Trần Cảo (vua)

Trần Cảo
陳暠
Vua Việt Nam
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì1426 - 1428
Tiền nhiệmTrùng Quang Đế
Kế nhiệmKhông có
Lê Lợi lên ngôi, lập ra nhà Lê sơ
Thông tin chung
Mất1428
Tên húy
Hồ Ông (胡翁)
Niên hiệu
Thiên Khánh (1426 - 1428)
Triều đạiKỷ thuộc Minh

Trần Cảo (chữ Hán: 陳暠; ?-1428) là một vị vua bù nhìn do thủ lĩnh nghĩa quân Lam SơnLê Lợi lập nên vào cuối thời kỳ Việt Nam nội thuộc triều đại nhà Minh.

Hoàn cảnh

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo sử sách, Trần Cảo có tên thật là Hồ Ông (chữ Hán: 胡翁) hoặc Trần Địch (陳翟), không rõ ông là người ở đâu. Bộ sách sử triều Nguyễn Khâm định Việt sử thông giám cương mục do phải kị húy nên chép tên ông là Trần Cao (陳高), nhưng có dùng phép mở chữ (拆字法 sách tự pháp) để miêu tả chữ phải kị huý là "cựu thượng tòng nhật, hạ tòng cao" (舊上從日, 下從高), nghĩa là trước đây viết bên trên là bộ Nhật (日), bên dưới là bộ Cao (高), tức chữ Cảo (暠).

Khi khởi nghĩa Lam Sơn bước vào giai đoạn thắng thế, Bình Định vương Lê Lợi đánh bại quân Minh do Tổng binh Vương Thông chỉ huy trong trận Tốt Động – Chúc Động, buộc Vương Thông phải cố thủ trong thành Đông Quan. Để tìm cách kìm hãm sự phát triển của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và chia rẽ nội bộ người Việt, Vương Thông liền viện cớ tìm lại tờ chiếu của vua Minh Thành Tổ năm 1407 khi đánh Đại Ngu, có nội dung muốn lập lại con cháu nhà Trần mà đòi Lê Lợi phải lập con cháu nhà Trần mới đồng ý giảng hòa và rút quân về nước.

Lê Lợi bèn sai người tìm con cháu nhà Trần. Theo sử sách, lúc đó Hồ Ông đang lánh nạn ở châu Ngọc Ma, tự xưng là cháu nội vua Trần Nghệ Tông, được tù trưởng châu Ngọc Ma là Cầm Quý tiến cử với Lê Lợi. Để đối phó với yêu sách của Vương Thông, muốn quân Minh nhanh chóng rút về, Lê Lợi đồng ý lập Trần Cảo làm vua, với danh nghĩa kế tục nhà Hậu Trần, đặt niên hiệu là Thiên Khánh, còn Lê Lợi tự xưng là Vệ quốc công. Tuy nhiên, sử không ghi nhận Trần Cảo là vua nhà Hậu Trần mà chỉ ghi nhận hai vua Giản Định đếTrùng Quang đế thuộc triều đại này. Nhà Hậu Trần đã cáo chung sau khi Trùng Quang đế mất năm 1413. Lê Lợi do đang phải tập trung vào chiến sự nên sai quan Tả Bộc xạ là Bùi Quốc Hưng ở bên cạnh phò tá Trần Cảo, nhưng thực chất là để giám sát ông.

Sách Lam Sơn thực lục chép rằng:[1]

Như vậy, thân thế của Trần Cảo là không rõ ràng, và không có gì chứng minh ông là con cháu vua Trần.

Riêng sách Đại Việt thông sử lại chép sự kiện này xảy ra ngày 30 tháng 12 năm 1425, tức là trước khi Vương Thông sang Việt Nam.

An Nam quốc vương

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Cảo làm vua nhưng trên thực tế không có quyền hành. Toàn bộ chiến sự chống quân Minh đều do Lê Lợi quyết định.

Sau khi đánh tan được hai đạo quân cứu viện của Liễu ThăngMộc Thạnh mà nhà Minh gửi đến vào cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã chính thức đánh đuổi được quân Minh ra khỏi bờ cõi. Vương Thông sau Hội thề Đông Quan phải mang quân trở về Trung Quốc.

Lê Lợi đứng tên Trần Cảo là người đang làm vua trên danh nghĩa, sai sứ dâng biểu cho nhà Minh xin được phong. Bài biểu viết:

"Thái Tổ Cao Hoàng đế[2] khi mới lên ngôi, tổ tiên của thần là Nhật Khuê[3] trước tiên dâng lễ triều cống, được ơn đặc biệt khen thưởng và ban cho tước vương.[4] Từ đó, đời đời giữ gìn bờ cõi, không hề thiếu sót lễ nghi triều cống. Mới đây, nhân họ Hồ soán nghịch, Thái Tông Văn Hoàng đế (Tức Minh Thành Tổ Chu Đệ) dấy quân hỏi tội. Sau khi dẹp yên, nhà vua hạ chiếu tìm kiếm con cháu họ Trần để cho giữ việc thờ cúng. Bấy giờ Tổng binh quan Trương Phụ chưa kịp tìm kiếm rộng khắp, đã vội xin đặt nước tôi làm quận huyện.
"Thần, trước đây, vì nước rối loạn, phải chạy trốn sang Lão Qua, chỉ muốn cho chút hơi tàn được tạm kéo dài ra thôi. Dè đâu người nước quan thói tục man di, xa nghĩ đến ơn trạch của tổ tiên nhà thần, ép thần phải về nước. Bất đắc dĩ thần phải gượng theo. Dẫu rằng việc làm hấp tấp này là do người nước ép buộc, nhưng cũng là cái tội bởi thần không biết đắn đo suy lường.
"Vừa đây, đã đến cửa quân tạ tội, nhưng không được đâu để ý lắng nghe. Người nước bấy giờ sợ bị giết chết, mới phải đem nhau đi giữ những nơi quan ải để làm cái chước tự vệ lấy mình; nào ngờ quan quân từ xa đến, thấy voi, hoảng sợ, tự cùng nhau lánh chạy, tan vỡ. Việc đã đến thế, tuy là do sự bất đắc dĩ của người nước, mà cũng là tội lỗi của thần. Nhưng, số quan quân và ngựa bị bắt đều đã thu lượm nuôi dưỡng, không dám tơ hào xâm phạm.
"Nép mong hoàng thượng[5] dựa theo lời chiếu của Thái Tông Văn Hoàng đế cho tìm kiếm con cháu họ Trần, nghĩ đến lòng thành thực của ông cha nhà thần đã dâng lễ triều cống trước tiên, tha cho thần cái tội to như đống gò, miễn cho thần khỏi bị giết chết bằng rìu búa, khiến thần được nối dõi ở cõi Nam, triều cống cửa trời.
"Ngoài sự riêng sai bồi thần thân tín đem dâng tạ biểu và đưa đến kinh đô nộp trả ấn tín và người ngựa, nay xin đem danh sách và số mục kính cẩn tâu lên để nhà vua soi xét".

Vua Minh Tuyên Tông biết Lê Lợi không có ý tôn Cảo nhưng vì bị thua mãi nên đồng ý phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương

Kết cục

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Cảo ban đầu đóng dinh ở núi Không Lộ, sau dời đi Ninh Giang rồi lại thiên đi thành Cổ Lộng. Theo sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, lúc đó các tướng Lam Sơn nói với Lê Lợi rằng: "Cảo không có công cán gì, sao lại để cho ăn trên ngồi trốc người ta! Xin trừ khử hắn đi".

Lê Lợi không nỡ, đãi ngộ lại càng hậu hơn. Trần Cảo tự biết người trong nước không theo mình, bèn cất lẻn vượt biên, trốn đi Ngọc Ma. Quan quân Lam Sơn đuổi theo, bắt được ông. Khi về đến thành Đông Quan, ông bị bắt phải uống thuốc độc tự vẫn. Sau khi Trần Cảo chết, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế.

Cũng sách Cương mục dẫn:

Có thuyết cho rằng Cảo tự biết người nước không phục, bèn ngầm đi thuyền vượt biển, trốn vào châu Ngọc Ma. Đến Ma Cảng (đất Nghệ An) quan quân đuổi bắt được, đem về Đông Quan, bắt uống thuốc độc chết.

Theo sử nhà Minh, sau đó Lê Lợi cho sứ sang tâu nhà Minh rằng Trần Cảo bệnh mà chết ngày 10 tháng 1 năm 1428 âm lịch, do đó Lê Lợi có danh chính để làm vua Đại Việt. Tuy nhiên, nhà Minh ban đầu không thừa nhận ngôi vị của Lê Lợi, yêu cầu nhà Lê sơ phải tìm con cháu họ Trần khác. Phía Đại Việt phải nhiều lần báo rằng họ Trần đã hết người không còn ai nữa. Mãi đến năm 1431, Minh Tuyên Tông mới chính thức công nhận Lê Lợi làm An Nam Quốc vương.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Lam Sơn thực lục, Nhà Xuất bản Tân việt, 1954.
  2. ^ Tức Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương.
  3. ^ Một tên khác của Trần Dụ Tông (1341-1369), dùng để ngoại giao với nhà Minh.
  4. ^ Chỉ việc sai Lễ bộ Thị lang Đào Văn Đích sang sứ nhà Minh năm Mậu Thân, 1368.
  5. ^ Tức Minh Tuyên Tông.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Sự thật về Biểu tượng Ông Công, Ông Táo
Sự thật về Biểu tượng Ông Công, Ông Táo
Cứ mỗi năm nhằm ngày 23 tháng Chạp, những người con Việt lại sửa soạn mâm cơm "cúng ông Công, ông Táo"
Sự kiện sáp nhập Ukraine vào Nga năm 1654
Sự kiện sáp nhập Ukraine vào Nga năm 1654
Trong sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, chúng ta thường hay nghe vụ Liên Xô cắt bán đảo Crimea cho Ukraine năm 1954
Nợ công quốc gia có phải là vấn đề lớn như mọi người vẫn lầm tưởng?
Nợ công quốc gia có phải là vấn đề lớn như mọi người vẫn lầm tưởng?
Chúng ta sẽ cùng nhau truy vấn xem tính hợp pháp của một loại tiền tệ đến từ đâu?
Thiên Nghịch Mâu - chú cụ đặc cấp phá bỏ mọi đau khổ?
Thiên Nghịch Mâu - chú cụ đặc cấp phá bỏ mọi đau khổ?
Thiên Nghịch Mâu lần đầu tiên xuất hiện tại chương 71, thuộc sở hữu của Fushiguro Touji trong nhiệm vụ tiêu diệt Tinh Tương Thể