Thế hệ Beta (tiếng Anh: Generation Beta, viết tắt: Gen Beta) là nhómnhân khẩu học kế tiếp Thế hệ Alpha. Nhà tương lai học và nhân khẩu học Mark McCrindle, người cũng đã đặt tên Thế hệ Alpha, định nghĩa thế hệ này là những người sinh từ năm 2025 đến 2039. Là thế hệ kế thừa thế hệ Alpha, thế hệ này được đặt tên là beta, theo chữ cái thứ hai trong bảng chữ cái Hy Lạp.[a]
Kéo dài đến năm 2039, dự kiến đến năm 2035, thế hệ này sẽ chiếm 16% dân số thế giới.[8][9] Theo Mark McCrindle, những đứa trẻ sinh sau năm 2025 sẽ lớn lên trong một thời đại mà tự động hóa và trí tuệ nhân tạo được tích hợp hoàn toàn với cuộc sống thường nhật. Đặc biệt, họ có thể trở thành thế hệ đầu tiên sử dụng thành thạo các phương tiện tự lái và thiết bị thực tế ảo.[10]
McCrindle cho rằng các bậc phụ huynh của Thế hệ Beta, phần lớn thuộc thế hệ Z, có thể sẽ có cách tiếp cận khác biệt trong việc sử dụng mạng xã hội so với các thế hệ trước.[5]
Phỏng vấn với NBC News, ông khẳng định rằng: "Trong khi nhiều phụ huynh thuộc thế hệ Millennials sử dụng mạng xã hội để chia sẻ cuộc sống của con cái, thế hệ Z đã sớm có nhận thức rõ ràng cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực của việc sử dụng mạng xã hội. Do đó họ có xu hướng cho rằng việc hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử của con cái là ưu tiên hàng đầu."[11][3]
Nhà nghiên cứu thế hệ nhân khẩu học Jason Dorsey nhận định rằng thế hệ Beta sẽ được sinh ra trong một thế giới hậu đại dịch, và họ sẽ học về thời kỳ này qua các bài học lịch sử.[12]
Tương tự thế hệ Z và thế hệ Alpha, thế hệ Beta thường sẽ tiếp cận nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, hiện chưa rõ nền tảng này sẽ phát triển như thế nào trong thời gian tới.[3] Thế hệ Beta sẽ trưởng thành trong một thời đại được định hình bởi sự tiến bộ công nghệ nhanh chóng. Khác với các thế hệ trước, họ không chỉ thích nghi với công nghệ mà còn hòa mình vào đó ngay từ lúc sinh ra. Nhà thông minh, các công cụ được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, và thực tế ảo có thể trở thành những yếu tố quan trọng trong cuộc sống thường ngày của họ.[13]