Suzucho Karatedo Ryu | |
Tên Hán-Việt | Linh Trường Không Thủ Đạo Phái |
Nguồn gốc | võ thuật Nhật Bản |
Năm sáng lập | 1963 (cũng có tài liệu ghi 1960) |
Người sáng lập | Suzuki Choji |
Nội dung truyền dạy | Võ đạo, Nghệ thuật chiến đấu |
Cơ cấu tổ chức | Chưởng môn, Trưởng tràng, Trưởng bộ môn |
Chưởng môn đương nhiệm | Suzuki Tokuo |
Trưởng tràng đương nhiệm | Lê Văn Thạnh |
Nơi hoạt động chủ yếu | Việt Nam |
Suzucho Karatedo (鈴長空手道) là tên một hệ phái Karatedo ở Việt Nam do võ sư Suzuki Choji sáng lập vào năm 1963[1][2]. Suzucho Karatedo còn được đọc theo tên gọi phiên âm Hán Việt là Linh Trường Không Thủ Đạo.
Suzucho là từ ghép từ họ và tên của tổ sư sáng lập võ phái, Suzuki Choji (鈴木長治). Suzucho (鈴長, Linh Trường) hàm nghĩa khát vọng lưu lại sự nghiệp dài lâu như tiếng chuông ngân xa. Suzucho Karate-Do còn được gọi theo phiên âm Hán Việt là Linh Trường Không Thủ Đạo.[3]
Võ sư Suzuki Choji lúc đó là một người lính Nhật Bản, sau khi Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai chấm dứt, ông đã vì tình yêu với bà Nguyễn Thị Minh Lệ nên đã ở lại Việt Nam lấy tên Việt Nam là Phan Văn Phúc[4]. Sau Hiệp Định Genève, chia đôi lãnh thổ Việt Nam, võ sư cùng phu nhân là Nguyễn Thị Minh Lệ, chuyển về định cư tại Đà Nẵng. Một thời gian sau, võ sư về sống tại Huế. Tại đây, ông thành lập Đạo đường Karatedo đầu tiên ở chính ngôi nhà của mình, tại số 8 Võ Tánh, Huế. Thời gian này chính quyền chưa cấp phép dạy võ, nhưng võ sư cũng đã đào tạo và truyền thụ cho vài học trò tâm huyết. Đạo đường số 8 Võ Tánh ghi nhận công sức tập luyện của những cao đồ của thầy Suzuki như Nguyễn Nhuận, Ngô ĐồngHạ Quốc Huy, Nguyễn Xuân Dũng, Khương Công Thêm, Võ Đại Vạn, Hoàng Như Bôn, Lê Văn Thạnh, , Vĩnh Tung, Bảo Trai, Trương Đình Hùng, Nguyễn Văn Dũng, Trương Dẫn,...
Sau ngày 01 tháng 11 năm 1963, Nha Thanh niên Trung nguyên Trung phần đã cấp giấy phép chính thức mở võ đường Hệ phái Suzucho Karatedo[5] (Linh Trường Không Thủ Đạo phái) tại ngôi nhà của võ sư, nơi khởi nguồn cho sự hình thành và phát triển hệ phái Suzucho Karatedo sau này. Võ đường bắt đầu được quyền thu nhận võ sinh mới. Võ sư trở thành Chưởng môn đời thứ nhất của hệ phái Suzucho Karatedo.
Trong thời gian này, một số cao đồ của võ sư đã xin mở một số lớp võ ở các trường đại học, cao đẳng, trung học lân cận. Huế trở thành nơi có phong trào Karatedo phát triển mạnh nhất và được coi như cái nôi của Karatedo Việt Nam[6].
Năm 1964, võ sư Suzuki Choji mở khóa đào tạo đặc biệt mang tên Bodankumi[7] và chỉ gồm duy nhất 7 người, giờ tập được nâng lên gấp đôi bình thường với mục đích truyền tải tất cả tinh hoa võ học Karate nhằm xây dựng thế hệ huấn luyện viên chủ chốt cho tương lai. Cuối cùng, do nhiều điều kiện khách quan, chỉ còn duy nhất cao đồ Lê Văn Thạnh tiếp nối được bước đi của thầy.
Tháng 3 năm 1973, võ sư Suzuki trao lại quyền quản lý Đạo đường số 8 Võ Tánh, Huế cho cao đồ là võ sư Lê Văn Thạnh, còn võ sư đi phát triển Karatedo tại Đà Nẵng và các tỉnh thành khác. Trong khi đó Võ sư Nguyễn Xuân Dũng mở võ đường Champion ở đuong Trần Hưng Đạo Saigon, và võ sư Võ Đại Vạn mở võ đường Chính Đúc ở Gia Định.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, các sinh hoạt võ thuật của Miền Nam Việt Nam bị cấm chỉ, võ đường Suzucho không còn hoạt động nữa. Võ sư cùng gia đình chuyển vào Thành phố Sài Gòn sinh sống cho đến khi hồi hương về Nhật Bản năm 1978. Trong thời gian này, các môn đồ Suzucho vì nhiều lý do nên mỗi người một phương. Tuy nhiên ở Huế vẫn còn tập trung nhiều môn đồ. Trưởng tràng đương nhiệm Lê Văn Thạnh đã vừa tập trung phát triển môn võ tại Huế, vừa đi các tỉnh, thành khác để vận động, động viên những môn đồ của thầy Suzuki cố gắng sinh hoạt, phát triển Karatedo tại địa bàn mình cư trú, làm việc.
Từ năm 1978 trở đi, các cao đồ của thầy Suzuki lần lượt đi phát triển phong trào Karatedo ở các địa phương, tỉnh thành. Võ sư Lê Văn Thạnh thành lập võ đường Bodankumi tại số 118 Chi Lăng, Huế năm 1978. Tại đây, ông đã đào tạo được nhiều môn đồ của Hệ phái, trong đó có những người đã là huấn luyện viên của đội tuyển Karatedo Quốc gia và rất nhiều người là trưởng bộ môn Suzucho Karatedo của các tỉnh, thành, ngành. Võ sư Nguyễn Văn Dũng thành lập phân đường Nghĩa Dũng Karatedo đặt tại số 8 Trương Định, Huế cũng vào năm 1978, là một trong bốn phân đường lớn của Suzucho Karatedo sau này. Võ sư Khương Công Thêm phát triển Karatedo Long An. Võ sư Ngô Đồng phát triển Cương Nhu Karatedo. Võ sư Hạ Quốc Huy tham gia phát triển Karatedo Đà Nẵng, sau đó thành lập phái Quyền Đạo Việt Nam tại Mỹ. Võ sư Trương Đình Hùng thành lập Đạo đường Choju (Đồng Nai) (1981)....
Năm 1985, chính phủ Việt Nam cho phép võ thuật được hoạt động trên cả nước, được tham gia những giải đấu võ thuật lớn của thế giới[8]. Suzucho Karatedo bắt đầu được phổ biến rộng rãi ở trong nước và cả nước ngoài. Những học trò của thầy Suzuki như Hạ Quốc Huy, Henry Lam... đã mang môn võ của thầy mình ra nước ngoài và thành lập những võ đường ở Mỹ, Canada v.v. Năm 1984, ông Hoàng Vĩnh Giang lúc đó với tư cách là Phó giám đốc Sở Thể dục Thể thao Hà Nội đã có thư mời Võ sư Lê Văn Thạnh, lúc đó đang là Trưởng tràng hệ phái, ra giúp cho Hà Nội phát triển môn võ này. Vào thời gian này, ông đã hỗ trợ huấn luyện cho gần 10 người, trong đó có những người sau này làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia như Đoàn Đình Long, Lê Công. Trong thời gian đó ông vẫn thỉnh thoảng ra vào các tỉnh miền trung và miền nam như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai để tiếp nối bước Thầy mình giúp phát triển các võ đường Suzucho Karatedo. Võ sư Đoàn Đình Long sau này tách khỏi hệ phái Suzucho Karatedo và thành lập hệ phái Đoàn Long Karatedo.
Năm 1992, đội tuyển Karatedo Việt Nam được thành lập. Từ đó đến nay, đội tuyển ghi nhận công sức đóng góp rất lớn của các huấn luyện viên thuộc hệ phái Suzucho Karatedo.
Qua hàng chục năm hình thành và phát triển, đến nay, các thế hệ học trò của các cao đồ đi trước đã xây dựng được các bộ môn Suzucho Karatedo ở 40 phân đường chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngành trong nước, và 10 phân đường chi nhánh ở nước ngoài.
Toàn bộ hệ thống triết học của Hệ phái Suzucho Karatedo được ngầm chứa trong 9 bài quyền đặc dị, gồm 6 bài YEN và 3 bài MAKI.
Số 9 biểu hiện khát vọng không ngừng vươn tới sự hoàn thiện hoàn mỹ, cũng là biểu hiện sự vận hành của Dịch lý.
YEN (円) là vòng tròn, sự luân chuyển không ngừng. Quá trình tập luyện Karate-Do là quá trình tự thăng hoa mình. Là quá trình hun đúc cho mình một cái tâm tràn đầy như nước, một cái thần trong sáng như trăng, một ý chí sắt đá không gì lay chuyển; một cái đức nhân ái, công bằng và cao thượng; một tri thức thấu đáo mọi lẽ; một cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đĩnh đạc. Đó là quá trình đạt đến sự hoàn thiện, hoàn mỹ.
MAKI (巻き) là cuộn, quyền, là quyền lực. Quá trình tập luyện Karate-Do còn là quá trình hun đúc cho mình sức mạnh, bản lĩnh, quyền năng để vượt thắng những tác động của thiên nhiên: gió mưa, nóng lạnh, bệnh tật; những cám dỗ của trần thế: sắc đẹp, tiền tài, danh vọng; và nỗi sợ hãi trước lẽ thành bại, được mất, sống chết của kiếp người. Đó là quá trình đạt tới cõi tự tại, tự giác.
Cơ cấu tổ chức của hệ phái được ghi rõ trong Điều lệ, còn gọi là Môn quy: Chưởng môn là người lãnh đạo tinh thần. Một Ban chấp hành, đứng đầu là Trưởng tràng, thay mặt Chưởng môn điều hành Hệ phái. Dưới Ban chấp hành là các phân đường lớn, và phân đường chi nhánh các tỉnh, thành, ngành. Dưới phân đường tỉnh, thành, ngành là các võ đường hoặc câu lạc bộ cơ sở. Hệ phái là một tổ chức truyền thống hoạt động trên nền tảng Võ đạo Karate, Luật pháp quốc gia, và theo định hướng của ngành Thể dục Thể thao.
Sau khi Chưởng môn Suzuki Choji qua đời năm 1995, con trai trưởng của thầy là Võ sư Suzuki Tokuo đăng quang Chưởng môn đời thứ II, cuối năm 1995.
Trong Hệ phái, Trưởng tràng là chức danh mang tính truyền thống. Là người chịu trách nhiệm trực tiếp với Chưởng môn, là người phụ trách điều hành mọi hoạt động của Hệ phái. Trước 1995 và sau 2006, Trưởng tràng do Chưởng môn chỉ định. Từ 1995 đến 2006, Trưởng tràng do Đại hội Hệ phái bầu, được Chưởng môn xét duyệt và ra Quyết định bổ nhiệm.
Qua gần 50 năm hình thành và phát triển, Hệ phái có tất cả 15 đời Trưởng tràng theo thứ tự: Nguyễn Nhuận (1966), Khương Công Thêm (1967), Võ Đại Vạn (1968-1969) Nguyễn Xuân Dũng (1969 - 1970), Hạ Quốc Huy (1970), Trần Đình Tùng (1971), Hoàng Như Bôn (1972), Nguyễn Bá Kiều (1973), Lê Văn Thạnh (1973 - 1986), Ngô Văn Thanh (1986 - 1987), Lê Văn Thạnh (1987 - 1989), Hoàng Như Bôn (1989 - 1990), Khương Công Thêm (1990 - 1994), Nguyễn Văn Dũng (1995 - 2006), Lê Văn Thạnh (2006 - nay).
Hệ phái Suzucho Karate-Do hiện có hơn 40 phân đường chi nhánh ở các tỉnh, thành, ngành trong nước và 10 phân đường chi nhánh ở nước ngoài, với khoảng hơn 30.000 môn sinh thường xuyên tập luyện. Nhiều người trong số đó là những huấn luyện viên, trọng tài lão luyện của làng Karate-Do Việt Nam như võ sư Đoàn Đình Long, Lê Công, Lê Văn Thạnh. Nhiều người trong số đó là những vận động viên xuất sắc như Phạm Hồng Hà, Nguyễn Anh Tuấn, Trần Văn Thông, Vũ Quốc Huy, Hà Thị Kiều Trang, Vũ Thị Kim Anh Vũ Nguyệt Ánh.
Cũng như cây đại thụ có nhiều cành, nhiều nhánh, Hệ phái Suzucho Karate-Do phát triển rộng khắp, đã hình thành 03 chi phái và nhiều phân đường lớn.
Mỗi Phân đường đều có sắc thái riêng mang đậm nét tính cách, nhân cách, quan điểm, quan niệm, sở trường, sở đoản, nghề nghiệp, vị trí xã hội... của vị Trưởng phân đường: