Vỏ lãi, còn gọi là vỏ tắc ráng hay vỏ vọt, là tên một loại thuyền máy, hoặc xuồng, ghe nhỏ và dài hình thoi, thường làm bằng gỗ và gắn thêm máy, là phương tiện di chuyển chủ yếu và phổ biến ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là vào mùa nước nổi.
Vỏ lãi hoặc tắc ráng được người dân nơi đây xem như xe gắn máy trên sông để đi lại trên những con kênh rạch chằng chịt có ở vùng này. Tắc Ráng vốn là tên của một con rạch nhỏ nằm ở phía Đông Nam thị xã Rạch Giá. Ngày nay, kênh này đã được cải tạo thành một kênh đào lớn và được gọi là Kinh Xáng Mới. Tên gọi Tắc Ráng đã được dùng làm tên gọi cho chiếc xuồng gắn máy đuôi tôm (máy Kholer 7) đầu tiên xuất hiện tại miền Nam vào năm 1960[1][liên kết hỏng] (tương truyền là do ông Năm Cải hay ông Chín Sum thực hiện đầu tiên tại xóm Tắc Ráng, thuộc khóm Vĩnh Viễn, xã Vĩnh Hiệp, Rạch Giá[2][liên kết hỏng]) và trở thành tên thông dụng cho những loại xuồng nhỏ có gắn máy tại Nam bộ sau này.
Được cải tiến từ thuyền tam bản, tắc ráng (vỏ lãi) là một loại ghe dài được gắn thêm máy đặt phía sau và do một người điều khiển bằng máy ngoài hoặc bằng bánh lái. Chạy nhanh với tốc độ rất cao như ca nô và với thân hình thon, dài, dễ luồn lách thích hợp để đi trong rừng hay những nơi đầm lầy, nhiều lau sậy trước kia như Đồng Tháp Mười, nét đặc trưng của vỏ lãi không chỉ để chuyên chở người, hàng hóa gọn nhẹ để phục vụ công việc đồng áng, buôn bán mà còn dùng nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, kể cả rước dâu, du lịch tham quan...
Tùy theo kích thước, vỏ lãi có thể chở được từ 10 người đến 50, 60 người. Vỏ lãi chuyên dụng chở khách có 2 tầng, chở đến hàng trăm người, sử dụng động cơ của máy cày. Vỏ lãi truyền thống được làm bằng gỗ, nhưng ngày nay còn được làm bằng composite, gắn động cơ máy dầu F Yanma, hoặc máy D của Trung Quốc, Yamaha hay Honda, GMC của Nhật Bản... có thể chạy đến 60 km/h.