Helena Victoria của Schleswig-Holstein Helena Victoria of Schleswig-Holstein | |
---|---|
Vương tôn nữ Helena Victoria, năm 1910. | |
Thông tin chung | |
Sinh | Điện Frogmore, Windsor, Anh | 3 tháng 5 năm 1870
Mất | 13 tháng 3 năm 1948 Berkeley Square, Luân Đôn, Anh | (77 tuổi)
An táng | 17 tháng 3 năm 1948 Nhà nguyện St. George, Lâu đài Windsor 22 tháng 6 năm 1948 Khu Chông cất Vương thất, Frogmore |
Vương tộc | Nhà Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg |
Thân phụ | Christian xứ Schleswig-Holstein |
Thân mẫu | Helena của Liên hiệp Anh |
Helena Victoria của Schleswig-Holstein (tiếng Anh: Helena Victoria of Schleswig-Holstein; tiếng Đức: Helena Victoria von Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg; tên đầy đủ: Victoria Louise Sophia Augusta Amelia Helena; 3 tháng 5 năm 1870 – 13 tháng 3 năm 1948) là con gái của Christian xứ Schleswig-Holstein và Helena của Liên hiệp Anh, do đó là cháu ngoại của Victoria I của Liên hiệp Anh.
Vương tôn nữ Helena Victoria[a] (thường được gia đình gọi là Thora) được sinh ra tại Điện Frogmore, gần Lâu đài Windsor. Cha của Helena Victoria là Công tử Christian xứ Schleswig-Holstein, con trai thứ ba của Christian August II xứ Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg và Louise Danneskjold-Samsøe. Mẹ của Helena Victoria là Vương nữ Helena của Liên hiệp Anh, con thứ năm và con gái thứ ba của Victoria I của Liên hiệp Anh và Albrecht xứ Sachsen-Coburg và Gotha. Cha mẹ của Helena Victoria đã cùng chung sống tại Anh kể từ khi kết hôn.
Helena Victoria được rửa tội trong nhà nguyện riêng ở Lâu đài Windsor vào ngày 20 tháng 6 năm 1870. Cha mẹ đỡ đầu của Vương tôn nữ là Nữ vương Victoria, Công tước phu nhân xứ Cambridge, Vương nữ Louise, Vương tử Arthur, Vương tử Leopold, Vương tử Valdemar của Đan Mạch, Công tôn Edward xứ Sachsen-Weimar-Eisenach, Công nữ Louise Auguste và Công nữ Caroline Amelie xứ Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg (hai vị Công nữ được đại diện bởi Công tước phu nhân xứ Roxburghe).[1]
Thora là phù dâu trong đám cưới của người dì là Vương nữ Beatrice với Thân vương tử Heinrich xứ Battenberg năm 1885 và trong đám cưới của người anh họ là Vương tôn George và Mary của Teck (sau này là Quốc vương George V và Vương hậu Mary của Liên hiệp Anh) vào năm 1893.[2][3]
Helena Victoria dành phần lớn thời thơ ấu của mình tại Cumberland Lodge, nơi ở của cha với tư cách là Kiểm lâm viên của Đại Công viên Windsor. Được gia đình gọi là "Thora" hoặc đôi khi là "Snipe", do có khuôn mặt sắc sảo, cái tên được Vương tôn nữ sử dụng một cách chính thức là "Helena Victoria" trong số sáu cái tên được đặt của mình.
Vào tháng 7 năm 1917, Quốc vương George V đã đổi tên Vương tộc thành Windsor. George V cũng từ bỏ việc sử dụng tước hiệu, kính xưng và tên họ tiếng Đức của bản thân và những người họ hàng là công dân Anh. Do đó, Helena Victoria và em gái Marie Louise đã ngừng sử dụng hậu tố chỉ định lãnh thổ "của Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg" trong tước hiệu. Thay vào đó, hai chị em được gọi đơn giản là "Her Highness Princess Helena Victoria - Vương tôn nữ Helena Victoria Điện hạ" và "Her Highness Princess Marie Louise - Vương tôn nữ Marie Louise Điện hạ". Mặc dù đều mang tước hiệu Đức nhưng họ được nuôi dưỡng và sinh sống tại Anh.
Helena Victoria duy trì cuộc sống độc thân và noi theo mẹ mình khi tham gia vào nhiều tổ chức từ thiện khác nhau, nổi bật nhất là YMCA, Hiệp hội Cơ đốc giáo của Phụ nữ Trẻ (YWCA) và Viện dưỡng lão Princess Christian tại Windsor. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, Helena Victoria thành lập Lực lượng phụ nữ YWCA. Với tư cách chủ tịch, Vương tôn nữ đã đến thăm quân đội Anh ở Pháp và được sự cho phép của Quốc vụ khanh Chiến tranh là Ngài Kitchener, dàn xếp các hoạt động giải trí cho quân đội. Giữa các cuộc chiến tranh thế giới, Helena Victoria và em gái Marie Louise là những người bảo trợ nhiệt tình cho âm nhạc tại Điện Schomberg, dinh thự của hai chị em ở Luân Đôn. Một ấn phẩm năm 1924 đã đưa tin rằng 'Vương tôn nữ Helena Victoria cùng với em gái là Vương tôn nữ Marie Louise luôn là một trong những người làm việc chăm chỉ nhất trong tất cả các Vương tôn nữ của chúng ta'.[4] Sau một cuộc không kích của quân Đức làm hư hại điện Schomberg vào năm 1940, hai chị em chuyển đến Fitzmaurice Place, Quảng trường Berkeley.
Trong tình trạng sức khỏe yếu và phải ngồi xe lăn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Helena Victoria tham dự đám cưới của người cháu họ là Vương nữ Elizabeth của Liên hiệp Anh với Vương tôn Philippos của Hy Lạp và Đan Mạch ngày 20 tháng 11 năm 1947.[5]
Vương tôn nữ qua đời tại Fitzmaurice Place, Quảng trường Berkeley vào ngày 13 tháng 3 năm 1948. Helena Victoria qua đời ở tuổi 77, cùng độ tuổi với mẹ là Vương nữ Helena. Tang lễ của Helena Victoria diễn ra tại Nhà nguyện Thánh George, Windsor vào thứ Tư ngày 17 tháng 3 năm 1948 lúc 11:30 sáng.[6] Quan tài của Helena Victoria được đặt trong cờ Union Jack cùng với một vòng hoa thủy tiên vàng, các loài hoa mùa xuân từ em gái Marie Louise, một vòng hoa hồng vàng và tulip màu hoa cà của Quốc vương George VI và Vương hậu Elizabeth .[7] Trong số những người đưa tang có em gái Marie Louise, Quốc vương George VI, Vương hậu Elizabeth, Vương nữ Elizabeth và Công tước xứ Edinburgh, Thái hậu Mary được đại diện bởi Đại Úy là Ngài Claud Hamilton. Ngoài ra còn có Vương tức Alice, Công tước phu nhân xứ Gloucester, Vương tức Marina, Công tước xứ Kent, Alexander Mountbatten, Hầu tước thứ 1 xứ Carisbrooke, David Mountbatten, Hầu tước thứ 3 xứ Milford Haven, Phu nhân Patricia Ramsay và con trai là Đại úy Alexander Ramsay.[7][8] Phần âm nhạc bao gồm lời Thánh Kinh từ Thánh vịnh 121 "I will lift up mine eyes" và các bài ca "Rock of Ages" và "God be in my head".[7] Quan tài của Vương tôn nữ sau đó được chôn cất tại Khu Chôn cất Vương thất, Frogmore, Đại Công viên Windsor.[9] Không có lệnh để tang nào được tuyên bố ở triều đình nhưng Quốc vương, Vương hậu cùng các thành viên trong gia đình đã để tang trong một tuần.[10] Chứng thực di sản của Helena Victoria được cấp tại Luân Đôn vào ngày 20 tháng 5 năm 1948 và được định giá là 52.435 bảng Anh (tương đương với 1,3 triệu bảng Anh theo tỷ giá chuyển đổi năm 2022).[11]
Là cháu nội của Công tước xứ Schleswig-Holstein, Vương tôn nữ Helena Victoria cùng em gái Marie Louise lẽ ra phải được gọi với kính xưng Serene Highness/Durchlaucht (tạm dịch: Điện hạ Đáng kính). Tuy nhiên vào tháng 5 năm 1867, Nữ vương Victoria đã đã ban kính xưng bậc cao hơn là Điện hạ cho bất kỳ người con nào được sinh ra từ cuộc hôn nhân của Vương nữ Helena và Công tử Christian nhưng họ vẫn là Công tôn (nữ) của Schleswig-Holstein. Vào tháng 6 năm 1917, một thông báo xuất hiện trong Thông tư Triều đình rằng một Sắc lệnh được chuẩn bị bởi Quốc vương George V sẽ loại bỏ phần hậu tố chỉ định lãnh thổ "Schleswig-Holstein-Sonderburg-Augustenburg" trong tước hiệu của hai người em họ Helena Victoria và Marie Louise. Tuy nhiên, không có sắc lệnh nào được ban hành và hai chị em Helena Victoria và Marie Louise cũng không được phong tước hiệu Vương tôn nữ của Vương quốc Liên hiệp Anh.[13]
Huân chương Anh
Huân chương quốc tế