Review cuốn sách I, Robot: The Illustrated Screenplay của Harlan Ellison

GIỚI THIỆU CHUNG

I, Robot: The Illustrated Screenplay vốn ban đầu là một kịch bản do Harlan Ellison viết hồi cuối thập niên 70, với dự định dùng cho một bộ phim chuyển thể I, Robot của Isaac Asimov. Kịch bản tái chế lại hầu hết các các truyện ngắn trong tuyển tập gốc, kèm một số truyện bịa mới cũng như truyện lấy từ The Complete Robot, một tuyển tập vẫn lấy bối cảnh là thế giới rôbốt này nhưng chứa nhiều truyện của Asimov hơn, để từ đấy tạo ra một câu chuyện vừa lạ vừa quen: tiểu sử về cuộc đời của Susan Calvin, một nhà tâm lý rôbốt học nổi tiếng, thông qua góc nhìn của hàng loạt con người từng gặp gỡ và làm việc với bà và công sức tìm tòi của một anh phóng viên tên là Robert Bratenahl.
Lúc kịch bản được viết xong, nó nhận được rất nhiều lời tán thưởng. Asimov hết sức hài lòng với những gì Ellison đã làm được, khen rằng đây là một kịch bản Sci Fi rất trưởng thành, đậm chất tinh xảo với nhiều lớp lang. Hầu hết những người tại Hollywood, bao gồm nhà sản xuất, người nắm bản quyền, lẫn đạo diễn được mời chào tham gia dự án chuyển thể đều tỏ vẻ ấn tượng với nó. Nhưng khốn nạn thay, cái kịch bản của Ellison lại “văn” hơi nhiều, ít kiểu đấm đá cháy nổ với vú vếu, chưa kể còn đòi hỏi những kỹ xảo quá tầm công nghệ và mức kinh phí làm phim trung bình vào thời bấy giờ. Thêm vào đó, Ellison lại là… Ellison, thế nên cứ hơi trái ý một tí là lại chửi mấy thành phần tai to mặt lớn ở Hollyweed như tát nước vào mặt tế được, ngay cả khi đã được chính Asimov khuyên là hãy chịu khó ngoại giao với nhún nhường sửa đổi kịch bản theo hướng thị trường tí, vậy nên cái kịch bản này cứ liên tục bị xếp xó.
Rốt cuộc, khi thấy có vẻ cái kịch bản sẽ mọt kiếp chẳng được nhìn thấy ánh sáng, Ellison đã xoay xở mua lại được bản quyền cái kịch bản ấy, và vào cuối thập niên 80 thì đem đăng nó thành một dạng truyện nhiều kỳ trên tạp chí Asimov's Science Fiction. Thế rồi đến năm 1994, kịch bản được bổ sung thêm một loạt hình minh họa đem in hẳn thành sách, một phần để giới thiệu nó đến với nhiều độc giả hơn, một phần để vận động các nhà sản xuất phim cho cái kịch bản đấy một cơ hội mới. Cuốn sách đó chính là I, Robot: The Illustrated Screenplay.

MẠCH TRUYỆN/VĂN PHONG

Vì I, Robot: The Illustrated Screenplay (từ giờ sẽ gọi tắt là The Illustrated Screenplay) là kịch bản chuyển thể của I, Robot, thế nên trước khi nói về bản thân cái tác phẩm này, ta cần điểm qua một tí về bản gốc của nó cái đã.
Như đã nói ở trên đấy, I, Robot vốn là một tuyển tập bao gồm 9 truyện ngắn của Asimov. Tất cả những truyện này gốc đều được đăng lẻ tẻ lên các tạp chí Sci Fi, thành ra chúng nó về cơ bản có thể được đọc độc lập với nhau như những câu chuyện riêng rẽ, mặc dù tất cả đều xoay quanh cái theme chung là về sự tương tác giữa con người và rôbốt cũng như các rắc rối bọn rôbốt có thể vô tình mang lại cho con người trong quá trình tuân thủ theo đúng mã lập trình của bản thân, đồng thời còn có cả một dàn nhân vật quen thuộc chỗ nào cũng thò mặt vào. Về sau, Asimov đã tụ hết những quyển truyện đấy lại, sửa sang thêm một tí cho chúng nó, và viết kèm một câu chuyện “khung” với nội dung là Susan Calvin, một nhân vật chủ chốt trong hầu hết các truyện trên, thuật lại mọi sự cho một người phóng viên trong tương lai.
Cái điểm nổi bật nhất về cốt của I, Robot là nó cực kỳ “lành.” Trong phần lớn các truyện, anh em sẽ không gặp những màn hành động kịch tính hay cháy nổ đùng đoàng đến lác mắt gì cả. Ngay cả trong những truyện yếu tố hành động xuất hiện thì đấy cũng không phải là điểm được chú trọng, mà chỉ mang tính “gia vị” mà thôi. Chủ yếu, mọi câu chuyện trong tuyển tập đều có cái cốt khá giống với một màn… sửa Windows. Anh em nào mà từng phải chữa lỗi vặt cho máy thì hẳn sẽ chẳng lạ gì với cái cốt của các mẩu truyện đấy nữa đâu: tự dưng một ngày đẹp trời, cái máy tính bất chợt làm một trò quá thai nào đấy, chẳng hạn bị tịt tiếng một phần mềm, Word chết tắc ngay khi load 1 file nhất định quá 65%, Dropbox vì lý do khó hiểu gì đấy cứ sync đi sync lại một folder; mọi người chạy đủ thứ chương trình kiểm tra, thậm chí còn tháo tung cả phần cứng ra để kiểm tra xem cái gì bị lỗi, nhưng không thể dò ra được bất cứ sai phạm nào cả; trên lý thuyết, cả phần cứng lẫn phần mềm máy đều ok, nhưng sờ sờ trước mắt mọi người vẫn cứ là cái lỗi chết tiệt kia, và mọi người phải vắt óc nghĩ xem cái quái gì đã khiến nó giở chứng như thế.
Giờ thay cái máy tính/Win thành một toán rôbốt, và anh em sẽ có cái cốt của các truyện trong I, Robot.
Mặc dù tính hành động rất thấp, chưa kể Asimov còn có một kiểu văn khô đến mức đọc truyện ông cụ mà cứ ngỡ tưởng đang đọc hướng dẫn bảo trì máy giặt, I, Robot lại hớp hồn được rất nhiều thế hệ độc giả, bởi lẽ nó lôgic và quy củ một cách không tưởng. Asimov đặt ra những luật lệ và nguyên tắc hoạt động hết sức cụ thể và chặt chẽ, tạo thành một “căn phòng kín” mà ta ngỡ tưởng không thể nào bị phá bỏ, xong tức khắc để cho một vấn đề cực kỳ oái oăm xuất hiện. Sự quái lạ của vấn đề ấy khiến ta không khỏi bị hút tuột vào truyện, chỉ chăm chăm muốn biết cái bí ẩn đằng sau “vụ lỗi Win phòng kín” này là gì. Và càng đi sâu vào bên trong, càng được Asimov dẫn dắt đi qua từng bước phân tích, từng bước loại bỏ những giả thuyết sai lầm (hoặc bằng thực nghiệm, hoặc bằng lôgic thuần túy), ta lại càng thấy rõ sự thiên tài trong cách Asimov xây dựng câu chuyện. Thế rồi, khi hồi kết, lúc tất cả mọi bí ẩn được lật tẩy, anh em sẽ đến bật ngửa người vì thấy đáp án vừa đơn giản và vặt vãnh, nhưng lại vừa phức tạp và khó lường. Rõ ràng nó chỉ có thể là như thế, nhưng quả thật không ai lại có thể nghĩ ra được nó lại thành như thế. Và lúc này, mọi người sẽ chỉ còn nước ngả mũ bái phục trước cái lời giải thích quá hợp lý Asimov đã đưa ra.
Ok, I, Robot thì nó là như vậy, vậy còn The Illustrated Screenplay thì thế nào đây?
The Illustrated Screenplay có thể coi là một tấm gương hết sức mẫu mực cho các nhà biên kịch chuyển thể. Lúc soạn ra cái kịch bản này, tác giả Ellison đã tái cấu trúc các mẩu truyện trong I, Robot lại, có cái thì cắt ngắn, có cái thì lược bớt, có cái thì nhét nhân vật này vào, lược nhân vật kia đi, tất cả nhằm nhồi hết 9 mẩu truyện kia vào một kịch bản khả dĩ quay được thành một bộ phim 2h-3h gì đó. Tuy nhiên, hầu như diễn tiến trong các mẩu truyện lẻ của I, Robot đều được The Illustrated Screenplay tái hiện một cách rất trung thành. I, Robot đánh vào trọng tâm nào, hay ở đâu, giới hạn cái gì thì The Illustrated Screenplay cũng đều làm đúng y bong như thế, không khác gì (mấy). Toàn bộ hồn cốt cái sự xuất sắc của I, Robot đều thấm đẫm trong The Illustrated Screenplay. Nếu thấy ưng I, Robot vì cái kiểu giải quyết vấn đề và tư duy suy luận thông minh của nó, mọi người cũng sẽ được tận hưởng điều ấy trong The Illustrated Screenplay.
Bên cạnh việc bê nguyên I, Robot lên màn ảnh (ờm, ít nhất là màn ảnh trong tâm trí người đọc 🐧 ), The Illustrated Screenplay cũng có một số sáng tạo mới, và cái phần này vừa có nhược điểm mà cũng vừa có ưu điểm.
Xét về một mặt, những sáng tạo ấy đóng vai trò gần như một dạng thấu kính, khiến toàn thể câu chuyện trở nên cô đọng và liền mạch hơn, đồng thời cũng cho phép Ellison lồng ghép một số theme nhân văn và lớn lao không tồn tại trong tác phẩm gốc vào kịch bản. Nó cũng giúp tạo ra một số sự bất ngờ, và thậm chí sẽ còn giúp mọi người nhìn nhận tác phẩm gốc bằng một nhãn quang mới. Tuy nhiên, một số cái thay đổi mà Ellison nhồi vào bốc mùi Hollywood hơi quá đà, đọc mà thấy cứ giống ông anh cho nó vào để hợp thị hiếu khán giả phổ thông hơn tí, hoặc không thì cũng là một dạng thỏa hiệp giữa Ellison và những hoạnh họe của nhà sản xuất. Thêm vào đó, dù đã giúp tác phẩm mềm mại với văn chương hẳn ra, cái theme mà Ellison bổ sung cho tác phẩm cũng không được triển khai tốt lắm. Nó chủ yếu tụ lại ở phần đầu và phần cuối, trong khi cái đoạn ở giữa thì không thấy xuất hiện nhiều, hoặc đúng hơn là không được nối vào với cái mạch cốt chính một cách tử tế, thành ra lúc nó được dùng để gói lại cho cả tác phẩm, cái theme này cứ có phần khiên cưỡng, như thể Ellison đến cuối mới nhớ ra là cần để phim có một bài học đạo đức hay câu hỏi triết lý nào đấy, và đã cố gắng bẻ oằn cả tác phẩm để cái theme kia còn lách vừa được vào.

Ý TƯỞNG/THẾ GIỚI

Cũng giống với phần cốt, The Illustrated Screenplay kế thừa rất tốt cái thế giới của I, Robot. Ba cái Định luật Rôbốt học huyền thoại của Asimov được đưa vào trong phim rất đầy đủ, và mọi vấn đề nảy sinh ra từ đó cũng như các thiên hạ tận dụng chúng nó để khám phá ra lời giải cho các vấn đề với bọn rôbốt hay lừa cho bọn rôbốt làm theo đúng ý mình đều được tái hiện rất quy củ, chặt chẽ. Ellison ý thức được rất rõ rằng Asimov đã dựng ra một cái thế giới quá lôgic rồi, thế nên tốt nhất đừng có tí toáy sửa nọ sửa kia làm gì cả. Mấy cái lõi của nó như thế nào thì cứ bê lên y như thế thôi.
Nhưng thế giới tác phẩm không chỉ dừng lại ở mỗi những gì Asimov vẽ ra, mà Ellison cũng đã tiếp tục tô vẽ thêm cho nó một tí. Và một lần nữa, cái phần sáng tạo mới này vừa ổn mà cũng vừa có vấn đề.
Đầu tiên thì như đã nói đấy, Ellison biết thừa cái nền móng Asimov đã tạo ra là bất di bất dịch, thế nên ông anh không hề động gì vào đấy hết, mà chỉ cơi nới thế giới ở những mảng râu ria bên ngoài. Thanh niên chém thêm một số thứ công nghệ tàu bè với đồ tiêu dùng vào trong kịch bản, nhồi thêm một vài chủng tộc ngoài hành tinh, đá kèm một ít xung đột xã hội, nhìn chung là vẽ ra đủ thứ không liên quan đến rôbốt hoặc chỉ liên quan đến cái đám đấy theo một cách rất sơ sịa. Điều này cho phép The Illustrated Screenplay trở nên sống động và đa sắc hơn tác phẩm gốc, mà không gây tổn hại gì đến cái nền gốc cả. Thậm chí, có một đoạn, Ellison hơi đào sâu chút về một thứ công nghệ nhất định, và khám phá cái hệ lụy nó có thể mang đến cho thế giới này. Dù không được đầu tư quá mức để chiếm spotlight lũ rôbốt, cái công nghệ đấy vẫn được suy tính thấu đáo đến bất ngờ, và tạo ra một điểm nhấn rất mới mẻ và đáng suy ngẫm cho cái thế giới của I, Robot.
Nhưng một trong những cái hấp dẫn của thế giới trong I, Robot là cái sự đơn giản đến gần như trần trụi của nó. Truyện gốc tập trung gần như thuần túy vào lũ rôbốt, và nếu có thêm công nghệ gì mới được giới thiệu thì nó cũng luôn được đặt vào trong bối cảnh liên quan đến đám rôbốt và những định luật của lũ đấy. Điều này khiến thế giới của truyện có phần hơi nghèo nàn thật, nhưng nó cũng lại giúp mọi thứ trở nên vững chắc và chặt chẽ hơn, gợi cảm giác trong này không có gì là thừa hết. Riêng mấy cái của Ellison thì cứ… Star Wars thế nào ấy. Nó lòe loẹt, nó diêm dúa, và nó hời hợt như mấy cái truyện phiêu lưu pulp. Công bằng mà nói, Ellison đang rất cố gắng để cái nền thế giới gốc Asimov đã khắc họa đứng vào trung tâm, thế nên không có thời lượng để đi sâu vào mấy cái bản thân chém ra. Nhưng nói gì thì nói, kết quả cuối cùng vẫn là những tình tiết mới ấy đọc cứ thấy thừa thãi sao ý. Đáng chú ý nhất là có một số tình tiết về mặt xã hội mà Ellison đưa vào để củng cố cho cái thông điệp và cái theme nhân văn của kịch bản, nhưng không được triển khai sâu, làm thế giới câu chuyện tự dưng lại hơi loãng ra. Nó không đến mức quá nghiêm trọng, nhưng vẫn đủ để khiến anh em không khỏi thấy cái thế giới của bản này có phần dưới cơ bản gốc.


NHÂN VẬT

Riêng trong khoản này thì The Illustrated Screenplay ăn chặt I, Robot. Không như Asimov, vốn khét tiếng là viết nhân vật theo một kiểu rất khô cứng và thô thiển, Ellison xây dựng các nhân vật theo một kiểu có duyên hơn hẳn. Trong số này, nổi bật nhất phải kể đến Susan Calvin, nhân vật chính của tác phẩm.
Ellison gần như chẳng thay đổi tí gì ở tính cách của bà cụ hết. Calvin trong I, Robot có cái kiểu lạnh lùng, giá băng, thô với thẳng tính như thế nào thì trong The Illustrated Screenplay cũng vẫn như thế luôn. Nhưng điểm hấp dẫn ở đây là Ellison đã sắp xếp lại các mẩu truyện gốc cũng như chỉnh sửa lại một số tình tiết bên trong chúng theo một kiểu hết sức tinh tế, khiến cho Calvin này đứng trên bản gốc một bậc. Bà hiện lên như một nhân vật đầy bi kịch, đầy đủ những hỷ nộ ái ố riêng, đầy những mâu thuẫn và những khiếm khuyết rất “người.” Hầu hết những nét đấy đều đã có sẵn trong các truyện của I, Robot (với 1 ngoại lệ đến từ The Complete Robot), nhưng vì Asimov viết nhân vật quá vụng trong khi Ellison lại quá siêu trong khoản này, phải đến The Illustrated Screenplay thì những nét kia mới thực sự phát huy được hết công lực của chúng nó, và khiến Calvin trở nên có nhiều lớp lang hơn hẳn.
Ngoài Calvin ra thì ta còn một cặp đôi rất thú vị nữa là Gregory Powell và Michael Donovan. Trong tác phẩm gốc, hai thanh niên này gần như đóng vai mấy anh hề, chỉ có cự cãi nhau với lâm vào những tình huống dở khóc dở cười. Sang đến The Illustrated Screenplay thì Ellison vẫn duy trì một phần cái tính hài của họ, nhưng ông anh đã chế tác thêm một đoạn con con về cuộc đời của họ. Phần này có tính spoiler cực mạnh, thế nên mình không thể bàn quá kỹ, nhưng nó sẽ khiến anh em không thể nhìn cặp đôi ấy bằng con mắt cũ được nữa. Cuộc đời của họ chợt trở nên u ám hơn, đáng buồn và thê thảm hơn, và anh em sẽ không khỏi giật mình trước cách Ellison có thể khiến cặp đôi này để lại một ấn tượng mạnh đến thế chỉ với một đoạn ngắn cũn.

TỔNG KẾT


I, Robot: The Illustrated Screenplay không phải là không có sạn, nhưng vẫn có thể nói đây là bản chuyển thể xuất sắc nhất mình từng được trải nghiệm trong thời gian gần đây. Cái kịch bản này vừa trung thành và lưu giữ được những điều tinh túy nhất của tác phẩm gốc, vừa cơi nới được cho nó và làm nó trở nên hấp dẫn theo một lối rất riêng. Dù phải công nhận là đám chóp bu Hollyweed sổ toẹt cái kịch bản này là đúng, bởi vì chỉ cần đọc một tí thôi là anh em sẽ thấy ngay nó vừa đòi hỏi kinh phí cao vừa có tiềm năng ế lòi mồm rất lớn, mình vẫn không khỏi tiếc hùi hụi trước việc chúng ta đã không có cơ hội được xem cái “bộ phim” tuyệt vời này ở cái định dạng đích thực của nó.
Nếu anh em nào muốn tận hưởng một bản chuyển thể I, Robot đúng nghĩa thay vì cái bản chuyển thể The Caves of Steel đội lốt I, Robot của Will Smith, hoặc chỉ đơn thuần muốn tái trải nghiệm I, Robot theo một định dạng mới mẻ, mình rất khuyên mọi người hãy nghía qua I, Robot: The Illustrated Screenplay nhé.
397 | 6/16/2023 1:22:50 PM
Bình luận
No data
NoData