Lý luận (hay lý luận khoa học) là hệ thống những tri thức được khái quát từ kinh nghiệm thực tiễn, phản ánh mối liên hệ bản chất, tất nhiên, mang tính quy luật của các sự vật, hiện tượng được biểu đạt bằng hệ thống nguyên lý, quy luật, phạm trù[1].[2]
Thực tiễn và Lý luận luôn thống nhất biện chứng với nhau, đòi hỏi có nhau, nương tựa vào nhau, tác động qua lại với nhau. Nếu không có thực tiễn thì không thể có lý luận và ngược lại, không có lý luận khoa học thì cũng không thể có thực tiễn chân chính. "Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (Hồ Chí Minh).
Nhận thức, lý luận phải gắn với nhu cầu của thực tiễn; phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn đánh giá đúng, sai của lý luận, của chủ trương, đường lối, chính sách; đồng thời phải tăng cường tổng kết thực tiễn để kiểm tra lý luận, chủ trương, đường lối, chính sách, trên cơ sở đó kịp thời bổ sung, điều chỉnh, phát triển lý luận.
Bệnh kinh nghiệm, bản chất là tư tưởng và hành động tuyệt đối hoá kinh nghiệm cá biệt cụ thể, biến chúng thành những kinh nghiệm phổ biến, hạ thấp, coi thường lý luận và thực chất là coi thường cả thực tiễn. Những biểu hiện của bệnh kinh nghiệm gồm có: coi thường lý luận, không chịu học tập lý luận, đề cao tư duy kinh nghiệm, cho kinh nghiệm là yếu tố duy nhất quyết định thành công. Nguyên nhân cơ bản và trực tiếp của bệnh kinh nghiệm là vi phạm nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn.