Nhà nước Ottoman tối cao
|
|
---|---|
Tên bản ngữ
| |
1299–1922 | |
Quốc ca: سلام سلطاني عثماني Reşadiye Marşı Đế quốc ca Ottoman (1909-1918) (1829–1839, 1918–1922) Mecidiye Marşı (1839–1861) Aziziye Marşı (1861–1876) Hamidiye Marşı (1876–1909) | |
Lãnh thổ cực thịnh của Đế quốc Ottoman dưới thời trị vì của Sultan Mehmed IV vào năm 1683
Lãnh thổ do triều đình Ottoman quản lí trực tiếp
Lãnh thổ do các chư hầu quản lí riêng
Lãnh thổ Ottoman bị mất trước năm 1683
Lãnh thổ của các chư hầu bị mất trước năm 1683
Còn một số lãnh thổ du mục của Ottoman cai quản nhưng không được đề cập | |
Lịch sử thay đổi lãnh thổ của Đế quốc Ottoman từ năm 1299-1923
Lãnh thổ Đế quốc Ottoman
Lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Đế quốc Ottoman tan rã | |
Tổng quan | |
Vị thế | Đế quốc |
Thủ đô | Söğüt (1299-1326), Bursa (1326-1365), Edirne (1365-1453), Constantinople, sau được đổi tên thành Istanbul (1453-1922) |
Ngôn ngữ thông dụng |
|
Tôn giáo chính | Hồi giáo Sunni |
Chính trị | |
Chính phủ | Quân chủ |
Sultan | |
• 1281-1326 | Osman I |
• 1918-22 (cuối cùng) | Mehmed VI |
Đại Vizia | |
• 1302-31 (đầu tiên) | Alaeddin Pasha |
• 1920-22 (cuối cùng) | Ahmed Tevfik Pasha |
Lịch sử | |
Lịch sử | |
• Thành lập | 1299 |
• Nội chiến | 1402-1413 |
1453 | |
• Vây hãm Viên diễn ra Đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ | 14 tháng 7 năm 1683 - 26 tháng 1 năm 1699 |
• Hiến pháp 1 và Hiến Pháp 2 | 1876-1878 và 1908-1920 |
29 tháng 10 năm 1914 | |
• Thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và Hòa ước Sèvres | 11 tháng 11 năm 1918 |
• Đế quốc Ottoman tan rã trong Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ và Hiệp ước Lausanne | 1 tháng 11 1922 |
Địa lý | |
Diện tích | |
• 1680 | 5.600.000 km2 (2.162.172 mi2) |
• 1844 | 3.680.000 km2 (1.420.856 mi2) |
• 1914 | 2.550.000 km2 (984.561 mi2) |
Dân số | |
• 1844 | 35.350.000 |
• 1914 | 19.200.000 |
• 1919 | 14.629.000 |
Kinh tế | |
Đơn vị tiền tệ | Akçe, Kuruş, Lira |
Thông tin khác | |
Đế quốc Ottoman(xanh đậm)vào năm 1593.Thấy rõ sự phân chia hành chính của nó và các chư hầu(xanh nhạt).
Những đường viền ngang xanh cho thấy các lãnh thổ du mục của Đế quốc ảnh hưởng | |
Đế quốc Ottoman còn được gọi là Đế quốc Osman (/ˈɒtəmən/; tiếng Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman: دولت عليه عثمانيه Devlet-i ʿAlīye-i ʿOsmānīye, n.đ. '"Nhà nước Ottoman Tối cao"'; tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Osmanlı İmparatorluğu or Osmanlı Devleti; tiếng Pháp: Empire ottoman), là một Đế quốc trải rộng xuyên suốt Nam Âu, Trung Đông và Bắc Phi từ thế kỷ 14 cho tới đầu thế kỷ 20. Đế quốc được hình thành từ thành phố Söğüt ở phía Tây Bắc của bán đảo Tiểu Á vào thế kỷ 13 bởi bộ tộc những người Turkoman dưới sự lãnh đạo của Osman I. Năm 1354, họ tiến vào châu Âu, thâu tóm toàn bộ vùng Balkan. Sau đó, họ chấm dứt sự tồn tại của Đế quốc Byzantine sau khi sultan Mehmed II chinh phục Constantinopolis.
Ottoman đạt cực thịnh về chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội và khoa học dưới sự trị vì của Suleiman Đại đế. Tới thế kỷ 17, đế quốc bao gồm 32 tỉnh và các vùng chư hầu. Một số vùng được sáp nhập vào đế quốc, số khác được trao quyền tự trị. Thành phố Constantinople (nay là Istanbul) được chọn là Thủ đô bao quát toàn bộ khu vực Địa Trung Hải, biến đây thành nơi giao thương quan trọng nhất giữa hai lục địa Á–Âu.
Nhiều nhà sử học hiện đại không đồng tình với quan điểm rằng Ottoman bắt đầu suy thoái sau thời kỳ của Suleiman. Các nhà nghiên cứu cho rằng đế quốc vẫn duy trì được nền kinh tế và quân sự hùng mạnh tới tận thế kỷ 18. Tuy nhiên sau một thời gian dài hòa bình từ 1740 tới 1768, Ottoman bắt đầu tụt hậu so với những cường quốc láng giềng là Quân chủ Halsburg và Đế quốc Nga. Họ tham chiến và thất bại liên tục trong các thế kỷ 18 và 19. Hy Lạp là quốc gia đầu tiên giành được độc lập và tách khỏi Đế quốc sau các Hiệp ước Luân Đôn (1830) và Hiệp ước Constantinopolis (1832). Sự kiện này là tiền đề cho Chiến tranh Ai Cập – Ottoman (1831–1833), và thất bại buộc Ottoman phải tiến hành cuộc cải cách và hiện đại hóa toàn diện có tên Tanzimat. Cuộc cải cách giúp đế quốc lấy lại được sức mạnh và tiềm lực vốn có, cho dù phải đánh đổi bằng nhiều thất bại quân sự và mất đi nhiều phần lãnh thổ, đặc biệt ở khu vực Balkan.
Các hoạt động của Đảng Ủy ban Liên minh và Phát triển (CUP) đã góp phần tạo nên Cách mạng những người Thổ trẻ tuổi (1908), thay đổi Hiến pháp và chính thức thành lập nên đế quốc Ottoman theo hình thức quân chủ lập hiến. Nhà nước cho phép bầu cử đa đảng, tuy nhiên thất bại thảm hại tại Các cuộc chiến tranh Balkan đã tạo điều kiện để CUP thực hiện Đảo chính Ottoman vào năm 1913, đưa đế quốc trở thành chế độ độc đảng. CUP liên minh với Đế quốc Đức nhằm lấy lại những vùng đất đã mất. Điều này dẫn tới Thế chiến thứ nhất và sự ra đời của Liên minh Trung tâm. Nếu như Ottoman dễ dàng kiểm soát được mặt trận châu Âu, họ lại sao nhãng các vấn đề nội bộ khiến các nhóm nổi dậy hoạt động mạnh mẽ tại khu vực bán đảo Ả Rập. Sau đó, Ottoman còn gây nên các cuộc diệt chủng tại Assyria, Armenia và Hy Lạp. Thất bại trước Khối Đồng minh cùng những hệ lụy của Thế chiến thứ nhất khiến họ mất hầu hết lãnh thổ về Pháp và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Sau khi Kemal Atatürk lãnh đạo thành công Chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ lật đổ sự chiếm đóng của các quốc gia Đồng Minh, Nhà nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ra đời, và chính thức chấm dứt chế độ Quân chủ Ottoman sau 623 năm tồn tại.
Sự thành lập của vương triều Ottoman là một phần của các bộ lạc người Tây Đột Quyết (Gokturk) miền tây đã di cư từ Trung Á bắt đầu từ thế kỷ X. Định cư tại Ba Tư trong thời kỳ này, những người Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở rộng về phía tây tới Armenia và Tiểu Á vào đầu thế kỷ XI. Những đợt di chuyển này đã dẫn đến mâu thuẫn giữa họ với Đế quốc Byzantine, từng là một thế lực nổi trội tại khu vực miền đông Địa Trung Hải kể từ thời kỳ La Mã, nhưng vào thế kỷ XI bắt đầu một thời kỳ suy thoái dài. Người Thổ Seljuk đã thiết lập địa vị chắc chắn tại Tiểu Á sau chiến thắng lịch sử tại trận Manzikert năm 1071, để thành lập nhà Seljuk ở Tiểu Á. Sau sự xâm lăng của người Mông Cổ vào thế kỷ XIII, triều đại này đã sụp đổ và lãnh thổ của nó đã bị phân chia thành nhiều vương quốc của người Thổ Nhĩ Kỳ, tức các beylik.
Dưới quyền bá chủ của nhà Seljuk ở Tiểu Á, bộ lạc Kayı của người Thổ Oğuz đã tạo ra một thể chế mà cuối cùng đã trở thành vương quốc Ottoman tại miền tây Tiểu Á. Thủ lĩnh người Kayı là Ertuğrul Gazi đã nhận được vùng đất này sau lưng Seljuk trong cuộc va chạm biên giới nhỏ. Hệ thống Seljuk tạo cơ hội cho sự bảo vệ vương quốc từ bên ngoài, và cũng cho phép nó phát triển cấu trúc nội tại của nó. Vị trí của Kayı trên ven rìa phía viễn tây của nhà nước Seljuk cho phép họ xây dựng lực lượng quân sự của mình thông qua sự hợp tác với các dân tộc khác sống tại miền tây Tiểu Á, nhiều trong số đó là những người theo Kitô giáo. Sau sự tan rã của nhà Seljuk, Kayı trở thành nước chư hầu của Hãn quốc Y Nhi thuộc Mông Cổ.
Tên gọi Ottoman có nguồn gốc từ Osman I (còn gọi là Osman Bey) (tiếng Ả Rập: Uthman) [1] (1299-1326), con trai của Ertuğrul Gazi, người đã tuyên bố sự độc lập của nhà nước Ottoman năm 1299. Trong khi các vương quốc khác của người Thổ Nhĩ Kỳ còn phải bận tâm với các mâu thuẫn nội bộ, Osman đã có thể mở rộng biên giới của khu định cư Ottoman về phía rìa của Đế quốc Byzantine. Ông đã dời đô tới Bursa, và định hình sự phát triển chính trị ban đầu của dân tộc. Người ta gọi ông với tên hiệu "Kara" vì sự can đảm của ông, Osman đã được ca ngợi là một ông vua hùng mạnh và năng động một thời gian rất dài sau khi ông mất, như được thể hiện trong thành ngữ của người Thổ Nhĩ Kỳ "Ông/anh ta có thể tuyệt vời như Osman". Danh tiếng của ông cũng được đánh bóng trong câu chuyện thời Trung đại của người Thổ Nhĩ Kỳ, được biết dưới tên gọi "Giấc mơ của Osman", một sự thành lập huyền thoại trong đó chàng trai trẻ Osman là người có đầy năng lực để chinh phục một đế quốc nhìn thấy trước.
Thời kỳ này là sự hình thành của triều đình Ottoman chính thức mà các cơ quan, tổ chức cấu thành ra nó gần như không thay đổi lớn gì trong gần 4 thế kỷ. Ngược lại với nhiều nhà nước cùng thời kỳ đó, hệ thống quan lại của Đế quốc Ottoman đã cố gắng tránh sự cai trị theo kiểu quân sự. Triều đình cũng tạo ra một thể chế pháp lý gọi là millet (kiểu lãnh thổ tự trị), mà trong đó thiểu số từ các dân tộc ít người và tôn giáo có khả năng quản lý công việc của chính họ với một sự độc lập đáng kể từ sự kiểm soát của trung ương.
Sau khi Osman qua đời, sự thống trị của Ottoman đã bắt đầu mở rộng trên toàn khu vực miền đông Địa Trung Hải và Balkan. Thessaloniki, một thành phố quan trọng của Venezia bị chiếm năm 1387, và chiến thắng của quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Kosovo năm 1389 làm cho Serbia mất quyền kiểm soát trên vùng đất này, mở đường cho các cuộc xâm lược châu Âu của sultan. Trận Nicopolis năm 1396 được xem là cuộc Thập tự chinh cuối cùng của thời Trung cổ, trong trận này quân Thập tự chinh đại bại trước quân Ottoman. Với sự mở rộng ảnh hưởng của người Thổ vào vùng Balkan, thì cuộc chinh phục chiến lược vào Constantinople đã trở thành mục tiêu quyết định. Đế quốc đã chiếm được các vùng đất Byzantine phụ cận Constantinople và họ vẫn đứng vững được khi Tamerlane xâm lược Tiểu Á, bắt giam sultan Bayezid I sau trận Ankara năm 1402. Các lãnh thổ Ottoman ở vùng Balkan (điển hình như Thessaloniki, Macedonia và Kosovo) đều bị mất năm 1402, nhưng các vùng đất này được Murad I chiếm lại trong thập niên 1430 - 1450.
Việc Bayezid bị bắt làm cho đất nước rơi vào loạn lạc. Từ năm 1402 đến 1413, nội chiến bùng nổ giữa các con của Bayezit. Cuộc chiến này kết thúc khi vua Mehmed I lên ngôi và xây dựng lại đất nước, kết thúc Thời kì đứt quãng của Đế quốc Ottoman. Cháu nội ông, Mehmed II đã tái cấu trúc của cả nhà nước lẫn quân đội, và đã thể hiện các kỹ năng quân sự của mình trong cuộc chiếm đóng Constantinople vào ngày 29 tháng 5 năm 1453, khi mới 21 tuổi. Thành phố này trở thành kinh đô mới của Đế quốc Ottoman, và Mehmed II xưng làm Kayser-i Rum (Hoàng đế La Mã). Dù vậy, ngôi Hoàng đế La Mã của sultan Ottoman không được người Hy Lạp và các nước phương Tây công nhận và các Nga hoàng cũng tự phong cho mình chức vị này. Để nắm vững ngôi Hoàng đế La Mã, Mehmed II khao khát chiếm Roma, và cho quân xâm lược bán đảo Ý, chiếm Otranto và Apulia ngày 28 tháng 7, 1480. Nhưng sau khi ông bị ám sát ngày 5 tháng 3, 1481, chiến dịch ở Ý thất bại và quân Ottoman rút lui về.
Vào thời lớn mạnh, Đế quốc Ottoman đã trải dài toàn bộ đông-nam châu Âu bờ bắc Địa Trung Hải, cả bờ biển bắc châu Phi cho đến Maroc phía nam Địa Trung Hải. Trong thế kỷ XVII, Đế quốc Ottoman có khoảng 25 triệu dân – một con số khổng lồ vào thời đó, gần bằng gấp đôi bất cứ nước nào ở châu Âu ngoại trừ Pháp. Gần 30 quốc gia hiện nay đã được thành lập từ lãnh thổ cũ của Đế quốc Ottoman: Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Bulgaria, România, Nam Tư (sau này phân làm 5 nước độc lập), Hungary, Albania, Syria, Liban, Jordan, Israel, Kuwait, Ai Cập, Sudan, Libya, Iraq, Yemen, Tunisia, Algérie, Síp, Armenia, Gruzia, Ukraina và một phần nước Nga.
Vào đầu thế kỷ XVI, Đế quốc Ottoman trở thành một trong những nhà nước lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Trong thời kì này, nhiều ông vua kiệt xuất lên cai trị Thổ Nhĩ Kỳ: điển hình như Selim I (1512-1520), người có công sáp nhập vùng Trung Đông vào Ottoman. Vào năm 1514 trong trận Chaldiran, ông đã đánh bại alibaba tiêu diệt nhà Mamluk ở Ai Cập vào năm 1517 rồi giành danh hiệu khalip từ nhà Abbasid ở Cairo (các sultan Ottoman tiếp tục giữ danh hiệu này đến năm 1924), bắt đầu thời kì Ai Cập thuộc Ottoman.
Sau khi Hoàng đế Selim I mất, Hoàng đế Suleiman I (1520-1566) tiếp tục mở mang đế quốc. Sau khi thôn tính được Beograd năm 1521, Suleyman chinh phục Vương quốc Hungary và sau chiến thắng trong trận Mohács năm 1526, đế quốc chiếm Hungary và nhiều vùng đất ở Trung Âu. Sau đó, năm 1529 ông bao vây thành Wien, nhưng vì thời tiết ở đây khắc nghiệt nên quân đội ông rút lui.[2] Năm 1532, 25.000 quân Ottoman mở cuộc tấn công Wien nhưng bị đẩy lui cách Wien 97 km tại pháo đài Guns. Sau cuộc mở mang xa nhất của Ottoman năm 1543, hoàng đế Habsburg là Ferdinand I công nhận quyền cai trị của Ottoman trên đất Hungary năm 1547. Dưới triều Suleiman I, Transilvania, Wallachia và Moldavia trở thành những công quốc chư hầu của đế quốc. Ở phía đông, Ottoman chiếm Bagdad từ tay Ba Tư năm 1535, chiếm được Lưỡng Hà và Hải quân Ottoman tiến vào Vịnh Ba Tư. Khi Hoàng đế Suleyman I qua đời, dân số Ottoman lên đến 15.000.000 người.[3] Công cuộc bành trướng của ông đã mang lại cho ông một Đế quốc Ottoman vô cùng rộng lớn, và thậm chí ông còn vượt xa cả những tham vọng của Hoàng đế Xerxes I của Đế quốc Ba Tư năm xưa.[4]
Năm 1569 Hồi quốc Aceh chịu sự bảo hộ của Đế quốc Ottoman (1569-1903) lãnh thổ của Ottoman lại trải dài đến 1 nửa đảo Sumatra.[5][6]
Đây là cường quốc duy nhất không thuộc châu Âu đã thách thức được sự nổi lên về quyền lực của phương Tây trong khoảng giữa thế kỷ XV và thế kỷ XX, tới mức nó đã trở thành một phần trong tổng thể của chính trị cân bằng quyền lực châu Âu, vì thế làm giảm bớt sự khác biệt giữa hai bên
Quân đội Ottoman đã để lại những nhà nguyện Hồi giáo rải rác khắp các sườn đồi và thung lũng vùng Balkan. Nổi giận vì những biểu hiện cho việc chiếm đóng của người đạo Hồi, các vương quốc theo đạo Cơ đốc ở Tây Âu xem người Thổ Nhĩ Kỳ là kẻ xâm lược Hy Lạp và các sắc dân theo Cơ đốc giáo khác. Nhưng đế quốc Ottoman rộng lượng hơn, chấp nhận tôn giáo khác với đạo Hồi. Sultan chính thức công nhận Giáo hội Hy Lạp và giáo khu của giáo chủ và các tổng giám mục, cho phép các giáo đường Chính thống giáo được duy trì tài sản của họ. Người Thổ Nhĩ Kỳ thích cai trị qua định chế chính trị địa phương, và để đổi lại cho tiền triều cống, các tỉnh Cơ đốc giáo được phép duy trì các hệ thống hành chính, thứ bậc và giai cấp
Năm 1571, Chiến tranh Thổ Nhĩ Kỳ-Venezia (1571-1573) nổ ra, quân Ottoman xâm chiếm đảo Síp. Hạm đội Liên minh Thần thánh (bao gồm Venezia, Tây Ban Nha, Savoy,...) đã đập tan Hạm đội Ottoman tại Lepanto. Nhưng năm 1573, Hải quân Ottoman được khôi phục lại, kết quả là Venezia phải ký hòa ước và nhượng lại Síp.[7] Trong thế kỷ XVI và XVII, Đế quốc Ottoman là một trong những thực thể chính trị mạnh nhất thế giới, các nước mạnh ở Đông Âu luôn bị đe dọa bởi sự mở rộng thường xuyên của nó qua Balkan và phần phía nam của Liên bang Ba Lan-Litva. Hải quân của nó cũng là một lực lượng rất mạnh ở Địa Trung Hải, nhiều lần tấn công Trung Âu.
Đầu thế kỷ XVII, Đế quốc Ottoman bắt đầu suy yếu. Các sultan vào lúc này thường chỉ vui hưởng trong hậu cung, ngoài ra, binh đoàn Janissary thường hay nổi dậy. Bên ngoài, quyền lực của đế quốc Ottoman bị suy giảm trầm trọng đến nỗi tàu thuyền của người Venezia và người Cossack thường xuyên quấy phá. Đế quốc được cứu nguy do tài năng của một đại gia đình làm quan Tể tướng gồm cha, con trai và em rể - đó là gia đình Köprülü.
Năm 1656, dưới triều Mehmed IV (1648-1687), trong khi đế quốc gần bị sụp đổ,[cần dẫn nguồn] hậu cung đành phải cử một người Albania 71 tuổi, Köprülü Mehmed Pasha làm tể tướng (1656-1661). Ông này ra lệnh xử tử 50.000-60.000 người để bài trừ tham nhũng. Năm năm sau, lúc ông qua đời, tình hình có phần ổn định. Dưới quyền Tể tướng của con trai ông, Köprülü Fazıl Ahmed Pasha (1661-1676), và sau đó em rể ông, Kara Mustafa Pasha (1676-1683), uy quyền của Ottoman được hồi phục. Các hạm đội và lục quân của Venezia, Ba Lan, Áo và Nga bị đẩy lui. Quân đội Ottoman xâm chiếm Ukraina và Podolia. Năm 1680, đế quốc Ottoman đã đạt tới lãnh thổ rộng lớn nhất trong lịch sử đế quốc (11.5 triệu km²).
Năm 1683, đáp lời kêu gọi của Hungary chống lại hoàng đế Leopold I nhà Habsburg, sultan Mehmed IV đã ra lệnh cho tể tướng Kara Mustafa phái 200.000 quân ngược dòng sông sông Donau, và lần thứ hai trong lịch sử, quân Ottoman tiến đến chân tường thành của Wien, nhưng cuối cùng bị liên minh các nước Tây Âu, do vua Ba Lan Jan III Sobieski chỉ huy, đánh bại. Năm 1683, tại Beograd, sultan Mehmed IV ra lệnh thắt cổ tể tướng Kara Mustafa. Trận Wien đánh dấu sự bắt đầu của cuộc Đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ (1683-1699) ở châu Âu.
Trong những năm tiếp theo, quân Ottoman bị đại bại do sức tiến công từ Wien. Quân Venezia công hãm Athena. Trong đợt pháo kích của họ ngày 26 tháng 9 năm 1687, một quả đạn rơi trúng ngôi đền Parthenon, lúc ấy được quân Ottoman dùng làm kho chứa thuốc súng. Ngôi đền còn khá nguyên vẹn lúc ấy bị nổ tung, để lại tình trạng cho đến bây giờ.
Cuộc đại chiến Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc với Hiệp ước Karlowitz ngày 26 tháng 1 năm 1699, và theo hiệp ước này, Đế quốc Ottoman phải nhượng cho Áo một số vùng lãnh thổ như Hungary thuộc Ottoman.[8]
Trong thời kì này, chỉ có hai vị sultan cai trị rất năng nổ, đó là: Murad IV (1612-1640) chiếm lại Yerevan (1635) và Bagdad (1639) từ tay Ba Tư và cai trị một cách độc đoán.[9] Mustafa II (1695-1703) mở cuộc tấn công nhà Habsburg ở Hungary trong các năm 1695-96, nhưng phải rút về sau khi thảm bại tại Zenta (11 tháng 9 năm 1697).[10]
Trong những năm tháng trì trệ, nhiều vùng đất ở Balkan bị nhượng lại cho nước Áo. Những vùng đất khác của Đế quốc Ottoman, như Ai Cập và Algérie, trở nên độc lập trên thực tế, và sau đó hứng chịu ảnh hưởng do các đế quốc thực dân như Anh và Pháp truyền bá. Vào thế kỷ XVIII, chính quyền trung ương đã ban cho các lãnh đạo và thủ lĩnh địa phương nhiều mức tự quyết hơn. Một loạt các cuộc chiến đã diễn ra giữa đế quốc Nga và đế quốc Ottoman từ thế kỷ XVII đến thế kỷ thứ XIX.
Vào giai đoạn cuối của thời kỳ trì trệ, xuất hiện những cải tổ về nền giáo dục và công nghệ, bao gồm sự thiết lập những trường học lớn như Đại học công nghệ Istanbul; khoa học công nghệ được ghi nhận là đạt đỉnh cao ở thời Trung Cổ, đó là kết quả của việc các học giả Ottoman kết hợp cách học cổ điển với Triết học Hồi giáo và toán học cũng như các kiến thức tiên tiến về công nghệ của Trung Hoa như thuốc súng và la bàn. Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này, các thế lực bảo thủ và phản đối công nghệ xuất hiện. Hội đoàn các nhà văn của đế chế cho rằng kỹ thuật in ấn là "sáng tạo của quỷ dữ" khiến công nghệ in, được Gutenberg Johannes phát minh ở châu Âu năm 1450, phải mất 43 năm sau mới được giới thiệu tại Constantinople nhờ vào những người Do thái Sephardic di cư tới đế quốc Ottoman để trốn chạy cuộc thanh giáo tại Tây Ban Nha vào năm 1492 và mang theo kỹ nghệ in tới đây.
Thời đại Tulip, được đặt tên vì tình yêu của Sultan Ahmed III (1703-1730) với hoa tulip và được dùng như biểu tượng của triều đại thanh bình của ông. Trong giai đoạn này, chính sách của đế chế với châu Âu có sự thay đổi. Sau khi quân Nga đánh thắng quân Thụy Điển trong trận Poltava vào năm 1709, vua Thụy Điển là Karl XII có lúc đã trốn sang xin người Thổ Nhĩ Kỳ cho tị nạn[11]. Đất nước thanh bình từ năm 1718 đến 1730, sau khi Quân đội Thổ Ottoman đập tan tác quân Nga trong trận đánh tại sông Pruth năm 1712, Vương công Eugène de Savoie-Carignan kéo quân Áo đánh chiếm thành phố Beograd,[12] và Hiệp định Passarowits được ký kết sau đó mang đến một giai đoạn đình chiến. Sau đó, Đế quốc Ottoman cũng cải thiện hệ thống thành lũy ở các thành phố tiếp giáp các nước Balkan, để bảo vệ đất nước chống lại chủ nghĩa bành trướng của châu Âu. Một số cải cách không dứt khoát cũng được tiến hành: giảm thuế; cải thiện hình ảnh của các bang Ottoman; hình thái đầu tiên của đầu tư tư nhân và doanh nghiệp tư nhân xuất hiện.
Vào năm 1736, Đế quốc Ottoman lại phải lâm chiến với Áo, và nước Áo thất bại.[13] Lúc này danh tướng Eugène de Savoie-Carignan đã qua đời, do đó tinh thần quân Áo suy sụp, tổ chức kém cỏi, nên đại bại, và đồng minh của họ là Nga đạt lợi thế hơn trong cuộc chiến tranh này.[14] Sau này, cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763) bùng nổ ở châu Âu.[15] Vua nước Phổ là Fryedrich II Đại Đế phải chống chọi với liên quân Nga - Áo - Pháp - Thụy Điển. Nền quân chủ Phổ bị suy sụy nghiêm trọng, nhiều lãnh thổ của nước này bị rơi vào tay địch quân. Vua Friedrich II Đại Đế trong vòng nhiều năm đã đàm phán với Đế quốc Ottoman và người Tartar, nhưng rồi ông chẳng thấy quân Thổ - Tartar đâu. Tuyệt vọng, nhà vua quyết định chờ quân Thổ - Tartar kéo đến vào tháng 2 năm 1762, nếu không ông sẽ nhận lấy cái chết anh dũng của Cato Trẻ.[16] Nhưng rồi liên quân chống Phổ đã tan rã và vua Friedrich II Đại Đế giành thắng lợi.[17] Sau năm 1768, khi tình hình Vương quốc Ba Lan và Đại Công quốc Litva bất ổn, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng can thiệp vào. Nhưng rồi ba nước Vương quốc Phổ, Áo và Nga đã tiến hành cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất vào năm 1772.[18]
Công cuộc cải tổ quân sự Ottoman được bắt đầu với Sultan Selim III (1789-1807), vị vua tiến hành những nỗ lực lớn đầu tiên để hiện đại hóa quân đội gần biên giới châu Âu. Những nỗ lực này đã bị cản trở bởi phong trào phản kháng bắt nguồn một phần từ các lãnh đạo tôn giáo và chủ yếu từ toán Ngự Lâm quân Janissary - toán kiêu binh này trở nên rất uy quyền và chẳng biết sợ vua. Với tư tưởng bảo thủ và lo sợ mất đại quyền, họ tiến hành cuộc bạo loạn Janissary, Sultan Selim III bị lật đổ, Hoàng tử cổ hủ Mustafa lên làm vua - tức Sultan Mustafa IV, và sát hại phần lớn các công thần phò vua Selim III năm xưa. Dưới triều vua Mustafa IV, Quân đội Ottoman liên tục bị quân Nga đánh bại. Vào năm 1808, hai bên ngừng bắn, một cuộc binh biến nổ ra. Alemdar Mustafa Pasha - một công thần của cựu hoàng Selim III, kéo quân vào kinh thành Constantinopolis đánh Sultan Mustafa VI. Nhà vua bèn truyền lệnh cho hành quyết cựu hoàng Selim III và hoàng đệ Mahmud, nhưng không may Mahmud trốn thoát. Ông lên làm Sultan Mahmud II (1808 - 1839) và giết chết cựu hoàng Mustafa IV.[19] Ông tiến hành thảm sát đẫm máu toán Ngự Lâm Quân Janissary, rồi giải tán luôn toán Ngự Lâm Quân này vaò năm 1826.
Trong thời kỳ Tanzimat (1839–1876), hàng loạt cải cách hiến pháp của chính phủ đã dẫn đến một đội quân lính nghĩa vụ khá hiện đại, cải cách hệ thống ngân hàng khiến cho Đế quốc không còn yếu thế hơn các đối thủ của mình. Chiến tranh Krym (1853-1856) là một phần của một cuộc thi kéo dài giữa các cường quốc châu Âu ảnh hưởng trên lãnh thổ bị cắt giảm của Đế quốc. Gánh nặng tài chính của cuộc chiến khiến nhà nước Ottoman phát hành khoản vay nước ngoài lên tới 5 triệu bảng Anh vào ngày 4 tháng 8 năm 1854. Cuộc chiến đã gây ra một cuộc di cư của người Tatar Krym, khoảng 200.000 người trong số họ đã chuyển đến Đế chế Ottoman. tiếp tục làn sóng di cư. Vào cuối Chiến tranh Kavkaz, 90% người Circassia đã được thanh lọc về sắc tộc và lưu vong khỏi quê hương của họ ở Kavkaz và chạy sang Đế chế Ottoman, dẫn đến việc định cư của 500.000 đến 700.000 người Circassia ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một số tổ chức Circassia đưa ra con số cao hơn nhiều, tổng cộng 1–1,5 triệu người bị trục xuất hoặc bị giết. Những người tị nạn Tatar Crimea vào cuối thế kỷ 19 đóng một vai trò đặc biệt đáng chú ý trong việc tìm cách hiện đại hóa nền giáo dục Ottoman và đầu tiên là thúc đẩy cả chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa dân tộc Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thời kỳ này, Đế chế Ottoman chỉ dành một lượng nhỏ công quỹ cho giáo dục; chẳng hạn trong năm 1860–61 chỉ có 0,2% tổng ngân sách được đầu tư cho giáo dục. Khi nhà nước Ottoman cố gắng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và quân đội của mình để đối phó với các mối đe dọa từ các Đế quốc bên ngoài và cả đối thủ của Ottoman, nó cũng mở ra cho mình một loại mối đe dọa khác: đó là các chủ nợ. Thật vậy, như nhà sử học Eugene Rogan đã viết, "mối đe dọa lớn nhất duy nhất đối với nền độc lập của Trung Đông" trong thế kỷ 19 "không phải là quân đội của châu Âu mà là các ngân hàng của nó". Nhà nước Ottoman, đã bắt đầu gánh nợ với Chiến tranh Krym, đã buộc phải tuyên bố phá sản vào năm 1875. Đến năm 1881, Đế chế Ottoman đồng ý kiểm soát nợ của mình bởi một tổ chức được gọi là Cơ quan Quản lý Nợ Công Ottoman, một hội đồng gồm những người đàn ông châu Âu với chức vụ tổng thống xen kẽ giữa hai cường quốc thế giới là Đế quốc Anh và Đế quốc Pháp. Cơ quan này kiểm soát hàng loạt nền kinh tế Ottoman, và sử dụng vị trí của mình để đảm bảo rằng tư bản châu Âu tiếp tục thâm nhập vào đế quốc, thường gây tổn hại cho các lợi ích địa phương của Ottoman.
Năm 1887, chiến tranh Nga-Thổ bắt đầu và kết thúc với chiến thắng quyết định cho Đế quốc Nga,chấm dứt thời kì Tanzimat của đế quốc,quyền nắm giữ, ảnh hưởng và kiểm soát của Ottoman ở châu Âu giảm mạnh: Bulgaria tự thành lập như một công quốc độc lập bên trong Đế chế Ottoman; Romania giành được độc lập hoàn toàn; và Serbia và Montenegro cuối cùng đã giành được độc lập hoàn toàn, nhưng với các lãnh thổ nhỏ. Năm 1878, Đế quốc Áo-Hungary đơn phương chiếm đóng các tỉnh Bosnia-Herzegovina của Ottoman dưới sự bất lực của chính phủ với các chiến tranh trong và ngoài nước
Thủ tướng Anh Benjamin Disraeli ủng hộ việc khôi phục các lãnh thổ của Ottoman trên bán đảo Balkan trong Hội nghị Berlin, và đổi lại, Anh đảm nhận quyền quản lý Síp vào năm 1878. Sau đó, Anh đã gửi quân đến Ai Cập vào năm 1882 để hạ gục quân nổi dậy, tuy vậy ''Ai Cập của Ottoman'' đã giúp cho Anh mở mang nhiều thuộc địa đất liền bên trong Châu Phi. Năm 1883, một phái bộ quân sự của Đức dưới sự chỉ huy của Tướng Baron Colmar von der Goltz đến để huấn luyện Quân đội Ottoman, dẫn đến cái gọi là "thế hệ Goltz" gồm các sĩ quan do Đức đào tạo, những người sẽ đóng một vai trò đáng chú ý trong chính trị những năm cuối của đế quốc
Năm 1897 dân số của đế quốc là 19 triệu người, trong đó 14 triệu người (74%) theo đạo Hồi. Hơn 20 triệu người sống ở các tỉnh vẫn nằm dưới quyền thống trị trên danh nghĩa của nhà vua nhưng hoàn toàn nằm ngoài quyền lực thực tế. Từng tỉnh mất đi bao gồm Ai Cập, Tunisia, Bulgaria, Cyprus, Bosnia-Herzegovina
Khi Đế chế Ottoman dần thu hẹp về quy mô lãnh thổ, khoảng 7-9 triệu người Hồi giáo từ các vùng lãnh thổ cũ của nó ở Kavkaz, Crimea, Balkan và các đảo Địa Trung Hải đã di cư đến Tiểu Á và Đông Nam Âu. Sau khi thua trong Chiến tranh Balkan lần thứ nhất (1912–13), đế quốc mất tất cả các lãnh thổ Balkan ngoại trừ Đông Thrace và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Châu Âu). Điều này dẫn đến khoảng 400.000 người Hồi giáo chạy trốn cùng với quân đội Ottoman đang rút lui (với nhiều người chết vì bệnh dịch tả do binh lính mang đến), và khoảng 400.000 người không theo đạo Hồi chạy trốn khỏi lãnh thổ vẫn nằm dưới sự cai trị của Ottoman. Justin McCarthy ước tính rằng trong khoảng thời gian từ 1821 đến 1922, 5,5 triệu người Hồi giáo đã chết ở đông nam châu Âu và 5 triệu người bị trục xuất
Đầu thế kỷ XX, một nhóm người cải cách đòi hỏi phải đổi mới và hiện đại hóa nước Thổ, gọi là Những người Thổ trẻ. Năm 1909, họ lật đổ sultan Abdul Hamid II, nhưng họ đã làm cho Đế quốc Ottoman tan rã vì tập trung quyền lực Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp sự phiền muộn của các dân tộc thuộc Ottoman ở Syria, Ả Rập, Albania, Bosna và Hercegovina, Kríti, Macedonia và Tripoli. Với sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ nhất năm 1914, Đế quốc vẫn còn kiểm soát phần lớn vùng Trung Đông và về phe Liên minh trung tâm. Sau đó Đế quốc Anh tuyên bố Ai Cập không còn thuộc về Ottoman nữa. Các dân tộc vùng Trung Đông nổi dậy và theo phe Entente để giành độc lập.
Sự tan rã của đế quốc Ottoman là hậu quả trực tiếp của Chiến tranh thế giới thứ nhất, khi phe Entente đánh bại phe Liên minh Trung tâm ở châu Âu cũng như các lực lượng Ottoman tại Mặt trận Trung Đông, Pháp chiếm đóng Syria, Anh chiếm Jordan và Iraq, quân Hoa Kỳ đổ bộ vào Địa Trung Hải. Năm 1920, Hoà ước Sevres được kí kết, chính quyền nhà nước Ottoman sụp đổ và đế quốc bị Anh, Hy Lạp, Pháp, Ý, Armenia và Gruzia chinh phạt và phân chia.
Những năm sau đó các nước mới độc lập từ Ottoman tuyên bố thành lập vào năm 1919, Mustafa Kemal Atatürk và lực lượng Cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu cuộc chiến tranh giành độc lập Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1923, lực lượng cách mạng Thổ thắng trận, đế quốc Ottoman cáo chung, sultan Mehmed VI Vahdettin thoái vị và Mustafa Kemal Atatürk thành lập nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, dựa trên một phần lãnh thổ của đế quốc Ottoman.
Các thành viên của gia đình Osmanlı cai trị sau đó đã bị trục xuất khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vào khoảng năm 1923-1924. Năm 1924, chế độ khalip bị bãi bỏ, khalip Abdul Mejid II nhà Ottoman cũng thoái vị. Năm 1974, sau 50 năm, Nghị viện Thổ Nhĩ Kỳ đã trao quyền tái yêu cầu quyền công dân Thổ Nhĩ Kỳ cho những con cháu của dòng họ này, và họ đều đã thực hiện điều đó trong những thập kỷ tiếp sau trong một quá trình đã hoàn thành với việc người đứng đầu dòng họ Ertuğrul Osman V đã được trao quyền công dân năm 2004.
Sau năm 1453, khi Đế quốc Ottoman chiếm thành công Đế quốc Byzantine, các hoàng đế của Ottoman luôn tìm mọi cách để khẳng định mình là "Caesar" hoàng đế của La Mã bằng cách đẩy nhanh quá trình xâm chiếm tăng ảnh hưởng ở Châu Âu và nhiều cách xâm lược bán đảo Ý và trọng tâm là thành Roma để thể hiện là "Caesar" nhưng kế hoạch này vẫn không thành công do các thành viên Đế quốc La Mã Thần Thánh,Thịnh Vượng chung Ba Lan Lítva luôn ngăn cản sự ảnh hưởng này.
Từ thế kỉ 16, đế quốc Ottoman đã thể hiện sức mạnh của một bằng nhiều lần đánh chiếm các khu vực lân cận nhằm mở rộng lãnh thổ. Ngoài ra, đế quốc Ottoman còn tăng ảnh hưởng của mình tại Châu Âu trong ngoại giao và chiến tranh. Tiêu biểu cho việc này là hai lần bao vây thành Viên của Áo diễn ra vào năm 1529 đến 1683 mà nhiều học giả cho rằng cuộc bao vây đó nhằm thể hiện sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Ottoman đối với Châu Âu.
Ottoman luôn chú trọng việc mở rộng lãnh thổ và danh tiếng bằng cách giao thương, tuyên truyền đạo Hồi bằng đường thủy với những quốc gia ở Ba Tư, Ấn Độ, Indonesia, Brunei, Malaysia...và lập những hải cảng tại quốc gia đó.
Từ thế kỉ 18-19,tầm ảnh hưởng của Đế quốc Ottoman bị thu hẹp lại về mọi hướng.Lúc này họ bắt đầu mở rộng lãnh thổ ở Châu Phi kể đến như: Ai Cập, Tripolitania...cho đến khi các thực dân xâm lược
Dân cư sinh sống trên lãnh thổ Ottoman chủ yếu theo đạo Hồi, và sắc tộc chính là người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman, kế tiếp là người Ả Rập, người Kurd, người Tatar Krym, người Bosnia, người Albania v.v. Các sultan Đế quốc Ottoman cũng trị vì hàng triệu dân theo Cơ đốc giáo: người Hy Lạp, người Serb, người Hungari, người Bulgari...
Vì thế mà sợi dây chính trị nối kết các sắc tộc và tôn giáo khác nhau cần thiết phải linh động và lỏng lẻo. Sultan trị vì từ thủ đô Constantinople, nhưng bộ máy hành chính địa phương nằm trong tay các tiểu vương, hoàng thân, hãn vương,..., có địa phương được tự trị mọi việc ngoại trừ cái tên. Các hoàng thân Cơ đốc giáo vùng Balkan được sultan chọn, nhưng một khi đã lên nắm quyền, lòng trung thành của họ chỉ thể hiện qua việc nộp triều cống cho các sultan. Mỗi năm, từng đoàn xe goòng tải đến Constantinople vàng và những loại tiền thuế. Hãn vương người Tatar của Hãn quốc Krym cai trị từ thủ phủ Bakhchisarai như là vị lãnh chúa độc tôn, chỉ có nhiệm vụ cung ứng 20.000-30.000 kỵ binh mỗi khi các triều đình Ottoman có chiến tranh. Về phía tây cách gần 2.000 kílômét, các vùng Tripoli, Tunis và Algérie chỉ thực hành nghĩa vụ chiến tranh bằng cách điều tàu chiến (bình thường làm giàu nhờ nghề hải tặc cướp bóc tất cả các nước) đi đánh các cường quốc Hải quân theo Cơ đốc giáo như Venezia và Genova.
Xuyên suốt lịch sử của họ, đế quốc Ottoman luôn luôn ở trong tình trạng chiến tranh. Khi vị sultan có tính khí mạnh mẽ và thông minh, đế quốc cường thịnh lên. Trong khi ông yếu đuối, thì đế quốc bị suy yếu. Điều dễ nhận thấy là cuộc đời trong cấm thành, chung quanh là phụ nữ đầy sinh lực nồng nàn và thái giám đầy mưu đồ, dễ làm cho một vị quân vương bị suy nhược. Một tình huống thứ hai trong lịch sử của đế quốc cũng khiến cho sultan trở thành con người kém cỏi. Điều oái oăm là việc này bắt đầu bằng hành động nhân từ. Cho đến thế kỷ XV, truyền thống ở Ottoman là một hoàng thái tử khi lên ngôi kế vị sẽ ra lệnh thắt cổ tất cả anh em trai còn lại, để triệt hạ mọi âm mưu soán ngôi, đó là theo lệnh của sultan Mehmed II - người khi lên ngôi năm 1451 đã giết một đứa em khác mẹ còn nằm trong nôi. Năm 1595, sultan Mehmed III (1595-1603) khi mới lên ngôi đã ra lệnh thắt cổ tất cả 19 em trai và, để tận diệt mọi mầm mống phản loạn, hạ sát luôn bảy vương phi của vua cha lúc đó đang mang thai. Tuy nhiên, đến năm 1603, ấu chúa Ahmed I (1603-1617) mới lên ngôi đã chấm dứt truyền thống khủng khiếp này khi không muốn giết người em nào. Thay vào đó, ông cách ly họ trong một khu riêng biệt, nơi họ không liên lạc được gì với thế giới bên ngoài. Một người em của Ahmed chính là sultan Mustafa I (1617-1618, 1622-1623) trong tương lai, người được xem là bị mất trí.
Từ lúc này trở đi, mọi hoàng tử Ottoman đều sống mỏi mòn trong khu biệt lập, bên cạnh chỉ có thái giám và cung phi đã quá tuổi sinh nở để ngăn ngừa họ có hậu duệ hòng làm phản. Nếu có một bé trai ra đời do sơ suất, đứa bé này không được phép làm rối loạn thứ tự truyền ngôi, nên phải bị xử tử. Vì thế, khi một sultan qua đời hoặc bị truất phế, một hoàng tử sống trong khu biệt lập có thể được triệu đến để được tấn phong - bởi vì theo luật Ottoman, người kế vị của sultan là người đàn ông cao tuổi nhất trong hoàng tộc. Trong số các hoàng tử ngu dốt và thụ động này, hiếm khi triều đình tìm được người có đủ sự phát triển trí tuệ hoặc kiến thức về chính trị để trị vì đế quốc. Vì vậy, có những trường hợp các vị sultan có điều kiện tinh thần không tốt như Mustafa I hay Ibrahim I (1640-1648).
Dinh Đại Vizia có quyền lực rộng lớn – có khi đủ mạnh để mưu đồ lật đổ và giết chết được sultan – nhưng cũng có nhiều rủi ro và ít khi hứa hẹn một cái chết êm thấm. Khi thất trận, Đại Vizia bị sultan quy trách nhiệm và tiếp theo đó là bị cách chức, đi đày hoặc không hiếm khi bị thắt cổ. Giữa các năm 1683-1703, có mười hai vị Đại Vizia đến và đi.[cần dẫn nguồn]