Sân chim hay vườn chim, mảng chim,[1] vườn cò, là địa điểm quy tụ thường xuyên các loài chim đến kiếm ăn và sinh sản.[2] Các sách địa dư-chí ngày xưa thường gọi các địa điểm này là điểu đình (鳥庭).[2] Sân chim là từ dùng chỉ khu vực chim đẻ chủ yếu trên mặt đất, vườn chim và máng chim là nơi chim đẻ trên cây.[3] Cho đến 2019, Việt Nam có hơn 30 sân chim, bao gồm các sân chim nhân tạo của tư nhân mới lập; hầu hết trong số đó tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long. Sân chim ở Việt Nam phải đối mặt với tình trạng đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắn. Nhiều sân chim đã được quy hoạch thành khu bảo tồn để bảo vệ, như Vườn chim Bạc Liêu,...[4]
Sân chim được xác định là nơi vắng vẻ nhiều cây cỏ, hoặc là các khu rừng.[5] Các địa điểm này có hệ thực vật phong phú, phát triển và khí hậu thích hợp cho các loài chim.[6] Các khu vực này thường rất màu mỡ, do lượng phân chim bổ sung cho đất đai khu vực.[7] Hầu hết sân chim ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều phân bố trong các khu rừng ngập mặn.[8] Các loài chim quý hiếm có: cò trắng, quắm đen, quắm trắng, bạc má, còng cọc, le le, cò trắng, cò lửa, cò ngàn lớn, cò ruồi, cò lửa,... trong đó, các loài như giang sen, diệc mốc và gà đẩy chỉ có ở miền Tây.[9] Tỉnh Đồng Tháp có hơn 8.000 ha diện tích sân chim, tỉnh Long An có 5.000 ha, tỉnh An Giang có 845 ha, tỉnh Bạc Liêu có 250 ha,...[10] Nhiều sân chim đã được quy hoạch thành khu bảo tồn để bảo vệ, như Vườn chim Bạc Liêu,...[4]
Tại các tỉnh như Bạc Liêu đã xuất hiện hình thức vườn chim tư nhân, là các vườn chim do các hộ dân trồng và chăm sóc. Điều này đã tạo ra môi trường sinh thái cho các loài chim, cò kéo về. Diện tích các vườn chim tư nhân cũng khá rộng, như Vườn chim Lập Điền ở xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải có diện tích 21 ha; Vườn chim ấp 4 ở xã Phong Thạnh Tây, huyện Giá Rai rộng trên 20 ha.[11] Một số vườn chim tư nhân cũng đã được chính phủ Việt Nam quy hoạch thành khu bảo tồn thiên nhiên, để bảo vệ một cách nghiêm ngặt, và dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường. Từ thập niên 1990, vườn cò Ngọc Nhị tại Ba Vì, Hà Nội đã được chính phủ quốc hữu hóa để chuyển đổi sang mục đích bảo tồn. Diện tích vườn cò gần 10 ha với gần 96 loài thực vật và 100 loài chim cò kéo đến sinh sống: cò trắng, cò bợ, cò khoang, cò lửa, cò mốc, vạc,...[12]
Hiện nay, các sân chim trên khắp đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng. Môi trường sinh thái bị phá hủy và nhiều loài biến mất. Tình trạng săn bắn trái phép không được ngăn chặn khiến số lượng các loài sụt giảm nghiêm trọng. Chim bị bẫy và bắt tràn lan. Các khu vực sân chim bị phá hủy do tình trạng lấn đất phá rừng để nuôi tôm, canh tác,... dẫn đến không chỉ chim mà hệ sinh thái động thực vật đa dạng của sân chim cũng mất đi. Hơn 150 loài thực vật thuộc 50 họ, cùng với 15 loài bò sát và 100 loài động vật khác bị đe dọa và đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.[9]
Các sân chim tư nhân ở vùng Bắc Bộ cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt là nạn săn bắn. Một thống kê vào năm 2017, Vườn cò Đào Mỹ lớn nhất Bắc Giang có 15.000 cá thể chim, cò, đến 2018 chỉ còn khoảng 3.000 con.[13] Tại nhiều nơi cò, chim thuộc nhiều chủng loại trở thành mặt hàng ẩm thực được mua bán, kinh doanh ăn uống công khai. Nhiều khu như Khu Du lịch Sinh thái Vườn cò Toàn Thắng ở xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau làm thịt hàng trăm con mỗi ngày. Thực đơn là các tấm bảng quảng cáo lớn, ghi rõ: chim, cò, vạc, còng cọc,...[14]
Các quy định mới của pháp luật đã được mở rộng để bảo vệ các loài như chim, cò, vạc, còng cọc hoang dã. Các vi phạm có thể nhận mức phạt lên đến 500 triệu đồng. Giá trị mặt hàng vi phạm trên 300 triệu đồng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự.[14] Vườn cò Ngọc Nhị tại Hà Nội được xem là địa điểm sân chim cung cấp ẩm thực nổi tiếng Bắc Bộ.[14] Các sai phạm đã bị chính quyền địa phương phát hiện, tiến hành kiểm tra và xử phạt. Tuy nhiên mức phạt hành chính và viết giấy cam kết được xem là khó hiệu quả trong việc bảo vệ các loài chim, cò.[12]
Năm 2022, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành. Chỉ thị chỉ ra nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.[15] Nội dung: "yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương các cấp yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật. Đồng thời, không mua các cá thể chim để phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép".[16]
Một thống kê vào năm 1995, có 17 vườn chim ở đồng bằng sông Cửu Long và 1 vườn chim ở Bắc Bộ.[17] Năm 2019, đồng bằng sông Cửu Long có 31 sân chim.[10]
Thuế sân chim hay còn gọi là thuế điểu đình được trưng thu ở Hà Tiên thời Nguyễn, là loại thuế thu từ việc mua bán chim, bao gồm lông chim.[35] Các thương nhân người Hoa là những người tìm kiếm loại mặt hàng lông chim, đặc biệt là lông của chim quý.[36] Người dân địa phương bắt chim nhổ lông để bán. Loại thuế này bị vua Minh Mạng bãi bỏ vào năm 1820, thay vào đó là lệnh cấm săn bắn chim.[35]
...tiểu dân trục lợi lấy việc đánh chim làm làm nghề nghiệp, làm hại nhiều sinh vật, lòng ta không nỡ để như thế. Vậy bãi đi.[35]
Đến thời Pháp thuộc, khu vực Nam Bộ bị đánh thuế sân chim, gấp 4 lần thuế ruộng. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, trong các vùng giải phóng họ cũng đánh thuế này.[37]
|journal=
(trợ giúp)