Chlorargyrit | |
---|---|
Thông tin chung | |
Thể loại | Khoáng vật halide |
Công thức hóa học | AgCl |
Phân loại Strunz | 3.AA.15 |
Hệ tinh thể | Đẳng cự |
Lớp tinh thể | Lục bát diện thể (m3m) H-M (4/m 3 2/m) |
Nhóm không gian | Fm3m |
Nhận dạng | |
Màu | Không màu (mới); biến đổi thành lục chartreuse tươi, vàng nhạt, lục nhạt, xám, nâu-tím khi phơi sáng |
Dạng thường tinh thể | Khối tới trụ |
Vết vỡ | Bất thường/không đều, bán vỏ sò |
Độ bền | Có thể cắt được |
Độ cứng Mohs | 1,5 - 2,5 |
Ánh | Kim cương, nhựa, sáp |
Màu vết vạch | Trắng |
Tỷ trọng riêng | 5,556 |
Thuộc tính quang | Đẳng hướng |
Chiết suất | n = 2,071 |
Tham chiếu | [1][2][3] |
Chlorargyrit là dạng khoáng vật của bạc chloride (AgCl).[4] Chlorargyrit xuất hiện như là pha khoáng vật thứ sinh trong các khoáng sàng quặng bạc bị phong hóa. Nó kết tinh trong lớp tinh thể đẳng cự - lục bát diện. Thông thường tạo thành khối hay cột tại nơi xuất hiện, nhưng cũng được tìm thấy dưới dạng các tinh thể từ không màu tới các sắc lục vàng khác nhau. Màu thay đổi thành nâu hay tím khi phơi sáng. Nó rất mềm, với độ cứng Mohs chỉ khoảng 1-2 và nặng, với tỷ trọng riêng là 5,55. Nó cũng được biết đến dưới tên gọi cerargyrit và khi bị phong hóa trong không khí sa mạc thì gọi là bạc sừng hay giác ngân. Brom chlorargyrit hay embolit (Ag(Cl, Br) cũng là phổ biến. Chlorargyrit không hòa tan trong nước.
Nó xuất hiện cùng các khoáng vật đồng hành khác như bạc tự nhiên, cerussit, iodargyrit, atacamit, malachit, jarosit và các khoáng vật oxit sắt-mangan khác nhau.[2]
Nó được mô tả lần đầu tiên năm 1875 với mẫu thu được từ khu vực Broken Hill, New South Wales, Australia. Tên gọi của nó lấy theo tiếng Hy Lạp chloros để chỉ "màu lục nhạt" và argyros (Latinh: argentum) để chỉ bạc.[3]
Tên gọi nhóm chlorargyrit cũng được đặt cho một nhóm khoáng vật, bao gồm chlorargyrit, bromargyrit, marshit, miersit, nantokit.[1]