Tôi nhận thấy trong wiki tiếng Việt có tới 2 bài viết về Chợ Nổi. Xin đề nghị các tác giả góp 2 bài thành một.
Tựa đề "chợ nổi" http://vi.wikipedia.org/wiki/%22ch%E1%BB%A3_n%E1%BB%95i%22
Tựa đề Chợ nổi http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A3_n%E1%BB%95i
Có 1 phần tôi muốn đóng góp, đó là quá trình lịch sử hình thành chợ nổi.
Giai đoạn khai phá miền Nam của nhà Nguyễn cũng gần thời điểm khi nhà Thanh bên Trung Quốc lập triều đại mới. Rất nhiều dân Trung Quốc vẫn còn trung thành với Minh triều đã ly khai và chạy trốn đến các vùng đất khác như Đài Loan và các vùng đất Đông Nam Á, trong đó có đất Gia Định thuộc Việt Nam. Các thương thuyền của người Hoa ra vào buôn bán ở Gia Định vào thời đó không phải là hiếm. Họ đưa thuyền theo biển, đi ngược sông và buôn bán hoặc mãi võ khắp các sông rạch vùng Mê-kông. Vì lý do chính trị nên thành phần người Hoa (có nguồn gốc Thiên Địa Hội) này không bao giờ ở một chỗ mà ở trên ghe. Tôi nghĩ đó là lý do vì sao người dân Gia Định có thói quen "ở trên ghe thuyền" (chứ không phải di chuyển bằng ghe thuyền), vì một bộ phận trong số họ là dân du mục có nguồn gốc Trung Hoa. Trang liên kết để tham khảo:
Gia Định: http://vi.wikipedia.org/wiki/Gia_%C4%90%E1%BB%8Bnh
Nhà Thanh: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nh%C3%A0_Thanh
Tỉ lệ người dân Gia Định có nguồn gốc Trung Hoa nhiều hơn tỉ lệ người Thăng Long lai Hoa, tôi nghĩ cũng vì lí do này. Dĩ nhiên đây không phải là lí do duy nhất nhưng nó cũng góp phần trong lịch sử hình thành nên văn hóa chợ nổi.
Hơn nữa, do địa lý đồng bằng Gia Định quá rộng lớn, người dân Gia Định lúc bấy giờ lại ở rải rác khắp nơi, nên khi muốn họp chợ họ phải chờ ngày đi chợ phiên. Vào ngày đó, dân từ ở khắp các nhánh sông sẽ đổ về những khúc sông lớn, chở theo những sản phẩm (hầu hết là nông sản) mà họ kiếm được, trên ghe thuyền (di chuyển nhanh hơn và tiện lợi hơn). Và vì ai cũng đi thuyền ra chợ để trao đổi buôn bán nên họ mua và bán ngay trên thuyền chứ không cần phải lên cạn, như vậy tiết kiệm rất nhiều công sức.
Xin đóng góp vài ý kiến như trên cho mọi người tham khảo. Thân ái.
--Ronin 18:03, ngày 14 tháng 9 năm 2007 (UTC)
CHỢ NỔI – MỘT HÌNH THỨC SINH HOẠT KINH TẾ-VĂN HÓA ĐẶC THÙ CỦA DÂN CƯ NAM BỘ
1/ Dẫn nhập:
1.1. Để tìm hiểu thêm một nét sinh hoạt kinh tế-văn hóa đặc thù của người dân Đồng Bằng Sông Cửu Long kể từ khi người dân Việt Nam vào sinh sống ở đây, chúng tôi xem chợ nổi là một hình thức sinh hoạt văn hóa đáng quan tâm. Thông qua tìm hiểu nét sinh hoạt kinh tế-văn hóa đặc thù ấy, chúng tôi cũng có đôi điều suy nghĩ khả dĩ có thể giúp việc sinh hoạt ấy ngày càng tốt đẹp hơn, đề xuất những ý kiến quản lý chợ nổi hiệu quả hơn.
1.2. Khi con người đã có sản phẩm trao đổi và nhu cầu cần trao đổi thì họ nghĩ đến nơi họ gặp nhau để trao đổi và mua bán. Và chợ là nơi những người có nhu cầu mua hoặc bán tụ họp lại. Từ xưa đến nay, chợ có rất nhiều hình thức và phổ biến nhất là chợ trên đất liền. Điều đó không cần bàn gì thêm. Ở đây, chúng tôi muốn dẫn quý vị đi tìm hiểu một hình thức chợ, họp chợ rất đặc thù của khu vực đồng bằng sông nước sông Cửu Long mà không nơi nào khác ở Việt Nam có. Chúng tôi muốn nói đến những cái chợ nổi trên sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có lịch sử ít nhất hàng vài trăm năm thích hợp với khu vực đặc thù sông nước của vùng này.
Chúng ta thử tìm hiểu tại sao lại có chợ nổi ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hiện nay chưa có một bài viết nào tìm hiểu sâu về hình thức chợ nổi trên sông ở ĐBSCL, có chăng chỉ là những dòng viết tản mạn của các sách hướng dẫn du lịch. Những sách ấy chỉ dừng lại việc mô tả một vài ngôi chợ nổi điển hình ở ĐBSCL mà chưa đi sâu phân tích, lý giải, tìm hiểu những nguyên nhân gì dẫn đến hình thành một ngôi chợ nổi trên sông. Có chăng, thì các sách ấy chỉ nói do đặc thù của miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long nên có chợ nổi.
1.3. Chúng tôi sử dụng phương pháp quan sát thực địa là chính, kèm theo là phỏng vấn những người trực tiếp tham gia mua bán ở chợ nổi và kết hợp với việc tìm hiểu những điều kiện đặc thù của miền sông nước Tây Nam bộ. Mục đích của chúng tôi khái quát lên được những nét cơ bản của những cái chợ nổi trên sông, mặt ưu cũng như khuyết của chúng để từ đó nêu lên những ý kiến giúp cho những ngôi chợ nổi này ngày càng phát triển hoặc nếu nó không còn phù hợp với xu hướng kinh doanh hiện đại thì nên giải thể.
Các từ điển tiếng Việt, tiếng Nôm mà chúng tôi có trong tay có đề cập đến chợ, nhưng không có quyển nào đề cập đến chợ nổi dù chỉ là một dòng định nghĩa; như vậy, dường như là chợ nổi không có tồn tại trong sách vở vậy. Trái lại, ở ĐBSCL có rất nhiều chợ nổi, điển hình như: chợ nổi Cái Bè (thuộc Tiền Giang), chợ nổi Cái Răng (thuộc Cần Thơ), chợ nổi Phụng Hiệp (thuộc tỉnh Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang) trên sông Bassac gần thị xã Châu Đốc… Các chợ nổi này hoạt động tự phát từ xưa đến nay, không có sự quản lý hành chính, thu thuế nào một cách chặt chẽ. Chợ nổi tự phát là do những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn địa phương và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương hình thành nên. Trên mạng internet có một số bày viết cảm nhận về chợ nổi, nhưng chưa làm rõ được về chợ nổi. Về lịch sử chợ nổi, chúng tôi quả thực là không biết đích xác nó có tự bao giờ, và cũng không thấy tài liệu nào ghi lại thời gian xuất hiện của nó. Gần đây, một số sách giới thiệu về du lịch Việt Nam có vài dòng đề cập về chợ nổi, chẳng hạn quyển Non Nước Việt Nam viết về một số chợ nổi như sau: Chợ nổi Cái Bè “Nằm ở đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre. Hàng ngày có tới gần trăm thuyền lớn, nhỏ chất đầy sản vật, trái cây neo dọc hai bên sông để chờ thương lái đến cất hàng. Hàng hóa được treo vào một cây sào cao để người mua dễ nhìn thấy. Trên mặt sông còn rất nhiều thuyền nhỏ chợt đến, chợt đi như mắc cửi, tạo nên cảnh sinh hoạt trên sông luôn sôi động” [Non Nước Việt Nam – Sách Hướng Dẫn Du Lịch, Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, Hà Nội in lần thứ 7, 2005; tr.642]
Cùng quyển sách trên viết về chợ nổi Phụng Hiệp như sau: “Phụng Hiệp là tên của huyện, còn địa điểm họp chợ là giao điểm của bảy nhánh sông… Tại đây mặt nước mênh mông. Ngày ngày thuyền nhỏ thuyền to tấp nập tụ về hợp chợ rồi lại đi. Nếu chợ ở trên cạn có những thứ gì, thì chợ nổi Phụng Hiệp cũng có những mặt hàng đó, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, ăn uống, đồ điện tử… Nhưng nhiều nhất vẫn là các loại trái cây. tr. 674]
2/ Tìm hiểu một chợ nổi:
Dẫn hai đoạn viết về hai chợ nổi của quyển sách trên, chúng tôi muốn nói lên một điều rằng, viết về chợ nổi còn quá ngắn gọn, ngắn gọn đến mức người đọc không hiểu gì về chợ nổi, chỉ đại khái hiểu rằng nó nằm trên sông, buôn bán trái cây là chủ yếu. Trong các chương trình thuyết minh của các công ty du lịch cũng không nói được gì nhiều hơn về chợ nổi. Do đó, nội dung giới thiệu chợ nổi hoàn toàn phụ thuộc vào các hướng dẫn viên du lịch; mỗi người diễn đạt theo cách hiểu riêng của mình mà không theo một nội dung cụ thể nào. Du khách đến chợ nổi chủ yếu là để chụp hình và xem qua một lượt về chợ nổi cùng với cách diễn giải riêng của từng hướng dẫn viên.
2.1. Những điều kiện chính để có chợ nổi trên sông.
Chúng tôi là người có liên hệ đến công tác hướng dẫn khách tham quan nên có nhiều trăn trở và suy nghĩ về chợ nổi trên sông ở ĐBSCL. Một câu hỏi mà nhiều du khách đã đặt cho chúng tôi là: Tại sao chợ nổi chỉ có ở đồng bằng sông Mê-kông mà không có ở các nơi khác ở Việt Nam? Chúng tôi đến quan sát, hỏi những người trực tiếp buôn bán ở đó và nhận thấy có những điều kiện sau đây dẫn đến hình thành một ngôi chợ nổi: Điều đầu tiên chúng tôi muốn khẳng định là chợ nổi trên sông chủ yếu mua, bán trái cây, khoai, rau quả các loại. ĐBSCL là xứ nhiệt đới gió mùa điển hình, trái cây, khoai, củ, rau quả rất đa dạng và phong phú cho nên mùa nào cũng có thể đi mua bán những mặt hàng này được, không món này thì món khác. Từ đó, một số cư dân ở ĐBSCL vì một lý do nào đó chẳng hạn như họ không có ruộng đất để sản xuất, hay xuất phát từ ý nghĩ mua bán kiếm lời trong lúc nông nhàn v.v… Rồi từ đó hình thành nên thói quen một cách tự phát là đi mua bán các loại trái cây, khoai củ, rau quả lúc nào không hay và nghề này cũng có thể truyền từ đời này sang đời khác. Vậy, thói quen mua bán trái cây, rau quả trên sông là điều kiện đầu tiên hình thành chợ nổi.
ĐBSCL với hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt tạo điều kiện thuận lợi cho xuồng, ghe đi khắp nơi trong đồng bằng. Chính vì ghe, xuồng có thể lưu thông tự do khắp nơi trong đồng bằng như vậy nên thương lái có thể len lỏi mọi ngõ ngách ở đồng bằng tìm mua các loại trái cây, khoai, rau quả mà nông dân, người làm vườn bán tại vườn với số lượng nhiều, giá rẻ. Vậy, điều kiện thứ hai để có chợ nổi là ghe, xuồng đi lại tự do khắp nơi trong đồng bằng.
Điều kiện thứ ba mà chúng tôi đã đề cập ở trên là ở ĐBSCL có nhiều loại trái cây, khoai củ, rau quả mà mùa nào cũng có. Do đó, mùa nào thương lái cũng có thể kiếm sống bằng cách đi thu mua rồi bán lại kiếm lời. Họ có thể sống được với nghề này cho nên gắn bó với nghề. Chúng tôi có hỏi một số thương lái buôn bán trên chợ nổi, họ nói rằng là thời gian trong một năm họ ở trên sông nước nhiều hơn là ở nhà trên đất. Họ di chuyển tự do từ chợ nổi này đến chợ nổi khác. Bất cứ khi nào họ cảm thấy nhàm chán cái chợ nổi này hay cảm thấy ở đây buôn bán không được tốt là họ dời xuồng sang một cái chợ nổi khác. Thông thường thì họ đem trái cây hoặc rau, củ từ một nơi sản xuất được nhiều mà nơi xung quanh chợ nổi nông dân không trồng để bán và đi mua lại những nông sản ở nơi này rồi đem bán lại ở một nơi khác. Cứ như thế, cuộc sống của họ tiếp diễn trên sông nước hết năm này sang năm khác. Khi nào họ cảm thấy không muốn buôn bán trên sông nước nữa thì giải nghệ. Những điều kiện trên, các khu vực khác ở Việt Nam không thể có được cho nên cũng không thể có chợ nổi trên sông buôn bán nông sản như vậy. Đồng bằng sông Hồng, tuy không thể so sánh với ĐBSCL nhưng cũng lớn (15.000k2) về hệ thống sông ngòi và bị đê bao quanh sông cái ngăn lũ nên ghe, xuồng không thể hoạt động, không thể len lỏi khắp nơi trong đồng bằng được. Trái cây ở đồng bằng sông Hồng cũng không đa dạng bằng. Không ai nghĩ đến việc kiếm sống như vậy nếu việc buôn bán bị gián đoạn, gây khó khăn cho đời sống kinh tế.
2.2. Những điều kiện phụ để có chợ nổi:
Không phải ở nơi nào của ở ĐBSCL cũng đều có chợ nổi. Vậy thì, một câu hỏi khác được đặt ra là: tại sao nơi này có chợ nổi mà nơi khác lại không có? Chúng tôi đã quan sát, suy nghĩ và thử trả lời cho câu hỏi này như sau: Địa điểm có chợ nổi phụ thuộc vào những yếu tố, chẳng hạn như: khúc sông họp chợ không rộng quá mà cũng không hẹp quá. Khúc sông phải tương đối rộng, không cạn quá mà cũng không sâu quá. Nếu sông sâu quá, lớn quá thì không thể neo đậu ghe, xuồng một cách dễ dàng và rất nguy hiểm. Cho nên, chợ nổi hình thành trên sông, nhưng không phải là nơi sông cái, sông mẹ. Sông có đủ rộng thì mới có không gian để neo đậu ghe, xuồng và lưu thông. Một chợ nổi lớn nhất hiện nay là chợ nổi Cái Răng, chúng tôi thấy nơi sông này không quá lớn, cũng không sâu quá.
Một điều kiện nữa là chợ nổi thường hình thành nơi mà xung quanh đó nông dân làm vườn, trồng nhiều cây ăn quả, rau, củ v.v…Nếu không khu vực mà nông dân trồng lúa không thì bất tiện, vì chỉ có trao đổi một chiều. Chúng tôi thấy rằng, nông dân làm vườn khi họ thu hoạch trái cây, rau, khoai các loại thì tự mang ra chợ tìm thương lái để bán hoặc chạy ghe không ra chợ tìm thương lái dắt vô tận vườn để bán. Họ bán cả vườn, thương lái tự thu gom lấy, tất nhiên là với giá rẻ hơn rất nhiều. Thương lái địa phương, đa phần là người buôn bán nhỏ ở các chợ địa phương khi cần mua loại trái cây, rau, khoai gì chở về nhà bán thì họ đem xuồng ra chợ nổi mà tìm. Lâu ngày buôn bán như vậy rồi thành quen, họ có đầu mối cung cấp trên sông. Chúng tôi kết luận rằng: một khúc sông không có những điều kiện trên thì không thể có chợ nổi. 2.3. Hàng hóa của chợ nổi Như chúng tôi đã nói qua ở trên, hàng hóa mua bán trên sông chủ yếu là trái cây, rau quả, khoai các loại, mùa nào thì họ mua bán nông sản nấy. Quyển Non Nước Việt Nam ở trên viết “Nếu chợ ở trên cạn có những thứ gì, thì chợ nổi Phụng Hiệp cũng có những mặt hàng đó, từ cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, ăn uống, đồ điện tử….” Như chúng tôi đã phân tích, hàng hóa mua bán trên chợ nổi là nông sản cho nên chợ nổi không thể có mọi mặt hàng như chợ trên đất được. Chúng tôi nghĩ rằng, người viết đoạn trên đi xem chợ nổi nhằm lúc có những xuồng, ghe đi bán những mặt hàng đó thật nhưng lâu lâu họ mới đi bán một lần. Đó chỉ là những dịch vụ ăn theo mà thôi. Vì những thương lái neo đậu xuồng, ghe ở chợ nổi có khi cả tuần để mua bán cho nên họ có lúc cũng mua gạo, áo quần, kim chỉ v.v… Những hàng hóa đó chỉ là phụ mà thôi chứ không phải chúng ta đi ra chợ nổi thì mua cái gì cũng có. Chợ nổi đâu có bán hàng công nghiệp, gia súc như heo, dê; gia cầm như gà, vịt! Vào những ngày cuối gần Tết, chợ nổi còn có thêm mặt hàng không thể thiếu đó là hoa các loại. Hoa ngày Tết ở chợ nổi thường là hoa cúc, hoa thọ được vô thành từng sọt nhỏ bán cho các ghe của thương lái khác trang trí và bán cho các thương lái địa phương mua về đem bán lại trên chợ đất.
Ở chợ nổi, chúng ta có thể phân biệt được ghe mua và ghe bán dễ dàng. Các ghe bán họ phải treo hàng nông sản họ cần bán lên một cây sào gọi là cây bẹo, sản phẩm họ buộc lên đó giới thiệu gọi là treo bẹo. Nói tóm lại, khi cần bán hàng gì, người ta cột một cây sào gần mũi ghe và treo sản phẩm mình muốn bán lên đó. Vả lại, các ghe bán cũng không thể rao hàng như trên chợ đất liền được bởi vì tiếng sóng vỗ ì oạp, cùng với tiếng nổ phát ra in ỏi từ ghe, xuồng máy át cả khu chợ. Người cần mua chỉ việc láy xuồng, ghe quan sát từ đằng xa là đến ngay được xuồng họ cần đến giao dịch.
3/ Vài ý kiến kết luận:
Chợ nổi là một hình thức đặc thù của vùng sông nước ĐBSCL mà từ lâu dân cư ở đây đã sáng tạo ra. Sự kinh doanh ở chợ nổi là rất năng động do có thể duy chuyển từ chỗ này sang chỗ khác một cách nhanh chóng. Chúng ta thử nghĩ, cách đây hơn 100 hoặc 150 năm, phương tiện đi lại của người dân ở ĐBSCL duy nhất là tàu, xuồng, ghe v.v…thì sẽ thấy rằng tầm quan trọng của giao thông đường thủy và chợ nổi trên sông là một hình thức mua bán rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh sống lúc bấy giờ. Hiện nay việc mua bán ở chợ nổi là không quan trọng như trước kia, nhưng do còn có vai trò thương mại của nó nên nó còn tồn tại. Và chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, những cái chợ nỗi mất đi do không hợp thời. Thế nhưng, đây là một sự sinh hoạt của dân cư ĐBSCL điển hình trước kia còn lưu lại, và chúng ta sẽ lấy làm tiếc nếu không còn được nhìn thấy cảnh sinh hoạt trên sông như vậy nữa. Một điều mà khách du quốc tế bỏ nhiều thì giờ, thậm chí dậy rất sớm để đi xem chợ nổi chính là sự sinh hoạt đặc thù của vùng ĐBSCL còn lưu lại ở chợ nổi. Chợ nổi ở ĐBSCL là tự phát do đó cảnh sinh hoạt là rất tự nhiên, do đó đem lại cho du khách nhiều thích thú, không như chợ nổi ở Thái Lan hiện nay do có sự nhúng tay của các cơ quan du lịch quá nhiều nên mất nét sinh hoạt hồn nhiên của chợ nổi. Đây là ưu điểm của chợ nổi ở ĐBSCL. Do là tự phát cho nên không có sự quản lý, tổ chức cho nên việc kinh doanh không mấy hiệu quả. Nhiều thương lái buôn bán ế ẩm, chỉ độ 10 ngày sau là các hàng nông sản như trái cây, rau, khoai khô héo, hư hỏng hoặc biến chất, giảm chất lượng và họ thất thu. Nhiều người phải bỏ nghề vì làm ăn lỗ vốn. Người tham gia mua bán trên sông không có ý thức giữ gìn môi trường sống. Họ vứt rác bừa bãi xuống sông, thậm chí ngay tại dưới lòng ghe mình đậu rồi múc nước ngay tại chỗ để tắm, giặt, thậm chí nấu ăn, đun uống. Những rác thảy khó phân hủy như bịch ni-lông, cao su trôi lềnh bềnh trên sông gây mất mỹ quan, ô nhiễm và làm cho phương tiện di chuyển trên sông gặp trở ngại. Nhiều lần chúng tôi chứng kiến cảnh những người lái tàu, ghe phải lặn xuống sông để gỡ rác ra khỏi chân vịt máy nổ. Nước sạch sinh hoạt là một nhu cầu bức xúc của người dân ở ĐBSCL. Đặc biệt, các thương lái sinh sống hầu hết thời gian trong năm ở các chợ nổi hoặc trên sông do đó họ sử dụng nước sông để đun uống, nấu ăn, cho nên rất mất vệ sinh dẫn đến nhiều bệnh mà nếu có nước sạch thì họ không phải bị. Theo chúng tôi nghĩ, chợ nổi nên được sự quản lý, sắp xếp của các cơ quan chức năng để bảo đảm môi trường sống không bị ô nhiễm, giao thông không bị tắt nghẽn. Có biện pháp để duy trì và phát triển chợ nổi. Một ngày nào đó, nếu chợ nổi không còn do tồn tại một cách tự phát thì cũng rất đáng tiếc vì chúng ta mất đi một nét sinh hoạt đặc thù của đồng bằng sông nước. Nếu có sự quản lý của nhà nước thì chợ nổi trở nên quy củ hơn. Nếu có thể được thì bằng cách nào đó có một trung tâm thông tin ở chợ nổi nhằm tạo cầu nối nhu cầu mua bán để giúp cho người mua người bán tìm đến đúng địa chỉ, khỏi tốn công họ lưu ghe, xuồng chờ đợi do không bán được hàng vì thiếu thông tin. Nhiều thương lái phải đổ hàng xuống sông do bị hư hại vì không biết bán cho ai. Đồng thời nhà nước cũng giúp đỡ những thương lái có nước sạch để sinh hoạt, ăn uống tránh những căn bệnh có thể phòng tránh được. Đó là những suy nghĩ của chúng tôi nhằm cải tạo và gìn giữ chợ nổi trên sông.