Kaza hay qadaa (tiếng Ả Rập: قضاء, qaḍāʾ, phát âm [qɑˈd̪ˤɑːʔ], số nhiều: أقضية, aqḍiyah, phát âm [ˈɑqd̪ˤijɑ]; tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman: kazâ[1]) là cấp hành chính được dùng trong lịch sử tại Đế quốc Ottoman và hiện vẫn được dùng ở các quốc gia từng là một phần của đế quốc này. Thuật ngữ "kaza" bắt nguồn từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, tạm dịch là "quyền tài phán"; kaza thường được dịch là "quận",[2] "tiểu quận"[3] (mặc dù cũng áp dụng cho nahiye) hoặc "quận tài phán".[4] Kaza là cấp hành chính thứ hai của Iraq và Liban (xem quận (Iraq) và quận (Liban)) và là cấp hành chính thứ ba của Jordan.
Ở Đế quốc Ottoman, kaza vốn nghĩa là một "khu vực địa lý chịu quyền pháp lý và hành chính của một kadı.[1] Tanzimat (Cải cách) lần thứ nhất (1839) đã chuyển trách nhiệm hành chính từ kadı sang thủ hiến (kaymakam); kadı khi này đóng vai trò là thẩm phán luật Hồi giáo.[5] Về sau cũng trong giai đoạn Tanzimat, kaza trở thành quận hành chính căn cứ theo Luật cải cách tỉnh 1864 (được thi hành sau vài thập niên).[4] Kaza thống nhất quyền tài phán của kaymakam (do Bộ Nội vụ chỉ định),[6] của bộ trưởng ngân khố và của thẩm phán (kadı) trong một đơn vị hành chính duy nhất.[4] Đây là một phần nỗ lực của chính quyền trung ương nhằm tạo lập nền hành chính mang tính thống nhất và hợp lý khắp đế quốc.[4]
Kaza đại khái tương đương với một thành phố và các làng mạc xung quanh thành phố đó. Đây là cấp dưới của sanjak.[1] Kaza được phân thành các nahiye (do müdür cai trị) và các làng mạc (karye, do muhtar cai trị).[6] Luật hành chính sửa đổi 1871 thiết lập natiye (vẫn do müdür đứng đầu) là cấp trung gian giữa kaza và làng.[6]
Trước đây kaza vốn dĩ là cấp hành chính thứ hai của Syria; tuy nhiên sau này đổi tên thành mintaqah. Ban đầu Thổ Nhĩ Kỳ cũng dùng thuật ngữ kaza song đã đổi tên chúng thành ilçe ngay trong thập niên 1920.