Tanegashima (種子島 (chủng tử đảo)) hay Hinawajū (火縄銃 (hoả thằng súng)) là một loại súng hoả mai [1] được du nhập vào Nhật Bản vào năm 1543, thông qua người Bồ Đào Nha.[2] Tanegashima được sử dụng bởi tầng lớp samurai và cả lính bộ binh (ashigaru). Chỉ trong vài năm đầu kể từ khi xuất hiện, tanegashima đã khiến lịch sử quân sự Nhật Bản có nhiều chuyển biến lớn.[3]
Tanegashima được cho là dựa theo mẫu súng hoả mai được sản xuất ở Goa - Một thuộc địa của Bồ Đào Nha tại Ấn Độ.[4] Cái tên tanegashima được bắt nguồn từ tên một hòn đảo ở phía nam Nhật Bản (đảo Tanegashima) - nơi thuyền của các nhà thám hiểm người Bồ Đào Nha và Trung Quốc ghé vào tránh bão (năm 1543). Khi đó, lãnh chúa của hòn đảo này, Tanegashima Tokitaka (1528 - 1579) đã mua hai khẩu súng hoả mai từ những người Bồ Đào Nha này rồi giao nó cho các xưởng rèn kiếm để sao chép và sản xuất đại trà loại vũ khí mới này. Mọi việc diễn ra khá thuận lợi, cho đến khi một vấn đề lớn nảy sinh: việc đúc nòng súng hầu như là quá sức với những người thợ rèn thời bấy giờ vì cấu tạo quá phức tạp (so với kiếm) và công nghệ sản xuất này chưa từng xuất hiện ở Nhật Bản khi đó dẫn tới việc không ai có đủ kinh nghiệm để làm. Do đó việc sản xuất tanegashima bị trì hoãn, cho tới tận một năm sau, khi các thợ đúc súng Bồ Đào Nha quay trở lại Nhật lần thứ hai thì vấn đề này mới được giải quyết.[5] Chỉ trong vòng 10 năm kể từ khi xuất hiện, đã có tới hơn 300.000 khẩu tanegashima được sản xuất.[6]
Sengoku là thời kì loạn lạc bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản. Các lãnh chúa cát cứ tại các địa phương xây dựng cho mình lực lượng quân sự riêng và giao chiến với nhau trong các cuộc tranh giành quyền lực và lãnh thổ không hồi kết.[7] Giữa bối cảnh ấy, tanegashima được du nhập vào Nhật Bản và nhanh chóng trở thành vũ khi chiến lược trên chiến trường.
Nhưng tại thời điểm mới xuất hiện, tanegashima không nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà lãnh đạo, lý do là vì nó không thể hiện được ưu thế gì vượt trội hơn so với các loại vũ khí khác, nếu không nói là thậm chí còn tỏ ra yếu thế hơn. Khi đó, súng vẫn còn thô sơ và cồng kềnh. Người ta ước tính, trong thế kỉ XVI, trong thời gian để một xạ thủ bắn, nạp đạn và chuẩn bị cho lượt bắn tiếp theo thì một cung thủ có thể bắn tới 15 mũi tên.[8] Tầm hoạt động hiệu quả cũng rất hạn chế, chỉ từ 80 - 100m, chưa kể ở trong cự ly này, đạn có thể dễ dàng bị đánh bật lại bởi áo giáp. Không chỉ vậy, tanegashima còn rất kị nước vì trong điều kiện thời tiết ẩm ướt hay mưa thì thuốc súng rất dễ bị ẩm, gây ảnh hưởng đến uy lực của viên đạn hay thậm chí là cả việc súng không nổ.[8] Nhưng dù vậy, không thể phủ nhận những ưu điểm của tanegashima so với yumi (cung) như dễ sử dụng: chỉ trong một thời gian ngắn là một ashigaru có thể học được cách sử dụng tanegashima, khiến cho nó có thể trang bị hàng loạt cho lính nông dân hay samurai cấp thấp mà không cần qua đào tạo lâu dài.[9]
Hơn nữa, sau đó Nhật Bản cũng đã phát triển nhiều kĩ thuật khác nhau để nâng cao hiệu quả của tanegashima. Để khắc phục nhược điểm về vận tốc bắn, người Nhật đã nghĩ ra cách bắn theo lượt, nghĩa là nhiều hàng luân phiên bắn trong khi hàng khác nạp đạn, cứ lần lượt từng hàng đổi phiên theo chu kì sẽ đảm bảo về mật độ hỏa lực cũng như hiện quả chiến đấu.[10] Với nhược điểm về sức mạnh thì họ phát triển những khẩu súng có cỡ nòng lớn để tăng sức sát thương.[10] Điểm yếu với nước cũng được khắc phục khi có thêm một hộp bảo vệ bằng sơn mài ngăn nước thấm vào thuốc súng, cho phép xạ thủ chiến đấu ngay cả trong điều kiện trời mưa.[11] Ngoài ra, một thước ngắm cũng được phát triển để tăng độ chính xác.[12]
Năm 1549,Oda Nobunaga là lãnh chúa đầu tiên trang bị cho quân đội của mình 500 khẩu tanegashima. Và như một kết quả tất yếu, năm 1567, Takeda Shingen đã phải tuyên bố rằng:"Sau này, súng sẽ là vũ khí quan trọng hàng đầu, do đó hãy bỏ bớt giáo đi và trang bị cho những chàng trai một khẩu súng."[13]
Một minh chứng rõ rệt cho sự hiệu quả của những khẩu súng là trận Nagashino năm 1575, 3000 xạ thủ của tộc Oda được điều động trong trận chiến này, họ đứng ở một bên bờ sông và dùng những tấm chắn bằng gỗ để ngăn cản kị binh và bộ binh của gia tộc Takeda vượt sang từ bờ bên kia. Áp dụng chiến thuật bắn luân phiên 3 hàng lần lượt, quân Oda tạo ra một trận "mưa đạn" với hàng ngàn viên trên một lượt bắn, đốn ngã và tiêu diệt hàng loạt samurai của Takeda đang loay hoay giữa dòng sông khiến quân Takeda tổn thất nặng nề.[14] Sự thất bại tại Nagashino của kị binh Takeda danh tiếng đã mang lại những thay đổi lâu dài trong chiến thuật thời bấy giờ.
Do được du nhập vào đúng giữa thời chiến quốc loạn lạc, nên Nhật Bản tỏ ra rất nhiệt thì với loại vũ khí mới này. Người ta ước tính, số lượng tanegashima được sản xuất trong giai đoạn này nhiều hơn bất kì loại súng có ngòi của bất kì quốc gia châu Âu nào về số lượng.[9]
Trong cuộc xâm lược Triều Tiên năm 1592 của Toyotomi Hideyoshi, trong 500 ngàn quân Nhật lúc đó có tới trên 1/4 là xạ thủ được trang bị tanegashima.[15] Bước đầu của cuộc tấn công rất thành công khi chiếm được Seoul chỉ trong vòng 18 ngày kể từ khi đổ bộ xuống Pusan.[16]
Thời kì nội chiến Sengoku để giành quyền kiểm soát Nhật Bản kéo dài gần hai thập kỉ được đánh dấu kết thúc vào tháng 10 năm 1600, sau trận chiến tại Sekihagara với chiến thắng thuộc về Tokugawa Ieyasu. 3 năm sau, Ieyasu chính thức nhận chức Sei-i Daishōgun (征夷大将軍 - Chinh Di Đại tướng Quân) và thành lập Mạc phủ Tokugawa, mở ra một thời kì hoà bình mới, kéo dài gần 300 năm. Thời kì mới được gọi là Edo, theo tên của thủ đô lúc bấy giờ. Từ giữa thế kỉ XVII, Mạc phủ Tokugawa quyết định thực hiện chính sách "bế quan toả cảng", đóng cửa ngoại giao với tất cả các nước phương Tây cũng như các nước láng giềng gần như Trung Quốc hay Triều Tiên thông qua chính sách Sakoku.
Trái với những gì người ta dự đoán, điều này không dẫn đến việc Nhật Bản "bỏ súng". Nhưng ở một số mặt, quả thực những khẩu súng đã ít được sử dụng hơn, do khi đó, Nhật Bản không có bất kì cuộc xung đột quy mô lớn nào, những cuộc tranh chấp vừa và nhỏ thì sử dụng kiếm sẽ phù hợp hơn (vì chi phí sử dụng khá tốn kém nên không có "đại sự" thì chẳng mấy ai lại xách súng ra bắn nhau cả). Ngoài ra, súng cũng không được sử dụng nhiều vì ở nông thôn, nó chẳng có tác dụng gì trong việc doạ và xua đuổi thú vật.[17] Nhưng tất cả những điều trên cũng không làm cho việc sản xuất súng ở Nhật Bản bị đình trệ, bằng chứng cho thấy điều này là trong thời kì Edo, vẫn có khoảng trên 200 xưởng đúc súng vẫn đi vào hoạt động.[18] Và bởi vì không có kẻ thù từ bên ngoài (lẫn bên trong) nên súng chỉ còn được sử dụng bởi các samurai trong mục đích săn bắn hoặc luyện tập, phần còn lại, chủ yếu tanegshima được chuyển xuống các kho vũ khí của nhiều lãnh chúa (daimyo) khác nhau.
Năm 1854, với sự xuất hiện của hải quân Hoa Kỳ tại Nhật Bản do Phó Đề Đốc Perry chỉ huy đã đánh dấu một thời kì tái trang bị vũ khí. Tanegashima lúc đó đã trở thành một vũ khi lỗi thời và kém hiệu quả so với hoả lực của Mĩ lúc đó. Các phe phái samurai khác nhau mua các vũ khí tiên tiến của phương Tây bao gồm cả súng trường minié, súng khai hậu, súng trường lên đạn tay không tự động. Cuộc duy tân Minh Trị năm 1868 đã đánh dấu chấm hết cho thời đại samurai với việc tái tổ chức lại hệ thống quân đội và vũ khí dựa theo phương Tây và thành lập Lục quân Đế quốc Nhật Bản. Những bộ chiến giáp samurai, vũ khí lạnh và cả tanegashima cũng đã bị lãng quên kể từ đó.