Lý Khắc Dụng 李克用 | |
---|---|
Thụy hiệu | Võ hoàng đế |
Miếu hiệu | Thái tổ |
Thông tin cá nhân | |
Sinh | |
Ngày sinh | String Module Error: String subset indices out of order tháng String Module Error: String subset indices out of order, 856 |
Nơi sinh | Tân Thành |
Quê quán | huyện Dương Khúc |
Mất | |
Thụy hiệu | Võ hoàng đế |
Ngày mất | String Module Error: String subset indices out of order tháng String Module Error: String subset indices out of order, 908 |
An nghỉ | |
Miếu hiệu | Thái tổ |
Nơi an táng | Lăng Kiến Cực |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Thân phụ | Lý Quốc Xương |
Thân mẫu | Văn Cảnh hoàng hậu |
Anh chị em | Nghĩa Ninh đại trưởng công chúa, Lý Khắc Ninh, Lý Khắc Cung, Lý Khắc Nhượng |
Phối ngẫu | Lưu phu nhân, Trinh Giản hoàng hậu |
Hậu duệ | Hậu Đường Trang Tông, Lý Tồn Bá, Lý Tồn Mỹ, Lý Tồn Lễ, Lý Tồn Ác, Lý Tồn Nghệ, Lý Tồn Xác, Lý Tồn Kỷ, Lý Đình Loan, Lý Lạc Lạc, Lý Tồn Củ, Lý hoàng hậu, Dao Anh trưởng công chúa |
Nghề nghiệp | chính khách, quân phiệt |
Dân tộc | Tây Đột Quyết |
Quốc tịch | nhà Đường |
Lý Khắc Dụng (chữ Hán: 李克用, 856-908), vốn có họ Chu Tà (chữ Hán: 朱邪), còn đọc là Chu Gia hay Chu Da (chữ Hán: 朱爷). Ông là danh tướng cuối đời nhà Đường, người bộ tộc Sa Đà, dân tộc Tây Đột Quyết. Sau khi con trai ông là Lý Tồn Úc kiến lập nhà Hậu Đường vào năm 923, ông được truy tôn làm Hậu Đường Thái Tổ.
Lý Khắc Dụng sinh ra ở Tân Thành của Thần Vũ Xuyên[1]. Tổ tiên của ông là người bộ lạc Xử Nguyệt, dân tộc Tây Đột Quyết, vì sống ở một nơi đồi cao trong sa mạc có tên là Sa Đà[2], mới lấy Sa Đà làm tên của bộ tộc, xưng là Sa Đà Đột Quyết, rồi lấy Chu Tà làm họ.
Tương truyền tổ tiên của Lý Khắc Dụng được sinh ra trong tổ chim điêu, tù trưởng lấy làm quái dị, đem cho các nhà luân lưu chăm sóc, nên mới có họ là "Chư Gia" (chữ Hán: 诸爷), tức là không được riêng ai chăm sóc. Truyền mãi về sau thành ra "Chu Tà", tức là Chư đổi thành Chu, Gia đổi thành Tà, nhưng âm đọc thì không thay đổi.
Sau đó, bộ tộc Sa Đà vì chiến loạn mà chuyển về phía đông, dời đến ở khu vực ngày nay là một dải Định Tương, Sơn Tây. Ông tổ của Lý Khắc Dụng là Bạt Dã đã đi theo Đường Thái Tông đánh Cao Ly, Tiết Diên Đà người Hồi Hột. Quân Sa Đà có hàng vạn kị binh kiêu dũng thiện chiến, đời đời trung thành với nhà Đường.
Ông nội là Chu Tà Chấp Nghi, nhậm chức Thứ sử Úy Châu[3], Đại Bắc Hành doanh Chiêu thảo sứ. Cha là Chu Tà Xích Tâm, nhậm chức Thứ sử Sóc Châu [4], vì thảo phạt Bàng Huân có công, được ban tên là Lý Quốc Xương, thăng làm Chấn Vũ Tiết độ sứ. Lý Khắc Dụng là con trai thứ ba của Quốc Xương, vì thế mà có họ Lý.
Sử chép Lý Khắc Dụng từ bé đã nói năng như ở trong quân ngũ, thích cưỡi ngựa bắn tên. Vì một mắt của ông bị chột, nên có ngoại hiệu là "độc nhãn long".
Năm ông lên 13 tuổi (868), Bàng Huân lãnh đạo lính thú Quế Lâm khởi nghĩa, thanh thế rất lớn, ngang dọc các vùng Sơn Đông, Giang Tô, An Huy. Triều Đường vô cùng sợ hãi, vội triệu kỵ binh Sa Đà đến cứu viện.
Lý Khắc Dụng theo cha xuất chinh, kiêu dũng phi thường, trong quân gọi ông là "phi hổ tử", có sách còn chép một ngoại hiệu khác là "Lý nha nhân" (chữ Hán: 李鸦儿) [5]. Vì trấn áp khởi nghĩa có công, ông được phong làm Vân Trung nha tướng, năm sau được thăng làm Vân Trung thú tróc sứ.
Năm Càn Phù thứ 5 nhà Đường (878), Đại Bắc[6] mất mùa, đường thủy vận không thông. Vân Châu[7] phòng ngự sứ Đoạn Văn Sở chẳng những giảm đi một lượng lớn lương gạo và thuốc men của quân sĩ, mà còn chấp pháp nghiêm khắc, khiến cho sĩ tốt oán hận. Lý Khắc Dụng đang làm Vân Trung biên phòng đốc tướng, bộ hạ vẫn thường than thở với ông, rồi Sa Đà binh mã sứ Lý Tận Trung cùng nha tướng Khang Quân Lập, Tiết Chí Cần, Trình Hoài Tín, Lý Tồn Chương… thừa cơ ủng hộ ông tiến vào Vân Châu, có đến vạn người đi theo. Đến lúc này trong thành phát sinh binh biến, bọn họ nội ứng ngoại hợp, giết chết Đoạn Văn Sở.
Sau đó, các tướng dâng thư lên Đường Hi Tông, thỉnh cầu cho Lý Khắc Dụng nhậm chức Vân Châu phòng ngự sứ, triều đình chẳng những cự tuyệt yêu cầu này, mà còn định phát binh thảo phạt Vân Châu.
Vừa vặn lúc này, quân khởi nghĩa nông dân Hoàng Sào vượt qua Trường Giang, đánh lên phía Bắc. Triều Đường muốn ổn định lòng người, đành phong cho Lý Khắc Dụng làm Vân Châu phòng ngự sứ, Kiểm hiệu Công bộ thượng thư.
Tháng 2, triều đình lệnh cho thái phó Lư Giản Phương làm Vân Châu phòng ngự sứ. Tháng 5, Lý Khắc Dụng và Lý Quốc Xương hợp binh đánh phá Già Lỗ quân[8], tiếp theo tiến đánh Ninh Vũ[9] cùng Hà Lam quân[10]. Tháng 6, quân Sa Đà thiêu hủy Đường Lâm [11], huyện Quách[12], tiến vào ranh giới Hãn Châu[13].
Nhà Đường không cam tâm nhìn cha con Lý Quốc Xương lớn mạnh. Tháng 7, triều đình điều quân của các quân Nghĩa Thành, Trung Vũ, Chiêu Nghĩa, Hà Dương hội họp ở Tấn Dương[14], nhằm chế ngự quân Sa Đà. Tháng 8, quân Sa Đà đánh phá ngoại thành Khả Lam quân, lại ở Hồng Cốc [15] đánh bại quân Đường.
Tháng 10, Đường Hi Tông lệnh cho Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Lý Quân, Lư Long tiết độ sứ Lý Khả Cử ở U Châu cùng Thổ Cốc Hồn tù trưởng Hách Liên Đạc, Bạch Nghĩa Thành, Sa Đà tù trưởng An Khánh, Tát Cát tù trưởng Mễ Hải Vạn, hợp binh ở Úy Châu[16] thảo phạt cha con Lý Quốc Xương. Mùa xuân năm Càn Phù thứ 6 (879), Lý Khắc Dụng đánh bại quân Đường, Lý Quân trúng tên mà chết.
Năm sau, nhà Đường phái nguyên soái Lý Trác soái mấy vạn quân, một lần nữa thảo phạt Lý Khắc Dụng. Cha con Lý Quốc Xương không chống nổi, đưa người ngựa chạy đến bộ tộc Thát Đát của biên giới phía bắc.
Thủ lĩnh Thát Đát ban đầu che chở cho họ. Không lâu sau, Thổ Dục Hồn tù trưởng Hách Liên Đạc phái người tìm cách ly gián, người Thát Đát dần dần đâm ra nghi kị. Lý Khắc Dụng biết việc đó, vờ như không biết gì. Ông tổ chức nhiều cuộc săn bắn, thể hiện tài cưỡi ngựa bắn tên, bộc lộ sự kiêu dũng của mình. Người Thát Đát hết sức khâm phục, không dám manh động.
Khi ấy, Hoàng Sào từ Giang Hoài vượt sông sang bờ bắc, mũi giáo nhắm thẳng vào Trường An. Nghe được tin này, Lý Khắc Dụng vui vẻ ra mặt, cho mổ bò bày tiệc, mời thủ lĩnh Thát Đát đến, rồi nói:
Người Thát Đát thấy được hùng tâm tráng chí của ông, biết ông không muốn lưu lại lâu dài, nên không có hành động gì khác.
Hoàng Sào đã chiếm được kinh sư, năm Trung Hòa thứ nhất (881), Đại Bắc giám quân sứ Trần Cảnh Tư đưa quân Sa Đà đã đầu hàng trước đó, cùng hàng vạn người các tộc Thổ Dục Hồn, An Khánh tiến về kinh sư. Đi đến Giáng Châu, quân Sa Đà làm loạn, cướp bóc mà trở về.
Theo đề xuất của Đại Đồng tiết độ sứ Lý Hữu Kim, em trai của Lý Quốc Xương, Cảnh Tư cũng đồng ý rằng: quân Sa Đà không phải Lý Khắc Dụng làm tướng thì không xong, bèn đem chiếu thư đến Thát Đát triệu ông trở về, được Hoàng đế chuẩn tấu, phong cho ông làm Đại Châu thứ sử, Nhạn Môn dĩ bắc hành doanh tiết độ sứ.
Lý Khắc Dụng soái 5 vạn quân Phiên Hán ra khỏi Thạch Lĩnh Quan, đi qua Thái Nguyên, gởi điệp văn yêu cầu lương tiền cho quân đội. Nhưng Hà Đông tiết độ sứ Trịnh Tòng Đảng nhiều lần từ chối, Lý Khắc Dụng phải đưa quân đến dưới chân thành Tấn Dương đòi khao thưởng, Tòng Đảng bất đắc dĩ đem ra ngàn quan tiền, ngàn thạch gạo. Ông nổi giận, thả cho quân đội của mình cướp bóc rồi trở về.
Tháng 11 năm Trung Hòa thứ 2, Cảnh Tư, Khắc Dụng đem 17000 bộ kỵ đến kinh sư. Tháng 1 năm Trung Hòa thứ 3, họ tiến ra Hà Trung, đóng quân ở Càn Khanh. Quân Hoàng Sào sợ hãi nói: "Quân của Nha Nhân đến rồi!"
Tháng 2, họ đánh bại tướng của Hoàng Sào là Hoàng Nghiệp ở Thạch Đê cốc, tháng 3 lại đánh bại Triệu Chương, Thượng Nhượng ở Lương Điền Pha, thây phơi 30 dặm. Lúc này, binh mã các trấn đều hội họp ở Trường An, đánh nhau to ở Vị Kiều, quân khởi nghĩa đại bại chạy vào thành. Khắc Dụng thừa thắng đuổi theo, từ cửa Quang Thái tiến vào, đánh nhau ở Vọng Xuân cung, Thăng Dương điện, Hoàng Sào thua, chạy về phía nam ra khỏi Lam Điền Quan.
Lấy lại kinh sư, công lao của Lý Khắc Dụng đứng đầu. Thiên tử phong Khắc Dụng làm kiểm hiệu tư không, đồng trung thư môn hạ bình chương sự, Hà Đông tiết độ sứ, lấy Quốc Xương làm Nhạn Môn dĩ bắc hành doanh tiết độ sứ.
Tháng 10, Quốc Xương mất.
Sách "Ngũ đại sử bổ" chép ngoại hiệu "độc nhãn long" của Lý Khắc Dụng là do một cố sự thú vị sau đây:
Người đời sau thêm thắt vào câu chuyện này, gán cho những nhân vật khác, những tư thế khác của nhân vật. Ví dụ: không chỉ là giương cung đặt tên, mà còn quỳ gối gương cung đặt tên, hoặc quỳ gối bẻ gãy cung, vừa che được chỗ mắt hỏng, mà còn giấu được tật ở chân.
Hoàng Sào chạy về phía nam đến Thái Châu, hàng phục Tần Tông Quyền, rồi đánh Trần Châu. Chu Ôn bèn cầu cứu Lý Khắc Dụng. Ông cũng muốn mở rộng địa bàn, nhân tiện phái binh giáp công quân khởi nghĩa Hoàng Sào.
Năm Trung Hòa thứ 4 (884), Lý Khắc Dụng đưa 5 vạn quân cứu Trần Châu, ra khỏi Thiên Tỉnh quan, mượn đường Hà Dương, nhưng tiết độ sứ Hà Dương là Gia Cát Sảng không cho, ông bèn từ Hà Trung vượt sông. Tháng 4, ông đánh bại Thượng Nhượng ở Thái Khang, lại đánh bại Hoàng Nghiệp ở Tây Hoa. Hoàng Sào vừa đánh vừa chạy, đến Trung Mâu, chưa kịp vượt sông, Khắc Dụng đuổi kịp, nghĩa quân kinh hãi tan vỡ. Gần đến Phong Khâu, nghĩa quân lại thua trận, Hoàng Sào kịp chạy thoát thân.
Lý Khắc Dụng đưa quân liên tục truy kích, hòng một mẻ diệt trọn quân khởi nghĩa, một ngày một đêm đi được 200 dặm, nên cuối cùng kỵ binh chỉ còn vài trăm người. Vì người mệt ngựa mỏi, lương thảo thiếu thốn, Lý Khắc Dụng đành đưa quân trở về Biện Châu, đóng quân ở chùa Phong Thiện.
Còn Hoàng Sào bị ông đuổi đánh dữ dội, chỉ còn hơn ngàn người, đến Lai Vu[18] lại bị tiết độ sứ Cảm Hóa là Thì Phổ ở Từ Châu đến đón đánh, phải chạy trốn vào hang Lang Hổ[19], bên cạnh chỉ còn một ít thân tín, nên tuyệt vọng tự sát.
Ngày Giáp Tuất (14) tháng 5 năm Giáp Thìn[20] (11 tháng 6 năm 884), Lý Khắc Dụng đến Biện châu, Chu Ôn cảm ơn Lý Khắc Dụng ra quân tương trợ, bày tiệc ở quán dịch của Biện Châu có tên là Thượng Nguyên. Lúc này ông chưa đến 30 tuổi, kém Chu Ôn 4 tuổi, đang ở độ tuổi sung mãn, vừa lập chiến công hiển hách, vừa có ơn với Chu Ôn, lại thêm rượu vào, nên trong tiệc tỏ ra dương dương tự đắc, ăn nói quá lời, khiến cho Chu Ôn cảm thấy không vừa mắt.
Trời đã về chiều, Chu Ôn bao vây quán dịch, đốt nhà bắn tên, hòng giết chết Lý Khắc Dụng, trừ hậu hoạ về sau. Ông được bộ hạ thân tín bảo vệ, thêm mưa gió che chở, giữ được tính mạng, nhưng toàn bộ 300 thân binh đều bị giết.
Từ đây hai người Chu – Lý kết oán, chiến tranh không dứt, mãi đến khi Hậu Lương bị diệt vong thì mới kết thúc.
Lý Khắc Dụng thảng thốt chạy về Tấn Dương[21], vốn muốn lập tức phát binh báo thù, vợ ông là Lưu thị cho rằng việc này thiếu chứng cứ, khuyên ông tâu rõ lên triều đình, để có thể danh chính ngôn thuận thảo phạt Chu Ôn.
Lý Khắc Dụng nghe lời Lưu thị, dâng tấu lên Đường Hi Tông, nói rõ tội trạng của Chu Ôn, thỉnh cầu hoàng đế hạ chiếu thảo phạt. Nhưng triều đình cho rằng hai người đều là hai tiết độ sứ, có thực lực quân sự, muốn cả hai cùng tồn tại, kềm chế lẫn nhau, Đường Hi Tông hạ chiếu khuyên đôi bên hòa giải.
Đồng thời, hoàng đế vì muốn an ủi Lý Khắc Dụng, nhân chiến công phá Hoàng Sào, gia phong Khắc Dụng làm Lũng Tây quận vương. Chu Ôn vì toàn lực đối phó dư đảng của Hoàng Sào là Tần Tông Quyền ở mặt tây, muốn tránh việc trước mặt sau lưng đều có địch, đem các thứ vàng bạc làm lễ vật trọng hậu đến tạ tội với Lý Khắc Dụng.
Tháng 11 năm Trung Hòa thứ 3 (883), Lý Khắc Dụng sai em trai Khắc Tu đánh Chiêu Nghĩa tiết độ sứ Mạnh Phương Lập, chiếm lấy hai châu Trạch, Lộ của ông ta. Phương Lập chạy đến Sơn Đông, lấy 3 châu Hình, Minh, Từ làm một Chiêu Nghĩa quân khác. Như vậy là cùng lúc có 2 Chiêu Nghĩa quân.
Năm Quang Khải thứ nhất (885), Hà Trung tiết độ sứ Vương Trọng Vinh và thái giám Điền Lệnh Tư có hiềm khích. Triều đình muốn Trọng Vinh dời đến Duyện Châu, nhường Hà Trung quân cho Nghĩa Vũ tiết độ sứ Vương Xử Tồn ở Định Châu, còn hạ chiếu cho Lý Khắc Dụng đưa quân đến giúp Xử Tồn nhận đất.
Vương Trọng Vinh sai người đến lừa Lý Khắc Dụng rằng: "Thiên tử ban chiếu cho Trọng Vinh, đợi Khắc Dụng đến, cùng Xử Tồn giết chết ngài." Nhân đó Trọng Vinh làm giả chiếu thư nói với ông rằng: "Đây là mưu của Chu Toàn Trung." Lý Khắc Dụng tin lời ấy, dâng biểu lên xin đánh Chu Ôn, Hi Tông không cho, ông rất tức giận.
Vương Trọng Vinh không chịu dời đi, Hi Tông sai Bân Ninh tiết độ sứ Chu Mân ở Bân Châu, Phượng Tường tiết độ sứ Lý Xương Phù ở Phượng Tường đánh dẹp. Lý Khắc Dụng đưa quân giúp Trọng Vinh, đánh bại Chu Mân ở Sa Uyển, còn xâm phạm kinh sư, cướp bóc đốt nhà rồi trở về. Hi Tông phải ra ở Hưng Nguyên, ông lui quân về Hà Trung.
Bân Ninh tiết độ sứ Chu Mân làm phản, đuổi theo Hi Tông, không kịp, bắt được Tương vương Lý Dục, bức ông ấy xưng đế, đóng quân ở Phượng Tường. Hi Tông nghĩ chỉ có Lý Khắc Dụng có thể đánh được Chu Mân, nhưng không thể sai khiến ông nữa. Vào lúc đánh bại Hoàng Sào ở Trường An, thiên hạ binh mã đô giám Dương Phục Cung chơi khá thân với Khắc Dụng, Hi Tông sai gián nghị đại phu Lưu Sùng Vọng đem chiếu thư đến triệu ông, còn nhờ Dương Phục Cung chuyển lời. Khắc Dụng nhận lời nhưng không làm.
Năm Quang Khải thứ nhất (885), Mạnh Phương Lập chết, em trai là Mạnh Thiên nối nghiệp. Năm Đại Thuận thứ nhất (890), Lý Khắc Dụng đánh phá Mạnh Thiên, chiếm lấy 3 châu Hình, Minh, Từ, rồi khiến An Kim Tuấn đánh Hách Liên Đạc ở Vân Châu. Tiết độ sứ Lư Long Lý Khuông Uy ở U Châu đến cứu Đạc, giao chiến ở Úy Châu, Kim Tuấn đại bại. Thế là Lý Khuông Uy, Hách Liên Đạc, Chu Ôn cùng dâng biểu xin triều đình nhân lúc ông vừa thất bại mà thảo phạt.
Đường Chiêu Tông cho rằng Lý Khắc Dụng phá Hoàng Sào có công lớn, không thể phạt, rồi đưa chuyện này xuống cho các quan tứ phẩm ở đài, tỉnh nghị luận. Phần lớn mọi người đều nói không thể phạt. Chỉ có tể tướng Trương Tuấn cho rằng trước đây quân Sa Đà từng bức Hi Tông chạy ra Hưng Nguyên, tội đáng chết, có thể phạt. Quân dung sứ Dương Phục Cung, vốn chơi khá thân với Khắc Dụng. Cũng can rằng không thể phạt, Chiêu Tông đồng ý.
Chu Ôn ngầm hối lộ Trương Tuấn, khiến ông ta kiên trì ý kiến của mình. Đường Chiêu Tông bất đắc dĩ phong Tuấn làm Thái Nguyên tứ diện hành doanh binh mã đô thống, Hàn Kiến làm phó sứ.
Lúc này, Phùng Bá, tướng cũ của Mạnh Phương Lập, ở Lộ Châu làm phản, giết chết Lý Khắc Cung, đầu hàng Chu Ôn. Chu Ôn sai Cát Tùng Chu đưa quân tiến vào Lộ Châu. Nhà Đường lấy Tôn Quỹ làm Chiêu Nghĩa tiết độ sứ, Khắc Dụng sai Lý Tồn Hiếu bắt được Quỹ ở Trường Tử, đẩy lui Tùng Chu, rồi sai Khang Quân Lập giữ Lộ Châu.
Tháng 11, Lý Khắc Dụng và Trương Tuấn giao chiến ở Âm Địa. Quân triều đình đánh ba trận thua cả ba, Trương Tuấn, Hàn Kiến trốn về. Ông thả quân đánh cướp từ Tấn, Giáng đến Hà Trung, đi đến đâu là tan hoang đến đấy. Khắc Dụng dâng biểu lên triều đình, lời lẽ khinh mạn, hoàng đế không muốn thêm xấu mặt, đành đáp lại qua loa.
Tháng 2 năm Đại Thuận thứ 2 (891), triều đình khôi phục cho Lý Khắc Dụng các tước phong Hà Đông tiết độ sứ, Lũng Tây quận vương, gia phong Kiểm hiệu thái sư kiêm Trung thư lệnh.
Tháng 4, Lý Khắc Dụng đánh Vân Châu phòng ngự sứ Hách Liên Đạc, vây ông ta hơn trăm ngày, Đạc chạy về Thổ Dục Hồn. Tháng 8, ông cướp bóc ở Thái Nguyên, ra Tấn, Giáng, cướp phá Hoài, Mạnh đến Hình Châu, rồi tấn công tiết độ sứ Thành Đức là Vương Dung ở Trấn Châu.
Lý Khắc Dụng dựng rào ở phía tây Thường Sơn, đưa hơn 10 kỵ binh vượt sông Hô Đà để dò xét quân địch, gặp mưa lớn, nước ngập mặt đất đến vài thước. Người Trấn Châu tập kích ông, Khắc Dụng trốn ở trong rừng, nguyền rằng: "Ta mà lấy được Thái Nguyên thì ngựa không kêu nữa." Ngựa của bọn họ chợt không kêu nữa. Tiền quân của ông do Lý Tồn Hiếu chỉ huy đã lấy được Lâm Thành, lập tức tấn công Nguyên Thị. Lý Khuông Uy cứu Vương Dung, ông đưa quân về Hình Châu.
Năm Cảnh Phúc thứ nhất (892), Vương Dung tấn công Hình Châu, Lý Tồn Tín, Lý Tự Huân đánh bại ông ta ở Nghiêu Sơn. Tháng 2, Lý Khắc Dụng hội quân với Vương Xử Tồn đánh Vương Dung, giao chiến ở Tân Thị, Dung thua trận.
Tháng 8, Lý Khuông Uy tấn công Vân Châu, giằng co với Lý Khắc Dụng. Ông ngầm đưa quân tiến vào Vân Châu, phản kích Lý Khuông Uy, ông ta thua chạy.
Tháng 10, Lý Tồn Hiếu giữ Hình Châu làm phản. Năm Cảnh Phúc thứ 2, Tồn Hiếu cầu viện Vương Dung. Lý Khắc Dụng đưa quân ra khỏi Tỉnh Hình đánh Vương Dung, vừa gởi thư chiêu hàng Dung, vừa gấp rút tấn công ông ta ở Bình Sơn. Dung sợ, bèn cùng Khắc Dụng thông hòa, hiến 50 vạn xúc lụa, còn ra quân trợ chiến ở Hình Châu. Tháng 3 năm Càn Ninh thứ nhất (894), ông bắt được Tồn Hiếu, giết đi.
Tháng 6, Lý Khắc Dụng đại phá Thổ Cốc Hồn, giết Hách Liên Đạc, bắt Bạch Nghĩa Thành.
Mùa đông năm Càn Ninh thứ nhất, Lý Khắc Dụng tấn công U Châu. Lý Khuông Trù[22] bỏ thành mà chạy, đến Cảnh Thành thì bị giết, ông để Lưu Nhân Cung làm chức Lưu hậu[23].
Năm Càn Ninh thứ 2 (895), Vương Trọng Doanh[24] qua đời. Con trai ông ta là Vương Củng và con trai Vương Trọng Vinh là Vương Kha tranh nhau nối nghiệp. Vương Kha vốn là con rể của Lý Khắc Dụng, ông xin lập Kha. Phượng Tường tiết độ sứ Lý Mậu Trinh[25] ở Phượng Tường, tiết độ sứ Bân Ninh là Vương Hành Du[26] ở Bân Châu, Hoa Thương tiết độ sứ Hàn Kiến ở Hoa Châu xin lập Củng. Đường Chiêu Tông ban đầu bối rối, sau đó lấy Thôi Dận làm Hà Trung tiết độ sứ, nên nhận lời với Khắc Dụng. Bọn Mậu Trinh tức giận, binh mã 3 trấn xâm phạm kinh sư. Họ nghe tin ông cũng khởi binh, đều bãi binh trở về.
Tháng 6, Lý Khắc Dụng đánh Giáng Châu, chém thứ sử Vương Dao. Dao là em trai Vương Củng, đang giúp anh tranh giành với Vương Kha. Tháng 7, ông đưa quân đến Hà Trung, Đồng Châu thứ sử Vương Hành Ước [27] chạy về kinh sư, nói dối rằng: "10 vạn quân Sa Đà đến rồi!" mưu đồ đưa thiên tử chạy đến Bân Châu. Con nuôi của Lý Mậu Trinh là Diêm Khuê cũng mưu đồ cướp giá đưa về Phượng Tường. Kinh sư đại loạn, Chiêu Tông ra ở Thạch Môn.
Lý Khắc Dụng đóng quân hàng tháng trời không tiến. Chiêu Tông sai Duyên vương Lý Giới Phi, Đan vương Lý Doãn đến kêu gọi ông ra quân. Tháng 8, Khắc Dụng đến Vị Kiều, được phong làm Bân Ninh tứ diện hành doanh đô thống. Chiêu Tông trở về kinh sư.
Tháng 11, Lý Khắc Dụng đánh phá Bân Châu, Vương Hành Du chạy đến Khánh Châu thì bị bộ hạ sát hại, gửi đầu về kinh sư. Ông đưa quân về Vân Dương, xin đánh Lý Mậu Trinh. Đường Chiêu Tông úy lạo Khắc Dụng, khuyên ông giảng hòa với Mậu Trinh, bái ông làm "trung chính bình nạn công thần", phong làm Tấn vương.
Bấy giờ, quân của Lý Khắc Dụng ở phía bắc sông Vị, gặp mưa lớn 60 ngày. Có người khuyên ông nhập triều, Khắc Dụng chưa quyết, Đô áp nha Cái Ngụ nói: "Thiên tử trở về từ Thạch Môn, ngồi chưa ấm chỗ, nay quân Tấn vượt sông Vị, lòng người có yên được không? Cần vương xong rồi, vào triều làm gì!?" Ông cười mà rằng: "Cái Ngụ còn không tin ta, huống hồ thiên hạ!" rồi thu quân trở về.
Tháng giêng năm Càn Ninh thứ 3 (896), Chiêu Tông khôi phục chức tể tướng cho Trương Tuấn. Lý Khắc Dụng nói: "Đây là mưu của Chu Toàn Trung!" rồi ông dâng biểu nói: "Nếu bệ hạ phong Tuấn làm tướng, cho phép thần đến cuối đời mới vào triều." Kinh sư khiếp sợ, Trương Tuấn không dám nhận chức.
Chu Ôn đánh Duyện Châu của tiết độ sứ Thái Ninh là Chu Cấn, Vận Châu của tiết độ sứ Thiên Bình là Chu Tuyên, anh họ của Chu Cấn. Lý Khắc Dụng sai Lý Tồn Tín mượn đường Ngụy Châu của tiết độ sứ Ngụy Bác là La Hoằng Tín, để cứu anh em họ Chu. Tồn Tín đóng quân ở huyện Sằn, quân Tấn cướp bóc xâm phạm vào địa giới Ngụy Châu. Lại thêm Chu Ôn sai sứ đến nói với Hoằng Tín: "Quân Tấn đến được Hà Sóc, sẽ quay lại diệt Ngụy (Châu)!" Hoằng Tín đặt phục binh đánh quân Tấn, Tồn Tín thua chạy về Minh Châu.
Lý Khắc Dụng tự làm tướng đánh Ngụy Châu, tướng Chu Ôn là Cát Tùng Chu đến trợ chiến, giao chiến ở Hoàn Thủy, con trai của ông là Lạc Lạc bị bắt. Ông rất yêu đứa con trai này, đặc biệt sai sứ đến Biện Châu gặp Chu Ôn xin tha cho Lạc Lạc. Chu Ôn muốn ly gián ông và Hoằng Tín, bèn sai người đưa Lạc Lạc đến Ngụy Châu, Hoằng Tín chém đầu Lạc Lạc. Tháng 6, quân Tấn phá Thành An, Hoàn Thủy, Lâm Chương,… hơn 10 thành ấp của Ngụy Bác quân. Tháng 10, quân Tấn lại đánh bại người Ngụy Châu ở Bạch Long đàm, tiến đánh Quan Âm môn, quân Biện Châu đến cứu, đôi bên bãi binh trở về.
Năm Càn Ninh thứ 4 (897), Lưu Nhân Cung phản Tấn. Lý Khắc Dụng đưa 5 vạn quân đến đánh Nhân Cung, giao chiến ở An Tắc, quân Tấn đại bại.
Năm Quang Hóa thứ nhất (898), Chu Ôn sai Cát Tùng Chu đánh hạ 3 châu Hình, Minh, Từ. Lý Khắc Dụng sai Chu Đức Uy ra Thanh Sơn Khẩu, gặp Tùng Chu ở Trương Xuân Kiều, Đức Uy đại bại. Mùa đông, tướng giữ Lộ Châu là Tiết Chí Cần mất, Lý Hãn Chi chiếm cứ Lộ Châu, làm phản xin quy phụ Chu Ôn.
Năm Quang Hóa thứ 2 (899), Chu Ôn sai Thị Thúc Tông đánh phá Thừa Thiên quân, lại phá Liêu Châu, đến Du Thứ, Chu Đức Uy đánh bại ông ta ở Động Oa. Mùa thu, Lý Tự Chiêu chiếm lại 2 châu Trạch, Lộ.
Năm Quang Hóa thứ 3 (900), Tự Chiêu đánh bại quân Biện ở Sa Hà, chiếm lại Minh Châu. Chu Ôn tự làm tướng vây đánh ông ta, Tự Chiêu bỏ chạy, đến Thanh Sơn Khẩu, gặp mai phục của quân Biện, Tự Chiêu đại bại. Mùa thu, Tự Chiêu chiếm Hoài Châu. Năm ấy, người Biện đánh 2 châu Trấn, Định. Trấn [28], Định [29] đều phản Tấn quy phụ Chu Ôn.
Năm Thiên Phục thứ nhất (901), Chu Ôn được phong làm Lương vương. Quân Lương đánh hạ Tấn, Giáng, Hà Trung, bắt Vương Kha đem về. Lý Khắc Dụng mất 3 đồng minh, bèn hạ mình đưa thư và tiền đến Biện Châu xin giảng hòa với Chu Ôn. Chu Ôn cho rằng có thể chiếm được nước Tấn, bèn nói rằng: "Tấn tuy xin hòa, lời lẽ trong thư lại khinh mạn" nhân đó cử đại quân đánh Tấn.
Tháng 4, Thị Thúc Tông tiến vào Thiên Tỉnh, Trương Văn Kính tiến vào Tân Khẩu, Cát Tùng Chu tiến vào Thổ Môn, Vương Xử Trực tiến vào Phi Hồ, Hầu Ngôn tiến vào Âm Địa. Thúc Tông chiếm được 2 châu Trạch, Lộ, biệt tướng của ông ta là Bạch Phụng Quốc phá được Thừa Thiên quân, tướng giữ Liêu Châu là Trương Ngạc, tướng giữ Phần Châu là Lý Đường đều làm phản đầu hàng quân Lương, người Tấn kinh sợ. Gặp lúc trời mưa lớn, quân Lương phần lớn bệnh, đều giải vây lui về. Tháng 5, quân Tấn chiếm lại Phần Châu, giết Lý Đường. Tháng 6, Chu Đức Uy, Lý Tự Chiêu chiếm lại 2 châu Từ, Thấp.
Năm Thiên Phục thứ 2 (902), quân Tấn tiến đánh Tấn, Giáng, đại bại ở huyện Bồ, quân Lương thừa thắng phá 3 châu Phần, Từ, Thấp, rồi vây Thái Nguyên. Lý Khắc Dụng hoảng sợ, muốn chạy về Vân Châu, Lý Tồn Tín lại khuyên ông ta chạy sang Hung Nô. Vợ ông là Lưu thị nói: Tồn Tín xuất thân là đứa trẻ chăn dê mới bày ra mưu ấy, Lý Tự Chiêu cũng khuyên ông vững lòng. Không lâu sau, quân Lương gặp bệnh dịch, phải lui về. Chu Đức Uy giành lại 3 châu Phần, Từ, Thấp.
Năm Thiên Phục thứ 4 (904), Chu Ôn ép Chiêu Tông dời đô đến Lạc Dương, đổi niên hiệu là Thiên Hữu. Lý Khắc Dụng không công nhận niên hiệu Thiên Hữu, vẫn dùng niên hiệu Thiên Phục.
Năm Thiên Phục thứ 5 (905), Lý Khắc Dụng gặp Da Luật A Bảo Cơ, người Khiết Đan, thề nguyện kết làm anh em.
Năm Thiên Phục thứ 6 (906), quân Lương tấn công Thương Châu của nước Yên, Yên vương Lưu Nhân Cung cầu cứu. Lý Khắc Dụng hận Nhân Cung phản phúc, không muốn nhận lời, con trai ông là Lý Tồn Úc can rằng: "Lúc này ta nên cứu hắn! Tình thế thiên hạ ngày nay, 7, 8 phần 10 đã quy phục nước Lương, mạnh như Triệu, Ngụy, Trung Sơn, còn không dám làm trái. Từ đây đến phía bắc Hoàng Hà, người Lương còn sợ ai nữa, có chăng chỉ là chúng ta và Nhân Cung, nếu Yên, Tấn hợp sức, không phải là phúc của Lương vậy! Đại trượng phu không nến cố chấp oán nhỏ, vả lại hắn phản bội ta mà ta lại cứu hắn, như thế để tỏ ra là ta lấy đức đãi người, một công đôi việc, không thể có mất mát gì cả." Khắc Dụng lấy làm phải, bèn vì nước Yên mà ra quân đánh Lộ Châu. Quân Lương giải vây lui về, ông lấy Lý Tự Chiêu làm Lộ Châu lưu hậu.
Mùa đông năm sau, ông phát bệnh. Trong năm này, Chu Ôn diệt Đường, kiến lập nhà Hậu Lương. Khắc Dụng lại dụng niên hiệu Thiên Hữu, là năm Thiên Hữu thứ 4 (907).
Ngày tân mão, tháng giêng, năm Thiên Hữu thứ 5 (908), Lý Khắc Dụng mất, hưởng thọ 53 tuổi. Con trai Lý Tồn Úc nối nghiệp, an táng ông ở Nhạn Môn.
Sách "Ngũ đại sử khuyết văn" của Vương Vũ Xưng, người đời Tống, chép rằng:
Trong "Tư trị thông giám khảo dị", Tư Mã Quang nhận xét:
Lý Khắc Dụng giao 3 mũi tên có thể là chuyện do người đời sau bày ra, nhằm khoa trương quá đáng việc Lý Tồn Úc hoàn thành được đại nghiệp của cha mình.
Lý Khắc Dụng tuổi trẻ công cao, bộc lộ bản tính cuồng vọng. Ông đã lựa chọn một chiến lược rất ngu xuẩn là đánh ra bốn mặt, phạm phải đại kị của binh gia. Ông có nhiều địa bàn, nhưng không có cách nào trị lý, củng cố. Vì thế những khu vực thuộc về ông, hay thần phục ông thường hay làm phản.
Lại thêm bộ hạ của ông quân kỷ bại hoại, không được lòng người. Do đó, chiến tranh liên miên, chiến thắng hiển hách, nhưng hiệu quả không lớn. Những chính sách và thủ đoạn lôi kéo đồng minh thì Chu Ôn cao tay hơn hẳn, nên Lý Khắc Dụng dần dần rơi vào thế hạ phong.
Lý Tồn Hiếu giành lại Lộ Châu, Lý Khắc Dụng không luận công ban thưởng, lại không để Tồn Hiếu nhiệm chức ở đó, khiến cho Tồn Hiếu oán giận. Lại thêm Lý Tồn Tín vốn đố kỵ Tồn Hiếu, luôn tìm cách nói sằng hãm hại, khiến cho Tồn Hiếu không thể an lòng. Lý Tồn Hiếu ngầm liên hệ với Chu Ôn, phản bội Khắc Dụng. Ông cả giận phát binh thảo phạt, cuối cùng Tồn Hiếu tự trói mình ra khỏi thành, đầu hàng nhận tội. Khắc Dụng vốn rất coi trọng Tồn Hiếu là một viên kiêu tướng, đánh trận không khi nào thiếu anh ta, nhưng vì muốn giữ nghiêm quân kỷ, xử Tồn Hiếu bị ngũ xa phân thây. Ông thưởng phạt không công bằng, khiến cho thế lực của mình thì dần suy yếu, thế lực của Chu Ôn thì ngày càng lớn mạnh.
Lý Khắc Dụng dùng người không có phương pháp, đối với các tướng lĩnh đầu hàng cũng không nhìn rõ năng lực và nhân phẩm của họ, chẳng khác nào mời kẻ thù đến trước cửa nhà. Trong đó có 2 trường hợp nổi bật: Lý Hãn Chi và Lưu Nhân Cung.
Lý Hãn Chi xuất thân vô lại, thiếu thời từng xuất gia, nhưng bản tính xấu xa không đổi, nên không nơi nào chịu nhận, phải đi ăn xin. Về sau ông ta đầu quân cho Hà Dương tiết độ sứ Gia Cát Sảng, nhờ một thân võ dũng hơn người mà làm đến Hà Nam doãn, Đông Đô lưu thủ. Sau sự kiện quán dịch Thượng Nguyên, Lý Khắc Dụng ghé qua Lạc Dương, được Hãn Chi tiếp đãi ân cần. Ông ta bị bộ hạ của Tần Tông Quyền đánh bại, chạy khỏi Lạc Dương, Khắc Dụng không quên ân tình cũ, đưa quân đến giúp Hãn Chi, còn xin triều đình cho ông ta làm Hà Dương tiết độ sứ.
Lý Hãn Chi quen tính vô lại, cướp đoạt tài vật của trăm họ để bổ sung quân nhu, khiến cho khu vực ông ta cai quản, khắp nơi người phải ăn thịt người. Bộ tướng Trương Ngôn của ông ta không chịu nổi, ngầm liên hệ với Chu Ôn, đuổi đánh Hãn Chi. Ông ta chạy đến Tấn Dương, Khắc Dụng để ông ta làm Trạch Châu thứ sử. Đến Trạch Châu, ông ta chẳng thay đổi gì. Khi Lộ Châu thứ sử Tiết Chí Cần mất, ông ta thừa cơ chiếm lấy Lộ Châu, đầu hàng Chu Ôn.
Lưu Nhân Cung nguyên là bộ hạ của Lư Long tiết độ sứ Lý Khuông Uy ở U Châu, lĩnh binh trấn thủ Úy Châu. Anh em Khuông Uy, Khuông Trù tranh giành chức vị, tình hình U Châu hỗn loạn. Quân Úy Châu oán giận do lâu ngày không được về nhà, đưa Nhân Cung lên làm thủ lĩnh, phát động binh biến. Ông ta tiến về U Châu, đến Cư Dung Quan thì bị đánh bại, chạy đến Tấn Dương, đầu hàng Lý Khắc Dụng. Nhân Cung đem tình hình U Châu nói rõ với Khắc Dụng, nên được hậu thưởng, còn được ban cho đất đai ruộng vườn, rất sủng ái tín nhiệm.
Sau khi Lý Khắc Dụng lấy được U Châu, để Nhân Cung làm Lưu hậu. Vào lúc Khắc Dụng giao chiến Ngụy Châu, mượn quân U Châu, Nhân Cung lấy cớ đề phòng Khiết Đan nên không còn 1 binh 1 tốt nào. Năm sau, Chu Ôn đánh Duyện, Vận, Khắc Dụng lại mượn quân U Châu, liên tiếp phái sứ giả đến thôi thúc. Nhân Cung chẳng những không phát binh, mà còn dùng hậu lễ dụ dỗ tướng lĩnh Hà Đông làm phản. Lý Khắc Dụng tự mình làm tướng, phát binh chinh thảo. Vì ông không để Nhân Cung vào mắt, khinh địch say rượu, nên bị Nhân Cung phản kích đánh bại.
Lý Khắc Dụng đã nuôi dưỡng và đào tạo nên 13 viên kiêu tướng, đều mang hàm Thái bảo.