Một phần của Kỷ nguyên vươn mình | |
Giai đoạn | 5 tháng 11 năm 2024 | – nay
---|---|
Nguyên nhân | |
Kinh phí | 130.000 tỷ đồng |
Hệ quả |
|
Cải cách hành chính Việt Nam 2024–2025 là một cuộc cải cách trên quy mô lớn từ trung ương đến địa phương ở Việt Nam, được chính thức khởi động sau bài viết "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả" và thực thi chiến dịch đưa Việt Nam vào kỷ nguyên vươn mình của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm. Cuộc cải cách được thực hiện dựa trên Nghị quyết số 18–NQ/TW về việc "tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" được ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Tổng Bí thư tiền nhiệm, Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, chuẩn bị cho các sự kiện lịch sử quan trọng như 50 năm thống nhất đất nước vào năm 2025 và mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045.
Mặc dù trước đó, Việt Nam đã có cải cách từ năm 2017 nhưng nhận thức về vấn đề này được cho là vẫn chưa đầy đủ. Trong Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, ông Lâm cũng phát biểu chỉ rõ "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn" trong kỳ họp. Đến ngày 16 tháng 11 năm 2024, Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18–NQ/TW cũng được thành lập chính thức ban đầu do Phạm Minh Chính làm Trưởng Ban, nhưng sau đó là Tô Lâm.
Vấn đề về cải cách hành chính đã được đề ra từ những năm đầu nhiệm kỳ của Chính phủ Phạm Minh Chính và thông qua các chương trình Đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.[1][2][3] Việc cải cách thể chế được diễn ra trong bối cảnh vào năm 2025, Việt Nam tròn 50 năm kể từ khi thống nhất cùng các sự kiện lịch sử khác như kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2030 hay kỷ niệm 100 năm Quốc khánh Việt Nam vào năm 2045. Đặc biệt là mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 mà Đảng này đề ra.[2] Vào ngày 15 tháng 7 năm 2021, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 76/NQ–CP trong đó tập trung vào 6 vấn đề chính cần cải cách đó chính là thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng cùng một số vấn đề như Chính phủ điện tử và Chính phủ số.[1] Đồng thời, 2024 cũng là năm đánh dấu sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII trong đợt cải cách hành chính 2016–2020. Tô Lâm cho rằng đây chính là thời điểm để đưa Việt Nam vào "kỷ nguyên vươn mình".[4] Ngoài ra, trong giai đoạn ông Lâm là Bộ trưởng Bộ Công an, cơ quan này cũng đã từng tinh gọn 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng. Đây được chính quyền xem như "kinh nghiệm quan trọng" trong việc sắp xếp bộ máy.[5]
Kể từ năm 1945, hệ thống chính trị Việt Nam hoạt động xuyên suốt xung quanh 3 khối bao gồm: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội. Mặc dù đã có những cải cách từ năm 2017, nhưng nhận thức về vấn đề này vẫn được cho là chưa đầy đủ và chưa sâu sắc. Việc gắn tinh giản biên chế với cơ cấu tổ chức vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Thêm vào đó, một số bộ, ngành vẫn duy trì việc ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tình trạng cơ chế xin – cho, tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí và tiêu cực nảy sinh. Theo Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm, cơ bản tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam vẫn còn cồng kềnh với nhiều tầng nấc và đầu mối, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác giữa các cơ quan còn thiếu rõ ràng, thường xuyên trùng lặp và chồng chéo. Việc phân quyền và phân định trách nhiệm chưa đồng bộ và hợp lý, có nơi còn bao biện cho việc làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Chất lượng tham mưu và đề xuất của một số cơ quan đối với Trung ương và các cấp lãnh đạo còn hạn chế, trong khi năng lực điều phối và tổ chức thực hiện trong toàn Đảng cũng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu đề ra. Ông cho rằng, "cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước".[4]
Sau khi nhậm chức Thủ tướng, Phạm Minh Chính đã bắt đầu kiện toàn các chức vụ trong Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do mình là Trưởng ban.[6] Cho đến ngày 21 tháng 10 năm 2024, trong bài phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có phát biểu chỉ ra các điểm nghẽn lớn nhất cần phải khắc phục mà trong đó "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn".[7] Theo báo Dân Trí, ông là người đầu tiên đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ việc này.[8] Đến ngày 5 tháng 11, trên Cổng thông tin Chính phủ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đăng tải một bài viết với tiêu đề "Tinh – Gọn – Mạnh – Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả".[4][9] Đây cũng được truyền thông Việt Nam xem như điểm khởi đầu cho các quyết sách về tinh gọn bộ máy. Trong đó, đặc biệt đề cập đến vấn đề "100 năm" bao gồm việc 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 100 năm thành lập Việt Nam như thời điểm mục tiêu chiến lược.[9] Khoảng hơn 10 ngày, vào ngày 16 tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cho ký Quyết định số 1403/QĐ–TTg để thành lập Ban Chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18–NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 mang tên "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"[10] do chính ông làm Trưởng ban.[11] Tuy nhiên, trong phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo vào ngày 19 thì Tô Lâm là Trưởng Ban Chỉ đạo.[12]
Đến ngày 25 tháng 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã tổ chức một phiên họp để lấy ý kiến về vấn đề tinh gọn và sắp xếp bộ máy.[13] Đến sáng ngày 1 tháng 12, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18–NQ/TW của Đảng khóa XII tại Hội trường Diên Hồng với sự tham dự của 1,3 triệu đại biểu bao gồm cả hình thức trực tuyến.[14] Phát biểu trong Hội nghị, Tô Lâm yêu cầu cán bộ lãnh đạo và người đứng đầu các cấp ủy, cơ quan cần gương mẫu và chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ, theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng". Ông nhấn mạnh rằng Trung ương không chờ đợi cấp tỉnh, và các cấp phải đồng hành cùng nhau. Mục tiêu đặt ra là các bộ, ngành hoàn thành và báo cáo phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I–2025. Theo báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, sau hội nghị, toàn bộ hệ thống chính trị đã có những chuyển biến mạnh mẽ, thể hiện tinh thần mới trong việc thực hiện các chủ trương lớn nhằm thúc đẩy sự phát triển quốc gia.[9]
Để đảm bảo triển khai sắp xếp và tinh gọn bộ máy tổ chức hiệu quả, Ban Chỉ đạo Chính phủ vào ngày 11 tháng 1 năm 2025 đã yêu cầu các bộ, cơ quan, và UBND các tỉnh thành thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng, cũng như giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức và người lao động. Đồng thời, xây dựng tiêu chí đánh giá và thực hiện rà soát, giảm ít nhất 20% công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan phải trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức trước ngày 5 tháng 2 năm 2025, hoàn thiện và ban hành trước ngày 10 tháng 2 năm 2025.[15] Trong khi đó, vào ngày 24 tháng 1, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất quyết định bộ máy chính phủ Việt Nam sẽ được tinh gọn còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, 5 cơ quan thuộc Chính phủ. Như vậy, tổng cộng giảm 5 bộ, ngành và giảm 3 cơ quan thuộc Chính phủ bao gồm các cơ quan như: Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tương tự bên trong các bộ, ngành cũng giảm thiểu 13/13 tổng cục và cấp tương đương, 519 cục và cấp tương đương, 219 vụ và cấp tương đương, 3.303 chi cục và cấp tương đương. Đồng nghĩa đó, giảm 5 bộ trưởng, 3 thủ trưởng, 13 tổng cục trưởng, 519 cục trưởng, 219 vụ trưởng và gần 3.303 chi cục trưởng. Đối với Quốc hội, đã có sự giảm thiểu ở hai Ủy ban. Trong khi đó ở tổ chức Đảng, Ban Đối ngoại Trung ương dừng hoạt động để chuyển về Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Bộ Ngoại giao. Đồng thời, kết thúc hoạt động đối với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Đảng đoàn, ban cán sự đảng ở trung ương, cấp tỉnh và thành lập nên 4 Đảng bộ mới.[16]
Việc cải cách thể chế đã được nghiên cứu qua rất nhiều năm. Có nhiều thử nghiệm diện nhỏ theo địa phương hoặc ban nghành đã được thực hiện trước đó, nhằm đảm bảo cuộc cải cách có các bước đi phù hợp, cách làm hợp lý và thành công trong thực tế. Cơ sở chính thức của việc cải cách thể chế này là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 25 tháng 10 năm 2017.[17]
Theo nghiên cứu và các đề xuất ban đầu, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng cho biết sẽ sáp nhập Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương. Đồng thời, kết thúc hoạt động của Ban Đối ngoại Trung ương, các phần nhiệm vụ của cơ quan này sẽ được chuyển giao về Bộ Ngoại giao và Văn phòng Trung ương Đảng. Ngoài ra, kết thúc hoạt động của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương về Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Y tế cùng một số bệnh viện trung ương tại Việt Nam. Các Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương được đề xuất chuyển giao về Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.[18]
Ngoài ra, nghiên cứu cũng bao gồm việc kết thúc hoạt động Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương và thành lập Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương. Tổ chức này sẽ bao gồm các tổ chức đảng trong các ban đảng, cơ quan và đơn vị đảng ở Trung ương, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Nhân dân Tối cao với trụ sở đặt tại Văn phòng Trung ương Đảng. Một cơ quan đảng ủy khác cũng được thành lập mới là Đảng bộ Chính phủ sẽ bao gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và tổ chức đảng bộ tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước ngoại trừ Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an. Khi thành lập, đồng nghĩa Ban cán sự đảng Chính phủ sẽ kết thúc hoạt động. Cả hai đảng ủy mới được thành lập đều sẽ trực thuộc Trung ương Đảng. Trong Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội kết thúc để thành lập Đảng bộ Quốc hội trực thuộc Trung ương với trách nhiệm tham mưu, giúp việc và trụ sở được đặt tại Cơ quan Quốc hội nhằm quản lý các tổ chức đảng thuộc khối Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước. Tương tự, kết thúc hoạt động của Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để thành lập Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, các đảng đoàn ở các hội quần chúng trực thuộc Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng được kết thúc để lập đảng bộ.[18]
Tên bộ phận trước cải cách | Hình thức | Tên bộ phận sau cải cách | T.k |
---|---|---|---|
Ban Đối ngoại Trung ương | Chuyển về | Bộ Ngoại giao | [19] |
Đảng ủy Bộ Ngoại giao | |||
Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương | Giải thể | — | |
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương | — | ||
Đảng đoàn, Ban cán sự Đảng ở Trung ương cấp tỉnh | — | ||
— | Thành lập | Đảng bộ các cơ quan Đảng Trung ương | |
— | Đảng bộ Quốc hội | ||
— | Đảng bộ Chính phủ | ||
— | Đảng bộ Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương | ||
Ban Tuyên giáo Trung ương | Sáp nhập | Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương | |
Ban Dân vận Trung ương | |||
Ban Kinh tế Trung ương | Đổi tên | Ban Chính sách, chiến lược Trung ương |
Theo Tổng kết từ Nghị quyết 18 được Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, Quốc hội Việt Nam sẽ kết thúc hoạt động của Ủy ban Đối ngoại để chuyển về Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao. Đồng thời, đổi tên "Ủy ban Quốc phòng và An ninh" thành "Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại". Ngoài ra, sáp nhập "Ủy ban Pháp luật" và "Ủy ban Tư pháp" để thành lập "Ủy ban Pháp luật và Tư pháp"; sáp nhập "Ủy ban Kinh tế" và "Ủy ban Tài chính, Ngân sách" để thành lập "Ủy ban Kinh tế và Tài chính"; tương tự, đối với "Ủy ban Xã hội" và "Ủy ban Văn hóa, Giáo dục" để thành "Ủy ban Văn hóa và Xã hội". Hai ban trong Quốc hội cũng được đổi tên và nâng cấp bao gồm Ban Dân nguyện thành Ủy ban Dân nguyện và Giám sát, Ban Công tác đại biểu thành Ủy ban Công tác đại biểu và đều thuộc Quốc hội.[19][20]
Tên bộ phận trước cải cách | Hình thức | Tên bộ phận sau cải cách | T.k |
---|---|---|---|
Ủy ban Đối ngoại | Chuyển về | Ủy ban Quốc phòng, An ninh, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao | [20] |
Ủy ban Quốc phòng và An ninh | Đổi tên | Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại | |
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội | Sáp nhập | Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội | |
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội | |||
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội | Sáp nhập | Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội | |
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội | |||
Ủy ban Xã hội của Quốc hội | Sáp nhập | Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội | |
Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội | |||
Ban Dân nguyện | Đổi tên, nâng cấp | Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội | |
Ban Công tác đại biểu | Đổi tên, nâng cấp | Ủy ban Công tác đại biểu của Quốc hội |
Theo định hướng ban đầu được công bố vào từ ngày 1 tháng 1 năm 2025 từ định hướng của Nghị quyết số 18–NQ/TW, bộ máy chính phủ từ 30 đã được đề xuất giảm còn 21 bao gồm: 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Cụ thể sẽ là sáp nhập: Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Tài chính thành "Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển" hoặc "Bộ Kinh tế phát triển"; Bộ Giao thông vận tải với Bộ Xây dựng thành "Bộ Hạ tầng và Đô thị"; Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành "Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường"; Bộ Thông tin và Truyền thông với Bộ Khoa học và Công nghệ thành "Bộ chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ" hoặc "Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin"; Bộ Nội vụ và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thành "Bộ Nội vụ và Lao động". Ngoài ra, sẽ chuyển chức năng "Giáo dục nghề nghiệp" và chức năng "Quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội" của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sang lần lượt cho Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế.[21] Tuy nhiên, đến ngày 11 tháng 1, từ ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi mà tên của các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thể thao và Du lịch được quyết định giữ nguyên. Ngoài ra, bổ sung thêm "Bộ Dân tộc và Tôn giáo" thông qua việc hợp nhất Ủy ban Dân tộc và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.[22]
Ngoài ra, sau tinh gọn các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ được duy trì tối đa 5 đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chức năng phục vụ quản lý nhà nước bao gồm: Viện; Tạp chí; Báo; Trung tâm thông tin và Trường đào tạo, bồi dưỡng.[23] Sau khi sắp xếp, tinh gọn, trong các Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng có 13 Tổng cục và tương đương sẽ bị giải thể bao gồm 5 đơn vị trong Bộ Tài chính bao gồm: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 2 đơn vị trong Bộ Ngoại giao: Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Biên giới quốc gia; 1 đơn vị trong các Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Công Thương với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Tổng cục Thống kê: Bộ Tư pháp với Tổng cục Thi hành án dân sự; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Bộ Tài nguyên và Môi trường với Tổng cục Khí tượng Thủy văn.[24] Trong đó các cơ quan như Tổng cục Thuế chuyển thành Cục Thuế, Tổng cục Hải quan chuyển thành Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước từ cấp tổng cục về cấp cục, Tổng cục Dự trữ Nhà nước thành Cục Dụ trữ nhà nước, Tổng cục Thống kê thành Cục Thống kê. Ngoài ra, Cục Kinh tế Xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ Xây dựng sẽ sáp nhập với Cục quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải thành "Cục Kinh tế – Quản lý đầu tư xây dựng".[25]
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ bị giải thể và 18 tập đoàn, tổng công ty do đơn vị này quản lý sẽ giao cho Bộ Tài chính. Riêng, Tổng công ty Viễn thông MobiFone được giao cho Bộ Công an quản lý. Trường hợp của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập với 14 ban. Đối với đơn vị trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ được sáp nhập vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam; trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tài nguyên và môi trường được sáp nhập vào Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường. Vụ Giáo dục phổ thông thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được ra đời trên cơ sở sáp nhập Vụ giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học và một số nhiệm vụ từ Vụ Giáo dục dân tộc. Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền thuộc Bộ Y tế sẽ bị giải thể và chuyển nhiệm vụ về các đơn vị chuyên ngành. Như vậy dự kiến, sau sáp nhập Việt Nam còn 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ; 5 cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời trong Chính phủ sẽ giảm toàn bộ tổng cục, 518 cục và tương đương, 218 vụ, 2.958 chi cục và 201 đơn vị sự nghiệp công lập.[25]
Tên bộ phận trước cải cách | Hình thức | Tên bộ phận sau cải cách | T.k |
---|---|---|---|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư | Sáp nhập | Bộ Tài chính | [22] |
Bộ Tài chính | |||
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp | Giải thể về | [25] | |
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | Sáp nhập | Bộ Nội vụ | [22] |
Bộ Nội vụ | |||
Bộ Giao thông Vận tải | Sáp nhập | Bộ Xây dựng | |
Bộ Xây dựng | |||
Bộ Khoa học và Công nghệ | Sáp nhập | Bộ Khoa học và Công nghệ | |
Bộ Thông tin và Truyền thông | |||
Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản của Bộ Thông tin và Truyền thông | Chuyển về | Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch | |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sáp nhập | Bộ Nông nghiệp và Môi trường | |
Bộ Tài nguyên và Môi trường | |||
Quản lý nhà nước về giảm nghèo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | Chuyển về | ||
Bộ Giáo dục và Đào tạo | Sáp nhập | Bộ Giáo dục và Đào tạo | [21] |
Quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | Chuyển về | ||
Bộ Y tế | Sáp nhập | Bộ Y tế | |
Quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | |||
Quyền quản lý Tổng công ty Viễn thông Mobifone | Chuyển về | Bộ Công an | [25] |
Quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội | [26] | ||
Ủy ban Dân tộc | Sáp nhập | Bộ Dân tộc và Tôn giáo | [22] |
Quản lý nhà nước về tôn giáo của Bộ Nội vụ | |||
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia | Giải thể | — | [27] |
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh | Chuyển về | Bộ Quốc phòng | |
Đại học Quốc gia Hà Nội | Chuyển về | Bộ Giáo dục và Đào tạo | |
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh | Chuyển về |
Vào ngày 4 tháng 12 năm 2024, Bộ Nội vụ thông tin sẽ kết thúc hoạt động của Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình VOV, Truyền hình VTC và chuyển các chức năng, nhiệm vụ của các truyền hình giải thể về Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Chính phủ cũng giao lại cho VTV chủ động xây dựng Đề án tiếp nhận lại các đài đã bị giải thể. Trong khi đó, các báo, tạp chí của các bộ, cơ quan ngang bộ được yêu cầu sắp xếp lại để mỗi tổ chức chỉ tồn tại một cơ quan báo và một tạp chí khoa học chuyên ngành. Đối với các bộ bị sáp nhập, trường hợp có hai cơ quan báo đang tự chủ thì sẽ duy trì và thực hiện sắp xếp theo cấp có thẩm quyền.[28] Trước ngày 15 tháng 12, các tạp chí trong các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương phải kết thúc hoạt động để chuyển chức năng, nhiệm vụ về Tạp chí Cộng sản và kết thúc hoạt động của báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, chuyển về báo Nhân Dân.[29]
Các báo chí ở các tỉnh đi theo 2 mô hình, có nơi chỉ còn 1 cơ quan duy nhất như tỉnh Quảng Ninh và tỉnh Bình Phước, có nơi còn 2 cơ quan là Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và báo của tỉnh (sáp nhập toàn bộ các báo, tạp chí, trang tin của tỉnh. Riêng Hà Nội và TP HCM có một số trường hợp đặc biệt tạm tồn tại đến 2030.
Ở cấp độ địa phương cũng đã có những đề xuất sáp nhập, giải thể các ban, cơ quan, ban chỉ đạo hay các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh đến cấp huyện tương tự như mô hình ở Trung ương.[18] Đối với vị trí này, Ban Chỉ đạo của Chính phủ yêu cầu thực hiện từ ngày 18 đến ngày 20 tháng 2 năm 2025. Các địa phương cũng được yêu cầu giữ tên Sở Tài chính sau khi hợp nhất với Sở Kế hoạch và Đầu tư, giữ tên Sở Nội vụ sau khi sáp nhập với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, giữ tên Sở Xây dựng sau khi sáp nhập với Sở Giao thông vận tải và Sở Quy hoạch và Kiến trúc nếu có, giữ tên Sở Khoa học và Công nghệ sau khi sáp nhập với Sở Thông tin và Truyền thông, giữ tên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Sở Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo dựa trên Ban Dân tộc và quản lý nhà nước về tôn giáo của Sở Nội vụ. Các sở, ngành khác vẫn giữ nguyên tên như Ban Chỉ đạo của Chính phủ bao gồm đối với TP HCM và Hà Nội là Sở Du lịch, Sở Quy hoạch và Kiến trúc và Sở An toàn thực phẩm đối với một số địa phương đặc thù. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phải đảm bảo không vượt quá 13 sở, với tỉnh loại 1 có đặc thù không vượt quá 14 sở.[30]
Ở đơn vị cấp huyện, địa phương phải giữ tên Phòng Nội vụ sau khi sáp nhập với Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội. Đồng thời, thành lập Phòng Dân tộc và Tôn giáo dựa trên Phòng Dân tộc và chức năng quản lý nhà nước về tôn giáo từ Phòng Nội vụ. Các cơ quan còn lại giữ tên theo định hướng Ban Chỉ đạo bao gồm: Phòng Tư pháp; Phòng Tài chính – Kế hoạch; Thanh tra huyện; Văn phòng HDND và UBND cấp huyện; Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị; Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin; Phòng Nông nghiệp và Môi trường (đối với cơ sở cấp quận là Phòng Tài nguyên và Môi trường); Phòng Y tế; Phòng Giáo dục và Đào tạo.[30] Ngoài ra, từ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, bộ máy Công an sẽ hoạt động theo mô hình 3 cấp "bộ, tỉnh, xã" và giải thể công an cấp huyện.[31] Xu hướng này được Ban Chấp hành Trung ương đặt tên là "tỉnh toàn diện; xã vững mạnh, bám cơ sở". Tuy nhiên, đối với các huyện đảo sẽ vẫn có đồn công an do không tồn tại đơn vị hành chính cấp xã.[19]
Trước việc các di sản của tiền nhiệm dần bị lu mờ trước những cải cách của Tô Lâm, dẫn lời Đài Á Châu Tự Do, tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng đây là "chuyện bình thường" khi lãnh đạo nào cũng mong muốn để lại dấu ấn riêng cho bản thân mình. Theo giáo sư Carlyle Alan Thayer, ông Trọng đã được ghi nhận cho chiến dịch chống tham nhũng và xây dựng Đảng thì để dánh nền kinh tế rơi vào bẫy thu nhập trung bình thì ông Lâm phải dựa vào di sản của ông Trọng và cải cách hệ thống kinh tế và chính trị của Việt Nam. Việc tiếp cận với người miền Nam và các nhà kỹ trị là một cách để ông làm được điều đó. Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ lại cho rằng sau khi ông Trọng qua đời thì giới lãnh đạo Việt Nam đã không còn cai trị xã hội theo "tư tưởng xã hội chủ nghĩa" hay "tư tưởng dân chủ tự do" mà là "chủ nghĩa quân phiệt" khi công an và quân đội cai trị xã hội.[32]
Đài Á Châu Tự Do cho rằng các nỗ lực cải cách bộ máy hiện tại của Tô Lâm thực chất là dựa trên Nghị quyết số 18–NQ/TW dưới thời Nguyễn Phú Trọng với mục tiêu tinh gọn hệ thống chính trị. Tuy nhiên, trong suốt 13 năm cầm quyền của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc tinh giản bộ máy chủ yếu chỉ dừng lại ở lời nói và khẩu hiệu. Thậm chí, ông ấy đã góp phần làm phình to bộ máy, đặc biệt là bộ máy của Đảng, thông qua việc thành lập nhiều tiểu, tổ, ban ngành mới. Người đứng đầu ĐCSVN cũng được giới quan sát cho rằng thực tế, không giáo điều và xây dựng lý thuyết như người tiền nhiệm.[32]
Trước cải cách, chỉ các khoản chi thường xuyên đã chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách, chỉ còn 30% dành cho đầu tư phát triển và các lĩnh vực khác. Việc tinh gọn bộ máy sẽ giảm tỷ lệ chi thường xuyên, tạo điều kiện tăng đầu tư cho phát triển kinh tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực quan trọng khác. [33]
Theo Bộ Nội vụ, dự kiến cần 130.000 tỷ đồng để thực hiện các chính sách, chế độ nêu trên do ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Cụ thể, có 111.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ; 4.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với người lao động; 9.000 tỷ đồng chi trả chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cấp xã; 4.000 tỷ đồng kinh phí đóng bảo hiểm xã hội và 2.000 tỷ đồng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng.
Bộ Nội vụ cũng thông tin rằng ngân sách nhà nước đã bố trí kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 29/2023/NĐ-CP (đang được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị) và các khoản chi chế độ, chính sách liên quan đến cán bộ, lãnh đạo quản lý... [34]
Trong 5 năm, ngân sách nhà nước dự kiến tiết kiệm chi khoảng 113.000 tỷ đồng. Cộng với tiết kiệm các khoản về trụ sở, xe máy, phương tiện... ở hàng trăm ngàn đầu mối quản lý thì có thể thấy chỉ cần 5 năm đã có hiệu quả bằng số tiền kinh phí chi ra giải quyết chế độ chính sách nói trên.[35]
Vào ngày 20 tháng 12, Chính phủ Việt Nam cam kết không ảnh hưởng đến vấn đề phê duyệt dự án trong bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại về việc cải cách hành chính sẽ ảnh hưởng đến sự chậm trễ này trong nhiều tháng tới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho rằng, "Quá trình tái cấu trúc sẽ không ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục, quy trình đầu tư tại Việt Nam".[36] Tuy nhiên, dẫn lời trên Reuters, một số nhà đầu tư và quan chức vẫn cho rằng sẽ bị "tê liệt" trong ngắn hạn.[37] Do chỉ trích về vấn đề cải cách hành chính, một cá nhân ở Hải Phòng đã bị xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng do "nhiều lần đăng bài xuyên tạc về quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị".[38]
Đại sứ Australia tại Hà Nội Andrew Goledzinowski cho rằng, giai đoạn hiện tại của Việt Nam như đợi cải cách kinh tế toàn diện vào những năm 1980 khi đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thương mại lớn trong những thập kỷ tiếp theo. Ông cho rằng, "Kỷ nguyên mới của Việt Nam đang bắt đầu vào thời khắc quan trọng". Mặc dù vậy, ông cũng nói thêm, "Tiền như nước. Khi bị chặn lại, nó sẽ chảy đi nơi khác".[37]
|journal=
(trợ giúp)