Nguyễn Sư (1468-1519) là quan nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam. Ông cùng Trịnh Tuy ủng hộ các hoàng thân nhà Lê ly khai chính quyền vua Lê Chiêu Tông nhưng bị thất bại.
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Sư người làng Lý Hải, huyện Yên Lãng, Sơn Tây nay là huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Ông đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508) năm Đoan Khánh thứ 4 đời Lê Uy Mục[1].
Đời Lê Tương Dực, Nguyễn Sư được phong chức Hàn lâm viện kiểm thảo. Tháng giêng năm 1513, ông cùng Nguyễn Trang và Trương Phu Duyệt đi sứ sang Trung Quốc đáp lễ lần viếng thăm của sứ nhà Minh năm 1512[1].
Nước Đại Việt không yên ổn từ thời vua Lê Tương Dực. Nhiều cuộc khởi nghĩa nổi lên khiến triều đình nghiêng ngả, từng phải rút khỏi kinh thành. Sang thời Lê Chiêu Tông, trong khi các cuộc nổi dậy chưa bị dẹp hẳn, các tướng lĩnh trong triều lại phát sinh ý định phế lập.
Tháng 7 năm 1518, Lê Chiêu Tông giết công thần Trần Chân, các thủ hạ của Chân là Nguyễn Kính, Nguyễn Áng ở Sơn Tây nổi dậy làm loạn để báo thù cho chủ, Chiêu Tông phải giết cận thần của mình theo yêu sách của các tướng làm loạn nhưng khi các cận thần bị giết, họ vẫn không bãi binh.
Trước tình hình đó, Nguyễn Sư cùng Vĩnh Hưng hầu Trịnh Tuy nảy sinh ý định ly khai lập vua khác. Tháng 9 năm 1518, ông và Trịnh Tuy tôn lập tông thất Lê Bảng làm vua, tức là vua Đại Đức. Trịnh Tuy dụ được Nguyễn Kính, Nguyễn Áng đi theo nên lực lượng khá mạnh.
Khoảng tháng 3 năm 1519, Trịnh Tuy phế truất Lê Bảng và lập em Bảng là Lê Do lên làm vua, đổi niên hiệu là Thiên Hiến.
Tháng 7 năm 1519, nhân lúc trời mưa to, tướng của Lê Chiêu Tông là Mạc Đăng Dung thống lĩnh các quân thủy bộ vây vua Thiên Hiến ở Từ Liêm. Đăng Dung phá đê cho nước vỡ vào quân Lê Do. Đại quân tan vỡ, Lê Do và Nguyễn Sư chạy đến Ninh Sơn thì bị quân của Lê Chiêu Tông bắt được, giải mang về[1]. Trịnh Tuy bỏ chạy và Thanh Hóa, các tướng Nguyễn Kính, Nguyễn Áng theo hàng Mạc Đăng Dung.
Quân của Lê Chiêu Tông giải Nguyễn Sư đi rao ngoài đường. Trước khi chết, ông làm bài thơ tuyệt mệnh như sau:
Sau đó Nguyễn Sư cùng Lê Do bị vua Quang Thiệu xử tử. Không rõ ông bao nhiêu tuổi.