Marie Louise của Schleswig-Holstein Marie Louise of Schleswig-Holstein | |||||
---|---|---|---|---|---|
Công tử phu nhân Aribert xứ Anhalt | |||||
Ảnh chụp bởi James Lafayette, khoảng năm 1910-1915 | |||||
Thông tin chung | |||||
Sinh | Cumberland Lodge, Old Windsor, Berkshire Anh | 12 tháng 8 năm 1872||||
Mất | 8 tháng 12 năm 1956 Quảng trường Berkeley, Luân Đôn, Anh | (84 tuổi)||||
An táng | 14 tháng 12 năm 1956 Hầm mộ Vương thất, Nhà nguyện St. George, Lâu đài Windsor 3 tháng 4 năm 1957 Khu Chôn cất Vương thất, Frogmore | ||||
Phối ngẫu | |||||
| |||||
Vương tộc | Nhà Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg | ||||
Thân phụ | Christian xứ Schleswig-Holstein | ||||
Thân mẫu | Helena của Liên hiệp Anh |
Marie Louise của Schleswig-Holstein (tiếng Anh: Marie Louise of Schleswig-Holstein; tiếng Đức: Marie Louise von Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg; tên đầy đủ: Franziska Josepha Louise Augusta Marie Christina Helena; 12 tháng 8 năm 1872 – 8 tháng 12 năm 1956) là con gái của Christian xứ Schleswig-Holstein và Helena của Liên hiệp Anh cũng như là cháu gái của Victoria I của Liên hiệp Anh.
Vương tôn nữ Marie Louise[a] được sinh ra tại Cumberland Lodge ở Đại Công viên Windsor. Khi sinh ra, Marie Louise là thành viên của Gia tộc Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg. Cha của Marie Louise là Công tử Christian xứ Schleswig-Holstein, con trai thứ ba của Christian August II xứ Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg và Louise Danneskjold-Samsøe. Mẹ của Marie Louise là Vương nữHelena của Liên hiệp Anh, con thứ năm và con gái thứ ba của Victoria I của Liên hiệp Anh và Albrecht xứ Sachsen-Coburg và Gotha. Vương tôn nữ được rửa tội vào ngày 18 tháng 9 năm 1872. Cha mẹ đỡ đầu của Marie Louise là Hoàng đế Franz Joseph I của Áo và Vương hậu Marie của Hannover.
Cha mẹ của Vương tôn nữ đã sống chung tại Anh và Vương tôn nữ Marie Louise được coi là thành viên của Vương thất Anh. Theo Sắc lệnh được ban hành vào ngày 15 tháng 5 năm 1867, con của Công tử Christian và Vương nữ Helena sẽ được ban kính xưng Điện hạ, bậc cao hơn so với kính xưng Serene Highness (tạm dịch: Điện hạ Đáng kính) dựa trên việc Marie Louise và chị gái Helena Victoria là cháu nội của Công tước xứ Schleswig-Holstein. Do đó, từ khi sinh ra vào năm 1872, Vương tôn nữ Marie Louise đã được gọi là Vương tôn nữ Marie Louise của Schleswig-Holstein Điện hạ. Trong gia đình, Marie Louise được gọi là "Louie".
Marie Louise cùng chị gái Helena Victoria là phù dâu trong đám cưới năm 1885 của dì là Vương nữ Beatrice với Thân vương tử Heinrich xứ Battenberg.[1]
Ngày 6 tháng 7 năm 1891, Vương tôn nữ Marie Louise kết hôn với Công tửu Aribert xứ Anhalt (18 tháng 6 năm 1866 – 24 tháng 12 năm 1933) tại Nhà nguyện Thánh George, Lâu đài Windsor.[2] Aribert là con trai thứ ba của Friedrich I xứ Anhalt và Antoinette xứ Sachsen-Altenburg. Hoàng đế Đức Wilhelm II, anh họ của Marie Louise chính là người sắp xếp cuộc hôn nhân này.
Mặc dù các nguồn tin đương thời không trực tiếp cho rằng đó là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân tan vỡ, nhưng nhiều người đương thời và các tài liệu lịch sử sau đó cho rằng Aribert là người song tính hoặc đồng tính luyến ái,[3][4] và một số cho rằng hành vi không đúng mực của Aribert với một người hầu nam là xúc tác khiến cuộc hôn nhân đổ vỡ[5][6] và thực chất là chưa bao giờ hoàn thiện.[5][7] Hôn nhân giữa Marie Louise và Aribert bị Friedrich I cho tiêu hủy vào ngày 13 tháng 12 năm 1900. Vương tôn nữ Marie Louise, trong chuyến thăm chính thức Canada tại thời điểm đó, đã ngay lập tức trở về Anh.[8] Theo hồi ký của mình, Marie Louise coi lời thề hôn nhân của mình có tính ràng buộc nên Vương tôn nữ không bao giờ tái hôn.
Sau khi tiêu hôn[b], Vương tôn nữ Marie Louise đã cống hiến hết mình cho các tổ chức từ thiện và bảo trợ cho nghệ thuật. Vương tôn nữ đã truyền cảm hứng cho việc tạo ra Ngôi nhà Búp bê của Vương hậu Mary để giới thiệu tác phẩm của các thợ thủ công người Anh. Marie Louise thành lập Câu lạc bộ Nữ giới ở Bermondsey, nơi phục vụ như một bệnh viện trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Marie Louise cũng tích cực tham gia công việc của Viện dưỡng lão Princess Christian tại Windsor. Vương tôn nữ còn tham gia vào tất cả các sự kiện chính thức của vương thất, bao gồm cả lễ đăng quang và đám tang, đồng thời tham gia diễu hành như một Vương nữ của Vương thất Anh tại các sự kiện như lễ đăng quang của George VI[9] cũng như trong đoàn diễu hành dành cho các Vương nữ tại Lễ đăng quang của Elizabeth II.[10]
Năm 1919, Hội Ấu sinh Hướng đạo Wolf Cub thuộc Nhóm Hướng đạo Streatham thứ 4 đã gặp gỡ Vương tôn nữ Marie Louise trong chuyến thăm của Vương tôn nữ đến Streatham, Nam Luân Đôn. Nhóm Hướng đạo đã dành cho Marie Louise lời chào danh dự cho chuyến thăm của Vương tôn nữ. Marie Louise ấn tượng đến mức đã tuyên bố nhóm Wolf Cub là của riêng mình và Nhóm Hướng đạo từ được biết là Nhóm Hướng đạo Vùng biển Streatham thứ 4 (Của riêng Vương tôn nữ Marie Louise)[c].
Vào tháng 7 năm 1917, khi Quốc vương George V đổi tên Vương tộc Anh từ Vương tộc Saxe-Coburg-Gotha thành Vương tộc Windsor, George V cũng yêu cầu họ hàng và thông gia là những công dân Anh ngừng sử dụng tước hiệu, kính xưng và tên họ tiếng Đức của họ. Vì không sử dụng tước hiệu hay lấy một họ nào khác, Vương tôn nữ Marie Louise và chị gái Helena Victoria được gọi đơn giản là "Vương tôn nữ Marie Louise Điện hạ" và "Vương tôn nữ Helena Victoria Điện hạ", khiến họ có sự khác biệt kỳ lạ khi là những vương nữ nhưng không rõ là thành viên của vương thất nào. Cách hai chị em Helena Victoria và Marie Louise thực hiện yêu cầu từ George V có phần khác so với những người họ hàng Đức của mình khi họ từ bỏ tất cả các danh hiệu vương giả cũng như là tước hiệu quý tộc Đức và lần lượt nhận được các tước hiệu quý tộc Anh từ George V. Tước hiệu Princess của Marie Louise và chị gái Helena Victoria được thừa hưởng từ cha và hai chị em không phải là Vương nữ chính thức của Vương quốc Liên hiệp Anh.[11] Tuy nhiên, với tình trạng độc thân và được hưởng kính xưng Highness từ bà ngoại Victoria năm 1867 đã khiến trường hợp của hai chị em trở nên khác biệt, do đó Marie Louise và Helena Victoria vẫn giữ nguyên tước hiệu và kính xưng của mình nhưng đồng thời cũng làm lu mờ về dòng dõi Đức của hai chị em.
Marie Louise trở thành mẹ đỡ đầu của Vương tôn Richard xứ Gloucester vào năm 1944. Vương tôn nữ được Vương nữ Elizabeth gọi là "Bà cô Louie" (Cousin Louie) và đã tham dự đám cưới của Elizabeth cùng với chị gái Helena Victoria. Marie Louise đã tham dự tổng cộng bốn lễ đăng quang tại Tu viện Westminster: lễ đăng quang của Quốc vương Edward VII và Vương hậu Alexandra vào năm 1902; Quốc vương George V và Vương hậu Mary năm 1911; Quốc vương George VI và Vương hậu Elizabeth năm 1937; và của Quốc vương Elizabeth II vào năm 1953. Năm 1956, Marie Louise xuất bản cuốn hồi ký My Memories of Six Reigns (Hồi ức của tôi về Sáu Triều đại). Vương tôn nữ qua đời tại nhà ở Luân Đôn, 10 Fitzmaurice Place, Quảng trường Berkeley, vài tháng sau vào ngày 8 tháng 12 năm 1956 và được chôn cất tại Khu Chôn cất Vương thất, Frogmore tại Đại Công viên Windsor.[12] Vào thời điểm Marie Louise qua đời, Vương tôn nữ là một trong sáu người cháu nội và ngoại còn sống của Nữ vương Victoria. Chứng thực di sản của Marie Louise được cấp vào ngày 12 tháng 3 năm 1957 và được định giá là 107.644 bảng Anh (tương đương với 1,8 triệu bảng Anh theo tỷ giá chuyển đổi năm 2022).[13]