![]() | Bài viết hoặc đoạn này cần được wiki hóa để đáp ứng tiêu chuẩn quy cách định dạng và văn phong của Wikipedia. (tháng 2/2022) |
Rừng thế mạng
| |
---|---|
![]() Áp phích chiếu rạp của phim tại Việt Nam | |
Đạo diễn | Trần Hữu Tấn |
Kịch bản | Trần Hữu Tấn Abby Hoàng Anh |
Sản xuất | Hoàng Quân |
Diễn viên | Huỳnh Thanh Trực Trần Phong Thùy Anh Thùy Dương Nguyễn Phước Lộc Lê Quang Vinh |
Dựng phim | Bùi Hoàng Nga |
Âm nhạc | Seth Tsui |
Hãng sản xuất | ProductionQ - Creative House |
Phát hành | Galaxy Studio |
Công chiếu |
|
Thời lượng | 94 phút |
Quốc gia | ![]() |
Ngôn ngữ | Tiếng Việt |
Kinh phí | 17 tỷ VNĐ |
Doanh thu | 14,6 tỷ VND[1] |
Rừng thế mạng là phim điện ảnh giật gân pha kinh dị của Việt Nam năm 2021 do Trần Hữu Tấn đạo diễn và Hoàng Quân sản xuất. Đây là phim Việt Nam đầu tiên về chủ đề sinh tồn. Đây là phim Việt đầu tiên khởi chiếu sau đợt giãn cách lịch sử năm 2021.[2]
Phim lấy bối cảnh tại Tà Năng - Phan Dũng, địa điểm nằm ở ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận, được nhiều người tìm đến đi phượt. Trong một chuyến đi, phượt thủ Kiên bị lạc đoàn, phải đơn độc trải qua cuộc chiến sinh tồn giữa rừng. Anh đối mặt với cơn đói, vết thương và những nguy hiểm từ thiên nhiên.
Đây là dự án điện ảnh thứ hai của bộ đôi đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân, sau Bắc kim thang (2019). Phim ghi hình 36 ngày, từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, ở Tà Năng - Phan Dũng. Ê-kíp dùng xe công nông, xe chuyên dụng di chuyển máy móc đến địa điểm quay ở vùng hiểm trở. Đa phần đoàn phim dựng lều ngủ lại rừng. Quá trình ghi hình hoàn thành ngay trước khi Việt Nam giãn cách toàn xã hội vào tháng 4 năm 2020 do Covid-19.[3]
Ca khúc chủ đề của phim là bản rap Mười năm do Đen, Ngọc Linh thể hiện. Bản phối trong phim được hòa âm bởi Seth Tsui, một nhạc sĩ hoạt động ở Bắc Kinh, và được chơi bởi dàn nhạc giao hưởng từ Bulgaria. Đạo diễn Trần Hữu Tấn cho biết chọn bài này vì tìm thấy sự đồng điệu trong giai điệu, ca từ, nhất là câu "Có người đến, có người đi và có người ở lại” hợp với câu chuyện sinh tồn của phim.[6]
Tác phẩm ban đầu tên Tà Năng - Phan Dũng, dự kiến ra mắt ngày 16 tháng 10 năm 2020. Nhưng do Covid-19, lịch phát hành được dời lại. Phim đổi tựa thành Rừng thế mạng với ngày chiếu mới là 21 tháng 4 năm 2021.[7] Sau đó, phim tiếp tục dời ngày chiếu sang 11 tháng 6 năm 2021.[8][9] Nhưng nó cũng không thể ra mắt đúng hẹn do đợt bùng phát Covid-19 vào giữa năm 2021 ở Việt Nam.
Cuối cùng, Rừng thế mạng được ấn định khởi chiếu ngày 31/12/2021.[10] Như vậy, đây là phim Việt đầu tiên khởi chiếu sau đợt giãn cách lịch sử năm 2021.[2]
Khoảng cách từ ngày công chiếu phim này đến hai phim Việt ra mắt gần nhất trước đó - Thiên thần hộ mệnh và Trạng Tí phiêu lưu ký (đều vào ngày 30 tháng 4 năm 2021) - lên đến tám tháng.
Rừng thế mạng chiếu ở Việt Nam với thời lượng 94 phút và nhãn C16 (không dành cho người dưới 16 tuổi).[11] Trong thời gian phim phát hành, nhiều địa phương vẫn chưa mở lại hoạt động chiếu bóng, bao gồm Hà Nội.[12]
Phim gây tranh cãi khi công bố áp phích đầu tiên vào tháng 4 năm 2020, với hình ảnh vùng Tà Năng - Phan Dũng cùng dòng chữ "Đừng tách đoàn" và "Dựa trên những sự kiện có thật". Trên mạng xã hội, một số người cho rằng phim gợi nhớ tai nạn của các phượt thủ ở cung đường này. Nhà sản xuất Hoàng Quân giải thích tác phẩm không phải phim tiểu sử, chỉ lấy cảm hứng từ chuyện có thật chứ không tái hiện tai nạn của người quá cố.[13][14]
Tháng 5 và tháng 7 năm 2020, hãng phim lần lượt giới thiệu các teaser trailer của tác phẩm. Tháng 7 năm 2020, một poster khác của phim được công bố với nội dung về vụ tìm kiếm phượt thủ mất tích.[15] Poster chính của phim được giới thiệu vào tháng 3 năm 2021.[9] Trailer chính của phim được công bố vào tháng 11/2021.[16]
Trong bốn ngày đầu phát hành, Rừng thế mạng đứng thứ hai phòng vé Việt với 8 tỷ đồng, sau bom tấn Spider-Man: No Way Home.[12] Nhà sản xuất Hoàng Quân cho biết hài lòng với kết quả trong bối cảnh nhiều địa phương chưa mở rạp, bao gồm Hà Nội.[12]
Theo trang web theo dõi phòng vé độc lập Box Office Vietnam, phim thu hơn 14 tỷ đồng sau một tháng.[17]
Xuân Phúc của Zing chấm phim 7 điểm (trên 10), khen ngợi màn trình diễn của nam chính Huỳnh Thanh Trực, phần hình ảnh và yếu tố tâm linh trong phim. "Yếu tố tâm linh tuy không xuất hiện nhiều nhưng được khai thác một cách tối ưu trong bộ phim, với những vòng luẩn quẩn không hồi đáp. Đặc biệt, phần âm thanh của phim đã thành công khuếch đại tính ma mị, khiến những cú chuyển cảnh, giọng nói càng thêm chân thật", cây bút này viết. Song, tác giả chê phim nhập nhằng thể loại, chưa đủ chất kinh dị và những màn hù dọa.[18]
Tam Kỳ của VnExpress đánh giá cao diễn xuất lăn xả của Huỳnh Thanh Trực trong vai chính, đặc biệt ở các phân cảnh diễn tả nỗi đau và tuyệt vọng của nhân vật. Tác giả cũng khen một số diễn viên phụ như Trần Phong, Kiều Trinh, nhưng chê 30 phút đầu phim dông dài vì ôm đồm tình tiết.[19] Độc giả trên trang này chấm phim điểm 6,8 (trên 10).[19] Mi Ly của Tuổi Trẻ khen diễn viên chính, nhất là trường đoạn độc diễn hơn 20 phút khá ám ảnh (khi nhân vật lạc trong rừng), nhưng đánh giá đường dây câu chuyện còn yếu, cách xây dựng tâm lý nhân vật chưa sâu.[20]