự án Get Back". Tuy nhiên mọi việc không hoàn toàn suôn sẻ. Sau những bất đồng nội bộ, quá trình thực hiện không còn đảm bảo tiến độ do các thành viên của The Beatles có nhiều mối quan tâm riêng. Sau Album trắng, The Beatles có ra mắt Yellow Submarine, nhưng đó là một album không được đánh giá cao về chuyên môn. Cũng chính sự ra đời của Yellow Submarine khiến "dự án Get Back" thất bại hoàn toàn.
Tháng 4 năm 1969, Paul McCartney có yêu cầu George Martin sản xuất một album "như ngày xưa" (ý nói một album tự do không ép buộc vào bất kể một dự án nào)[4]. Martin đồng ý và hỏi lại Paul liệu John có tán thành không, và Paul nói "có, có chứ"[5]. Geoff Emerick và Alan Parsons cũng nhiệt liệt ủng hộ và tham gia vào ý tưởng mới. Trong The Beatles Anthology, các Beatle nói rằng với Abbey Road, thực sự họ cảm thấy thoải mái và không còn có sự gò bó nào ("go out on a high road"). Trước quá trình thu âm, John Lennon bị tai nạn xe hơi tại Scotland[4] và mất 2 tuần để hồi phục hoàn toàn.
Với George Martin, album là Vol.2 của Sgt. Pepper[6]. Album ban đầu có tên là Everest, theo tên loại thuốc lá mà Geoff Emerick vẫn hút[7]. Ý tưởng theo kèm là hình ban nhạc bước chân lên dãy Himalaya, tuy nhiên nó không được lòng mọi người (quá tốn kém tiền bạc và thời gian). Ringo Starr thốt lên: "Sau này người ta chỉ nói về phố Abbey mà thôi!"[7] và tên album được lựa chọn.
Những phần thu âm đầu tiên thực tế được thực hiện từ tháng 2 ("I Want You" tại phòng thu Trident), tháng 4 ("Oh! Darling" và "Octopus's Garden"), và tháng 5 ("You Never Give Me Your Money" tại phòng thu Olympic). Toàn bộ album được thâu và chỉnh âm từ ngày 1 tháng 7 tới ngày 20 tháng 8 năm 1969 tại phòng thu Abbey Road[6].
Dù George Martin gọi Abbey Road là một album hạnh phúc[gc 1], thực tế album lại tiếp tục đánh dấu sự gia tăng những bất đồng cá nhân trong ban nhạc[1]. Trong khi đó George Harrison ngày một khó khăn hơn trong việc tạo nên tiếng nói. Tuy nhiên, Abbey Road ghi nhận sự đóng góp xuất sắc nhất của Harrison với 2 ca khúc được coi là sáng tác hay nhất của anh, "Here Comes the Sun" và "Something" (ca khúc duy nhất của George được chọn làm đĩa đơn cho The Beatles và đứng thứ nhất tại các bảng xếp hạng).
Tất cả đều được thực hiện trong khoảng từ tháng 7 tới tháng 8 năm 1969. John Lennon chỉ bắt đầu từ ngày 9 tháng 7, sau khi hoàn toàn hồi phục từ vụ tai nạn. Tuy nhiên, Yoko Ono vẫn xuất hiện cùng ban nhạc trong suốt quá trình thu âm. Thậm chí John còn yêu cầu dựng một chiếc giường nhỏ tại một góc của phòng thu số 2, cùng với đó là một chiếc mic để anh có thể nghe thấy tiếng Yoko ngay cả trong lúc thu âm. Điều đó là một việc "không giống như xưa", song vì quá mệt mỏi vì những xích mích từ Album trắng, các Beatle khác và George Martin đều tránh tối đa những tranh cãi có thể[7].
Có vài khoảnh khắc vô cùng đáng nhớ, mà theo Geoff Emerick là "giống ngày xưa"[7]: đó là khi tất cả chung sức cho "Come Together" của John Lennon, thu âm và đặt tên cho đoạn medley, chơi solo trong "The End" và cùng phối khí cho "Because".
Jeff Jarrat, một kỹ thuật viên của EMI nói: "Khi George Martin nói với tôi rằng ông ấy bận, ông ấy dặn tôi: "Có một Beatle là tốt. Hai Beatle, tuyệt. Ba Beatle, ảo diệu. Khi mà cả bốn người họ cùng có mặt, đó là những khoảnh khắc vô cùng cuốn hút và không thể giải thích được, một thứ phép màu mà chỉ có bốn người họ mới có thể diễn giải. Cậu có thể có được tình bạn với họ, và rồi cậu cũng sẽ hiểu được cái sự góp mặt không-thể-giải-thích-được đó." Và đúng là mọi chuyện diễn ra như vậy. Tôi không thể cảm nhận được điều đó trong bất kể hoàn cảnh nào khác. Một cảm giác tuyệt vời khi cả bốn cùng ở đó."[6] Theo Ringo Starr: "Tôi nghĩ là mọi người sẽ cảm nhận được điều đó khi nghe album một cách chăm chú. Các ca khúc rất tốt, và nó được thực hiện thật cẩn thận. Có nhiều câu hỏi thường trực, nhưng khi chúng tôi thực hiện chúng, nếu chúng tôi thấy âm nhạc đã thực sự tốt, mọi thứ sẽ đều bỏ qua."[4]
Năm ca khúc trong album có sự góp mặt của dàn nhạc ("Something" và "Here Comes the Sun" của George Harrison, "Golden Slumbers", "Carry That Weight" và "The End" của Paul McCartney) đều được thu trong một ngày duy nhất, ngày 15 tháng 8, tại phòng thu số 1 của Abbey Road[6]. Hai tác giả điều khiển dàn nhạc cùng Martin[8]. John Lennon không tham gia vào buổi thu âm này, với lý do là không có tác phẩm nào của anh trong album sử dụng nhạc cụ cổ điển.
Các Beatle yêu cầu với nhân viên của phòng thu Abbey Road những cải tiến kỹ thuật thu âm, điều vẫn xảy ra kể từ khi họ thực hiện Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band. Abbey Road, một phần của Album trắng và Let It Be là những album mà The Beatles sử dụng công nghệ ghi âm 8 băng, thay cho kỹ thuật ghi âm 4 bằng mà họ áp dụng từ "I Want to Hold Your Hand" (1963) và sau đó là A Hard Day's Night (1964). Ban đầu, các kỹ thuật viên của phòng thu EMI khá nghi ngờ về tính thực tiễn của chiếc máy 8 băng, cho tới khi "Hey Jude" đem lại những thành công rõ rệt trong việc thu âm.
George Harrison sử dụng trong quá trình thu âm một chiếc máy hoàn toàn mới, máy chỉnh âm Moog, thứ mà anh được nhận trực tiếp từ tác giả Robert Moog. Đây là một loại máy khá cổ điển, sử dụng đơn kênh vào thời đó, nó cồng kềnh như một chiếc tủ[9]. Vừa chơi vừa tìm tòi sử dụng, Harrison đã sử dụng chiếc máy trong khá nhiều ca khúc của Abbey Road (như "Because", "Maxwell's Silver Hammer" và "Here Comes the Sun"). Chiếc máy này sau này vẫn được Harrison sử dụng nhiều trong album Electronic Sound. Harrison cũng sử dụng những đạo cụ mới, như chiếc ống tuýp kim loại, lấy từ bộ chuyển âm Leslie, để chơi guitar[7].
Một trong những kỹ thuật viên nổi tiếng nhất thực hiện album là Alan Parsons. Sau Abbey Road, ông tiếp tục thành công với The Dark Side of the Moon – album huyền thoại của Pink Floyd – trước khi thực hiện một loạt album nổi tiếng khác trong dự án The Alan Parsons Project. Một nhân vật khác là John Kurlander, một kỹ thuật viên tham gia vào rất nhiều buổi thu, sau này trở thành nhà sản xuất và thu âm, được biết đến nhiều nhất khi tham gia sau này vào bộ 3 phim The Lord of the Rings (2001-2003).
Abbey Road thựcc tế là album cuối cùng của The Beatles, cho dù nó được phát hành trước Let It Be (1970). Ngày 20 tháng 8 năm 1969, "I Want You (She's So Heavy)" là ca khúc cuối cùng mà cả bốn thành viên cùng nhau thu âm tại phòng thu Abbey Road[1].
Sau khi cùng nhau làm việc, tất cả đều thống nhất, rằng họ không thể tiếp tục chơi nhạc cùng nhau nữa. George Martin nói: "Vì tất cả đều đã làm việc hết sức bên nhau, vậy nên tôi đặc biệt thích album này"[4].
Tháng 9 năm 1969, John Lennon tuyên bố anh sẽ bắt đầu sự nghiệp solo cùng với người vợ Yoko Ono. Tháng 10, họ thành lập Plastic Ono Band. Tháng 4 năm 1970, The Beatles chính thức tuyên bố tan rã[1].
Hai mặt của album có cấu trúc hoàn toàn khác biệt. Mặt A bắt đầu bằng "Come Together" và kết thúc bởi "I Want You (She's So Heavy)" đều là sáng tác của John Lennon, là tập hợp của các ca khúc sáng tác cá nhân, không theo một cấu trúc nào cả. Mặt B có một phần lớn là một medley các ca khúc đã và chưa từng hoàn thành (5 ca khúc của Paul McCartney và 3 của John Lennon), được sắp xếp bởi ban nhạc và George Martin.
Hầu hết các bài hát trong album đều là những ca khúc thu riêng lẻ, từ thời kỳ Album trắng (1968) dưới dạng demo, sau đó là những ca khúc lấy từ "dự án Get Back". Tuy nhiên, hè 1969, chúng được thực hiện và xử lý lại trong quá trình ghi âm Abbey Road, đặc biệt là với medley khi các ca khúc được chơi liên tiếp không dừng[5][6].
Các sáng tác ngày một mang tính cá nhân là điều xuất hiện từ Album trắng. Gần như không có sự đóng góp tương quan giữa các thành viên, trong việc sáng tác, vào các tác phẩm của nhau. Điều này nhận thấy khá rõ trong cả album cho tới tận trước medley.
Medley có thể được hiểu là liên khúc. Với Abbey Road, medley được Lennon, McCartney và Martin sắp xếp theo một trật tự duy nhất để các ca khúc luôn được đảm bảo có một đoạn chuyển dài và tự khác biệt rõ ràng với nhau.
Dài tổng cộng tới 16 phút, medley là thử nghiệm cực kỳ đặc biệt của bộ đôi Lennon-McCartney, với sự trợ giúp của George Martin và 2 Beatle còn lại. "Tôi muốn gộp lại tất cả những chi tiết riêng lẻ nhất." Paul nói. "Tôi thực sự tỉ mỉ trong ý tưởng này. Và nó tới như một kiểu sưu tập vậy. Tới một lúc, tôi nghĩ rằng cần trộn lẫn chúng lại nhưng phải sắp xếp như một bản hòa tấu. Một ý tưởng hay đối với khoảng chục ca khúc mà chúng tôi chưa hoàn thành."[4]
Martin kể lại: "Tôi từng nói với Paul ngay khi hoàn thành Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band, rằng cần phải làm một cái gì đó thật giá trị, và chúng tôi quyết định làm nó trong trọn vẹn mặt B. John khá là không hài lòng với những gì chúng tôi làm, có lẽ vì gần như chỉ có tôi và Paul làm mặt B." Ông nói tiếp: "John là một Teddy Boy. Cậu ấy là một rocker, nên cậu ấy luôn muốn có những ca khúc riêng. Vậy là chúng tôi đi tới một thỏa thuận, và John đã hợp tác: cậu ấy tới và mang theo tập giấy nhạc. Ra là cậu ấy cũng từng có ý tưởng viết tất cả các bài hát theo một giai điệu lớn duy nhất."[4]
"Thực tế là có vài vấn đề mang tính cấu trúc, kể cả khi chúng tôi đã áp dụng kĩ thuật ghi đè. Thế nên chúng tôi buộc phải chơi lại cả medley. Tất cả đều thống nhất thứ tự các bài hát, ghi ra trước mặt rồi chọn tông chuẩn từ đầu tới cuối. Một trải nghiệm thực sự mới mẻ"[4].
Medley chiếm hầu hết phần mặt B, bắt đầu bởi ca khúc "You Never Give Me Your Money" của Paul McCartney, bài hát tạo nên chủ đề chính của khúc nhạc, giai điệu mà sau cũng xuất hiện trong "Carry That Weight". Sau "You Never Give Me Your Money" là ca khúc chưa hoàn thành của John Lennon: "Sun King", một ca khúc mà, giống với "Because", là một ghi âm liên tiếp các hòa âm của Lennon, McCartney và Harrison, song lại kết thúc bởi một hỗn hợp tiếng Tây Ban Nha - Ý, sau này được ghi dưới tên "Gnik Nus" trong album Love (2006). "Mean Mr. Mustard" và "Polythene Pam" sáng tác bởi John Lennon được The Beatles thu trong chuyến đi thăm Maharishi Mahesh Yogi từ đầu năm 1968.
Bốn ca khúc tiếp theo là các sáng tác của Paul McCartney. Lennon hét lên Oh look out! để bắt đầu ca khúc đầu tiên, một ca khúc mà ban nhạc không biết đặt tên gì ngoài việc lấy ngay câu hát đầu tiên, "She Came In Through the Bathroom Window", lấy hình ảnh từ một câu chuyện có thật: một fan nữ cuồng đã đột nhập vào nhà McCartney bằng cách phá cửa sổ phòng tắm[11]. "Golden Slumbers" ngay sau là một ca khúc lấy lời từ một bài hát cổ từ thế kỷ 17 của Thomas Dekker mà Paul tình cờ tìm thấy bản nhạc khi chơi piano: không quan tâm tới giai điệu, Paul chỉ nhìn lời và sáng tác một bài hát riêng. Tiếp sau là "Carry That Weight", một sáng tác dở dang có chèn thêm giai điệu của "You Never Give Me Your Money" với phần hát của cả bốn thành viên. "The End" kết thúc medley: bỏ ngoài trường hợp đặc biệt của "Her Majesty", đây có thể coi là bài hát kết thúc album.
"The End" là bài hát duy nhất của The Beatles mà Ringo Starr có những đoạn chơi trống solo thực sự dài. Ringo đã chứng minh anh là một tay trống tài năng thực thụ, với hai đoạn solo trống giữa ba đoạn solo guitar của McCartney, rồi Harrison và Lennon[12]. Mỗi người một phong cách chơi đàn, đứng cạnh nhau, thu âm trực tiếp với tràn trề năng lượng. Với Geoff Emerick, đó là khoảnh khắc đỉnh cao của cả album[7].
Medley được thu trong nhiều lần riêng biệt khi mỗi ca khúc được thâu theo những kỹ thuật và thành phần tham gia khác nhau. Thông thường, người nghe vẫn tách medley làm 2 phần, và từ "Golden Slumbers" tới hết đôi khi được gọi là Golden Slumbers medley. Phần thâu, cắt, chỉnh sửa và ghép được George Martin, Geoff Emerick phụ trách (cùng Paul McCartney và John Lennon).
Medley kết thúc bởi một câu hát huyền thoại, viết bởi Paul McCartney "And in the end, the love you take is equal to the love you make" ("Tới cuối cùng, tình yêu bạn nhận sẽ bằng với những gì bạn trao"). Một điều mà theo John, đó là "sự hoàn mỹ"[4].
Ca khúc cuối cùng của Abbey Road là một ca khúc ẩn sau một đoạn trống 14 giây (vẫn được giữ nguyên trong bản LP và đã bị xóa trong bản CD) sau "The End". "Her Majesty" chỉ dài có 23 giây và nói một cách khá ẩn dụ về nữ hoàng Anh. Nó ban đầu nằm trong medley, giữa "Mean Mr. Mustard" và "Polythene Pam", và Paul McCartney đề nghị John Kurlander – một kỹ thuật viên âm thanh – lược bỏ đi. Tuy nhiên nhân viên này, thay vì xóa bỏ hoàn toàn nó, thì lại đưa lý do rằng mọi ca khúc của The Beatles không thể bị đưa vào sọt rác, vậy nên anh ta chèn vào phía cuối của medley[6]. Thế nhưng việc làm của Kurlander không thực sự hoàn hảo khi vẫn còn đoạn mở đầu của "Polythene Pam" dù cho anh đã cố bỏ hoàn toàn đoạn kết của "Mean Mr. Mustard". Paul McCartney cuối cùng cũng đồng ý.
Không hề được ghi vào danh sách các bài hát của album, "Her Majesty" được coi là ca khúc ẩn đầu tiên của lịch sử nhạc Rock. Năm 2009, trong lần chỉnh âm và ghi lại album dưới dạng CD, các kỹ thuật viên đã tách "Her Majesty" thành một bài hát riêng.
Bìa album Abbey Road cùng với Sgt. Pepper là 2 trong số những bìa album nổi tiếng, được ưa thích và cũng hay được người hâm mộ bắt chước lại nhất.
Ý tưởng của bìa đĩa cũng tới từ Paul McCartney. Tên của album chỉ được ghi ở mặt sau. Đoạn đường nổi tiếng là ở phía ngoài phòng thu của EMI, nơi ban nhạc thực hiện hầu hết các bản thu của mình, và là phố Abbey tại đoạn cắt với phố Glove End.
Ngày 8 tháng 8 năm 1969, khoảng lúc 11h rưỡi sáng, nhiếp ảnh gia Iain Macmillan chỉ mất đúng 10' để thực hiện một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất thế giới[13]. Để có nó, ông đã phải nhờ cả sự can thiệp của cảnh sát. Ông nhớ lại: "Tôi có nhờ những cảnh sát để họ ngăn đường trong một khoảng thời gian ngắn. Tôi muốn có vài chiếc ô tô, và ban nhạc bước qua, theo một chiều duy nhất, ngay khi những chiếc xe đó vừa vượt. Đó là bức ảnh thứ 5 trong tổng số 6 bức được chụp, chiếc duy nhất mà cả bốn người tạo nên những chữ V hoàn hảo, điều mà tôi mong chờ trong tính hài hòa"[13]. Mang đầy tính biểu tượng, The Beatles chọn hướng quay lưng về phía phòng thu chứ không phải ngược lại[4].
Từ phải sang trái, Lennon dẫn đầu với bộ đồ trắng, sau đó là Starr, McCartney chân trần với điếu thuốc và cuối cùng là Harrison. Ngoài Harrison, tất cả đều mặc complet thiết kế bởi Tommy Nutter.
Sau khi album phát hành, biển số xe (LMW 28IF) của chiếc Volkswagen Beetle góc phải bức ảnh lập tức bị đánh cắp. Năm 1986, chiếc xe được bán đấu giá 2.530 bảng và từ năm 2001, nó được trưng bày ở một bảo tàng tại Đức[14]. Người đứng góc phải của bức ảnh là Paul Cole[15] - một người khách du lịch người Mỹ tình cờ ngang qua và không hề biết rằng mình có trong hình cho tới khi nhìn thấy album phát hành vài tháng sau.[15] Paul Cole nói anh đã không cùng vợ đi tham quan các bảo tàng và lang thang tại Luân Đôn để du lịch bằng cách hỏi các cảnh sát. Chính Cole cũng vô cùng ấn tượng trước những gì xuất hiện trước mắt "họ như những con vịt" và "một đám lố bịch" khi anh nhìn thấy McCartney đi chân trần mặc complet[16].
Việc băng qua đường tại góc phố này trở thành một nét văn hóa đặc sắc của thành phố Luân Đôn. Góc phố Abbey-Glove End trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng của Luân Đôn nói riêng và của nước Anh nói chung. Trong những năm 70, những bức tường tại ngã tư bị xâm hại nghiêm trọng bởi người hâm mộ. Tấm biển ghi "Abbey Road" tại đoạn giao giữa phố Abbey và phố Glove End cũng vì thế bị buộc phải dỡ và thay vào năm 2007. Chính quyền thành phố đã phải treo tấm biển cao hơn tại bức tường một nhà dân, kèm với đó là việc đảm bảo thay thế và làm sạch nó bởi những người hâm mộ nhiều thế hệ. Thậm chí, những chiếc cột đèn cũng phải được chôn bằng bê tông vì lo ngại sẽ bị đánh cắp.
Ngày 8 tháng 8 năm 2009, hàng trăm người đã tới kỉ niệm tại góc phố này nhân dịp 40 năm ra đời album.
Tất cả các ca khúc được viết bởi Lennon-McCartney, những sáng tác khác được ghi chú bên cạnh.
Mặt A | |||
---|---|---|---|
STT | Nhan đề | Hát chính | Thời lượng |
1. | "Come Together" | Lennon | 4:20 |
2. | "Something" (George Harrison) | Harrison | 3:03 |
3. | "Maxwell's Silver Hammer" | McCartney | 3:27 |
4. | "Oh! Darling" | McCartney | 3:26 |
5. | "Octopus's Garden" (Richard Starkey) | Starr | 2:51 |
6. | "I Want You (She's So Heavy)" | Lennon | 7:47 |
Mặt B | |||
---|---|---|---|
STT | Nhan đề | Hát chính | Thời lượng |
1. | "Here Comes the Sun" (Harrison) | Harrison | 3:05 |
2. | "Because" | Lennon, McCartney và Harrison | 2:45 |
3. | "You Never Give Me Your Money" | McCartney | 4:02 |
4. | "Sun King" | Lennon, với McCartney và Harrison | 2:26 |
5. | "Mean Mr. Mustard" | Lennon | 1:06 |
6. | "Polythene Pam" | Lennon | 1:12 |
7. | "She Came in Through the Bathroom Window" | McCartney | 1:57 |
8. | "Golden Slumbers" | McCartney | 1:31 |
9. | "Carry That Weight" | McCartney với Lennon, Harrison và Starr | 1:36 |
10. | "The End" | McCartney | 2:05 |
11. | "Her Majesty" | McCartney | 0:23 |
Đánh giá chuyên môn | |
---|---|
Nguồn đánh giá | |
Nguồn | Đánh giá |
Allmusic | [17] |
MSN Music | [18] |
Pitchfork Media | (10/10)[19] |
PopMatters | tích cực[20] |
Rolling Stone | [21] |
Sputnikmusic | [22] |
The Daily Telegraph | [23] |
Consequence of Sound | [24] |
Abbey Road là một sự kiện quan trọng của âm nhạc thế giới. Với 20 gần triệu đĩa đã bán, đây là album bán chạy thứ hai của The Beatles chỉ sau Sgt. Pepper[25]. Cụ thể, tháng 6 năm 1970, Allen Klein ghi nhận album bán được 5 triệu bản tại Mỹ[26]; sau khi có thông tin The Beatles tan rã, album đạt doanh số 7 triệu bản trên toàn thế giới (theo EMI, họ bán được 7,2 triệu bản cho tới tháng 10 năm 1972). Abbey Road là album đầu tiên của The Beatles đạt ngưỡng 10 triệu bản vào năm 1980.
Ở Anh, Abbey Road có 11 tuần đứng đầu trong danh sách hit, một sự cạnh tranh gay gắt với Let It Bleed của The Stones và album thứ hai của Led Zeppelin[27]. Sau quãng thời gian đó, bảng xếp hạng không cập nhật vì nghỉ Noel; sau tuần nghỉ, Abbey Road tiếp tục có thêm 6 tuần nữa đứng đầu, nâng tổng số tuần đứng thứ nhất của album lên 17. Abbey Road là album bán chạy nhất tại Anh năm 1969, đứng thứ 4 trong số những album bán chạy nhất thập niên 60. Hết những năm 1970, album vẫn đứng được vị trí thứ 7 trong những album bán chạy nhất của thập niên.
Tại Mỹ, mọi chuyện cũng tương tự, có khác là muộn hơn. 3 tuần sau khi phát hành album, Abbey Road vươn lên vị trí số 1 và ở đó suốt 11 tuần liên tiếp. Tại Billboard 200, album cũng xuất hiện trong 129 tuần. Abbey Road cũng là album thứ 4 trong danh sách các album bán chạy nhất thập niên 60 tại Mỹ[28] và bản phát hành lại vào năm 1987 cũng đứng ở vị trí 69 của Billboard[29]. Album cũng được 12 lần nhận chứng chỉ Bạch kim từ RIAA[30].
Sau khi phát hành, Abbey Road trở nên vô cùng phổ biến. Nó xuất hiện nhiều trên các ấn phẩm của các trang báo nổi tiếng, như Q[31], VH1[32], Time[33], v.v. Cuối năm 2003, album được xếp ở vị trí thứ 14 trong danh sách 500 album vĩ đại nhất mọi thời đại của tạp chí Rolling Stone[34]. Thành công của Abbey Road còn mang tính thương mại khi các ca khúc trong album đều đứng đầu trong các bảng xếp hạng tại Mỹ, Anh, Pháp khi nó được chỉnh âm và phát hành dưới dạng CD vào năm 2009[35][36].
Năm 1970, dù không giành được giải Album của năm, Abbey Road vẫn có được giải Grammy cho thu âm xuất sắc nhất (Grammy for Best Engineered Recording – Non-Classical), giải thưởng mà trước đó, Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band của họ đã từng nhận vào năm 1968.
Bìa của Abbey Road là một trong những bìa album được hãng đồ chơi của Đan Mạch, Lego, thể hiện trong dịp kỷ niệm 60 năm thành lập của hãng[37].
Sau khi phát hành Abbey Road, một tin đồn quái gở đã xuất hiện và trở nên phổ biến, thậm chí là lan ra toàn thế giới: đó là Paul McCartney bị tai nạn xe hơi vào tháng 11 năm 1966 và qua đời vào năm 1969.
Hàng loạt "dấu hiệu" được nhắc tới[38]:
– Paul băng qua đường với đôi chân trần, đó là hình ảnh biểu tượng theo phong tục nổi tiếng khi chôn cất của Ấn Độ.
– Biển số xe Volkswagen beetle màu trắng là LMW 28 IF, viết tắt của Living-McCartney-Would be 28 IF (McCartney sống mãi ở tuổi 28), một chi tiết không xác đáng khi Paul mới 27 tuổi khi Abbey Road phát hành. LMW còn có thể là Linda McCartney Weeps (Linda McCartney khóc).
– Paul là người duy nhất trong bức ảnh bìa đi chân phải lên trước, và điều đó khiến nhiều người nghĩ rằng anh bị tai nạn xe đâm từ phía bên phải. Việc Paul cầm điếu thuốc bên tay phải không giống với việc thuận tay trái của anh khiến nhiều người khẳng định đó là một người đóng thế (William Stuart Campbell) chứ không phải Paul.
Với quá nhiều tin đồn, một trong những album solo của Paul McCartney sau này có tên Paul Is Live. Live không có nghĩa là trực tiếp, mà đơn giản là để đối lập với câu "Paul is Dead". Bìa album vẫn là hình Paul đi qua góc đường tương tự như Abbey Road, song anh đường kéo đi bởi một chú chó. Chiếc Volkswagen beetle màu trắng vẫn còn nguyên, nhưng biển số xe được ghi là "51 IS" hàm ý rằng anh 51 tuổi khi album phát hành (1993).
Tháng 6 năm 1970, phòng thu EMI – tên gọi tồn tại tới trong suốt thời kỳ Beatlemania – chính thức đổi tên thành phòng thu Abbey Road, tên gọi vẫn còn được dùng tới ngày nay[39].
Abbey Road là điểm nhấn cuối cùng trong sự nghiệp lẫy lừng của The Beatles. Theo đánh giá tạp chí Rolling Stone, đây là một trong những album chỉn chu và đoàn kết nhất của The Beatles[1]. Sau Abbey Road, Let It Be dường như chỉ là một album sót, không có sự tham gia của các Beatle vào việc biên tập và không thực sự có một cấu trúc hoàn chỉnh.
Có lẽ vì vậy mà Abbey Road là album nổi tiếng nhất của The Beatles, hơn cả Revolver, Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band hay Rubber Soul. Ngoài việc biến góc phố Abbey-Glove End của Luân Đôn trở thành một điểm du lịch được ưa chuộng, album đánh dấu một thời kỳ mới của văn hóa Rock khi góp phần cải tiến những quan điểm sáng tác và đa dạng kỹ thuật thu âm. Album được ghi lại dưới dạng CD từ rất sớm (năm 1987 – album đầu tiên của The Beatles có được vinh dự này[40]) và vẫn trở thành hit sau nhiều thập niên kể từ ngày phát hành.
Album cũng đánh dấu lần cuối cùng hợp tác của bộ đôi sáng tác Lennon-McCartney. Sau Abbey Road, những xích mích giữa 2 huyền thoại âm nhạc vẫn âm ỷ suốt những năm 70 cho tới khi John Lennon bị ám sát tại nhà riêng ở New York vào cuối năm 1980.
Một phần của medley được Peter Frampton và ban nhạc Bee Gees hát trong bộ phim Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band, sau đó là Neil Diamond.
Năm 1997, trong một chương trình tại Royal Albert Hall ở Luân Đôn trong dịp tưởng nhớ các nạn nhân của vụ phun trào núi lửa ở Montserrat, Paul McCartney có hát 3 ca khúc trong medley "Golden Slumbers", "Carry That Weight", "The End". Mark Knopfler và Eric Clapton chơi guitar, Phil Collins chơi trống, dàn nhạc chỉ huy bởi George Martin và một dàn hợp ca phúc âm hát nền.
Tháng 6 năm 2007, Bono, Bob Geldof, Youssou N'Dour và Campino cùng thể hiện "You Never Give Me Your Money", "Carry That Weight" và "Get Up Stand Up" của Bob Marley trong buổi biểu diễn tại hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức ở Đức. Bob Geldof đã mời lần lượt các nguyên thủ George W. Bush, Tony Blair, Nicolas Sarkozy, Romano Prodi, Angela Merkel,... lên sân khấu khi biểu diễn.
Ngày 28 tháng 12 năm 2010, trong chương trình kỉ niệm vinh danh Merle Haggard, Jerry Herman, Bill T. Jones, Oprah Winfrey và Paul McCartney ở Kennedy Center tại Washington D.C., danh ca Steven Tyler đã hát 4 ca khúc của medley "She Came In Through The Bathroom Window", "Golden Slumbers", "Carry That Weight" và "The End". Trong buổi diễn, McCartney vinh dự được ngồi cạnh gia đình của tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tại lễ trao giải Grammy lần thứ 54, ngày 12 tháng 2 năm 2012, Paul McCartney đã hát medley với 3 ca khúc "Golden Slumbers", "Carry That Weight" và "The End" để kết thúc chương trình. Phần trình diễn có sự tham gia của Bruce Springsteen, Joe Walsh và Dave Grohl[41].
Rất nhiều ca khúc trong Abbey Road được hát lại trong các buổi trình diễn chính thức, không chính thức, cũng như trong các album. Không những vậy, thậm chí cả album cũng được hát lại toàn bộ trong các ấn phẩm sau này.
Chỉ 1 tháng sau khi phát hành Abbey Road, George Benson cho phát hành album mang tên The Other Side of Abbey Road, một album hát lại gần như hoàn chỉnh toàn bộ album gốc. Cuối năm 1969, Booker T. & the M.G.'s cho phát hành album McLemore Avenue (đại lộ McLemore – địa chỉ của hãng Stax Records) với hình bìa mang hoàn toàn ý tưởng của Abbey Road; các ca khúc trong album đều là các ca khúc của The Beatles và đa phần là của Abbey Road.
Rất nhiều ca sĩ hát lại một phần hoặc hoàn toàn các ca khúc trong của album, bao gồm cả medley, như Phil Collins (trong album tri ân Martin/Beatles In My Life), Soundgarden, Dream Theater, The String Cheese Incident, Transatlantic, The Punkles, Tenacious D, Umphrey's Mcgee, 70 Volt Parade, Furthur, v.v.
Năm 1988, Red Hot Chili Peppers cho ra mắt album The Abbey Road E.P. có bìa album lấy ý tưởng hoàn toàn từ bìa của Abbey Road. Bức ảnh cũng được chụp ở góc phố Abbey-Glove End, thậm chí giống cả động tác và bước chân các thành viên theo thứ tự, song có điều khác là 4 thành viên của Red Hot Chili Peppers hoàn toàn nuy. Tuy nhiên, ngoài phần bìa thì các bài hát trong album không có liên quan với The Beatles.
Năm 2012, Tangerine Kitty ra mắt album Dumb Ways To Die để quảng bá hành động ngăn ngừa tai nạn giao thông ở người trẻ tuổi với tựa game cùng tên, hình ảnh album được lấy ý tưởng hoàn toàn từ Abbey Road tuy nhiên hình ảnh các vạch kẻ qua đường lại thành đường ray xe lửa, các nhân vật trong game bước qua đường ray với cơ thể không lành lặn.
Năm | Bảng xếp hạng | Vị trí cao nhất |
---|---|---|
1969 | UK Albums Chart[42] | 1 |
1969 | Billboard 200 | 1 |
2010 | iTunes Charts | 3 |
Theo Mark Lewisohn[43], Alan W. Pollack[44] và Barry Miles[45].
The Beatles
Các nghệ sĩ khác
Quốc gia | Ngày phát hành | Hãng đĩa | Định dạng | Mã |
---|---|---|---|---|
Anh | 26 tháng 9 năm 1969 | Apple, Parlophone | LP | PCS 7088 |
Hoa Kỳ | 1 tháng 10 năm 1969 | Apple, Capitol | LP | SO 383 |
Nhật Bản | 21 tháng 5 năm 1983 | Toshiba-EMI | CD | CP35-3016 |
Toàn thế giới | 10 tháng 10 năm 1987 | Apple, Parlophone, EMI | CD | CDP 7 46446 2 |
Nhật Bản | 11 tháng 3 năm 1998 | Toshiba-EMI | CD | TOCP 51122 |
Nhật Bản | 21 tháng 1 năm 2004 | Toshiba-EMI | LP chỉnh âm | TOJP 60142 |
Toàn thế giới | 9 tháng 9 năm 2009 | Apple | CD chỉnh âm | 0946 3 82468 24 |
|isbn=
: ký tự không hợp lệ (trợ giúp).
|truy cập=
(trợ giúp)
|truy cập=
(trợ giúp); Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |ngày tháng=
(trợ giúp)