Hưng Hiếu vương

Hưng Hiếu vương
興孝王
Tông thất Hoàng gia Việt Nam
Thông tin chung
Tước hiệuHưng Hiếu vương (興孝王)
Triều đạiNhà Trần
Thân phụTrần Hưng Đạo (?)

Hưng Hiếu vương (tiếng Trung: 興孝王; ? – 1352?), là một tông thất hoàng gia Đại Việt thời nhà Trần trong lịch sử Việt Nam.[1][2]

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Không rõ thân thế của Hưng Hiếu vương. Chữ đầu trong tước phong của ông (Hưng) trùng với tước của Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn và Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng,[3] nên có khả năng ông là con của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Tháng 9 năm Đinh Sửu (1337), Thượng hoàng Trần Minh Tông phái Hưng Hiếu vương đến Đà Giang đánh dẹp người man Ngưu Hống. Hưng Hiếu vương hành quân bằng đường thủy ngược dòng sông Bạch Hạc, bất ngờ tập kích trại Trịnh Kỳ, chém được thủ lĩnh Xa Phần. Khi về kinh nhận thưởng, Hưng Hiếu vương xin được thưởng cho những người giữ thuyền giống trường hợp Trần Khánh Dư đánh dẹp Nam Nhung ngày trước, nhưng Thượng hoàng không cho là phải[a].[4] Gia đồng của ông là Phạm Ngải lập nhiều công lao trong trận này, nhưng vì thân phận gia nô mà không được phong quan[b][4], chỉ được thưởng năm mảnh ruộng.[6]

Khoảng 1342–1352, Chiêm Thành lâm vào cuộc nội chiến tranh chấp ngôi vua giữa vương tử Chế Mỗ và anh rể Chế A Nan. Hưng Hiếu vương được giao trông coi Hóa Châu để phòng ngừa. Trong thời gian này, Chế Mỗ nhiều lần hối lộ Hưng Hiếu vương để xin quân nhà Trần can thiệp. Hưng Hiếu vương dù nhận lời nhưng không hề xuất quân hay tâu về triều đình, chỉ khuyến khích Chế Mỗ sang Đại Việt tị nạn.[7] Tháng 3 (ÂL) năm Nhâm Thìn (1352), Chế Mỗ thất bại, được Hưng Hiếu vương giúp đỡ chạy sang Đại Việt. Chế Mỗ dâng lên nhiều đồ quý để xin nhà Trần giúp đỡ.[8]

Năm Quý Tỵ (1353), Chế Mỗ qua lại với gia nhi của Trần Minh Tông là Tước Tề để xin trợ giúp[c]. Tháng 6 (ÂL), triều đình nhà Trần đồng ý cử quân đội đưa Chế Mỗ về nước, nhưng quân đội hành quân đến Cổ Lũy thì thất bại, phải rút về.[7] Tháng 9 (ÂL), Chiêm Thành cho quân sang cướp bóc Hóa Châu, địa phương không chống cự nổi; triều đình phái Trương Hán Siêu cầm quân Thần Sách vào trấn giữ. Đến tháng 11 (ÂL) năm Giáp Ngọ (1354), Trương Hán Siêu mất, triều đình không còn quan viên nào đủ sức trấn thủ vùng biên nữa.[9] Có khả năng Hưng Hiếu vương mất trong khoảng 1352–1353.

Gặp thần sông

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong chiến dịch đánh Ngưu Hống (1337), Hưng Hiếu vương đậu thuyền ở sông Bạch Hạc, gặp thần Phụ Vũ đại vương báo mộng hỏi: Năm trước vua có lệnh khen thưởng mà đến nay vẫn chưa thấy gì! Hưng Hiếu vương khi trở về tâu lại.[10]

Thượng hoàng Minh Tông mới nhớ ra trong chiến dịch trước (1329), thuyền đi qua Bạch Hạc thì bị mắc cạn. Thượng hoàng khấn với thần sông: Nếu thuyền ngự đi được an toàn thì sẽ khen thưởng. Nay gia phong thêm hai chữ.[10]

Trong văn hóa

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần có Tứ vị vương tử, trong đó người thứ ba thường được gọi là Hưng Hiến vương Trần Quốc Úy[11] hoặc Hưng Hiếu vương Trần Quốc Uy.[d][12]

Nhầm lẫn này có thể xuất phát từ tiểu thuyết Hưng Đạo vương của Phan Kế Bính (xuất bản năm 1914) khi cho rằng Hưng Hiến vương Trần Quốc Úy là con trai đứng hàng thứ hai và là một trong bốn vị vương tử của Trần Hưng Đạo.[13][14][15] Đến Trần Trọng Kim (1919), lại nhầm Hưng Hiến vương thành Hưng Hiếu vương.[16]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Thượng hoàng nói: Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, từ Nghệ An đi bộ mấy ngày, đến sông Nam Nhung mới đục gỗ làm thuyền. Đó là giữ thuyền trong đất của giặc, chứ không phải là giữ thuyền ở Nghệ An. Người giữ thuyền lần này thì khác thế. Vả lại, có thưởng tất phải có phạt, thưởng phạt thường phải có cả. Nếu người giữ thuyền muốn nhờ ở chiến thắng để lấy thưởng, giả sử người đi đánh bị chết thì người giữ thuyền cũng chịu chết chăng? Hưng Hiếu trả lời: Nếu không có người giữ thuyền, trong quân mà nghe tin giặc lấy mất thuyền thì quân sĩ liệu có giữ vững được không? Thượng hoàng nói: Nếu vậy thì trước hết phả thưởng cho những người trong triều mới phải, vì nếu Kinh sư không yên thì quân sĩ có thể đi đánh giặc được không? Hưng Hiếu không trả lời được.[4]
  2. ^ Trong chiến dịch này, gia đồng của Hưng Hiếu là Phạm Ngải có lập chiến công, Thượng hoàng nói: Gia nô tuy có chút công lao nhưng không được dự vào quan tước triều đình. Xuống chiếu cấp cho Ngải 5 phần suất ruộng.[5]
  3. ^ Trước kia Hưng Hiếu Vương coi Hóa Châu, Chế Mỗ nói với Tước Tề (là gia nhi của Minh Tông đi lại với Chế Mỗ) rằng: Chuyện cổ của Chiêm Thành kể rằng ngày xưa có ông vua nuôi một con khỉ lớn, rất yêu quý nó, muốn cho nó biết nói. Ông ta tìm khắp trong nước, bảo người nào biết nuôi dạy được khỉ nói thì thưởng một lạng vàng. Có một người nói là sẽ dạy được. Vua mừng lắm, sai hắn nuôi khỉ. Người ấy nói: Hàng tháng dùng thuốc phí tổn đến trăm lạng vàng, sau ba năm mới có kết quả. Vua nghe theo. Ý hắn nghĩ rằng quốc vương với mình cùng con khỉ, trong khoảng ba năm nhất định có một kẻ chết, hãy cứ lấy vàng của vua đã, mà chẳng cần phải có kết quả. Chế Mỗ theo về chúa thượng, nhưng thực là Hưng Hiếu chủ trương việc ấy. Trải bao năm tháng mà vẫn chưa nghe được ngày về nước. Sự thể của tôi cũng giống chuyện đó.[7]
  4. ^ Có khả năng do chữ 蔚 có hai phiên âm Uất và Úy. Phiên âm Úy phát âm gần giống với chữ Uy (威).

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Ngô Sĩ Liên (chủ biên), Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 6, Trần kỷ.
  2. ^ Ngô Sĩ Liên (chủ biên), Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 7, Trần kỷ.
  3. ^ Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 80
  4. ^ a b c Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 125
  5. ^ Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 125–126
  6. ^ Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 126
  7. ^ a b c Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 133–134
  8. ^ Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 133
  9. ^ Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 134
  10. ^ a b Hoàng Văn Lâu (1998), tr. 116
  11. ^ Minh Hải (29 tháng 9 năm 2019). “Linh thiêng tục thờ nhà Trần”. Báo điện tử Pháp luật Việt Nam. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2021.
  12. ^ Trần Đại Vinh (26 tháng 2 năm 2020). “Thờ Đức Thánh Trần, từ đền chính Kiếp Bạc đến các đền vọng ở thành phố huế”. Văn nghệ Huế. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 6 năm 2021. Truy cập ngày 13 tháng 6 năm 2021.
  13. ^ Phan Kế Bính, Lê Văn Phúc, Hưng Đạo vương, hồi 17, Thái sư thượng phụ một sớm lên tiên, Trần triều đại vương nghìn thu hiển thánh.
  14. ^ Phan Kế Bính, Lê Văn Phúc, Hưng Đạo vương, hồi 13, Trần đại vương dùng phép trừ tà, Yết tướng quân đục thuyền mắc lưới.
  15. ^ Phan Kế Bính, Lê Văn Phúc, Hưng Đạo vương, hồi 9, Trận Tây Kết, Toa Đô bỏ đời; Sông Vạn Kiếp, Thoát Hoan trốn nạn.
  16. ^ Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Quyển I, Phần III, Chương VII: Giặc nhà Nguyên (1284—1288).
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Gu âm nhạc của chúng ta được định hình từ khi nào?
Gu âm nhạc của chúng ta được định hình từ khi nào?
Bạn càng tập trung vào cảm giác của mình khi nghe một bài hát thì mối liên hệ cảm xúc giữa bạn với âm nhạc càng mạnh mẽ.
Tổng hợp một số loại quái vật trong Nazarick
Tổng hợp một số loại quái vật trong Nazarick
Ở Nazarick, có vô số con quái vật mà ai cũng biết. Tuy nhiên, nhiều người dường như không biết về những con quái vật này là gì, và thường nhầm chúng là NPC.
[Zhihu] Điều gì khiến bạn từ bỏ một mối quan hệ
[Zhihu] Điều gì khiến bạn từ bỏ một mối quan hệ
Khi nào ta nên từ bỏ một mối quan hệ
Dừng uống thuốc khi bị cảm và cách mình vượt qua
Dừng uống thuốc khi bị cảm và cách mình vượt qua
Mình không dùng thuốc tây vì nó chỉ có tác dụng chặn đứng các biểu hiện bệnh chứ không chữa lành hoàn toàn