Bửu tỷ triều Nguyễn hay bảo tỷ triều Nguyễn là loại ấn tín của Hoàng đế, tượng trưng cho Đế quyền của các vị vua triều Nguyễn. Bửu tỷ được coi là trọng khí của quốc gia, nó có tác dụng xác nhận ý chí và mệnh lệnh của nhà vua. Các ấn tín của nhà Nguyễn được chia làm hai loại: Loại ấn bằng vàng gọi là "kim bửu tỷ" hay "kim tỷ" và loại ấn bằng ngọc hay còn gọi là "ngọc tỷ".
Mỗi loại ấn đều có một cách sử dụng riêng và dùng cho một loại văn thư được chỉ định. Dưới chế độ quân chủ, ấn kiếm thường là những vật tượng trưng cho quyền lực tối thượng của vua chúa. trong đó ấn là vật bảo chứng cho sự hiện diện và quyền lực tối thượng của nhà vua nên vai trò càng quan trọng. Ấn của vua vốn có nhiều loại, đúc bằng vàng, bằng ngọc, và gọi chung là bảo (bửu) tỷ.
Theo ghi chép của Nội Các triều Nguyễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì bảo tỉ là từ để chỉ chung ấn của hoàng đế. Theo Khang Hy Từ điển, mục bộ "NGỌC" chữ Tỉ giải thích là "ấn của Thiên tử và Chư hầu" (Thiên tử Chư hầu ấn dã); ở mục chữ Bảo (Bửu) cũng giải thích là ấn của hoàng đế và chú thêm: "nhà Tân gọi ấn hoàng đế là Tỉ, nhà Đường đổi lại gọi là Bảo (bửu)". Thiều Chữu trong Hán Việt Tự Điển cũng có cách giải thích tương tự, ở phần chữ ẤN và có giải thích thêm như sau: "Phép nhà Thanh định, ấn của các quan thân vương trở lên gọi là bảo. Từ quận vương trở xuống gọi là ấn, của các quan nhỏ gọi là kiềm ký, của các quan khâm sai gọi là quan phòng, của người thường dùng gọi là đồ chương"[1]
Từ thời Nguyễn Phúc Chu đã cho đúc bảo ấn vàng, sau khi Gia Long lập ra triều Nguyễn, việc đúc ấn mới được chú trọng. Tổng cộng trong thời Nguyễn sơ (1802-1883), nhà Nguyễn đã đúc đến hơn 20 chiếc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc. Trong đó loại đúc bằng vàng chiếm đa số. Nhìn chung, các vua Nguyễn có rất nhiều tỷ, ấn. 13 đời vua nhà Nguyễn có tổng cộng khoảng 46 tỷ ấn. Trong đó, triều Gia Long có 6 chiếc ấn bằng vàng; triều Minh Mạng, chế thêm 8 chiếc.[2]
Các tỷ, ấn cùng với các loại kim sách, ngân sách, phù tín (hổ phù) bằng vàng, bạc được cất giữ trong các tráp, hòm tại điện Cần Chánh. Đến đời Khải Định và Bảo Đại, một số báu vật được lưu giữ tại điện Càn Thành và được bảo mật tuyệt đối. Nếu không có lệnh vua thì không một người nào được tự tiện mở ra xem.[2]
Theo ghi chép, Triều Nguyễn có đến 24 chiếc bảo tỷ bằng vàng và bằng ngọc được xếp vào loại Quốc bảo. Nếu căn cứ theo bản Dụ năm 1847 của vua Thiệu Trị, nhà Minh có 24 bửu tỷ, nhà Thanh có 25 bửu tỷ, thì số lượng bảo tỷ của triều Nguyễn cũng tương đương với các triều đại trên của Trung Quốc.[3] Trong 20 chiếc bảo tỷ đúc đầu thời Nguyễn, có 6 chiếc đúc thời Gia Long và 14 chiếc đúc dưới thời Minh Mạng. Danh sách cụ thể gồm:
Loại bửu tỷ này gồm có 14 ấn, tất cả các ấn vàng này đều làm núm hình rồng, trên mỗi ấn đều khắc chữ để phân biệt, gồm:
Trong các loại trên thì chiếc ấn quan trọng nhất và là biểu tượng cho hoàng đế là ấn Hoàng đế chi bửu. Ấn này được đúc bằng vàng ròng vào ngày mồng 4 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 4 (tức ngày 15 tháng 3 năm 1823). Đây là chiếc bảo ấn lớn và đẹp nhất của triều Nguyễn. Ấn đúc hình vuông, quai ấn là một con rỗng uốn khúc, đầu ngẫng cao, mắt nhìn thẳng về phía trước, đỉnh đầu rỗng khắc hình chữ vương, kỳ (vây lưng) dựng đứng, đuôi cũng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, 4 chân rồng đúc rõ năm móng, tư thế chống chân xuống mặt ấn rất vững vàng. Mặt dưới của ấn khắc 4 chữ triện Hoàng đế chi bảo. Mặt trên của ấn, phía 2 bên quai khắc nổi 2 dòng chữ:
Sử sách chép về chiếc ấn này như sau[6] "Ngày Giáp thìn đúc ấn Hoàng Đế chi bảo, nuốm làm rỗng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, làm bằng vàng 10 tuổi, nặng 180 lượng 9 đồng 2 phân... gặp khánh tiết ban ơn, đại xá thiên hạ cũng là các cáo dụ thân huân, đi tuần thú các nơi để xem xét các địa phương, mọi điển lễ long trọng ấy, và ban sắc, thư cho ngoại quốc".
Các loại ngọc tỷ gồm 5 ấn, trên mỗi ấn có khắc các chữ để phân biệt như sau:
Trong 6 chiếc bảo tỷ bằng ngọc này có 4 chiếc núm hình hai con rồng cuốn, là các ấn Hoàng đế chi tỷ, Đại Nam hoàng đế chi tỷ, Đại Nam Thiên tử chi tỷ và Thần hàn chi tỷ.
Ngoài 20 chiếc bửu tỷ trên, triều Nguyễn có 4 chiếc Ấn đúc từ thời các chúa Nguyễn. Đây là những chiếc ấn được xếp vào loại quý, chỉ để cất giữ. Gồm:
Và 4 ấn chữ triện để đóng vào các sử sách và hoạ đồ đều làm bằng ngọc trắng, đúc năm Minh Mạng 17 (1836):
Ngoài 24 chiếc bửu tỷ trên, triều Nguyễn còn nhiều ấn triện quý khác cũng làm bằng vàng ngọc như:
Ngoài ra còn 6 chiếc ấn bằng ngọc tốt khác. Các loại ấn triện này chỉ được xếp vào loại "đồ thư văn bảo" chứ không xếp vào loại bảo tỷ.
Các kim ngọc bửu tỷ đều được cất ở Trung Hòa Điện trong Càn Thành. Mỗi khi Nội các dùng đến bưu tỷ nào thì do Cung giám phụng đưa các bửu tỷ ấy ra. Mỗi lần đóng Ngự tiền chi bửu, Văn lý mật sát bửu và Sắc mệnh chi bửu, quan Nội các hiệp đồng với Bộ quan đang trực, thiết án giữa Tả Vu của Điện Cần Chánh để hầu bửu.
Khi dùng đến những bửu tỷ khác quan trọng hơn phải theo một thủ tục riêng. Trước hết, cơ quan có trách nhiệm làm phiến tâu trình lên hoàng đế để xin phép định ngày "hầu bửu". Đúng ngày định kỳ đã được phê duyệt, án được thiết lập tại Điện Cần Chánh. Quan Nội hầu thỉnh tráp đựng ấn ra, vệ binh cầm kiếm tuốt khỏi vỏ đứng hầu ở hai bên đàn. Quan Nội các và bộ quan đang trực mặc phẩm phục, bước vào chiếu, mở tráp ấn ra để đóng dấu. Khi ấn được đóng xong, Bửu tỷ được đặt lại vào tráp. Quan Nội Các niêm phong rồi Nội Thần nhận thỉnh vào cất. Mỗi lần đóng ấn về việc gì, hội đồng phải lập biên bản và ghi vào sổ.
Từ năm 1837, mỗi năm cứ vào hạ tuần tháng chạp âm lịch tại Hoàng cung, nhà Nguyễn cử hành lễ "phất thức". Trước nhật kỳ, Nội các đem bản danh sách các Hoàng tử và văn võ đại thần trật nhất phẩm, các trưởng quan ở Nội các và Cơ mật Viện để trình Hoàng đế chọn người cho dự lễ trên.
Đến ngày hành lễ, thiết án giữa Cần Chánh Điện, Nội thần thỉnh các Bửu tỷ rồi đưa lên án. Các Hoàng tử và các quan lại mặt lễ phục kính cẩn bước vào kiểm thị một cách cung kính. Các hòm ấn cất lại chỗ củ trước khi niêm phong cẩn thận. Đó là ngày phong ấn của triều đình hay còn gọi là lễ phất thức.
Từ ngày này trở về sau, không được dùng những ấn này để đóng nữa mà phải đợi đến năm sau làm lễ Khai ấn mới dùng lại.