Nhạc Nghị 楽毅 | |
---|---|
Thông tin cá nhân | |
Giới tính | nam |
Gia quyến | |
Hậu duệ | Nhạc Gian |
Nghề nghiệp | chiến lược gia |
Quốc gia | Ngụy, Yên, Triệu |
Thời kỳ | Chiến Quốc |
Nhạc Nghị (楽毅) là tướng thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là tướng các nước: Ngụy, Yên và Triệu nhưng nổi tiếng nhất thời làm tướng nước Yên đã gần như tiêu diệt nước Tề hùng mạnh láng giềng.
Tổ tiên của Nhạc Nghị là tướng Nhạc Dương nước Ngụy, từng có công giúp Ngụy Văn hầu đánh lấy được nước Trung Sơn. Ngụy Văn Hầu đem đất Linh Thọ phong cho Nhạc Dương. Nhạc Dương chết chôn ở Linh Thọ, con cháu nối đời sống ở đấy.
Trung Sơn về sau lại được lập thành một nước. Đến đời Triệu Vũ Linh vương (325-299 TCN) lại diệt Trung Sơn, từ đó Nhạc Nghị lại làm người nước Triệu.
Theo Sử ký, Nhạc Nghị là người hiền, thích việc binh. Người nước Triệu rất quý trọng ông. Đến khi Vũ Linh Vương gặp nạn ở Sa Khâu[1], Nhạc Nghị bèn rời khỏi nước Triệu đến nước Ngụy.
Lúc đó nước Yên vì loạn Tử Chi[2], nên quân Tề đánh quân Yên thua to, nước Yên bị tàn phá nặng nề. Vua Yên mới là Chiêu vương oán giận nước Tề, nuôi chí báo thù, nhưng Yên là nước nhỏ ở nơi xa xôi hẻo lánh, sức không đủ chống cự, cho nên nhà vua nhún mình, quý trọng kẻ sĩ. Nhạc Nghị muốn sang Yên để được trọng dụng, bèn xin làm sứ giả cho Ngụy Chiêu Vương sang nước Yên. Vua Yên phong ông làm á khanh.
Lúc bấy giờ Tề Mẫn vương mạnh nhưng tàn bạo, kết oán với nhiều nước chư hầu. Yên Chiêu Vương hỏi về việc đánh Tề để báo thù, Nhạc Nghị thưa:
Yên Chiêu Vương bèn sai Nhạc Nghị giao ước với Huệ Văn Vương nước Triệu. Lại sai những người khác đi liên kết với Sở, Ngụy và nhờ Triệu thuyết phục Tần về cái lợi trong việc đánh Tề. Chư hầu ghét Tề Mẫn Vương kiêu ngạo, tàn bạo, đều nhất trí hợp tung cùng nước Yên đánh Tề.
Nhạc Nghị quay về báo, Yên Chiêu Vương đem tất cả quân, sai Nhạc Nghị làm thượng tướng quân cùng với các nước đi đánh Tề. Vua Huệ Văn Vương nước Triệu trao ấn tướng quốc cho Nhạc Nghị.
Năm 285 TCN, Nhạc Nghị cầm đầu tất cả quân các nước Triệu, Sở, Hàn, Ngụy, Yên hợp nhất đánh bại quân tề ở Tế Tây. Quân chư hầu bãi binh rút về nhưng quân của Yên dưới quyền Nhạc Nghị vẫn một mình đuổi theo đến Lâm Tri.
Sau khi bị thua trận ở Tế Tây, Tề Mẫn Vương chạy vào thành Cử. Nhạc Nghị một mình ở lại đi khắp nước Tề. Các thành của Tề đều lo chống giữ. Nhạc Nghị đánh vào thành Lâm Tri lấy tất cả những đồ quý báu, của cải, đồ cúng tế của Tề, sai chở về Yên.
Yên Chiêu Vương cả mừng thân hành đến sông Tề để úy lạo, khao thưởng quân sĩ, phong cho Nhạc Nghị huyện Xương Quốc, hiệu là Xương Quốc quân.
Yên Chiêu Vương sau khi đã thu của cải lấy được của Tề thì quay về, sai Nhạc Nghị lại đem binh đánh lấy những thành của Tề chưa lấy được. Nhạc Nghị ở lại Tề trong năm năm, đánh lấy hơn bảy mươi thành của Tề, biến tất cả những thành này thành quận huyện nước Yên, chỉ còn thành Cử và Tức Mặc là chưa chịu hàng.
Năm 279 TCN, Yên Chiêu Vương chết, con là Yên Huệ Vương lên thay. Huệ Vương từ khi còn làm thái tử thường không thích Nhạc Nghị. Đến khi Huệ Vương lên ngôi, Điền Đan nước Tề đang cố thủ ở Tức Mặc nghe tin ấy bèn tung phản gián sang nước Yên nói:
Yên Huệ Vương vốn đã nghi ngờ Nhạc Nghị, nghe những lời phản gián của Tề bèn sai Kỵ Kiếp làm tướng thay Nghị và mời Nhạc Nghị về. Nhạc Nghị biết Yên Huệ Vương không thích mình nên cho người thay thế, sợ bị giết, bèn đi về hướng Tây theo nước Triệu.
Vua Triệu phong Nhạc Nghị ở Quan Tân, hiệu là Vọng Thư Quân, tôn trọng và yêu quý Nhạc Nghị làm cho các nước Yên, Tề lo sợ. Sau đó Điền Đan đánh nhau với Kỵ Kiếp, bày mưu lừa quân Yên đánh bại giết chết Kỵ Kiếp ở dưới thành Tức Mặc, đuổi theo quân Yên đến tận Hà Thượng, thu lại tất cả những thành của Tề và đón vua Tề mới là Tương Vương (con Mẫn vương) ở thành Cử về Lâm Tri.
Sau đó, Yên Huệ Vương hối hận về chỗ mình sai Kỵ Kiếp thay thế Nhạc Nghị cho nên quân bị bại, tướng bị giết, bỏ mất nước Tề. Vua Yên lại sợ Nhạc Nghị đã đầu hàng Triệu, lo Triệu dùng Nhạc Nghị để dành Yên nhân lúc nước Yên gặp cảnh khó khăn. Huệ Vương bèn sai người trách Nhạc Nghị và đồng thời xin lỗi. Bức thư viết:
Nhạc Nghị viết thư trả lời Yên Huệ Vương như sau:
Yên Huệ Vương bèn cho con của Nhạc Nghị là Nhạc Can lại làm Xương Quốc Quân, nối chức của ông.
Nhạc Nghị sau đó vẫn còn lại đi lại với nước Yên. Nước Yên và nước Triệu đều cho ông làm khách khanh. Về sau ông chết ở Triệu.
Bức thư Nhạc Nghị gửi vua Yên Huệ vương được lưu truyền lại đời sau. Theo Sử ký, hai nhân vật đời Hán là Khoái Triệt và Chủ Phụ Yên nước Tề[5] "đọc bức thư Nhạc Nghị gửi vua Yên đều không lần nào không gấp thư lại mà khóc". Nhạc Nghị bị vua Yên phụ nhưng cuối cùng ông vẫn giữ lòng trung hậu, không thù oán nước Yên.
Con Nhạc Nghị là Nhạc Gian làm tướng nước Yên, về sau cũng bị hiềm khích với cháu Yên Huệ vương là Yên vương Hỉ, cũng phải rời bỏ Yên và cũng sang Triệu. Tuy nhiên, khi vua Yên viết thư sang gọi về, Nhạc Gian từ chối, ở lại Triệu. Tộc nhân của Nghị là Nhạc Thừa cũng làm tướng Triệu.
Khi nhà Hán thành lập Hán Cao Tổ Lưu Bang sai người tìm được dòng dõi của ông là Nhạc Thúc, phong cho Thúc huyện Nhạc Hương, hiệu là Hoa Thành quân.