Trường tối (tiếng Anh: dark-field microscopy) là một phương pháp chụp ảnh hiển vi bằng cách loại bỏ các chùm tia không tán xạ. Kỹ thuật này được sử dụng phổ biến trong các kính hiển vi quang học (ánh sáng) và kính hiển vi điện tử, cho phép tạo ra các bức ảnh có độ tương phản mạnh với nền đen (tối). Nền tối của bức ảnh là lý do nó được đặt tên là trường tối.
Nguyên tắc tạo ảnh ở kính hiển vi quang học ánh sáng là sử dụng một dụng cụ (đĩa chắn sáng) để che một phần - ở đây là phần trung tâm - chùm tia chiếu sáng. Chùm sáng chiếu tới vật mẫu sẽ có dạng một nón mà phần trung tâm không có ánh sáng:[1]
Tạo ảnh trường tối cũng là kỹ thuật rất phổ biến được dùng trong các kính hiển vi điện tử truyền qua ở các chế độ CTEM và STEM, cho phép tạo ra ảnh với độ tương phản cao nhạy với cấu trúc tinh thể hoặc độ khác biệt về nguyên tử khối trong mẫu vật.[2]
Ở CTEM (chế độ hoạt động của TEM tạo ảnh bằng một chùm tia tĩnh), ảnh trường tối được tạo ra bằng cách sử dụng một khẩu độ vật kính, đặt tại tiêu diện của vật kính, cho phép lỗ truyền sáng của khẩu độ này hứng chùm tia tán xạ sau khi truyền qua mẫu vật để tạo ảnh (chùm tia truyền thẳng qua vật mẫu - không tán xạ sẽ bị loại bỏ vì bị phần rìa của khẩu độ này che chắn).
Ảnh trường sáng theo cách này có thể thay đổi độ tương phản hay thay đổi hình ảnh bằng cách di chuyển khẩu độ để hứng các chùm tia tán xạ với các góc lệch khác nhau, hoặc có thể giữ nguyên khẩu độ nhưng thay đổi góc của tia tới để di chuyển tia tán xạ khác nhau truyền qua khẩu độ.
Ảnh trường tối ở CTEM có độ tương phản đến từ sự tán xạ của các điện tử trên cấu trúc tinh thể của mẫu vật. Vì thế nó được phân loại vào nhóm ảnh mang độ tương phản tinh thể (diffraction-contrast image). Ảnh trường tối ở CTEM đặc biệt hữu ích trong việc tìm hiểu các khuyết tật hay sai hỏng trên tinh thể.
Tạo ảnh trường tối ở kính hiển vi điện tử truyền qua quét (STEM) là một chế độ tạo ảnh được yêu thích trong nghiên cứu khoa học vật liệu vì khả năng tạo ra ảnh với nhiều thông tin tương phản với khả năng tạo độ phân giải siêu cao.
Để tạo ra ảnh trường sáng ở STEM, người ta sẽ sử dụng các cảm biến ghi nhận chùm điện tử truyền qua mà ở đó, chỉ các điện tử tán xạ được ghi nhận. Có nghĩa là, chùm điện tử trung tâm của nón điện tử truyền qua sẽ không ghi nhận (phần này tạo ra ảnh trường sáng), thay vào đó, phần rìa nón - góc lệch rìa vành khuyên - sẽ được ghi lại. Tùy theo độ lớn của chùm điện tử này mà ta có thể tạo ra các chế độ ảnh trường sáng khác nhau ở STEM.