Duales Studium ở Đức, tương tự như Hệ thống đào tạo nghề kép, là một chương trình học ở đại học, hoặc học song song thêm một nghề, hoặc có những phần thực tập xen kẽ tại hãng bảo trợ cho đi học. So sánh với lối học đại học thông thường, nó đặt nặng về phần thực tập ở hãng hơn.
Theo như viện liên bang về học nghề (Bundesinstitut für Berufsbildung (BIBB)) vào tháng 4 năm 2010 tổng cộng trên toàn nước Đức có gần 776 chương trình học kiểu này, 12,5% nhiều hơn năm ngoái, với 50.764 sinh viên (nhiều hơn 6%) tại Fachhochschulen, trường nghề cao cấp, trường hành chính và kinh tế cũng như tại nhiều đại học.[1] Nói chung các chương trình học này cùng có lối học xen kẽ một khóa học lý thuyết ở đại học hay ở các viện cao học và một giai đoạn thực tập tại hãng. Để thực hiện được việc này, chương trình học thường chặt chẽ hơn là chương trình học đại học thông thường. Lợi điểm từ lối học này là sinh viên có nhiều kinh nghiệm thực tế ở hãng hơn.
Để có thể theo học Duales Studium, phải có một hợp đồng với một hãng bảo trợ.[2]
Cả sinh viên lẫn doanh nghiệp đều có lợi từ chương trình học kiểu này. Trong 3, 4 năm sinh viên có thể lấy 2 bằng khác nhau. Họ nhận được trợ giúp trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp hưởng lợi vì sinh viên đã có thực hành, biết công việc tại doanh nghiệp, có thể ứng dụng ngay những kiến thức học tại trường và cũng dễ hòa hợp vào doanh nghiệp hơn. Hiện khoảng 85% sinh viên học kiểu này được doanh nghiệp nhận vào làm sau đó.
Duales Studium chương trình thường nặng, đòi hỏi phải bỏ nhiều thời giờ hơn. Thời gian nghỉ hè ít hơn, vì phải đi làm ở doanh nghiệp, có chương trình phải đi học lý thuyết vào ngày thứ bảy. Cho nên nó đòi hỏi sinh viên phải có nhiều kỷ luật và phấn đấu. Một nhược điểm khác là chương trình học thường là cụ thể, sinh viên không có được tự do lựa chọn môn mình muốn học. Có hợp đồng còn bắt buộc sinh viên sau chương trình học phải làm cho doanh nghiệp một thời gian vì họ đã bỏ tiền khá nhiều đầu tư cho sinh viên học và thực tập.