Cầu dây võng, còn gọi là cầu treo dây võng, là một loại cầu có kết cấu cầu treo dạng cáp treo trên cáp, thay vì cáp treo trực tiếp vào trụ cầu như cầu treo dây văng. Hệ cáp treo chính của cầu được móc liên kết chắc chắn vào đỉnh các trụ cầu, như đường dây điện cao thế, nhưng do khoảng cách nhịp lớn và chịu tải nặng chúng thường có dạng bị võng xuống ở khoảng giữa nhịp cầu. Từ hệ cáp treo chính này, thường nằm 2 bên thành cầu, các hệ cáp treo thẳng đứng được (móc vào hệ cáp chính) treo rủ xuống với khoảng cách song song đều nhau đỡ lấy từng đốt bản mặt cầu. Chính nhờ có hệ kết cấu dây cáp treo không phụ thuộc vào góc neo cáp, chiều cao trụ cầu và khoảng cách điểm neo đốt cầu vào cáp treo tới trụ tháp, mà cầu treo dây võng có thể vượt được các nhịp lớn hơn cầu treo dây văng (loại cầu phụ thuộc nhiều vào những yếu tố đó). Những cầu treo nhịp dài nhất trên thế giới là các cầu treo dây võng.
Ưu nhược điểm của cầu dây võng:Những hệ cáp này không phụ thuộc vào chiều cao cột trụ, góc neo cáp và khoảng cách điểm neo đốt cầu vào cáp treo tới trụ tháp nêm loại cầu này có khả năng vượt nhịp lớn.
Độ võng của dây cáp là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp thanh thoát rất phù hợp với công trình qua sông ở các khu đô thị.
Tại vị trí vượt sông mà có khẩu độ thuyền lớn thì lựa chọn cầu treo dây võng ít làm xáo trộn chế độ dòng chảy tự nhiên của sông suối, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế, kĩ thuật.
Kết cấu đơn giản, dễ thi công, thích hợp cho việc xây dựng cầu tại địa bàn vùng cao
Cầu treo dây võng hiện có nhịp dài nhất trên thế giới là Cầu Çanakkale 1915 ở Thổ Nhĩ kỳ, khánh thành năm 2022, có nhịp chính dài hơn 2.023 m. Thứ 2 là cầu Akashi Kaikyo của Nhật Bản nối thành phố Kobe trên đảo lớn Honshu với Iwaya trên đảo Awaji trong loạt cầu trên biển của tuyến đường cao tốc Honshu-Shikoku, được xây dựng vào năm 1998, với nhịp dài tới 1990 m [1] (chính xác là 1991 m).
Những cây cầu treo dài nhất thế giới được liệt kê theo chiều dài của nhịp chính (tức là chiều dài của đường treo giữa các tháp cầu). Chiều dài của nhịp chính là phương pháp phổ biến nhất để so sánh kích thước của cầu treo, thường tương quan với chiều cao của tháp và độ phức tạp kỹ thuật liên quan đến thiết kế và xây dựng cầu.[2] Nếu một cây cầu có nhịp dài hơn cây cầu khác, điều đó không nhất thiết có nghĩa là cây cầu đó dài hơn từ bờ này sang bờ kia (hoặc từ mố này sang mố khác).
Cầu Liên hiệp (Union Bridge) trên Sông Tweed qua vùng biên giới ở Scotland và bắc Anh, nhịp dài nhất 137 m, được xây dựng giữa tháng 8 năm 1819 và tháng 7 năm 1820 là cây cầu treo lâu đời nhất trên thế giới vẫn còn hoạt động trong giao thông đường bộ.
^Bài Phân loại cầu, của Nguyễn Bá Đô, trên tạp chí Kết cấu và Công nghệ xây dựng số 2, tháng 1-2010, trang 78-79. ISSN 1859.3194
^Duan, Lian (2014). “Longest Bridges and Bridge Spans”. Trong Chen, Wai-Fah; Duan, Lian (biên tập). Handbook of International Bridge Engineering. Boca Raton, Florida: CRC Press. tr. 1307. ISBN978-1-4398-1029-3. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015 – qua google books. Tổng chiều dài thường phản ánh quy mô dự án, trong khi chiều dài nhịp thường tương quan với độ phức tạp kỹ thuật liên quan đến thiết kế và xây dựng cầu (The total length often reflects a project size, while the span length commonly correlates with the engineering complexity involved in designing and constructing of the bridge).