Trang này giải thích một quy định chính thức của Wikipedia tiếng Việt. Nó được đa số các thành viên chấp nhận và được xem là chuẩn mực mà tất cả các thành viên nên tuân thủ. Xin đừng sửa đổi trang này trừ khi sửa đổi của bạn đã được sự đồng thuận. Nếu bạn muốn đề nghị những sửa đổi hoặc hoài nghi về quy định nào đó, xin hãy sử dụng trang thảo luận. |
Tóm tắt trang này: Wikipedia là bách khoa toàn thư tổng hợp kiến thức từ các nguồn tham khảo đáng tin cậy đã xuất bản. Mọi nội dung và thông tin trong bài đều phải lấy từ nguồn, và độc giả phải được quyền kiểm tra để xác nhận các thông tin đó không phải là bịa đặt. Các trích dẫn nguyên văn và các thông tin dễ gây tranh cãi phải có nguồn ngay cạnh. |
Quy định cốt lõi về nội dung |
---|
Quy định khác về nội dung |
Tại Wikipedia tiếng Việt, quy định thông tin kiểm chứng được hay "nói có sách, mách có chứng" có nghĩa là mọi thông tin trong bài bách khoa đều phải được lấy từ các nguồn tham khảo đáng tin cậy. Bài viết chỉ phản ánh đúng các thông tin đã xuất bản, không phản ánh suy nghĩ, kiến thức, trải nghiệm cá nhân của người viết, những ý tưởng hay thông tin chưa được xuất bản. Dù bạn có chắc chắn một thông tin nào đó là đúng, thông tin này vẫn phải được xuất bản tại một nguồn tham khảo đáng tin cậy trước khi đưa vào bài.[a] Nếu các nguồn đáng tin cậy mâu thuẫn nhau, hãy duy trì thái độ trung lập và trình bày quan điểm của những nguồn đó với tỷ lệ tương ứng.
Tất cả nội dung trong không gian chính của Wikipedia, bao gồm mọi thứ trong bài viết, danh sách, chú thích hình, đều phải có nguồn. Ngoài ra, bốn thứ sau đây phải được dẫn nguồn bằng chú thích trong hàng ghi đúng[b] nội dung đó:
Nội dung nào cần nguồn để kiểm chứng nhưng lại không có nguồn thì có thể bị xóa. Xin hãy lập tức xóa ngay nội dung gây tranh cãi về người đang sống (hoặc tổ chức đang hoạt động) không có nguồn hoặc dẫn nguồn yếu.
Đối với cách viết chú thích, xem chú thích nguồn gốc. Thông tin kiểm chứng được, không đăng nghiên cứu chưa công bố và thái độ trung lập là các quy định cốt lõi về nội dung của Wikipedia. Chúng liên kết với nhau để xác định nội dung nào được chấp nhận tại Wikipedia, nên các thành viên cần hiểu bản chất của cả ba. Bài viết cũng phải tuân thủ quy định về bản quyền.
Mọi thông tin trong bài bách khoa đều phải có nguồn kiểm chứng. Dẫn nguồn là nghĩa vụ của người muốn đưa nội dung đó vào bài hay khôi phục lại nội dung đã bị xóa. Cuối thông tin đó cần có một chú thích nguồn (còn gọi là "chú thích trong hàng") ghi một nguồn tham khảo đáng tin cậy phản ánh đúng[b] thông tin đó.[c]
Cần dẫn nguồn xuất bản đáng tin cậy cho:
Nguồn của bạn phải hỗ trợ cho nội dung được trình bày trong bài một cách rõ ràng. Bạn hãy chú thích nguồn tham khảo một cách rõ ràng và đầy đủ, cung cấp các thông tin xuất bản nhiều nhất có thể, trong đó có số trang khi dẫn sách (dù đôi khi đề mục, chương, hoặc tương tự có thể hợp lệ; xem hướng dẫn tại Wikipedia:Chú thích nguồn gốc).
Những nội dung thiếu nguồn đáng tin cậy hỗ trợ trực tiếp đều có thể bị xóa và không khôi phục, trừ phi được dẫn từ một nguồn đáng tin cậy bằng chú thích trong hàng. Liệu có nên xóa các nội dung này hay không cũng như thời điểm xóa còn phụ thuộc vào việc đó là nội dung gì và trạng thái chung của bài viết.
Hãy cân nhắc gắn bản mẫu {{cần chú thích}} vào cuối câu hay cuối vế câu đó.[d] Khi gắn bản mẫu hay xóa những nội dung thiếu nguồn, hãy giải thích rõ rằng bạn quan ngại là sẽ không thể tìm thấy nguồn đã xuất bản đáng tin cậy cho thông tin đó, do đó thông tin đó sẽ không thể kiểm chứng được.[e] Nếu bạn nghĩ rằng có thể có nguồn cho thông tin đó, khuyến khích bạn tự tìm và kẹp nguồn rồi hẵng gắn bản mẫu hay xóa thông tin ra khỏi bài.
Trên Wikipedia, từ "nguồn" có bốn nghĩa. Yếu tố nào sau đây cũng có thể ảnh hưởng đến độ xác tín của nguồn.
Bài bách khoa cần dựa trên các nguồn đáng tin cậy, độc lập, đã xuất bản, có uy tín chỉ xuất bản nội dung đã được xác minh kỹ lưỡng, có quy trình kiểm tra thông tin chặt chẽ trước khi công bố. Nội dung trong nguồn phải "được đưa đến công chúng bằng một hình thức nào đó", gọi là xuất bản rồi.[f] Nội dung chưa xuất bản thì không được coi là đáng tin cậy và không hợp lệ. Hãy lấy những nguồn có thể chứng thực cho các thông tin trong bài. Nếu phải cân nhắc liệu nguồn này có phù hợp để dùng không, hãy quyết định dựa trên ngữ cảnh. Hãy đặc biệt cẩn trọng khi dẫn nguồn cho các thông tin về người đang sống và lĩnh vực y học.
Nguồn hợp lệ:
Trang Wikipedia:Search engine test (tiếng Anh) sẽ hướng dẫn bạn cách dùng các bộ máy tìm kiếm để tìm nguồn trực tuyến viết bài.
Các nguồn chất lượng cao nhất đều có cơ chế chuyên nghiệp để kiểm tra, phân tích thông tin, dữ kiện, vấn đề pháp lý, đánh giá chứng cứ, lập luận. Càng có nhiều người tham gia vào các công tác trên thì nguồn đó càng xác tín.
Các tờ báo, tạp chí, các cơ quan thông tấn báo chí có các chuyên mục tương tác, nội dung ít trang trọng hơn so với bài báo chính thống, gọi là blog hoặc mục Góc nhìn… Chỉ có thể dùng nội dung này làm nguồn nếu người viết là nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp, nhưng vẫn cần thận trọng vì loại bài này không phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe dành cho các bài báo truyền thống hay trải qua quy trình biên tập phức tạp và được xác minh thông tin chính xác.[g] Nếu đó là bài đăng quan điểm của chuyên gia, hãy đề thẳng tên tác giả, ví dụ: "theo [nhà báo] Nguyễn Văn A, ..."
Đừng bao giờ sử dụng bình luận của độc giả làm nguồn cho bài viết bách khoa. Khác với blog báo chí, blog cá nhân hoặc nhóm không phải là nguồn hợp lệ và sẽ được giải thích về § Nguồn tự xuất bản bên dưới.
Wikipedia:Nguồn đáng tin cậy sẽ giải thích chi tiết hơn về các loại nguồn khác nhau. Ngoài ra Wikipedia tiếng Việt cũng tổng hợp một danh sách nguồn tiếng Việt đáng tin cậy tại Wikipedia:Danh sách nguồn đáng tin cậy/Tiếng Việt (lưu ý rằng đây chưa phải là danh sách đầy đủ). Do quy định luôn có hiệu lực cao hơn hướng dẫn nên nếu chẳng may quy định này mâu thuẫn với hướng dẫn thì quy định này sẽ được ưu tiên.
Nguồn khả nghi hay nguồn đáng nghi là những nguồn không đáp ứng tiêu chuẩn về tính xác thực, không kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi xuất bản, không có ban biên tập hoặc không tuân thủ quy trình biên tập chặt chẽ, có xung đột lợi ích rõ ràng. Đây thường là các trang web, ấn phẩm được nhiều nguồn khác xem là cực đoan, có thiên hướng quảng bá, tuyên truyền định hướng người đọc, viết bài từ tin đồn, tin giả vô căn cứ và quan điểm cá nhân. Chỉ dùng loại này làm nguồn cho các thông tin về chính các nguồn này, chẳng hạn như trong các bài bách khoa về chính các nguồn này. Không dẫn loại nguồn này cho các thông tin gây tranh cãi về người và tổ chức khác.
Các tạp chí khoa học "săn mồi", thu tiền (predatory journal) cũng không phải là nguồn hợp lệ. Các tạp chí này thu phí xuất bản từ các tác giả mà không thực hiện quy trình biên tập và phản biện khoa học một cách nghiêm túc. Điều này dẫn đến việc xuất bản nhiều nghiên cứu không đảm bảo chất lượng, thiếu tính xác thực, và thậm chí là thông tin sai lệch.
Bất cứ ai cũng có thể tự tạo một trang web cá nhân, tự xuất bản một cuốn sách hoặc tự nhận là một chuyên gia. Đó là lý do tại sao Wikipedia không chấp nhận phần lớn các nội dung tự xuất bản như sách, bằng sáng chế, bản tin, trang web cá nhân, wiki mở, blog cá nhân hoặc blog nhóm (hoàn toàn khác với blog báo chí ở trên), trại nội dung, các bài đăng trên diễn đàn Internet cũng như trên mạng xã hội. Các nguồn tự xuất bản của chuyên gia có thể được coi là đáng tin cậy nếu nó thuộc về một chuyên gia có thẩm quyền trong lĩnh vực đó, tức là các tác phẩm trong lĩnh vực đó của chuyên gia này từng được các nhà xuất bản độc lập, đáng tin cậy xuất bản.[g] Hãy thận trọng khi sử dụng các nguồn này: nếu thông tin trong nguồn thật sự phù hợp để đưa vào bài, có thể nó đã được xuất bản trong các nguồn độc lập đáng tin cậy rồi.[1] Đừng bao giờ dùng nguồn độc lập tự xuất bản để viết về người đang sống, ngay cả khi tác giả là một chuyên gia, nhà nghiên cứu chuyên nghiệp hoặc nhà văn có tiếng.
Bạn có thể xem danh sách các công ty cung cấp dịch vụ tự xuất bản tại Wikipedia:List of self-publishing companies (tiếng Anh), cũng như đọc hướng dẫn về cách xác định và sử dụng nguồn tự xuất bản tại Wikipedia:Identifying and using self-published works (tiếng Anh).
Có thể dùng các nguồn tự xuất bản và đáng nghi làm nguồn khi viết về chính chủ thể của nguồn (chẳng hạn như trong các bài viết về chính các nguồn này hoặc các hoạt động, công việc của nó). Họ không cần là chuyên gia trong lĩnh vực đó, miễn là:
Quy định này cũng áp dụng cho nội dung được xuất bản trên các trang web mạng xã hội như Twitter, Tumblr, Reddit, và Facebook.
Đừng sử dụng các bài viết của Wikipedia làm nguồn, cho dù là của Wikipedia ngôn ngữ nào đi chăng nữa. Cũng đừng sử dụng các trang web chép lại nội dung hay những ấn phẩm đã dùng Wikipedia làm nguồn. Nội dung trong một bài viết Wikipedia không được coi là đáng tin cậy trừ khi có các nguồn đáng tin cậy hỗ trợ cho nội dung đó. Bạn hãy xem coi mình đang cần viết về nội dung gì, hiện đang có những nguồn nào hỗ trợ cho nội dung này trong bài viết Wikipedia rồi sử dụng thẳng các nguồn đó.[2]
Ngoại lệ duy nhất là khi bài viết đó bàn luận về Wikipedia. Khi đó thì bạn có thể dùng một bài viết, hướng dẫn, thảo luận, thống kê hoặc nội dung khác từ Wikipedia (hoặc một dự án chị em) để làm nguồn hỗ trợ cho một khẳng định về Wikipedia theo quy định dành cho nguồn sơ cấp. Khi đó cần tránh việc phát sinh ra nghiên cứu chưa công bố (chẳng hạn như suy luận hay diễn giải cá nhân), hay nhấn mạnh quá mức vào vai trò hoặc quan điểm của Wikipedia. Nên ghi rõ là nội dung đó được lấy nguồn từ Wikipedia để người đọc nhận thức được sự thiên vị nào nếu có.
Đừng phủ nhận các nguồn đáng tin cậy chỉ vì khó tiếp cận hay tốn kém. Một số loại nguồn có độ khả tín cao nhưng lại không dễ truy cập là các tài liệu giấy, sách giấy chỉ có sẵn ở thư viện hay các nguồn trực tuyến đòi trả phí. Nếu bạn gặp khó khăn tiếp cận một nguồn nào đó, hãy hỏi xem liệu những người khác có thể thực hiện giúp bạn.
Wikipedia tiếng Việt cho phép dẫn các nguồn đáng tin cậy không phải ngôn ngữ tiếng Việt vào bài viết. Nhưng nếu như có sẵn nguồn tiếng Việt với chất lượng và mức độ phù hợp tương đương thì người viết bài nên ưu tiên sử dụng các nguồn tài liệu tiếng Việt hơn các nguồn ngôn ngữ khác, để người đọc có thể dễ dàng kiểm chứng các tài liệu đó. Cũng như các nguồn bằng tiếng Việt, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến nguồn, người viết cần trích dẫn nguyên văn đoạn văn bản gốc, có thể là dưới dạng văn bản thuần, ghi chú hay đăng bên trang thảo luận bài viết, để những người khác có thể kiểm tra xem nội dung đó có thống nhất với nội dung trong bài hay không.
Khi trích dẫn nguyên văn văn bản của một nguồn đáng tin cậy không phải tiếng Việt (ngay trong nội dung bài viết hay tại cước chú), người soạn cần kèm theo một bản dịch sang tiếng Việt. Tuy các bản dịch tiếng Việt do các nguồn đáng tin cậy xuất bản được ưu tiên hơn bản dịch của thành viên Wikipedia, nhưng các bản dịch của các thành viên vẫn được ưu tiên hơn các bản dịch máy. Khi sử dụng bản dịch máy làm nội dung nguồn, bạn phải chắc chắn rằng bản dịch đó chính xác và đó là một nguồn phù hợp. Không nên dựa vào bản dịch máy của các nguồn không phải tiếng Việt trong các bài viết gây tranh cãi về người đang sống cũng như tiểu sử người đang sống. Nếu cần, hãy hỏi xem liệu các thành viên khác có thể dịch giúp bạn.
Trong các bài viết, bản gốc nguyên văn thường đi kèm bản dịch khi được dịch bởi các thành viên và không ghi công người biên dịch. Khi trích dẫn bất kỳ nội dung bằng tiếng Việt hoặc hay ngôn ngữ nào, hãy cẩn thận để không vi phạm bản quyền, bạn có thể xem thêm tại hướng dẫn sử dụng hợp lý.
Đúng là thông tin phải được kiểm chứng thì mới được đưa vào bài, nhưng không có nghĩa là tất cả thông tin thỏa mãn tiêu chí kiểm chứng thì có thể được đưa vào bài viết. Nguyên tắc về đồng thuận của Wikipedia có thể quyết định rằng một số thông tin nhất định không giúp nâng cao chất lượng bài viết, do đó nó cần được lược bỏ hoặc đưa qua bài khác. Nghĩa vụ phải đạt được đồng thuận thuộc về những người muốn đưa nội dung tranh chấp đó vào bài.
Để yêu cầu dẫn nguồn cho một khẳng định thiếu nguồn, bạn có thể đặt bản mẫu {{cần chú thích}} vào cuối câu hoặc cuối vế câu đó. Bạn cũng có thể ghi chú tại trang thảo luận bài viết để yêu cầu nguồn dẫn, hoặc dời nội dung thiếu nguồn đó qua trang thảo luận để yêu cầu nguồn.
Để yêu cầu kiểm chứng rằng nguồn có chứng minh cho nội dung đó hay không, hãy dùng bản mẫu {{verify source}}. Các nội dung không đạt có thể bị gắn bản mẫu {{failed verification}} (nội dung không khớp với nguồn) hoặc bị xóa. Khi dùng các bản mẫu đánh dấu nội dung, sẽ hữu ích cho các biên tập viên khác nếu bạn giải thích lý do của bạn trong bản mẫu, tại tóm lược sửa đổi hoặc tại trang thảo luận.
Hãy đặc biệt cẩn trọng với các nội dung gây tranh cãi về người đang sống, người vừa qua đời, cũng như các tổ chức, hội nhóm đang hoạt động. Nội dung gây tranh cãi mà không nguồn hoặc dẫn nguồn không đạt chuẩn, đặc biệt là nội dung mang tính tiêu cực, xúc phạm hay có khả năng gây tổn hại đến danh tiếng của người đó, cần được xóa ngay lập tức. Không cần phải gắn bản mẫu hay dời sang trang thảo luận.
"Tôi KHÔNG BIẾT nhấn mạnh sao cho đủ. Một số thành viên có một khuynh hướng đáng sợ rằng với các thông tin ngụy tạo đoán chừng kiểu 'tôi nghe được ở đâu đó rằng' thì chỉ cần gắn thẻ 'cần dẫn nguồn'. Sai hoàn toàn. Nếu không được dẫn nguồn thì cần phải thẳng tay xóa các thông tin đó đi. Điều này đúng với mọi thông tin, nhưng càng đặc biệt đúng với thông tin tiêu cực về những người đang sống."[3]
–Jimmy Wales
Khẳng định đặc biệt nào cũng cần nhiều nguồn uy tín chất lượng cao.[4] Các dấu hiệu nhận biết là:
Đừng đạo văn hay vi phạm bản quyền khi sử dụng các nguồn tham khảo. Bạn hãy tự tóm tắt lại nội dung trong nguồn bằng lời văn của mình càng nhiều càng tốt. Khi trích dẫn nguyên văn hoặc diễn giải sát sao một nguồn, bạn hãy dùng các chú thích trong hàng và đề tên nguồn/tác giả ngay trong câu văn.
Theo quy định của Wikipedia về quyền và nghĩa vụ của người đóng góp, đừng dẫn liên kết tới những nguồn vi phạm bản quyền của người khác. Bạn có thể liên kết đến các trang web đã được cấp phép để dùng tác phẩm có bản quyền đó, hoặc bạn có thể sử dụng tác phẩm đó theo quy định về sử dụng hợp lý. Cố ý hướng người khác đến nội dung vi phạm bản quyền có thể bị coi là vi phạm bản quyền. Nếu có lý do để cho rằng một nguồn nào đó vi phạm bản quyền thì đừng sử dụng nó. Điều này đặc biệt quan trọng khi liên kết đến các trang web như Scribd hoặc YouTube, bạn cần thận trọng để tránh liên kết đến nội dung vi phạm bản quyền.
Ngay cả khi thông tin trong bài đều được dẫn từ các nguồn đáng tin cậy, bạn phải trình bày nó với thái độ trung lập (TDTL). Bạn hãy viết bài sau khi đã nghiên cứu các nguồn kỹ lưỡng. Tất cả bài viết phải tuân thủ TDTL, trình bày tất cả quan điểm đa số và thiểu số được các nguồn đáng tin cậy công bố một cách công bằng, tương ứng với mức độ nổi bật của từng quan điểm trong lĩnh vực đó. Không cần phải thêm các quan điểm thiểu số vào bài bách khoa, ngoại trừ trong các bài viết dành cho chính các quan điểm đó. Nếu các nguồn mâu thuẫn nhau, hãy lập luận phân bổ trong văn bản: "Nguyễn Văn A lập luận X, trong khi Phan Văn B duy trì quan điểm Y" kèm theo các chú thích trong hàng. Bản thân các nguồn không cần phải có thái độ trung lập, và thật sự là luôn có những nguồn tuy khả tín nhưng lại không đứng ở vị trí trung lập. Công việc của người viết bách khoa chỉ đơn giản là tóm tắt lại những gì các nguồn đáng tin cậy nói.
Nếu không thể tìm ra các nguồn độc lập, đáng tin cậy thì Wikipedia không cần có bài về chủ đề đó. Hay nói cách khác, chủ đề đó không cần phải có mặt trên Wikipedia.
Quy định về không đăng nghiên cứu chưa công bố (NCCCB) liên quan chặt chẽ đến quy định kiểm chứng, trong đó yêu cầu rằng: