Thời gian để yêu

Thời gian để yêu
Album phòng thu của Đỗ Bảo
Phát hành25 tháng 9 năm 2008[1]
Thu âm2006; cuối năm 2007 – giữa năm 2008;
Kiên Quyết và MStudio, phòng thu cá nhân tại nhà riêng của nhạc sĩ Đỗ Bảo, Hà Nội;
phòng thu cá nhân tại nhà riêng của ca sĩ Trần Thu Hà, California, Mỹ
Thể loạiPop, jazz[2][3]
Thời lượng65:45
Hãng đĩaViết Tân
Sản xuấtĐỗ Bảo
Thứ tự album của Đỗ Bảo
Cánh cung
(2004)
Thời gian để yêu
(2008)
Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta
(2013)

Thời gian để yêu (hay Cánh cung 2) là album phòng thu thứ hai của nhạc sĩ Đỗ Bảo, được phát hành vào ngày 25 tháng 9 năm 2008 bởi Viết Tân. Sau thành công lớn từ album đầu tay Cánh cung (2004), album lần này chọn lọc 12 ca khúc qua sự trình bày của các ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, Nguyên Thảo, Nguyễn Ngọc Anh, Thanh Lam, Trần Thu Hà, Tấn Minh, Tùng Dương, Huy Phạm và Lê Hiếu. Tiếp tục khai thác thế mạnh với thể loại pop, Đỗ Bảo cũng đưa thêm nhiều yếu tố jazz vào trong các sáng tác của mình. Chủ đề cuộc sống với những nỗi niềm, trăn trở mới của cá nhân nhạc sĩ đã được anh chuyển thể trực tiếp thành nội dung chính xuyên suốt toàn bộ album.[4]

Thời gian để yêu có được thành công vang dội với sự đón nhận nồng nhiệt từ người yêu nhạc cũng như giới chuyên môn. Những đánh giá tích cực giúp anh xây dựng vững chắc thương hiệu "Bảo pop" và trở thành một trong những nhạc sĩ được yêu thích nhất trong cộng đồng nhạc trẻ ở Việt Nam. Tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 4, album đã giúp Đỗ Bảo trở thành nghệ sĩ đầu tiên giành cú đúp tại giải thưởng này[5] với 2 danh hiệu "Album của năm" và "Nhạc sĩ của năm".[6][7] Thời gian để yêu cũng chính là một phần trong chuỗi 3 album sự nghiệp của Đỗ Bảo, cùng với Cánh cung (2004) và Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta (2013). Album cũng trở thành một phần trong liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi diễn ra tối ngày 8 tháng 12 năm 2013 tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội kỷ niệm 20 năm sáng tác của cá nhân nhạc sĩ Đỗ Bảo.[8]

Hoàn cảnh ra đời[sửa | sửa mã nguồn]

Sau thành công lớn của album đầu tay Cánh cung (2004), Đỗ Bảo trở thành một tên tuổi trong làng nhạc nhẹ Việt Nam.[9] Điều đó giúp anh dễ dàng hơn trong việc thực hiện những dự án cộng tác với nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước.[10] Ngay sau Cánh cung, anh tham gia chương trình trình diễn mang tên 'Gió bình minh' kéo dài suốt 3 năm cùng Nhất Lý – một kỹ thuật viên âm thanh Việt kiều Pháp – kết hợp âm nhạc điện tử cùng các nhạc cụ dân gian truyền thống.[11][12]

Năm 2006, anh kết hợp cùng ca sĩ Tấn Minh để hòa âm phối khí album cá nhân mang tên Bức thư tình thứ 3, phát hành vào dịp cuối năm.[13] Năm 2007, có tới 3 album do Đỗ Bảo sáng tác, hòa âm phối khí được giới thiệu tới công chúng, đó là Thế giới tuyệt vời (Nguyễn Ngọc Anh), Kỷ niệm (Huy Phạm) và Những ô màu khối lập phương (Tùng Dương). Đặc biệt, album của Tùng Dương có được thành công lớn, nhận được những đánh giá rất tích cực trong việc mang tới người nghe tại Việt Nam những góc nhìn mới mẻ về thể loại New Age cũng như world music,[14][15] giúp Đỗ Bảo giành giải thưởng "Album của năm" và lần thứ 4 liên tiếp được đề cử "Nhạc sĩ của năm" tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 3.[16]

"Bây giờ cái giá để đổi lấy thành công của album thứ 2 có thể là rất đắt... Nhưng rồi sau nhiều trăn trở, tôi vẫn quyết định làm album tiếp theo, bởi đơn thuần, đó là đòi hỏi của nghề nghiệp, không phải để ai phán xét, mà tôi cần lưu lại những sản phẩm âm nhạc đánh dấu bước trưởng thành của chính mình."[17]

~ Đỗ Bảo

Thành công nối tiếp thành công đã thôi thúc Đỗ Bảo thực hiện album cá nhân thứ hai của mình. Tuy nhiên, thành công lớn đi cùng với những áp lực mà bản thân anh cũng cảm thấy được ngay từ quá trình chuẩn bị cho album mới. "Để album được ra mắt, có những ngày tôi chỉ ngủ 3 tiếng, rồi lại lao vào phòng thu,... Đôi khi chỉ vì một chữ, một nốt nhạc chưa hài lòng mà tôi mất cả tuần để sửa lại. Tôi muốn Thời gian để yêu phải giản dị và không gian âm nhạc đó dành cho sự thư giãn, nghỉ ngơi, tinh tế."[17] Ngoài ra, chính anh cũng tự đặt ra những điều kiện khắt khe hơn cho bản thân nhằm có được một sản phẩm "phải thành công về cả mặt nghệ thuật và thương mại."[2]

Phần bìa đĩa được thiết kế và đồ họa bởi họa sĩ Dzung Yoko – người bạn thân và cũng là người chuyên thiết kế bìa đĩa cho các album mà Đỗ Bảo trực tiếp tham gia hòa âm phối khí và sản xuất.[18][19]

Sáng tác[sửa | sửa mã nguồn]

"Khi mình có gia đình, vợ con thì phải có trách nhiệm với họ, khi là thầy giáo phải có trách nhiệm với học trò... Từ những nghĩ suy ấy mà thành lời bài hát... [Nghĩa là] tôi sống đàng hoàng bằng niềm đam mê, được là chính mình trong mọi việc và không phải chụp giật bất cứ thứ gì."[2]

~ Đỗ Bảo

Chủ đề album lần này tiếp tục khai thác những câu chuyện cuộc sống của bản thân nhạc sĩ. Năm 2004, anh kết hôn với MC Thanh Vân – cựu sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội[20] và từng công tác cùng anh tại Nhà hát Nhạc nhẹ Trung ương. Đầu năm 2006, con gái đầu lòng của anh ra đời.[21][22] Đó là "một cuộc sống yên ắng, một cuộc sống thủy chung có trước có sau bằng những bài tình ca bình dị, nhưng mang ý nghĩa nền tảng."[23] Những biến chuyển lớn của cuộc đời đã được Đỗ Bảo thể hiện qua từng ca khúc của album. Tiêu đề album được anh nhắc tới như là "trăn trở thật từ cuộc đời mình",[24] khi bản thân anh "có quá nhiều việc phải làm" tới mức "chẳng có thời gian để làm việc gì khác... Sống chậm lại, lắng nghe đời sống cũng là một cách yêu."[17]

Album thứ 2 này được dự tính ra mắt từ năm 2006, song vì những vấn đề công việc cũng như chất lượng chuyên môn, kế hoạch đã được đẩy lùi lại.[10][25] Quá trình thực hiện album được diễn ra sau đó trong vòng 2 năm, song song với các dự án khác của cá nhân Đỗ Bảo.[2] Trực tiếp nhạc sĩ chọn lựa ca sĩ trình bày những ca khúc của mình trong album.

Ca khúc "Bức thư tình thứ ba" được Đỗ Bảo viết nên khi anh nhìn thấy "ngọn lửa ai đó đốt lá rụng" trên đường Yên Phụ và "ngọn lửa ấy làm tôi nghĩ cả trăm điều về tình yêu".[26][27] Cả Tấn Minh và ca sĩ hải ngoại Huy Phạm đều từng trình bày và thu âm ca khúc trên từ năm 2006,[28] nhưng cuối cùng nhạc sĩ chọn bản thu của Tấn Minh cho album của mình. Đỗ Bảo tiếp tục tin tưởng Hồ Quỳnh Hương hát ca khúc "Bức thư tình thứ tư", còn Huy Phạm được anh chọn lựa vì phù hợp với ca khúc "Kỷ niệm",[29] vốn được anh trình bày trước đó trong album solo cùng tên năm 2007. Đây cũng là lần đầu tiên Đỗ Bảo được cộng tác với ca sĩ Thanh Lam,[1][19] và ca khúc "Đôi mắt xanh" do cô thể hiện được thu âm chỉ trong một buổi chiều.[2] Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh hát ca khúc "Chìm trong muôn thuở", còn Trần Thu HàTùng Dương mỗi người trình bày 2 ca khúc cho album. Ca khúc "Mây" chính là lời gửi gắm ý nhị của Đỗ Bảo tới người vợ của mình – Thanh Vân.[3][30] Ngoài ra, ca khúc "Bài ca tháng sáu" chính là lời tự vấn của anh về cuộc đời[31] qua những câu hát "Đã lâu lắm rồi anh không viết những bản tình ca. Chắc cuộc sống chúng mình phẳng lặng." Cũng giống như với Cánh cung, 2 ca khúc của Trần Thu Hà cũng được thu âm tại phòng thu riêng của cô tại Mỹ rồi được gửi về Việt Nam cho nhạc sĩ biên tập. Đây cũng là lần đầu tiên ca sĩ Nguyên Thảo được cộng tác với Đỗ Bảo[19] và cô được nhạc sĩ tin tưởng gửi gắm 2 ca khúc, trong đó có ca khúc tiêu đề vốn được anh sáng tác hoàn thiện chỉ trong một buổi chiều. Tiếp tục với ý tưởng từ Cánh cung, Thời gian để yêu được cấu trúc "không kể một câu chuyện đầy đủ nhưng người nghe vẫn có thể hiểu đây là cuốn tiểu thuyết được ghi chép lại trong suốt một hành trình yêu."[32] Khác với những album mà anh sản xuất kể từ sau Cánh cung mang ít nhiều tính điện tử, Đỗ Bảo quyết định quay trở lại với phong cách thế mạnh thương hiệu là pop pha lẫn chút jazz[2]nhạc cổ điển.[1][32] Đặc biệt hơn nữa, Thời gian để yêu được trực tiếp Đỗ Bảo tham gia thu âm và chỉnh âm tại phòng thu cá nhân.[3]

Danh sách ca khúc[sửa | sửa mã nguồn]

Tất cả các ca khúc được sáng tác và biên soạn bởi Đỗ Bảo.

STTNhan đềHát chínhThời lượng
1."Bức thư tình thứ tư"Hồ Quỳnh Hương5:28
2."Thời gian để yêu"Nguyên Thảo5:26
3."Chìm trong muôn thuở"Nguyễn Ngọc Anh5:07
4."Mây"Tùng Dương5:57
5."Bài ca tháng sáu"Trần Thu Hà5:26
6."Đôi mắt xanh"Thanh Lam5:49
7."Bức thư tình thứ ba"Tấn Minh5:39
8."Câu trả lời"Trần Thu Hà4:51
9."Kỷ niệm"Phạm Nhật Huy5:45
10."Những khung trời khác"Nguyên Thảo5:32
11."Thủy chung"Lê Hiếu5:41
12."Ngược sáng"Tùng Dương5:18

Đánh giá và đón nhận của công chúng[sửa | sửa mã nguồn]

"Đỗ Bảo tiếp tục khẳng định thương hiệu "Bảo pop" mực thước điểm thêm màu sắc jazz êm ả. Qua đĩa nhạc này, có thể thấy Đỗ Bảo khá biết nâng niu và chắt lọc thời gian thể hiện qua sự lựa chọn về tốc độ và biên chế dàn nhạc... Thời gian để yêu đưa người nghe vào một không gian khá nhàn tản, nơi sự lãng mạn vẫn được tìm ra trong từng giây phút hiện thực."[3]

~ Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà, báo Tiền phong

Album được phát hành chính thức ngày 25 tháng 9 năm 2008 tại Hà Nội. Sau đó, Đỗ Bảo có chuyến lưu diễn tại Mỹ nên album được nhạc sĩ chính thức giới thiệu tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng 10.[2]

Dù nhiều nhạc sĩ cho rằng không có nhiều khác biệt lớn so với Cánh cung, Thời gian để yêu vẫn là một sản phẩm thành công, nhận được rất nhiều đánh giá tích cực từ người nghe nhạc.[33][34][35] Được ra mắt cùng lúc với sự bùng nổ của mạng xã hội và internet,[36] thành công vượt trội về mặt chuyên môn cũng như thương mại của album đã khiến bản thân nhạc sĩ Đỗ Bảo cảm thấy ấn tượng: "Có những làn sóng tên mạng, rất nhiều blog đã phản ánh sự đón nhận của người nghe với album rất nhiệt thành, có rất nhiều bạn trẻ để avatar là bìa album, và hàng trăm entry đánh giá cảm nhận về những bài hát..."[2]

RFA tiếng Việt đáng giá cao "lối sáng tác đa dạng và khả năng hoà âm tài tình" của album, từ "những ca khúc đi từ màu sắc cổ điển như "Mây", cho đến những giai điệu jazz ngẫu hứng trong "Ngược sáng" hay "Những khung trời khác"."[34] Điểm thú vị trong âm nhạc của Đỗ Bảo được giới chuyên gia nhận xét là sự giao thoa giữa cổ điển và hiện đại nằm trong cả ca từ, giai điệu và phối khí, trong đó đặc biệt ca khúc "Ngược sáng" được đánh giá là "một bản nhạc "nghe là biết của Đỗ Bảo"."[34] 2 ca khúc "Bức thư tình" trong album tiếp tục thuộc chuỗi những ca khúc thương hiệu của Đỗ Bảo tiếp nối từ album Cánh cung,[37][38] gắn liền với tên tuổi của Hồ Quỳnh Hương và Tấn Minh.[39][40] Họa sĩ Dũng Yoko ưa thích một số bài hát trong album, cho rằng đó là "con người thật của Đỗ Bảo, một sự nhẹ nhàng nhưng vẫn chệch và lạ một cách chơi vơi."[18] Báo Người Hà Nội ca ngợi album "gợi ra những giá trị giản đơn mà sâu sắc về tình yêu cho người nghe", "sản phẩm để đời của anh [Đỗ Bảo] khi nó đã vượt qua được sự thành công của album Cánh cung 1".[4]

Báo An ninh Thủ đô dành một bài viết dài đánh giá từng ca khúc của album. Tờ báo viết:

"Nghe "Đôi mắt xanh" mà những tưởng Lam của thời 20 tuổi, trẻ trung, khao khát, nồng cháy mà cũng thật êm dịu và lãng mạn. "Bài ca tháng sáu" như một bức tranh đồng quê bình yên với những điều gần gũi nhất của cuộc sống. Câu trả lời lại giống bức hoạ tả thực, thật đến từng chi tiết, như những đối thoại thường nhật của cuộc sống vợ chồng. Tùng Dương đã vẽ nên một bức tranh "Mây" – đẹp như một cô gái tuổi 17 không gọt rũa, vẻ đẹp của tâm hồn hay cái duyên cũng chính là những giai điệu bay bổng của ca khúc này... Giọng hát ngọt ngào và đầy tâm trạng của [Ngọc Anh] như một ma lực mà khi đã nghe, khán giả sẽ bị cuốn vào đó, giống như lạc vào mê cung không lối thoát."[19]

Tuy bị phát tán miễn phí bất hợp pháp trong thời kỳ bùng nổ internet, doanh thu của album cũng đáng được ghi nhận và làm thỏa mãn nhạc sĩ Đỗ Bảo. Anh ước tính số lượng album bán được tính đến năm 2013 vào khoảng 15.000 bản.[41]

Thành công của album giúp nhạc sĩ xây dựng vững chắc thương hiệu "Bảo pop".[3][42] Năm 2009, Thời gian để yêu giúp Đỗ Bảo giành cú đúp tại Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 4 khi anh được trao giải "Album của năm" và "Nhạc sĩ của năm".[43][44] Báo điện tử Dân trí lạc quan về giải thưởng được trao cho Đỗ Bảo: "Kết quả này đã thể hiện được một Đỗ Bảo "đẳng cấp" và khá toàn diện khi tạo cho mình một giọng điệu nhạc Pop riêng biệt đầy cá tính và được nồng nhiệt đón nhận từ phía người hâm mộ."[45] Những ca khúc "Câu trả lời", "Bài ca tháng sáu", "Bức thư tình thứ ba", "Mây", "Đôi mắt xanh", "Những khung trời khác", "Chìm trong muôn thuở" được đưa vào liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi vào cuối năm 2013, kỷ niệm 20 năm sự nghiệp sáng tác của nam nhạc sĩ.[46][47]

Tham khảo[sửa | sửa mã nguồn]

  1. ^ a b c “Đỗ Bảo trình làng " Thời gian để yêu". Hà Nội mới. ngày 27 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  2. ^ a b c d e f g h “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: "Nhiều khi muốn sống những phần chưa được sống". Công an Nhân dân. ngày 15 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  3. ^ a b c d e “Đỗ Bảo và album mới "Thời gian để yêu: Cuộc "sống chậm" bằng âm nhạc”. Tiền phong. ngày 28 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2015.
  4. ^ a b “Đỗ Bảo: Chỉ có tình yêu mới cân bằng được cuộc sống”. Người Hà Nội. ngày 25 tháng 5 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  5. ^ “Mỹ Tâm "trở lại" rực rỡ và "cú đúp" của Đỗ Bảo”. An ninh Thủ đô. ngày 13 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2015.
  6. ^ “Trao Giải thưởng âm nhạc cống hiến năm 2008”. Thanh niên. ngày 12 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  7. ^ Đọc thêm quan điểm và đánh giá của Đỗ Bảo sau khi giành cú đúp tại Cống hiến qua “Giải Âm nhạc Cống hiến: Đỗ Bảo giành "cú đúp". Vietnamplus. ngày 12 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  8. ^ “Đỗ Bảo và đêm "Cánh cung". Tiền phong. ngày 20 tháng 11 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2015.
  9. ^ “Những nhạc sĩ của năm 2004”. Nhân dân. ngày 31 tháng 12 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 7 tháng 4 năm 2015.
  10. ^ a b “Đỗ Bảo tự nhận mình không giỏi làm ăn”. Ngôi sao. ngày 5 tháng 4 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  11. ^ “Đỗ Bảo: 'Ca khúc phải có dấu ấn riêng của mình'. Đàn ông. ngày 6 tháng 10 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  12. ^ “Đỗ Bảo dám sống cho những đam mê”. Vnexpress. ngày 23 tháng 9 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  13. ^ Thục Quyên. “Tấn Minh nói về Đỗ Bảo”. Đẹp+. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015. trên woodpress của nhà báo Chu Minh Vũ
  14. ^ “Tùng Dương: 10 năm độc hành để đến đỉnh cao…”. Thể thao & Văn hóa. ngày 20 tháng 2 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  15. ^ “Tùng Dương ra mắt album "Những ô màu khối lập phương". Hà Nội mới. ngày 12 tháng 9 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  16. ^ “Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần 3 — 2008”. Thể thao & Văn hóa. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  17. ^ a b c Jolie Khanh (2009). “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: "Lắng nghe đời sống cũng là một cách yêu". Sành điệu. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  18. ^ a b Hoàng Trung. “Dũng Yoko nói về Đỗ Bảo”. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015. trên woodpress của nhà báo Chu Minh Vũ.
  19. ^ a b c d “Đỗ Bảo trở lại với hai "Bức thư tình" mới”. An ninh Thủ đô. ngày 27 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2015.
  20. ^ “Đỗ Bảo: 'Hôn nhân không làm hỏng cảm xúc'. Thể thao & Văn hóa. ngày 5 tháng 11 năm 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  21. ^ “Đỗ Bảo không chỉ sống cho riêng mình”. Ngoisao.net. ngày 28 tháng 11 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  22. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo luôn bận rộn với 'cục cưng Su Su'. Ngôi sao. ngày 9 tháng 11 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  23. ^ “Đỗ Bảo – 'đứa trẻ vô danh' đã có tên”. Vnexpress. ngày 21 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 5 năm 2015.
  24. ^ “Đỗ Bảo không đủ thời gian để yêu”. VTV. ngày 23 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  25. ^ “Đỗ Bảo: 'Đôi khi tôi muốn chạy thật nhanh'. Lao động. ngày 8 tháng 8 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  26. ^ “Hôm nay nhạc sĩ Đỗ Bảo trả lời trực tuyến”. Vnexpress. ngày 31 tháng 1 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2015.
  27. ^ “Tản mạn trong ngày sinh nhật của Đỗ Bảo...”. Dân trí. ngày 30 tháng 6 năm 2005. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 5 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  28. ^ “Tranh nhau "Bức thư tình thứ 3" của Đỗ Bảo”. Dân trí. ngày 26 tháng 12 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 17 tháng 12 năm 2015.
  29. ^ “Đỗ Bảo khó che giấu được tình yêu”. Thế giới nghệ sĩ. ngày 30 tháng 7 năm 2006. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  30. ^ Trò chuyện giữa Đỗ Bảo và Thanh Lam sau ca khúc "Mây" trong liveshow Cánh cung, trích từ “Mây – Thanh Lam – Cánh cung show Đỗ Bảo”. Youtube của Tu Nguyen. ngày 15 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2015. Xem từ 6:16.
  31. ^ “Đỗ Bảo: "Hy sinh cho đáng!". Phụ nữ thành phố. ngày 14 tháng 9 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 9 năm 2012. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  32. ^ a b “Đỗ Bảo khao khát có thời gian để yêu”. Vnexpress. ngày 26 tháng 9 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 12 năm 2015. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2015.
  33. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Giờ tôi sợ cả chữ 'hit'. Thể thao & Văn hóa. ngày 6 tháng 4 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 6 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  34. ^ a b c “Tạp chí Âm nhạc cuối tuần — Nhạc sĩ Đỗ Bảo”. RFA. ngày 18 tháng 7 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 10 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  35. ^ “Hà Trần tiết lộ lý do gắn bó với Đỗ Bảo”. Vietnamnet. ngày 7 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  36. ^ “Âm nhạc và chuyện của Đỗ Bảo - Hà Trần”. Phụ nữ online. ngày 2 tháng 9 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 3 tháng 11 năm 2013. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  37. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: "Chưa từng viết bức thư nào cho vợ". Dân trí. ngày 13 tháng 2 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2014.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  38. ^ “Nhạc sĩ Đỗ Bảo: Phải dấn thân thôi...”. Công an nhân dân. ngày 19 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  39. ^ “Tác giả của những "bức thư tình" tôn thờ sự sáng tạo”. An ninh Thủ đô. ngày 19 tháng 2 năm 2012. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 10 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  40. ^ Bạch Vân. “Phỏng vấn Đỗ Bảo”. Đẹp+. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015. trên woodpress của nhà báo Chu Minh Vũ
  41. ^ “Vút bay và suy ngẫm”. Sức khỏe & Đời sống. ngày 28 tháng 8 năm 2013. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 12 tháng 5 năm 2015.
  42. ^ “Musician: Đỗ Bảo & Những bí mật chờ mang đến”. Đẹp. ngày 13 tháng 1 năm 2014. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  43. ^ “Giải thưởng Âm nhạc Cống hiến lần thứ 4 — 2009”. Thể thao & Văn hóa. ngày 6 tháng 4 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 3 năm 2015. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  44. ^ “Đỗ Bảo: "Showbiz đang rất hỗn mang". Tuổi trẻ. ngày 8 tháng 8 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  45. ^ “Giải Cống hiến 2008: Mỹ Tâm chiến thắng, Đỗ Bảo lập "cú đúp". Dân trí. ngày 11 tháng 3 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  46. ^ “Hà Trần giấu nước mắt trong đêm nhạc "Cánh cung". VOV. ngày 9 tháng 12 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.
  47. ^ “Đỗ Bảo làm liveshow kỷ niệm 20 năm sáng tác”. Hà Nội mới. ngày 29 tháng 11 năm 2013. Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2015.

Liên kết ngoài[sửa | sửa mã nguồn]

Tiền nhiệm:
Những ô màu khối lập phương
của Tùng Dương
Giải Cống hiến cho Album của năm
2009
Kế nhiệm:
Music of the Night
của Đức Tuấn

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Những hình ảnh liên quan đến Thiên Không và các manh mối đáng ngờ xung quanh Childe
Những hình ảnh liên quan đến Thiên Không và các manh mối đáng ngờ xung quanh Childe
Thread này sẽ là sự tổng hợp của tất cả những mối liên kết kì lạ đến Thiên Không Childe có mà chúng tôi đã chú ý đến trong năm qua
Kết thúc truyện Sơ Thần, là em cố ý quên anh
Kết thúc truyện Sơ Thần, là em cố ý quên anh
Đây là kết thúc trong truyện nhoa mọi người
Vì sao phải đổi căn cước công dân thành căn cước?
Vì sao phải đổi căn cước công dân thành căn cước?
Luật Căn cước sẽ có hiệu lực thi hành từ 1.7, thay thế luật Căn cước công dân. Từ thời điểm này, thẻ căn cước công dân (CCCD) cũng chính thức có tên gọi mới là thẻ căn cước (CC)
Teshima Aoi - Âm nhạc... sự bình yên vô tận (From Up on Poppy Hill)
Teshima Aoi - Âm nhạc... sự bình yên vô tận (From Up on Poppy Hill)
Khi những thanh âm đi xuyên qua, chạm đến cả những phần tâm hồn ẩn sâu nhất, đục đẽo những góc cạnh sần sùi, xấu xí, sắc nhọn thành