Trần Thánh Tông

Trần Thánh Tông
陳聖宗
Hoàng đế Việt Nam
Hoàng đế Đại Việt
Trị vì30 tháng 3 năm 1258 -
8 tháng 11 năm 1278
(20 năm, 223 ngày)
Thái thượng hoàngTrần Thái Tông (1258-1277)
Tiền nhiệmTrần Thái Tông
Kế nhiệmTrần Nhân Tông
Thái thượng hoàng Đại Việt
Tại vị8 tháng 11 năm 12783 tháng 7 năm 1290
(11 năm, 237 ngày)
Tiền nhiệmTrần Thái Tông
Kế nhiệmTrần Nhân Tông
Thông tin chung
Sinh(1240-10-12)12 tháng 10 năm 1240
Thăng Long, Đại Việt
Mất3 tháng 7 năm 1290(1290-07-03) (49 tuổi)
Cung Nhân Thọ, Thăng Long, Đại Việt
An tángDụ Lăng, phủ Long Hưng, Đại Việt
Hoàng hậuNguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu
Hậu duệ
Tên thật
Trần Hoảng (陳晃)
Trần Uy Hoảng (陳威晃)
Trần Quang Bính (陳光昺)
Trần Nhật Huyên (陳日烜)
Niên hiệu
Thiệu Long (1258-72)
Bảo Phù (1273-78)
Thụy hiệu
Huyền Công Thịnh Đức Nhân Minh Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng đế
(玄功盛德仁明文武宣孝皇帝)
Miếu hiệu
Thánh Tông (聖宗)
Tước vị
Hoàng tộcNhà Trần
Thân phụTrần Thái Tông
Thân mẫuHiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu
Tôn giáoPhật giáo Đại thừa

Trần Thánh Tông (chữ Hán: 陳聖宗 12 tháng 10 năm 1240[1] – 3 tháng 7 năm 1290), tên húy Trần Hoảng (陳晃) là vị Hoàng đế thứ hai của nhà Trần nước Đại Việt, trị vì từ ngày 30 tháng 3 năm 1258 đến ngày 8 tháng 11 năm 1278. Sau đó ông làm Thái thượng hoàng từ cuối năm 1278 cho đến khi qua đời năm 1290. Ông thường được sử sách mô tả là một Hoàng đế tài giỏi, giữ vững được cơ nghiệp của triều đại và nền độc lập của quốc gia.[1][2]

Trần Hoảng là đích trưởng tử của Trần Thái Tông, đã góp phần chỉ huy quân đội đẩy lùi cuộc xâm lược của người Mông Cổ năm 1258. Không lâu sau kháng chiến thắng lợi, Hoàng đế Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng, tức Hoàng đế Thánh Tông.[3] Trong thời kỳ cầm quyền của mình, Trần Thánh Tông đã ban hành nhiều chính sách nhằm hoàn thiện nền hành chính, giáo dục, kinh tế, bảo trợ Phật giáo, trọng dụng quan viên, tướng lĩnh có tài và duy trì sự hòa hợp, kỷ cương trong triều đình.[4][5] Về đối ngoại, Trần Thánh Tông phải đương đầu với tham vọng bành trướng của đế quốc Nguyên-Mông cường thịnh ở phương Bắc. Ông đã thực thi một chính sách ngoại giao mềm mỏng, cống nạp Nhà Nguyên 3 năm 1 lần, nhưng cự tuyệt mọi yêu sách của vua Nguyên đòi ông cống người, cống voi, đích thân sang chầu, gửi quân giúp tỉnh Vân Nam, nộp sổ sách dân số... Ngoài ra ông tích cực chỉnh đốn quân đội, tổ chức tuần tra biên giới để đề phòng sự xâm lược của người Nguyên.[6]

Sau khi Thượng hoàng Thái Tông mất, tháng 11 năm 1278, Trần Thánh Tông nhường ngôi cho Thái tử Trần Khâm, tức Hoàng đế Trần Nhân Tông, và được tôn làm Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế (光尧慈孝太上皇帝). Trước bối cảnh người Nguyên đã tiêu diệt Nam Tống và chuẩn bị chinh phạt Đại Việt, hai vua Trần ra sức đoàn kết lòng dân, kén tướng rèn quân và xây dựng quan hệ tích cực với Chiêm Thành ở phía Nam. Cùng Hoàng đế Nhân Tông và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo vương, Thượng hoàng Thánh Tông đã lãnh đạo quân dân Đại Việt kháng chiến đánh bại hai cuộc xâm lược của Nguyên-Mông năm 12851287.[7][8] Ông cũng là một nhà văn hóa, nhà Thiền học, từng tu tập ở chùa Tư Phúc (Thăng Long)[9], thường hay sáng tác thơ ca hoặc những bài kệ về thiền, một số tác phẩm như Di hậu lục ("Chép để lại cho đời sau"), Thiền tông liễu ngộ ("Bài ca giác ngộ Thiền tông"), Trần Thánh Tông thi tập ("Tập thơ Trần Thánh Tông")... nhưng hầu hết đều đã thất lạc, chỉ còn lưu lại 6 bài thơ chép rải rác trong Việt âm thi tậpĐại Việt sử ký toàn thư.

Thân thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Trần Thánh Tông tên thật là Trần Hoảng (陳晃),[10][11][1][12][13] sử Trung Quốc ghi nhận tên Trần Uy Hoảng (陳威晃)[a], Trần Quang Bính (陳光昺)[b] hay Trần Nhật Huyên (陳日烜)[c], sinh ngày 25 tháng 9 âm lịch năm Canh Tý, niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình thứ 9 thời Trần Thái Tông (tức ngày 12 tháng 10 năm 1240), tại Thăng Long, Đại Việt (nay là Hà Nội, Việt Nam). Ông là con thứ hai, nhưng mà là đích trưởng tử của Trần Thái Tông – vị vua đầu tiên của Hoàng triều Trần. Mẹ ông là Thuận Thiên Hoàng hậu Lý Oanh, nguyên là con gái Lý Huệ Tông (vua áp chót của triều Lý). Theo bộ Đại Việt sử ký toàn thư (do sử quan Ngô Sĩ Liên biên soạn năm 1479 thời vua Lê Thánh Tông nhà Hậu Lê), trước khi Hoàng hậu Thuận Thiên mang thai Trần Hoảng, Thái Tông nằm mơ thấy Thượng đế trao tặng bà một thanh gươm báu.[1]

Ngay khi chào đời, Trần Hoảng đã được sách phong làm Đông cung Thái tử.[1] Sách An Nam chí lược (do quan nhà Nguyên (Trung Quốc) gốc Việt là Lê Tắc soạn năm 1307) có mô tả ngoại hình của ông: "dáng người hòa nhã, khôi ngô, có nhã lượng".[10] Còn quyển Thánh đăng ngữ lực (một tác phẩm khuyết danh về sự nghiệp tu Phật của 5 vua đầu thời Trần, được viết vào khoảng thế kỷ XIV) diễn tả về ông rằng: "Thánh Tông... bản chất hiền tài, toát ra ngoài sáng ngời, xử sự dứt khoát", không chỉ làu thông kinh sử Nho gia mà còn hiểu sâu giáo pháp nhà Phật.[9] Ông có nhiều em trai, nổi bật nhất là Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải (Tể tướng đầu triều qua 3 đời vua Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông)[18], Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật (một tướng lĩnh, nhà ngoại giao lớn, làm Tể tướng thời Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông)[19] và Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc (một người học rộng, nhưng sau phản lại Thánh Tông trong chiến tranh với Nguyên-Mông).[20]

Năm 1258, Hoàng thái tử Trần Hoảng tham gia cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất. Thoạt tiên quân Mông Cổ chiếm được kinh sư, nhà vua, thái tử cùng hoàng gia được Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung giúp đỡ đã sơ tán an toàn về sông Thiên Mạc (nay thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).[21] Quân Mông Cổ ở Thăng Long gặp nhiều khó khăn do thiếu lương thực trầm trọng. Mông Cổ phải chia quân đi cướp bóc ở vùng ngoại vi và phụ cận, nhưng bị dân chúng chặn đánh quyết liệt.[22] Trong khi đó quân đội Đại Việt đã hồi sức. Ngày 28 tháng 1, vua Thái Tông và Thái tử Hoảng ngự lâu thuyền chỉ huy cuộc phản kích vào Đông Bộ Đầu, đánh tan quân Mông Cổ, lấy lại Thăng Long. Quân Mông Cổ chạy dài về Vân Nam, dọc đường còn bị thổ quan Hà Bổng chặn đánh.[23][22] Cuộc kháng chiến kết thúc, vua Thái Tông định công phong thưởng các tướng, Thái tử Hoảng xin trị tội Tiểu hiệu Hoàng Cự Đà, người có biểu hiện bất trung trong cuộc rút lui về sông Thiên Mạc, nhưng nhà vua tha chết, chỉ giáng chức.[24]

Ngày 24 tháng Hai niên hiệu Nguyên Phong thứ 8 (tức ngày 30 tháng 3 năm 1258 dương lịch), Trần Thái Tông nhường ngôi cho thái tử Hoảng rồi lui về Bắc cung làm Thái thượng hoàng, tạo cơ hội cho Trần Hoàng làm quen chính sự, đồng thời tránh xung đột tranh ngôi giữa các hoàng tử.[13] Sử quan Nhà Lê Ngô Sĩ Liên nhận xét:[21]

Thái tử lên ngôi Hoàng đế, xưng làm Nhân Hoàng (仁皇) và được bầy tôi tặng tôn hiệu Hiến Thiên Thể Đạo Đại Minh Quang Hiếu Hoàng Đế (憲天體道大明光孝皇帝). Sử sách gọi ông là Trần Thánh Tông (陳聖宗). Tháng 8 âm lịch năm 1258, Hoàng đế lập con gái thứ năm của cố An Sinh vương Trần Liễu (anh Trần Thái Tông) làm Thiên Cảm Phu nhân, ít lâu sau phong bà làm Thiên Cảm Hoàng hậu.[23][12]

Trong 21 năm trị quốc, Trần Thánh Tông dùng niên hiệu Thiệu Long (紹隆) từ năm 1258 đến 1273 và Bảo Phù (寶符) từ năm 1273 đến 1278.[25][13] Ông đã ban hành nhiều chính sách về hành chính, kinh tế, giáo dục, quốc phòng, ngoại giao nhằm củng cố thực lực của Đại Việt[26]. Ông còn nổi tiếng là một Hoàng đế đức độ, hòa ái đối với mọi người từ trong ra ngoài.[26] Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư kể ông thường nói với các tôn thất rằng phải hòa thuận, có phúc cùng hưởng có nạn cùng chia và nên truyền dạy sự hòa thuận này cho con cháu đời sau.[27] Sau mỗi buổi thiết triều, Hoàng đế cho phép các vương hầu, tôn thất vào nội cung ăn uống nô đùa mà không phân tôn ti trật tự. Các hoàng thân trong nội điện thường ăn chung một cỗ và cùng ngủ chung một giường, một chăn với nhau, chỉ lúc nào có việc công, hay buổi chầu, thì mới phân thứ tự theo lẽ phép.[27][13]

Đối nội

[sửa | sửa mã nguồn]

Về hành chính, tháng 2 âm lịch năm 1262, vua Thánh Tông thăng cấp hương Tức Mặc (đất phát tích của Hoàng triều) thành phủ Thiên Trường. Ông cho lập các cung Trùng Quang, Trùng Hoa và chùa Phổ Minh ở hướng tây cung Trùng Quang. Trùng Quang cung được chọn làm tẩm điện của Thượng hoàng, còn cung Trùng Hoa là nơi Hoàng đế trú khi về thăm Thượng hoàng. Vua Thánh Tông còn đặt ra chức quan lưu thủ cai quản phủ Thiên Trường.[28][29] Tháng 3 âm lịch năm 1265, Trần Thánh Tông đổi tên Ty Bình bạc (cơ quan quản lý hành chính ở kinh đô Thăng Long) thành Đại An phủ sứ. Nhà vua tuyển chọn quan Đại An phủ sứ theo một quy trình nghiêm ngặt, được Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại như sau: "Theo chế độ trước, An phủ sứ qua trị nhậm các lộ, đủ lệ khảo duyệt thì vào làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, lại đủ lệ khảo duyệt nữa thì bổ làm việc ở Thẩm hình viện, rồi mới được làm An phủ sứ Kinh sư".[30][31]

Tháng 3 âm lịch năm 1267, Trần Thánh Tông ban hành hệ thống "kim chi ngọc diệp" quy định việc phong ấm cho con cháu vương hầu, công chúa: theo đó, cháu 3 đời của vương hầu, công chúa sẽ được nhận tước hầu hoặc quận vương, cháu 4 đời tước minh tự, cháu 5 đời tước thượng phẩm, chi tiết tước phong tùy thuộc vào hạng trong "ngũ phục", tức 5 hạng tang phục dựa trên quan hệ huyết thống.[30] Theo sử gia Mỹ Keith Weller Taylor, hệ thống này giới hạn rõ ràng rằng chỉ những con cháu nhà vua trong phạm vi 5 thế hệ mới đủ tiêu chuẩn nhận tước hiệu quý tộc, đặc biệt chỉ các con và cháu 3 đời của nhà vua mới đủ khả năng để được phong những tước hiệu quan trọng, có thể thân cận với Hoàng đế. Dĩ nhiên nhà vua có quyền ban tước cho bất cứ ai mà ông ấy muốn, và thăng giáng tước phong của vương hầu nếu thấy cần thiết. Không phải cứ người nào là con cháu trong vòng 5 đời của nhà vua cũng tự động sở hữu tước phong, chỉ là họ có đủ điều kiện mà thôi. Những thứ dân có năng lực đặc biệt xuất sắc vẫn có hội được nhà vua nhận nuôi và ban tước hiệu như một vương hầu, nhưng con cháu họ thì không được thừa kế ân sủng ấy. Những luật lệ này cộng với lệ hôn nhân cận huyết của các vua Trần đầu tiên như Thánh Tông và Nhân Tông đã ngăn chặn bất kỳ một mối đe dọa nào từ việc ngoại tộc len lỏi vào thao túng hoàng thất.[32]

Tháng 4 âm lịch năm 1267, vua Thánh Tông lập ra các chức Hàn lâm viện Học sĩ (chức quan giám sát việc biên soạn các văn bản chiếu lệnh, sắc dụ của vua) và Trung thư sảnh Trung thư lệnh (cố vấn cho Hoàng đế về triều chính).[33] Ông chọn hai văn thần Nho học là Đặng Kế làm Hàn lâm viện Học sĩ, Đỗ Quốc Tá làm Trung thư sảnh Trung thư lệnh. Theo sĩ phu đời Nguyễn Phan Huy Chú trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí, buổi đầu thời Trần, triều đình chỉ dùng các hoạn quan như Phạm Ứng Mộng, Lê Tông Giáo... làm chức hành khiển, chứ không hề dùng Nho sĩ. Cho nên việc vua Thánh Tông dùng Đỗ Quốc Tá là dấu hiệu giới Nho gia bắt đầu có ảnh hưởng mạnh vào bộ máy nhà nước.[34][35][36] Cũng trong năm 1267, Trần Thánh Tông chia cơ quan Hành khiển làm hai ty (đều đặt tại kinh sư), gồm Hành khiển tả hữu ty trong cung Thánh Từ (cung riêng của Thượng hoàng) và Hành khiển ty trong cung Quan Triều (nơi ở riêng của Hoàng đế). Cả hai ty được gọi chung là Nội mật viện.[37] Tháng 11 âm lịch năm 1273, vua Thánh Tông lại đặt chức Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính (chuyên lo việc tôn thất), giao cho Nhân Túc vương Toản nắm chức này. Cuối năm 1274, nhà vua đặt thêm các chức Trừ cung giáo thụ (chức quan dạy học cho Thái tử) và Nhập thị học sĩ.[38][33]

Trần Thánh Tông còn chú trọng đến giáo dục và khoa cử. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận rằng vào tháng 10 âm lịch năm 1272, nhà vua đã "xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc tử giám" (tức Hiệu trưởng trường Quốc tử giám).[38] Ngoài ra, Trần Thánh Tông khuyến khích em là Chiêu Quốc vương Ích Tắc (một người nổi tiếng học giỏi, biết nhiều) mở trường dạy học văn sĩ.[34][13] Theo sử cũ, trường này đã đào tạo được nhiều nhân tài cho đất nước, tiêu biểu là Mạc Đĩnh ChiTrạng nguyên khoa thi năm 1304 đời Trần Anh Tông.[34][36][13] Vua Thánh Tông đã hai lần mở khoa thi thái học sinh để chọn người tài giúp nước. Khoa thi thứ nhất (tháng 3 âm lịch năm 1266) lấy được 51 người trúng tuyển, gồm Trần Cố đậu Kinh Trạng nguyên (người ở các vùng từ Ninh Bình trở ra), Bạch Liêu đậu Trại Trạng nguyên (Trạng nguyên ở hai châu Hoan, Ái), một người họ Nghiêm không rõ tên đậu Bảng nhãn, Hạ Nghi đậu Thám hoa lang và 47 Thái học sinh.[30] Đến khoa thi thứ hai (tháng 3 âm lịch năm 1275), các chức danh Kinh và Trại Trạng nguyên đã được hợp lại làm một. Kỳ thi này lấy được 3 người đỗ Tam khôi (Trạng nguyên Đào Tiêu, Thám hoa lang Quách Nhẫn, những bộ sử hiện có không nêu được tên Bảng nhãn) và 27 Thái học sinh xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau.[38][39] Thánh Tông cũng tổ chức thi Lại Viên vào năm 1261 với hai môn toán và viết để tuyển dụng thư Lại, bổ dụng làm duyện lại ở Nội lệnh sử. Riêng hai Ty Thái y và Thái chúc thì thi tuyển theo chuyên môn và tùy theo chuyên môn để bổ dụng.[40]

Trần Thánh Tông cũng cho Hàn lâm viện Học sĩ kiêm Quốc sử viện Giám tu Lê Văn Hưu tiếp tục biên soạn sách Đại Việt sử ký. Lê Văn Hưu đã làm được bộ sử sách gồm 30 quyển, chép từ đời Triệu Vũ vương đến Lý Chiêu Hoàng. Việc biên tập bộ sử này được khởi đầu từ đời vua Thái Tông, đến năm Nhâm Thân (1272) đời Thánh Tông mới xong.[41][42][13] Sách Đại Việt sử ký ra đời trong bối cảnh hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt đã xây dựng một đế quốc lớn và từng bước nuốt chửng Nam Tống. Do vậy, bằng việc đặt dấu mốc đầu tiên của quốc thống từ thời Triệu Vũ Đế (vị vua sáng lập nước Nam Việt ở thế kỷ thứ 2 trước Công Nguyên, tự xưng Hoàng đế để đối kháng với nhà Hán), Lê Văn Hưu đã khẳng định lập trường của Trần Thánh Tông về sự độc lập tự cường của các hoàng đế Đại Việt, phủ nhận thái độ độc chiếm thiên hạ của nhà Nguyên.[43]

Về kinh tế, Trần Thánh Tông tiếp tục chủ trương trọng nông.[30] Trong các thập niên 1230 và 1240, vua Trần Thái Tông đã tăng cường duyệt định sổ hộ tịch nhằm nắm bắt tình trạng dân số và sở hữu ruộng đất trong nước. Theo K. W. Talor, biện pháp này mang tới hiệu quả cho nhà nước trong việc thu thuế và huy động nhân lực thời chiến, nhưng cũng góp phần hình thành của một lớp người lang bạc, không có đất đai, nhà cửa hay bất cứ kế sinh nhai nào. Trong số này, có người kháng cự lại thủ tục duyệt hộ khẩu, họ không muốn được quan lại biết tới; điều này có lẽ là do những sai phạm trong quá khứ, hoặc do có mối liên hệ thân tộc với cựu triều nhà Lý, hoặc do có đời sống phạm pháp hay bất cứ lối sống nào ít được xã hội coi trọng. Số khác thì có thể đã không đăng ký được quyền sở hữu ruộng đất, vì bị lấn chiếm bởi những người dễ hòa nhập hơn với nền thống trị của tân triều Trần.[44] Và cũng có người chỉ đơn thuần là lười lao động, thích sống nay đây mai đó cho an nhàn. Năm 1254, Trần Thái Tông xuống chiếu cho phép dân được mua ruộng công và biến thành ruộng tư, đưa đến sự thất nghiệp đối với những người trước đây chỉ biết sống dựa vào đất công.[32] Để giải quyết tình trạng này, tháng 10 âm lịch năm 1266, vua Trần Thánh Tông hạ lệnh cho vương hầu, cung phi, phò mã nhận lớp người vô gia cư này làm gia nô, dùng sức họ để khai mở đất hoang, nhằm mở rộng diện tích canh tác. Kể từ đây, vương hầu bắt đầu sở hữu điền trang.[30][13][45] Những thái ấp của vương hầu được duy trì bằng sức lao động của nông nô đã trở thành một dấu ấn không thể thiếu trong cơ chế nông nghiệp dưới thời Trần. Mặc dù sự áp bức của vương hầu sẽ đưa đến nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân vào nửa sau thế kỷ 14, chính sách nông nghiệp của Trần Thánh Tông đã thành công trong việc duy trì sự ổn định cho đời sống nông thôn trong vòng vài thập kỷ tới.[32]

Nhà vua cũng quan tâm đến vấn đề nâng cao thực lực quốc phòng của Đại Việt.[46][13] Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại rằng đầu năm 1261, Thánh Tông vừa lên ngôi đã ra lệnh "chọn đinh tráng các lộ làm lính, còn thì sung làm sắc dịch các sảnh, viện, cục và đội tuyển phong các phủ, lộ, huyện".[47][40] Đến tháng 3 âm lịch năm 1262, ông xuống chiếu dụ quan quân chế tạo khí giới và đúc chiến thuyền; đồng thời, ông tổ chức tập trận cho lục quânthủy quân tại chín bãi phù sa dọc theo sông Bạch Hạc (nay thuộc Việt Trì, Phú Thọ).[28] Sau đó, tháng 8 âm lịch năm 1267, Trần Thánh Tông chia quân đội làm nhiều "quân", mỗi quân được hợp thành từ 30 "đô" (một đô gồm 80 lính).[34] Ông còn chọn những tướng lĩnh tài ba như Lê Phụ Trần làm Thủy quân Đại tướng quân (1259) và người em trai là Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải làm Thái úy (1262), rồi Tướng quốc Thái úy (1271).[48][47][49] Ngoài ra, vào tháng 9 âm lịch năm 1262, nhà vua truyền lệnh xem xét tình trạng của tù nhân. Phần lớn tội phạm đều được ân xá, riêng những người đã đầu hàng quân Mông Cổ trong cuộc chiến tranh năm 1258 thì bị trừng trị thẳng tay.[46] Mùa xuân năm 1277, người Man, Lào nổi dậy ở động Nẫm Bà La (phủ Bố Chính – nay là Quảng Bình). Vua Thánh Tông cùng Thái úy Trần Quang Khải thân chinh đánh dẹp, bắt sống được 1000 từ binh về kinh sư.[50][39][51]

Đối ngoại

[sửa | sửa mã nguồn]

Quan hệ với Nam Tống và Chiêm Thành

[sửa | sửa mã nguồn]

Các năm 1258 và 1261, vua Trần Thánh Tông sai sứ sang cống nạp và báo việc lên ngôi cho Nam Tống. Năm 1262, nhà vua được Tống Lý Tông phong làm An Nam quốc vương.[10][14][52] Theo Tống sử, Lý Tông bản kỷ ghi chép thì toàn bộ tước hiệu của Trần Thánh Tông được nhà Tống phong là: Tĩnh Hải quân Tiết độ quan sát xử trí sứ, Kiểm hiệu Thái úy kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, An Nam Quốc vương hiệu Trung thuận hóa công thần. Sau đó Thượng hoàng Trần Thái Tông, Hoàng đế Trần Thánh Tông vẫn giao hảo với Nam Tống dù Tống triều đã suy yếu trước sự uy hiếp của Mông Cổ.[53][54] Chính vì vậy, năm 1268 sứ giả Trương Đình Trân của Mông Cổ đã đe dọa hai vua là sau khi lật đổ nhà Tống thì sẽ tiêu diệt nước Đại Việt nếu không thuần phục.[55] Vua Trần Thánh Tông tức giận và ra lệnh giảm lỏng Trương Đình Trân.[56]

Để giữ tình bang giao với Đại Việt, khi vua Thánh Tông sai sứ mang đồ cống sang, vua quan nhà Tống cũng tặng lại các sản vật của Trung Quốc như chè, đồ sứ, lụa; không những gửi đáp lễ vua Trần mà còn biếu tặng cả sứ giả. Việc duy trì quan hệ với Nam Tống ngoài ý nghĩa giao hảo nước lớn còn nhằm mục đích nắm tình hình phương bắc.[10][57][54] Sau này, khi Nam Tống bị Nhà Nguyên đánh bại, phải rút vào nơi hiểm yếu, họ mới ngừng giao hảo với Đại Việt. Khi nhà Tống mất, nhiều quan lại,[58] binh sĩ,[59] đạo sĩ[60] Tống không thần phục người Mông đã sang xin nương nhờ Đại Việt. Trong số họ có những người như Trần Trọng Vy, Tăng Uyên Tử, Triệu Trung... đã được vua Thánh Tông và các thân vương đối đãi trọng hậu.[58][59] Sử sách còn ghi, tháng 10 âm lịch năm 1274, nhiều thương gia người Tống từ Giang Nam vượt biển sang Đại Việt và đem theo gia quyến lẫn nhiều của cải. Vua Thánh Tông cho họ lập nghiệp ở phường Nhai Tuân (Thăng Long); tại đây họ đã mở chợ bán các mặt hàng như vải lụa và thuốc men.[38]

Ở phía nam, quan hệ Đại ViệtChiêm Thành cũng diễn biến tích cực dưới thời vua Trần Thánh Tông. Khi Nhà Trần mới thành lập, Chiêm Thành từng đưa quân sang quấy nhiễu biên giới, nhưng sau khi bị Trần Thái Tông đánh bại năm 1252, họ đã chính thức thần phục Đại Việt. Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận trong những năm Thánh Tông làm vua, Chiêm Thành đã 6 lần cử sứ sang dâng cống vật (1262, 1265, 1266, 1267, 1269, 1270).[31] Khi Trần Thánh Tông đã nhường ngôi cho Trần Nhân Tông và lên làm Thái thượng hoàng vào năm 1278, xu hướng quan hệ tốt đẹp này được duy trì sau đó.[8]

Quan hệ với Nguyên Mông

[sửa | sửa mã nguồn]

Người Mông Cổ tuy đã thất bại trong cuộc chiến năm 1258 nhưng vẫn chưa bỏ mộng thôn tính Đại Việt[13]. Tuy nhiên Mông Cổ đang phải dồn sức chinh phục Nam Tống và đánh dẹp một cuộc nổi dậy ở phía Bắc, nên họ tạm thời giữ hòa bình với Đại Việt. Ba năm sau khi Trần Thánh Tông lên ngôi (1260), vua Mông Cổ là Hốt Tất Liệt sai Lễ bộ lang trung Mạnh Giáp, Lễ bộ viên ngoại lang Lý Văn Tuấn mang chiếu chỉ sang Đại Việt, cho phép người nước Nam được duy trì mọi phong tục và lễ nghi truyền thống của mình, không cần phải thay đổi.[61] Hốt Tất Liệt còn tuyên bố: "Ta đã răn các tướng ở biên cương không được tự ý dấy binh, xâm phạm biên cảnh của ngươi, làm rối loạn cho nhân dân ngươi. Quan liêu sĩ thứ nước ngươi hãy yên ổn làm ăn như cũ". Sau này, các vua Trần thường trích dẫn tờ chiếu này để bác bỏ các lý lẽ của người Mông khi họ đòi Đại Việt phải thay đổi nghi thức tiếp sứ (1271), cho Thoát Hoan mượn đường đánh Chiêm Thành (1284)...[6]

Năm 1261, Trần Thánh Tông được vua Mông Cổ phong làm An Nam Quốc vương.[62][63] Đến năm 1262, Mông Cổ yêu cầu ông phải cống nạp 3 năm 1 lần, mỗi lần đều phải cống nho sĩ, thầy thuốc, thầy bói và thợ thuyền mỗi hạng ba người, cùng với các sản vật như là sừng tê, ngà voi, đồi mồi, châu báu... Trong suốt thời gian trị vì của mình, Trần Thánh Tông duy trì đều đặn việc cống sản vật nhưng chỉ để lấy lệ. Vì thế năm 1275, Hốt Tất Liệt có gửi chiếu thư trách vua Trần rằng các đồ cống đều không dùng được và không bao giờ chịu cống người.[6][61][13] Cũng trong năm 1262, vua Mông Cổ sai Nur-ud Din (Nạp Thích Đinh) sang làm Darughachi (Đạt-lỗ-hoa-xích), đi lại giám trị các châu quận Đại Việt. Mục đích của Mông Cổ là can thiệp chính trị, tìm hiểu nhân vật, tài sản Đại Việt để liệu đường mà đánh chiếm. Hai vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông bề ngoài chịu thần phục, nhưng bên trong dốc sức mở rộng và huấn luyện quân đội. Năm 1263, hai vua cử Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ đi tuần biên giới Lạng Sơn.[28][13][64] Hai vua cũng tạo nhiều khó khăn, cản trợ cho công việc của Nur-ud Din. Một trong những biện pháp đó là cấm dân cư tiếp xúc với các thương gia người Hồi, vốn thực chất là nội gián của Nur-ud Din trà trộn vào xã hội Đại Việt.[6] Chiếu thư của vua Mông Cổ gửi Trần Thánh Tông năm 1267 có đoạn: "Nay nghe Nur-ud Din ở bên ấy, có nhiều sự thường bị chống báng cấm đoán, không cho được hội đàm, quả như thế thì có phải lễ nghĩa thân mật trong một nhà đâu! Nghĩa vua tôi cũng như tình phụ tử, có lẽ gì tôi mà phản vua, con mà phản lại cha sao? Nếu trẫm không nói ra, thì đãi khanh không có sự thành thật, khanh nên nghĩ lại cho chín chắn để tròn sự giao hảo trước sau như một".[63]

Tháng 4 năm 1263, Nur-ud Din (Nạp Thích Đinh) trở về phương Bắc.[6] Đến năm 1266, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông cử Dương An Dưỡng, Võ Hoàn đi cống nạp sản vật cho Mông Cổ. Thông qua sứ bộ này, hai vua cũng thuyết phục Mông Cổ cho Nur-ud Din tiếp tục làm Darughachi ở Đại Việt. Điều này cho thấy Thánh Tông đã làm Nur-ud Din không còn tác dụng trong việc ép Đại Việt thần phục người Mông Cổ. Mông Cổ sợ Nur-ud-Din "thông tình" với Nhà Trần, nên không chấp nhận.[6][65][66] Năm 1267, Hốt Tất Liệt vin vào "thánh chế" của Thành Cát Tư Hãn, xuống chiếu đòi hai vua Trần phải làm sáu việc bao gồm đích thân tới chầu, báo dân số, nộp thuế, gửi tôn thất làm con tin, chi viện quân và tiếp tục chịu sự kiểm soát của các Darughachi. Cả sáu điều này Trần Thánh Tông đều không thực hiện, trừ những lúc phải miễn cưỡng chấp nhận Darughachi do Mông Cổ sai tới.[67][6] Ông viện cớ: "có kẻ thù là nước Chiêm Thành quấy rối nên không thể trợ binh [cho Mông Cổ]" dù rằng Chiêm Thành đang thần phục và thường triều cống Đại Việt.[68]

Cuối năm 1268, Hốt Tất Liệt sai Qurung Qaya (Hốt Lung Hải Nha) sang làm Darugachi, cùng phó sứ Trương Đình Trân (người Hán) trách Trần Thánh Tông cống nạp trễ nải, lại bắt ông cống nạp voi và thương gia người Hồi (thực ra là tình báo của Mông Cổ ở Đại Việt). Vào Thăng Long, Trương Đình Trân yêu cầu Trần Thánh Tông lạy trước chiếu thư của Hốt Tất Liệt và đối đãi với Đình Trân như một vương tước ngang hàng, song vua Trần thẳng thừng bác bỏ: "Thánh thiên tử thương tôi nhưng sứ giả đến nhiều người vô lễ. Ông là quan triều liệt, còn tôi là vua, mà cùng ngang lễ với nhau, tự cổ chí kim có điều đó không?". Theo Nguyên sử, Thánh Tông còn sai thị vệ rút gươm bao vây Trương Đình Trân, rồi giam lỏng vào một nơi và cấm sử dụng nước giếng của kinh thành, chỉ cho uống nước đục của sông. Trương Đình Trân đành phải nhượng bộ.[69][70][71] Với các yêu sách của hai sứ Mông Cổ, vua Thánh Tông cũng khước từ, viện cớ rằng "nhà buôn Hồi Hột tên là Y Ôn đã chết từ lâu; một ngư­­ời khác là Bà Bà, khi tìm cũng đã ốm chết" và "...loại thú này thân mình rất lớn, đi lại chậm chạp, không như­­ ngựa của thư­­ợng quốc. Xin đợi sắc chỉ, đến lần cống sau sẽ tiến dâng."[6]

Năm 1271, Hốt Tất Liệt lập ra Nhà NguyênTrung Quốc. Hoàng đế Nhà Nguyên sai sứ đưa chiếu thư dụ Trần Thánh Tông đến chầu, nhưng ông viện cớ bệnh mà thoái thác.[10] Trung thư sảnh Nhà Nguyên cũng gửi công văn trách Thánh Tông vì không đối đãi các sứ Nguyên như một quan chức ngang hàng với mình, và không chịu quỳ khi nghe chiếu của vua Nguyên.[72] Thánh Tông khước từ với lý do "bản quốc vâng mệnh thiên triều đã phong cho tư­ớc vư­­ơng, lẽ nào không phải là người mang vương tước? Vậy mà sứ giả phụng mệnh thiên triều cũng xư­­ng là người mang tước vương, cùng ngang lễ với bản quốc, e rằng như thế là nhục đến triều đình. Huống hồ nước tôi vâng theo chiếu chỉ trư­­ớc đây, cho đ­­ược giữ nguyên tục cũ, nên hễ nhận chiếu lệnh thì phụng mệnh đặt yên tại chính điện rồi lui về nhà riêng. Đó vốn là điển lễ cũ của bản quốc".[6] Đến năm 1273, các sứ Nguyên đi Đại Việt về vẫn báo Hốt Tất Liệt rằng Trần Thánh Tông khi nhận chiếu vua Nguyên thì "chỉ đứng chắp tay chứ không lạy, tiếp kiến sứ giả hoặc yến tiệc thì đều ngồi trên sứ giả".[73] Cùng năm 1271, Hốt Tất Liệt lại đòi Trần Thánh Tông cống voi, nho sĩ, lang y, thợ giỏi. Ông viết thư đáp: "Về lời dụ mới rồi nói việc tìm voi, do sợ trái chiếu chỉ trước, nên loanh quanh chư­­a dám nói thẳng. Thực ra, duyên do là vì quản tượng không nỡ xa nhà, nên khó sai họ khởi hành", và tiếp tục phớt lờ việc cống người giỏi.[74][6]

Năm 1272, vua Nguyên cho Uriyang đi sứ, lấy cớ tìm cột đồng trụ của Mã Viện trồng ngày trước, nhưng vua Thánh Tông sai quan sang nói rằng: cột ấy lâu ngày mất đi rồi, không biết đâu mà tìm nữa. Uriyang bèn thôi không hỏi nữa.[75] Năm 1275, Hốt Tất Liệt lại ra chiếu dụ vua Trần sang chầu, làm 6 điều theo "thánh chế" của Mông Cổ. Thánh Tông không chịu, liền sai sứ sang nói với vua Nguyên rằng: "...Darugachi chỉ nên đặt ở các vùng man di ngoài biên giới, còn tôi đã được phong vương, làm phên giậu một phương mà còn đặt Darugachi để giám sát, há không bị các nước chư hầu cười cho hay sao. Sợ giám sát mà nộp công sao bằng trong lòng vui phục mà nộp công!.. Tất cả quan lại thiên triều sai đến, xin đổi làm dẫn tiến sứ để tránh được cái tệ Darugachi...".[76][13][6] Hốt Tất Liệt không cho, và bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đánh chiếm Đại Việt. Các quan biên giới của Nguyên được lệnh do thám địa thế Đại Việt.[13] Trần Thánh Tông cũng thăm dò tình hình phương Bắc, thông qua việc cử Lê Khắc Phục, Lê Văn Túy đi sứ; sai Đào Thế Long sang Long Châu giả vờ mua thuốc; và cho thủy quân lộ Đông Hải đi tuần dọc theo biên giới.[30][77][65][6] Sau khi Nhà Nguyên diệt Nam Tống (1279), Đại Việt càng đứng trước nguy cơ bị xâm lăng từ đế quốc khổng lồ này.[8]

Thái thượng hoàng

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1277, Thái Thượng hoàng Trần Thái Tông băng hà. Mùa đông ngày 22 tháng Mười âm lịch năm sau (tức 8 tháng 11 năm 1278), Trần Thánh Tông nhường ngôi cho con trai là Thái tử Trần Khâm – tức Vua Trần Nhân Tông – và lên làm Thái thượng hoàng, với tôn hiệu là Quang Nghiêu Từ Hiếu Thái Thượng Hoàng Đế (光尧慈孝太上皇帝). Thể theo phép tắc triều kết nối Thượng hoàng tiếp tục cùng Hoàng đế điều hành chính sự. Trong bối cảnh Nguyên-Mông đang từng bước chuẩn bị tấn công Đại Việt, hai vua Trần đã đề ra các biện pháp khuyến khích phát triển nông nghiệp, thương mại, đồng thời đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước.[78][8] Khi thủ lĩnh người dân tộc Trịnh Giác Mật nổi dậy ở Đà Giang vào đầu năm 1280, hai vua ra lệnh cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đi thuyết phục quân nổi dậy quy hàng. Nhật Duật nhờ giỏi ngoại giao và am hiểu phong tục dân bản địa nên đã thu phục được Giác Mật mà "không tốn một mũi tên".[79].

Từ năm 1278 đến 1281, Nhà Nguyên đã ba lần sai Lễ bộ thượng thư Sài Thung dụ Trần Nhân Tông đến chầu, nhưng vua Trần cự tuyệt[8]. Năm 1282, Thượng hoàng cử chú họ là Trần Di Ái thay mặt vua sang Nguyên.[80] Không thỏa mãn, Nhà Nguyên cử một số quan lại sang giám sát các địa phương của Đại Việt, nhưng đều bị hai vua Trần trục xuất.[81] Khoảng năm 1281–1282, Hốt Tất Liệt lập Trần Di Ái làm An Nam Quốc vương và sai Sài Thung đem 1 nghìn quân hộ tống Di Ái về nước.[80] Hai vua Trần đã sai quân chặn ở biên giới, đánh tan đội quân hộ tống của Nhà Nguyên và bắt được Di Ái, nhưng vẫn nghênh đón Sài Thung về Thăng Long.[82][81] Thất bại trong việc đưa Di Ái về Đại Việt đã khiến Sài Thung giận dữ đến mức khi "vua [Trần Nhân Tông] sai Quang Khải đến sứ quán khoản tiếp. Xuân [cách gọi khác của Sài Thung] nằm khểnh không ra, Quang Khải vào hẳn trong phòng, hắn cũng không dậy tiếp."[83][8] Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phải giả làm tu sĩ Phật giáo người Hán đến bắt chuyện, Sài Thung mới chịu tiếp.[83][8]

Sau vụ Trần Di Ái, quan hệ hai bên căng thẳng và đến cuối năm 1282, vua Nguyên một mặt cử nguyên soái Toa Đô từ Quảng Châu đánh Chiêm Thành, mặt khác sai Trấn Nam vương Thoát Hoan tập trung 50 vạn quân chuẩn bị "mượn đường đánh Chiêm" (trên thực tế là tiến công Đại Việt).[8][84][83] Hai vua Trần lập tức bắt tay vào việc chuẩn bị tổ chức kháng chiến. Tháng 10 âm lịch năm 1282, Thánh Tông và Nhân Tông phong Hưng Đạo vương làm Quốc công Tiết chế – tức tổng chỉ huy toàn bộ quân đội Đại Việt.[83] Hai tháng sau, Thượng hoàng mời các bô lão trong cả nước về điện Diên Hồng (Thăng Long) để bàn kế đánh Nguyên. Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại rằng, khi được Thượng hoàng hỏi có nên chống lại người Nguyên hay không, các bô lão đã "cùng nói như từ một miệng: 'Đánh!'".[83] Tháng 12 năm 1282, khi Toa Đô tấn công Chiêm Thành, hai vua Trần đã gửi 2 vạn quân cùng 500 chiến thuyền sang trợ chiến cho người Chiêm.[85][8]

Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt (1285)

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 27 tháng 1 năm 1285, Thoát Hoan xua quân tràn sang Đại Việt. Quân phòng thủ biên giới của Nhà Trần bị đánh bại trong các trận đánh ải Vĩnh Châu, Nội Bàng, Thiết Lược và Chi Lăng. Hưng Đạo vương lui về giữ bến Vạn Kiếp (nay thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương).[86][8] Đến ngày 11 tháng 2 năm 1285, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem binh thuyền đánh phá Vạn Kiếp. Quân Đại Việt chống cự quyết liệt, nhưng sau đó rút lui để tránh thế địch mạnh, thực hiện nghi binh khiến địch mệt mỏi rồi mới phản kích.[87][88] Đến ngày 14 tháng 1, Ô Mã Nhi bao vây 10 vạn quân của hai vua Trần tại Bình Than. Một trận thủy chiến lớn diễn ra và quân Nguyên đã không cản được quân Đại Việt triệt thoái.[89][87] Hai vua và Hưng Đạo vương rút đại quân từ Vạn Kiếp, Phả Lại, Bình Than về đóng trên sông Hồng gần Thăng Long. Tại đây, hai vua cho tập trung thủy quân và xây dựng chiến lũy trên bờ nam để cầm chân quân Nguyên, tạo thời giờ cho việc sơ tán quân dân khỏi kinh thành theo kế vườn không nhà trống.[87][88] Ngày 17 tháng 2, quân hai bên lại giao chiến lớn trên bờ sông Hồng. Người Nguyên thắng thế, nhưng quân dân Đại Việt đã kịp thời di tản khỏi Thăng Long.[90][88][91] Hai vua dẫn đại quân triệt thoái theo đường sông Hồng về hướng phủ Thiên Trường (Nam Định). Thoát Hoan chiếm Thăng Long, rồi chia quân làm 2 đường thủy bộ ráo riết truy kích.[91][88] Hai vua và Hưng Đạo vương đã tổ chức một số trận đánh chặn tại bãi Đà Mạc và ải Hải Thị, nhưng thất bại. Sau trận Hải Thị, hai vua lui hẳn về đóng tại Thiên Trường (Nam Định) và Trường Yên (Ninh Bình).[92][88]

Tháng 3 năm 1285, cánh quân Nguyên của Toa Đô từ Chiêm Thành đánh thốc vào mạn nam Đại Việt. Hai vua và Hưng Đạo vương sai Trần Quang Khải đón đánh Toa Đô ở Nghệ An.[93][94][89] Quân Nguyên nhanh chóng lấy được Nghệ An và Thanh Hóa, đẩy đại quân của hai vua Trần vào thế bị ép từ 2 mặt Bắc-Nam. Hưng Đạo vương đưa Thánh Tông, Nhân Tông chạy về vùng bờ biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng ngày nay. Trong hành trình rút lui, hai vua bị quân Nguyên đuổi gấp. Khi thấy quân Toa Đô đã rời Thanh Hóa tiến lên đóng ở Trường Yên (Ninh Bình), ngày 7 tháng 4 năm 1285 Thánh Tông và vua con lại vượt biển vào Thanh Hóa, thoát khỏi thế bị đối phương kìm kẹp[94]. Toa Đô đã đưa quân vào Thanh Hóa truy lùng vua Trần, nhưng không thể tìm ra.[95][96] Trong thời gian này, nhiều tôn thất Đại Việt như Trần Ích Tắc, Trần Kiện, Trần Tú Viên, Trần Văn Lộng phản lại hai vua, đầu hàng người Nguyên.[97] Tuy nhiên, quân Nguyên cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt lương thực, không hợp khí hậu và liên tục bị dân binh Đại Việt đánh phá sau lưng.[98][99]

Tại Thanh Hóa, hai vua Trần đã cho chỉnh đốn, tổ chức lại lực lượng. Tháng 3 – 4 âm lịch năm 1285, hai vua và Trần Quốc Tuấn chia đại quân thành nhiều mũi tổng phản công ra Bắc.[98][95][88] Nhiều người Tống lưu vong đã tham chiến trong cánh quân của Trần Nhật Duật. Để binh lính không nhầm lẫn giữa quân Tống của Nhật Duật với quân Nguyên, Thánh Tông đã sai người căn dặn rằng: "Đó là quân Thát của Chiêu Văn đấy, phải nhận kỹ chúng". Dưới sự thống lĩnh của Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Nguyễn Khoái và nhiều tướng khác, quân Đại Việt đã liên tiếp đánh tan quân Nguyên ở đồn A Lỗ (nơi gần điểm hợp lưu của sông Luộc với sông Hồng), cửa Hàm Tử (nay thuộc Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương Độ (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội) và giải phóng Thăng Long trong hai tháng 5 và 6.[100] Quyển 209 của Nguyên sử có nhận định quân Đại Việt tuy nhiều lần bị quân Nguyên-Mông đánh bại, nhưng quân số của họ vẫn cứ tăng lên, khiến cho binh tướng Nguyên-Mông uể oải. Quân Nguyên cũng chết và bị thương rất nhiều, đã vậy kỵ binh khét tiếng của Mông Cổ gặp địa hình bất lợi nên không thể phát huy hiệu quả.[101]

Ngày 7 tháng 6, Thánh Tông và Nhân Tông thân chinh ra Trường Yên, đánh tan một đơn vị quân Toa Đô. Quân Nguyên chết hại "nhiều không kể xiết".[100][98][95] Sau chiến thắng Trường Yên, ngày 24 tháng 6, hai vua tấn công quân chủ lực của Toa Đô tại Tây Kết (Khoái Châu). Quân hai vua thắng to, chém chết nguyên soái Toa Đô, bắt được hơn 5 vạn quân Nguyên, tịch thu một lượng lớn khí giới. Tổng quản quân Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Đến nửa đêm, Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hóa, hai vua thúc quân truy kích nhưng không bắt được, Ô Mã Nhi dùng thuyền vượt biển thoát thân.[100][98][102] Cùng lúc đó, Hưng Đạo vương và anh là Hưng Ninh vương thực hiện nhiều cuộc tấn công lớn trên hướng bắc sông Hồng và quét sạch cánh quân Thoát Hoan khỏi Đại Việt.[98][103][88]

Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt (1288)

[sửa | sửa mã nguồn]

Cuối năm 1286, vua Nguyên huy động 30 vạn quân và 500 thuyền chiến xâm lược Đại Việt lần thứ ba.[104][105] Ngay sau khi nhận tin này, hai vua Trần và Hưng Đạo vương đã đôn đốc vương hầu chiêu mộ, huấn luyện binh sĩ, đồng thời chế tạo binh khí và tàu thuyền để chuẩn bị kháng chiến.[106][104][107] Tháng 12 năm 1287, quân thủy bộ Nhà Nguyên chia làm 3 đạo tiến vào Đại Việt. Quân Đại Việt chỉ đánh có tính kìm chân rồi chủ động lui khỏi biên giới. Thoát Hoan lại tung 2 vạn quân tấn công và chiếm Vạn Kiếp làm căn cứ, sau đó tiến về Thăng Long.[108][104][109] Hưng Đạo vương giao cho Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư trấn giữ đường biển. Khánh Dư không ngăn được thủy quân của Ô Mã Nhi đi qua; Thượng hoàng sai trung sứ bắt Khánh Dư về kinh. Nhưng Khánh Dư thuyết phục được trung sứ cho khất vài ngày để lập công chuộc tội.[110]

Ngày 2 tháng 2 năm 1288, quân Nguyên mở màn đánh phá Thăng Long. Quân Đại Việt bỏ thành rút lui.[109].[108] Cũng ngày này, thủy quân Việt do Trần Khánh Dư chỉ huy đã tập kích và tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tại Vân Đồn (Quảng Ninh).[111] Thánh Tông tha tội trước của Khánh Dư và nhận định: "Chỗ trông cậy của quân Nguyên là lương thảo khí giới, nay đã bị ta bắt được, sợ nó chưa biết" và ông sai thả tù binh về trại, để họ đưa tin dữ cho Thoát Hoan.[106] Các đoàn thuyền lương khác của quân Nguyên cũng không vào được Đại Việt vì bị bão biển, hoặc vì đi lạc tới Chiêm Thành.[111] Sau khi Thăng Long thất thủ, Thoát Hoan lệnh cho Ô Mã Nhi truy đuổi Thánh Tông và Nhân Tông. Nhưng hai vua đã lui xuống hạ lưu sông Hồng rồi theo cửa Giao Thủy đi ra biển vòng lên Tháp Sơn (Đồ Sơn).[112][109] Ô Mã Nhi lui quân về Thăng Long. Không tin rằng đoàn thuyền lương của Văn Hổ đã bị tiêu diệt, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi dẫn thủy quân đi tìm Văn Hổ. Lúc này hai vua và Hưng Đạo vương đã tập trung quân thủy bộ ở Tháp Sơn. Khi quân Ô Mã Nhi qua đây, quân Đại Việt tổ chức tập kích ở cửa Văn Úc (ngày 10 tháng 2 năm 1288), và trên biển gần Tháp Sơn, gây nhiều tổn thất cho quân Nguyên. Ô Mã Nhi bèn dẫn quân trở lại Vạn Kiếp.[108][113]

Ở Thăng Long mà không có lương thực, Thoát Hoan lúng túng. Không những thế, quân Đại Việt đã phản công mạnh mẽ và kiểm soát vùng Hải DươngHải Phòng đẩy Thoát Hoan vào nguy cơ bị cắt đường về Vạn Kiếp. Tình huống này buộc Thoát Hoan rút quân khỏi Thăng Long quay về Vạn Kiếp.[113] Hai vua Trần ban đầu sai Hưng Ninh vương đến giả vờ hẹn ngày đầu hàng để địch mất cảnh giác, sau đó mở các cuộc đột kích đêm vào Vạn Kiếp.[108] Cuối tháng 3 năm 1288, Thoát Hoan quyết định lui quân khỏi Đại Việt; Ô Mã Nhi được lệnh dẫn một cánh quân thủy rút về trước.[114][107] Ngày 9 tháng 4, cánh quân này tiến đến sông Bạch Đằng và lọt vào trận địa mai phục của đại quân Đại Việt.[115] Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thánh Tông, Nhân Tông và Hưng Đạo vương, quân Đại Việt đã tiêu diệt toàn bộ cánh quân thủy của địch. Nội Minh tự Đỗ Hành bắt các tướng Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ nộp cho Thánh Tông.[116][107] Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả Thượng hoàng đã sai người đưa hai tướng Nguyên lên thuyền ngự, rồi "cùng ngồi nói chuyện với chúng và uống rượu vui vẻ".[117]

Một ngày trước trận Bạch Đằng, đại quân Nguyên của Thoát Hoan bắt đầu rút từ Vạn Kiếp lên biên giới. Hữu thừa Nguyên là Trình Bằng Phi chọn những binh sĩ thiện chiến yểm hộ cho Thoát Hoan chạy về nước. Quân Nguyên về tới ải Nội Bàng (thị trấn Chũ và xã Bình Nội của Bắc Giang ngày nay) thì bị quân Đại Việt phục kích dữ dội, vạn hộ Nguyên là Trương Quân phải đem 3000 quân liều chết chiến đấu mới thoát khỏi cửa ải. Qua được Nội Bàng, Thoát Hoan lại nhận tin trinh sát rằng phía trước có 30 vạn quân Đại Việt trải dọc suốt 100 dặm mai phục, đành đổi hướng đi qua Đơn Kỷ (khoảng huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn ngày nay) về Lộc Châu. Tuy nhiên qua đường này, quân Nguyên vẫn bị quân Đại Việt tập kích. Quân Đại Việt từ trên cao bắn tên độc, giết các tướng Trương Ngọc và Abaci. Theo Nguyên sử, quân Nguyên lúc đó đã "thiếu ăn lại mệt vì chiến đấu, tướng tá nhìn nhau thất sắc" nhưng vẫn phải "cố xông vào mà đánh" và "buộc vết thương lại mà đánh".[118][119] Đến ngày 19 tháng 4 năm 1288, quân Nguyên đã bị quét sạch hoàn toàn khỏi Đại Việt.[108] Trước khi mất năm 1300, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn khi được Hoàng đế Trần Anh Tông thăm hỏi, ông đã hồi tưởng lại tinh thần "vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức" của thời đại Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông khiến Đại Việt chống chọi được sự bao vây bốn mặt của Toa Đô, Ô Mã Nhi và "giặc phải bị bắt".[120]

Những năm cuối

[sửa | sửa mã nguồn]
Nguyên văn lời kể tội Trần Ích TắcTrần Kiện bằng chữ Hán trong Đại Việt sử kí toàn thư. Tạm dịch là: Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những [kẻ] phản trắc. Chỉ có [kẻ] nào đầu hàng trước đây, thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai... Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy...

Tháng 4 âm lịch năm 1289, Thượng hoàng Trần Thánh Tông, Hoàng đế Trần Nhân Tông xét công lao các tướng lĩnh trong chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn được thăng lên Đại vương, Hưng Vũ vương Quốc Nghiễn được phong Khai quốc công, Hưng Nhượng vương Quốc Tảng nhận chức Tiết độ sứ; Nguyễn Khoái được phong tước Liệt hầu và được cấp hẳn một hương làm thực ấp. Hai vua cũng phong quan tước cho các tù trưởng người dân tộc có công như Lương Uất và Hà Tất Năng.[121] Sau cuộc phong thưởng này, khi có người tỏ ra chưa thỏa mãn, Thượng hoàng đã khuyên bảo rằng phần thưởng là để khuyến khích thiên hạ. Nếu sau này giặc Mông xâm lược lần nữa thì sẽ phong thưởng tiếp cho những người lập công.[121]

Lăng Trần Thánh Tông ở Long Hưng, Thái Bình.

Khi quân Nguyên tháo chạy, bỏ lại một tráp công văn. Quân Đại Việt bắt được và phát hiện nhiều giấy tờ của vương hầu, quan lại tư thông với quân Nguyên. Đình thần muốn mang đối chiếu để trị tội, nhưng Thượng hoàng Thánh Tông làm theo gương Hán Quang Vũ Đế, cho rằng trị tội kẻ tiểu nhân cũng vô ích nên sai người đốt hết đi.[121][122][123] Tuy nhiên, những người thật sự đã đầu hàng Nhà Nguyên đều bị nghiêm trị. Quan lại thì bị xử tử, tịch thu tài sản hoặc bắt đi đày, còn quân dân thì được tha chết nhưng phải chịu các loại hình phạt khổ sai như "chở gỗ đá, xây cung điện để chuộc tội", hoặc phải làm lính hầu, nô tỳ cho vương hầu và tể tướng.[121] Hai vua cũng bắt các vương hầu, tôn thất đã theo quân Nguyên phải bỏ họ Trần, đổi sang họ Mai. Trần Kiện tuy đã bị tướng Nguyễn Địa Lô bắn chết (1285) nhưng vẫn bị các văn kiện thời đó chép là Mai Kiện. Trần Ích Tắc cũng bị loại khỏi tôn thất, nhưng hai vua coi là "chỗ tình thân cốt nhục" nên "không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy".[121][124]

Theo Thánh đăng ngữ lục, Thượng hoàng về cuối đời đã đi tu tại chùa Tư Phúc, dưới sự hướng dẫn của Quốc sư Trúc Lâm Đại Đăng. Ông lấy đạo hiệu Vô Nhị Thượng Nhân (無二上人). Thượng hoàng đã dành nhiều thời gian cho việc viết sách và đàm đạo với các nhà Thiền học.[125][9][126] Một trong những thiền sư được Thượng hoàng kính trọng là Tuệ Trung Thượng Sĩ, tức Hưng Ninh vương Trần Quốc Tung – anh Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Sách Tuệ Trung Thượng Sĩ ngữ lục do Trần Nhân Tông biên soạn đã kể Thượng hoàng gọi Tuệ Trung Thượng Sĩ là "đạo huynh" và thuật lại một cuộc đàm đạo giữa hai người.[127] Khi hoàng hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm qua đời năm 1287, Thượng hoàng làm lễ cầu siêu, thỉnh nhiều vị danh tăng vào cung cấm để vấn đáp giáo lý. Nhân dịp này, Thượng Sĩ viết một bài kệ ngắn, ý nói kiến giải Phật Học của các nhà sư này chỉ là kiến thức cục bộ, không có lợi ích cho sự giác ngộ bản chất của thực tại. Trần Thánh Tông cũng làm kệ đáp lại, đại khái là người sáng suốt tự tại vẫn có thể sử dụng các kiến giải, họ chỉ không dính mắc vào kiến giải mà thôi. Theo Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ "rất khâm phục bài kệ ấy".[127]

Ngày 25 tháng 5 năm Trùng Hưng thứ 6 (tức 3 tháng 7 năm 1290), Thượng hoàng Thánh Tông qua đời tại cung Nhân Thọ, hưởng dương 50 tuổi. Thánh đăng ngữ lục có chép một số chi tiết về những ngày cuối cùng trong cuộc đời Trần Thánh Tông; những lời nói và thi kệ của Thượng hoàng trong thời gian này cho thấy ông nắm rõ giáo lý của Đạo Phật về lẽ vô thường và do vậy ông luôn tỉnh táo khi đối diện với bệnh tật và cái chết ("Sanh như mặc áo,/Chết tợ cởi trần,/Từ xưa đến nay,/Không đường nào khác...").[9] Vua Nhân Tông an táng Thượng hoàng ở Dụ Lăng – phủ Long Hưng (nay là Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình). Triều đình dâng ông miếu hiệuThánh Tông (聖宗) và thụy hiệuHuyền Công Thịnh Đức Nhân Minh Văn Vũ Tuyên Hiếu Hoàng đế (玄功盛德仁明文武宣孝皇帝).[128] Ngày nay ở trung tâm thành phố Hà Nội có phố mang tên Trần Thánh Tông.

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]

Tác phẩm thơ, văn của Trần Thánh Tông bao gồm:

  • Di hậu lục (Chép để lại cho đời sau).
  • Cơ cầu lục (Chép việc nối dõi nghiệp nhà).
  • Thiền tông liễu ngộ (Bài ca giác ngộ Thiền tông).
  • Phóng ngưu (Thả trâu).
  • Chỉ giá minh (Bài minh về sự cung kính).
  • Trần Thánh Tông thi tập (Tập thơ Trần Thánh Tông).

Và một số thư từ ngoại giao, nhưng tất cả đều đã thất lạc, chỉ còn lại 6 bài thơ được chép trong Việt âm thi tập (5 bài) và Đại Việt sử ký toàn thư (1 bài).[129] Theo đánh giá trong cuốn Thơ văn Lý Trần (tập 2, quyển thượng) do Nguyễn Huệ Chi, Trần Thị Băng Thanh, Đỗ Văn Hỷ và Trần Tú Châu biên soạn, thơ của Trần Thánh Tông "giàu chất trữ tình, kết hợp nhuần nhị giữa tinh thần tự hào về đất nước, về dân tộc của người chiến thắng, với tình yêu cuộc sống yên vui, thanh bình và phong độ ung dung, phóng khoáng của một người biết tự tin, lạc quan."[130]

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, năm 1289, Trần Thánh Tông sáng tác bài thơ Dạo chơi hành cung Thiên Trường (Hạnh hành cung Thiên Trường), nói lên cảm hứng sau hai lần đánh bại quân Nguyên (1285 và 1287-1288).[131] Trong sách Nam Ông mộng lục (in lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 1442), viên quan Nhà Minh gốc ViệtHồ Nguyên Trừng đánh giá bài thơ có cấu tứ thanh cao và điệp tự âm vang.[132] Sách Thơ văn Lý Trần cũng ghi lại một bài của ông tên Chân tâm chi dụng (真心之用)[130] mang màu sắc Phật giáo Thiền tông.[126][130] Ngoài ra còn có bài Cảm xúc khi đọc Đại tuệ ngữ lục (讀大慧語錄有感 Độc Đại tuệ ngữ lục hữu cảm) bày tỏ kinh nghiệm tu tập và chứng đạo.[133]

Gia đình

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng hậu Trần Thị Thiều (陳氏韶; ? – 1287), con gái thứ năm của An Sinh vương Trần Liễu.[134]
  2. Cung phi Vũ Ngọc Lan[135].
  3. Cung phi Trần Thị Khương[136].
  • Hậu duệ:
    • Hoàng thái tử Trần Khâm tức Trần Nhân Tông, mẹ là Thiên Cảm hoàng hậu.[134]
    • Tá Thiên đại vương Trần Đức Việp, là một trong những nhân vật cao cấp trong triều đình Đại Việt thời Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông.[137][138] Năm 1302, ông được cháu là Trần Anh Tông phong làm Thống chính Thái sư, cùng làm Tể tướng với Nhập nội bình chương Trần Quốc Chẩn và Thái úy Quốc công Trần Nhật Duật.[60] Ông mất ngày 1 tháng 1 âm lịch năm 1306 ở tuổi 42.[139]
    • Thiên Thụy Công chúa (天瑞公主 ? – 16 tháng 12 năm 1308) là con đầu lòng, chị gái Trần Nhân Tông, mất cùng ngày với Nhân Tông (3 tháng 11 âm lịch, 1308). Lấy Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn, con trai Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Có thuyết cho rằng công chúa là con của bà phi Ngọc Lan[135].
    • Bảo Châu Công chúa, con gái thứ tư, lấy Vũ Túc vương Đạo, con của Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải. Việc này được chép trong Văn bia thờ Công chúa Phụng Dương (Phụng Dương Công chúa thần đạo bi minh tính tự) do Thiếu bảo Lê Củng Viên soạn năm 1293.[140]
    • Chiêu Hoa Công chúa, được biết đến qua các tư liệu thần phả và giai thoại, không có trong các bộ chính sử hiện có (Đại Việt Sử ký Toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục...). Lấy An Đức hầu Cao Toàn.[141]
    • Chiêu Chinh Công chúa, cũng như Chiêu Hoa Công chúa, bà không có tên trong chính sử. Bà tên húy là Trần Thị Hinh, mẹ là Cung phi Trần Thị Khương.[136]

Nhận định

[sửa | sửa mã nguồn]

Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký Toàn thư khen ngợi Trần Thánh Tông có công trong việc đánh bại quân Mông Cổ:[142]

Đại Việt Sử ký Toàn thư còn dẫn ra một câu chuyện cho thấy sự hòa ái của hoàng thất Nhà Trần thời Trần Thánh Tông: Tĩnh Quốc Đại vương Trần Quốc Khang, trên danh nghĩa là con trưởng của Trần Thái Tông, nhưng thực ra là con trai của An Sinh Đại vương Trần Liễu cùng Hiển Từ Thuận Thiên Hoàng hậu. So với những người con còn lại của Thái Tông, tuy là con trưởng nhưng Quốc Khang học vấn tầm thường, nên không được vua em Thánh Tông cho giữ những chức vụ lớn trong triều đình. Tuy nhiên nhà vua vẫn giữ quan hệ tốt đẹp với anh mình.[47] Theo Toàn thư, có lần ông cùng Quốc Khang chơi đùa trước mặt Thái thượng hoàng. Thượng hoàng mặc áo bông trắng, Quốc Khang múa kiểu người Hồ, Thượng hoàng bèn cởi áo ban cho. Thánh Tông thấy vậy cũng múa kiểu người Hồ để đòi thưởng áo bông. Quốc Khang bèn nói:[143][144]

Quý nhất là ngôi vua, tôi đã không tranh với chú hai rồi. Nay đức chí tôn cho tôi thứ nhỏ mọn này mà chú hai cũng muốn cướp sao?

Thái Tông khen Quốc Khang, rồi ban áo cho Khang. Trong hoàng gia, cha con, anh em hòa thuận không xảy ra xích mích.[143][144] Vào tháng 9 âm lịch năm 1269, Thánh Tông phong Quốc Khang làm Vọng Giang phiêu kỵ Đô thượng tướng quân.[143] Sau này, mùa xuân năm 1270 (niên hiệu Thiệu Long năm thứ 13), Quốc Khang xây vương phủ hoành tráng tại Diễn Châu, nhà vua bèn cho người đến xem. Hoảng sợ, Quốc Khang đành phải dựng tượng Phật tại nơi này – sau trở thành chùa Thông.[143]

Sử thần Lê Tung triều Lê Tương Dực viết Đại Việt thông giám tổng luận (1514) ca ngợi Trần Thánh Tông là vị vua nhân hậu, coi trọng hiền tài và phát triển Nho học; tuy nhiên, đứng trên góc độ Tân Nho giáo, Lê Tung phê phán ông tôn sùng đạo Phật.[145] Trong bộ Việt sử tiêu án (1775) do sĩ phu Ngô Thì Sĩ (đời -Trịnh) soạn thảo cũng ghi lại một số đánh giá của sử thần. Họ đánh giá ông là vị vua hòa thuận với quan thần lẫn anh em, học cao, thuận theo ý trời, bất khuất trước giặc ngoại xâm và người hùng.[2]

Chú giải

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Trong An Nam truyện của Tống sử có chép về việc vua Tống cho phép Trần Thái Tông nhường ngôi cho Thái tử Hoảng (vua Thánh Tông): "Năm thứ 3 (Trần Nhật Cảnh) dâng biểu xin thế tập, vua xuống chiếu, trao Nhật Cảnh làm Kiểm hiệu Thái sư An Nam quốc Đại vương, thêm thực ấp, trao con trai là Uy Hoảng làm Tĩnh hải quân Tiết độ sứ, Quan sát xử trí sứ, Kiểm hiệu Thái úy kiêm Ngự sử đại phu, Thượng trụ quốc, An Nam quốc vương, Hiệu trung thuận hóa công thần" (trích dẫn trong sách Trần Thái Tông toàn tập - 2004).[14]
  2. ^ Một số sử gia hiện đại có bất đồng về việc xác định tên gọi vua Trần trong các sách sử thời Nguyên, Minh, mà cụ thể là Nguyên sử, An Nam chí lượcKinh thế đại điển tự lục. Sử gia Nhật Bản Yamamoto Tatsuro trong bộ An Nam sử nghiên cứu (1950) kiến giải Quang Bính là một tên gọi khác của vua Trần Thái Tông (ngoài tên Nhật Cảnh); song sử gia Lê Mạnh Thát, tác giả cuốn Trần Thái Tông toàn tập (2004) không đồng tình: theo Lê Mạnh Thát, Quang Bính là tên của Thánh Tông trong các văn thư ngoại giao với Mông Cổ. Xem chi tiết ở mục Chú giải của bài Trần Thái Tông để biết thêm về các lý lẽ của hai sử gia này.[15][16]
  3. ^ Theo thuyết của Yamamoto, Trần Nhật Cảnh và Trần Quang Bính là hai tên vua Trần Thái Tông sử dụng trong văn thư ngoại giao, còn tên vua Trần Thánh Tông trong văn kiện ngoại giao là Trần Nhật Huyên.[16] Dựa theo trích dẫn trong An Nam truyện (Nguyên sử): "Năm (Chí Nguyên) 14 [1277], Quang Bính chết, người trong nước lập Thế tử Nhật Huyên, sai Trung thị đại phu Châu Trọng Ngạn, Trung lượng đại phu Ngô Đức Thiệu đến chầu...", Yamamoto lập luận rằng cổ sử Việt Nam cũng ghi năm mất của Trần Thái Tông là 1277, cho nên Quang Bính là Trần Thái Tông và Nhật Huyên (con Quang Bính) là Trần Thánh Tông. Thuyết này bị sử gia Lê Mạnh Thát phủ nhận trong tác phẩm Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm (1999): Lê Mạnh Thát cho rằng Nhật Huyên không phải Thánh Tông, vì cũng theo An Nam truyện: " Năm (Chí Nguyên) 15 [1278], tháng sáu ngày Tân Tỵ, vua nước An Nam là Trần Quang Bính sai sứ dâng biểu đến cống" (ý Lê Mạnh Thát là nếu Quang Bính đã chết năm 1277 thì năm 1278 không thể gửi sứ sang cống được); và "Năm (Chí Nguyên) thứ 28 tháng 9 ngày Tân Hợi [1291], vua An Nam là Trần Nhật Huyên sai sứ dâng biểu cống phương vật, vừa để tạ tội không đến chầu" (Lê Mạnh Thát kiến giải rằng, chi tiết này cho thấy Nhật Huyên còn sống sau năm 1290 - năm Trần Thánh Tông mất trong Đại Việt Sử ký Toàn thư).[17] Ngoài ra, Lê Mạnh Thát còn viện dẫn một đoạn trích từ mục Chinh phạt, sách Kinh thế đại điển tự lục thời Nguyên (do Ngu Tập, Triệu Thế Diên trước tác năm 1330-1331) nói về cuộc chiến Nguyên-Việt (1285) rằng "Đường Ngột Đãi đuổi Nhật Huyên và Thượng hoàng đến cửa biển An bang" để khẳng định Nhật Huyên là Trần Nhân Tông. Lê Mạnh Thát cũng khẳng định hành trạng của Trần Nhật Huyên trong Nguyên sử là tương đồng với ghi chép của các bộ sử Việt về Trần Nhân Tông.[17]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c d e Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 175.
  2. ^ a b Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 75.
  3. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 174-175.
  4. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 176-181.
  5. ^ Taylor 2013, tr. 138.
  6. ^ a b c d e f g h i j k l Phạm Văn Ảnh (2013). “Văn thư ngoại giao thời Trần: Nội dung và nghệ thuật”. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 12 năm 2016. Truy cập 18 tháng 12 năm 2016.
  7. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 53-61.
  8. ^ a b c d e f g h i j Lê Mạnh Thát (1999). “Chương II: Tuổi trẻ vua Trần Nhân Tông”. Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 15 tháng 11 năm 2016.
  9. ^ a b c d Hòa thượng Thích Thanh Từ (phiên dịch) (1999). Thánh Đăng Lục Giảng Giải (PDF). Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh. Truy cập 15 tháng 12 năm 2016. các trang 17-22.
  10. ^ a b c d e Lê Tắc 1961, tr. 105.
  11. ^ Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 74.
  12. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 211.
  13. ^ a b c d e f g h i j k l m n Trần Trọng Kim 1971, tr. 52.
  14. ^ a b Lê Mạnh Thát 2004, tr. 104-105.
  15. ^ Lê Mạnh Thát 2004, tr. 100-110.
  16. ^ a b Thạc sĩ Phạm Văn Ánh (2014). “Khảo biện văn thư ngoại giao của Trần Nhân Tông”. Giác Ngộ Online. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2017. Truy cập 25 tháng 3 năm 2017.
  17. ^ a b Lê Mạnh Thát 1999, chương I: "Vấn đề sử liệu"
  18. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 243.
  19. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 240-243.
  20. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 230.
  21. ^ a b Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 175-176.
  22. ^ a b Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 66-88.
  23. ^ a b Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 174.
  24. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 175-182.
  25. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 181-182.
  26. ^ a b Phạm Văn Sơn, sách đã dẫn, trang 176.
  27. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 217.
  28. ^ a b c Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 177.
  29. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 213-214.
  30. ^ a b c d e f Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 179.
  31. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 215.
  32. ^ a b c Taylor 2013, tr. 127.
  33. ^ a b Phan Huy Chú 2007, tr. 529-531.
  34. ^ a b c d Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 180.
  35. ^ Phan Huy Chú 2007, tr. 554.
  36. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 216.
  37. ^ Phan Huy Chú 2007, tr. 529.
  38. ^ a b c d Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 182.
  39. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 220.
  40. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 212.
  41. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 181.
  42. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 219.
  43. ^ Taylor 2013, tr. 128-129..
  44. ^ Taylor 2013, tr. 126.
  45. ^ Đào Duy Anh 1958, tr. 205.
  46. ^ a b Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 214.
  47. ^ a b c Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 176.
  48. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 213.
  49. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 211-212.
  50. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 205.
  51. ^ Trần Xuân Sinh 2006, tr. 128.
  52. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 211-214.
  53. ^ Lê Tắc 1961, tr. 26-28.
  54. ^ a b Trần Xuân Sinh 2006, tr. 105.
  55. ^ Nguyễn Thế Long 2005, tr. 30-31..
  56. ^ “Ngoại giao ăn miếng trả miếng sòng phẳng giữa vua Trần Thánh Tông và Hốt Tất Liệt”. một thế giới online. Truy cập ngày 24 tháng 10 năm 2021.
  57. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 177-183.
  58. ^ a b Lê Tắc 1961, tr. 92-93.
  59. ^ a b Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 194.
  60. ^ a b Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 216.
  61. ^ a b Lê Tắc 1961, tr. 18.
  62. ^ Lê Tắc 1961, tr. 5.
  63. ^ a b Lê Tắc 1961, tr. 28.
  64. ^ Lê Tắc 1961, tr. 19-20.
  65. ^ a b Lê Tắc 1961, tr. 115.
  66. ^ Nguyễn Thế Long 2005, tr. 102.
  67. ^ Lê Tắc 1961, tr. 18-31.
  68. ^ Lê Tắc 1961, tr. 19.
  69. ^ Nguyễn Thế Long 2005, tr. 30-31.
  70. ^ Nguyễn Thế Long 2005, tr. 100.
  71. ^ Nguyễn Lương Bích 2003, tr. 67-69.
  72. ^ Nguyễn Thế Long 2001, tr. 98.
  73. ^ Nguyễn Thế Long 2001, tr. 99-100.
  74. ^ Nguyễn Thế Long 2001, tr. 101.
  75. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 272.
  76. ^ Nguyễn Thế Long 2001, tr. 103.
  77. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 183.
  78. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 185-186.
  79. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 222-223.
  80. ^ a b Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 78.
  81. ^ a b Trần Trọng Kim 1971, tr. 54-55.
  82. ^ Lê Tắc 1961, tr. 28-30.
  83. ^ a b c d e Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 188-189.
  84. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 223-224.
  85. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 125-127.
  86. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 190-191.
  87. ^ a b c Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 211-216.
  88. ^ a b c d e f g Lê Mạnh Thát (1999). “Chương III: Vua Trần Nhân Tông Và Cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Năm 1285.”. Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 4 tháng 12 năm 2016.
  89. ^ a b Lê Tắc 1961, tr. 37-38.
  90. ^ Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 79-81.
  91. ^ a b Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 222-228.
  92. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 227-235.
  93. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 192-193.
  94. ^ a b Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 239-243.
  95. ^ a b c Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 245-251.
  96. ^ Trần Xuân Sinh 2006, tr. 191.
  97. ^ Lê Tắc 1961, tr. 107-110.
  98. ^ a b c d e Trần Trọng Kim 1971, tr. 58-59.
  99. ^ Hà Thành. “Thăng Long với kế sách "thanh dã" trong chống giặc ngoại xâm”. Tạp chí Quốc phòng Toàn dân. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 9 năm 2017. Truy cập 5 tháng 12 năm 2016.
  100. ^ a b c Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 193-194.
  101. ^ Trần Xuân Sinh 2006, tr. 196.
  102. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 245.
  103. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 254-261.
  104. ^ a b c Trần Trọng Kim 1971, tr. 60-61.
  105. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 265-269.
  106. ^ a b Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 195-197.
  107. ^ a b c Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 81-82.
  108. ^ a b c d e Lê Mạnh Thát (1999). “Chương IV: Vua Trần Nhân Tông Và Cuộc Chiến tranh Vệ Quốc Năm 1288.”. Trần Nhân Tông: Con người và tác phẩm. Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập 18 tháng 11 năm 2016.
  109. ^ a b c Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 293-298.
  110. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 235.
  111. ^ a b Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 290-291.
  112. ^ Trần Xuân Sinh 2006, tr. 221.
  113. ^ a b Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 300-304.
  114. ^ Viện lịch sử quân sự Việt Nam 2000, tr. 319-320.
  115. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 308-310.
  116. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 316-317.
  117. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 198.
  118. ^ Hà Văn Tấn & Phạm Thị Tâm 1972, tr. 318–323.
  119. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn 1998, tr. 236.
  120. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 210.
  121. ^ a b c d e Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 199-200.
  122. ^ Ngô Thì Sĩ 1991, tr. 84.
  123. ^ Trần Xuân Sinh 2006, tr. 244.
  124. ^ Trần Trọng Kim 1971, tr. 200.
  125. ^ Nhiều tác giả 1999, tr. 399-415.
  126. ^ a b Nguyễn Thế Đăng (2014). “Trần Thánh Tông - Một ngôi sao sáng của Thiền học đời Trần”. Thư viện Hoa Sen. Truy cập 18 tháng 12 năm 2016.
  127. ^ a b Trúc Lâm Tổ Sư (biên soạn); Hòa thượng Thích Thanh Từ (phiên dịch) (1996). Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải (PDF). Ban Văn hoá Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Truy cập 31 tháng 5 năm 2018.Quản lý CS1: nhiều tên: danh sách tác giả (liên kết) các trang 17-22.
  128. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 201-202.
  129. ^ Theo Phạm Tú Châu, mục từ "Trần Hoảng" trong Từ điển văn học (bộ mới, Nhà Xuất bản Thế giới, 2004, tr. 1785) và Trần Văn Giáp, Tìm hiểu kho sách Hán Nôm (Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 2003, tr. 847).
  130. ^ a b c Nhiều tác giả 1999, tr. 399-416.
  131. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 200-201.
  132. ^ Hồ Nguyên Trừng 1999, tr. 113.
  133. ^ Nhiều tác giả 1999, tr. 404-406.
  134. ^ a b “Vì sao Trần Liễu hận vua Trần Thái Tông đến chết”. Câu lạc bộ Hùng Sử Việt. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 11 năm 2017. Truy cập ngày 10 tháng 11 năm 2017.
  135. ^ a b Nguyễn Thông - Trần Kim Anh (2013). “Chuyện tình bi thảm ít người biết của một vị công chúa thời Trần”. Báo Một Thế giới. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 12 năm 2016. Truy cập 17 tháng 12 năm 2016.
  136. ^ a b “Công chúa Chiêu Chinh (1258 – 1314)”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hải Phòng. 2012. Truy cập 6 tháng 4 năm 2018.
  137. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 201.
  138. ^ Trần Nghĩa (1972). “Một bức "ký họa" về xã hội nước ta thời Trần – Bài thơ "An Nam tức sự" của Trần Phu”. Tạp chí Văn học (1): 115.
  139. ^ Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 218.
  140. ^ Hồ Đức Thọ 2005, tr. 190.
  141. ^ Nguyễn Văn Tân 2002, tr. 58.
  142. ^ Trần Xuân Sinh 2006, tr. 107-108.
  143. ^ a b c d Ngô Sĩ Liên 1993, tr. 180-181.
  144. ^ a b Trần Xuân Sinh 2006, tr. 107.
  145. ^ Lê Tung. Bản sao đã lưu trữ. Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm. tr. 13a-13b. Bản gốc lưu trữ ngày 17 tháng 3 năm 2017. Truy cập ngày 27 tháng 5 năm 2018. Đã định rõ hơn một tham số trong |tựa đề=|title= (trợ giúp)

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]

Chúng tôi bán
Bài viết liên quan
Trùng trụ Kochou Shinobu trong Kimetsu no Yaiba
Trùng trụ Kochou Shinobu trong Kimetsu no Yaiba
Kochou Shinobu「胡蝶 しのぶ Kochō Shinobu」là một Thợ Săn Quỷ, cô cũng là Trùng Trụ của Sát Quỷ Đội.
Review Red Dead Redemption 2 : Gã Cao Bồi Hết Thời Và Hành Trình Đi Tìm Bản Ngã
Review Red Dead Redemption 2 : Gã Cao Bồi Hết Thời Và Hành Trình Đi Tìm Bản Ngã
Red Dead Redemption 2 là một tựa game phiêu lưu hành động năm 2018 do Rockstar Games phát triển và phát hành
Tổng hợp một số loại quái vật trong Nazarick
Tổng hợp một số loại quái vật trong Nazarick
Ở Nazarick, có vô số con quái vật mà ai cũng biết. Tuy nhiên, nhiều người dường như không biết về những con quái vật này là gì, và thường nhầm chúng là NPC.
Limerence - Có lẽ đó không chỉ là crush
Limerence - Có lẽ đó không chỉ là crush
I want you forever, now, yesterday, and always. Above all, I want you to want me