Vội vàng là một bài thơ trích trong tập Thơ thơ của nhà thơ Xuân Diệu, phát hành năm 1938.[1] Bài thơ thể hiện sự khát khao mãnh liệt sống trọn vẹn, tận hưởng vẻ đẹp của cuộc đời, đặc biệt là vẻ đẹp của tình yêu và thiên nhiên. Xuân Diệu, với phong cách thơ mới, đã sử dụng những hình ảnh và ngôn từ đầy cảm xúc để thể hiện sự gấp gáp, không muốn bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá trong cuộc sống.
Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình sách giáo khoa Văn học 11 giai đoạn 1990-2006[2]; sách giáo khoa Ngữ văn lớp 11, kỳ 2, trong chương trình giáo dục phổ thông 2006[1]. Sau khi chương trình giáo dục được đổi mới (2018), bài thơ tiếp tục xuất hiện trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12, kỳ 2, thuộc bộ sách Kết nối tri thức.[3]
Bài thơ Vội Vàng của nhà thơ Xuân Diệu xuất hiện trong tập Thơ thơ, in lần đầu vào năm 1938. Vội vàng ra đời trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang trải qua những biến động lớn. Đây là thời kỳ mà nền văn học Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ với sự xuất hiện của trào lưu Thơ Mới, mà Xuân Diệu là một trong những đại diện tiêu biểu.[4]
Xuân Diệu viết bài thơ Vội Vàng khi mới 22 tuổi, qua đó, cho ta thấy tâm hồn nhạy cảm, tầm nhìn sâu sắc và khả năng chạm đến những chủ đề sâu sắc về thời gian, tình yêu và sự tồn tại ngay từ khi còn rất trẻ, vượt ra ngoài những cảm xúc nhất thời.
- Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận định về bài thơ Vội vàng: “Đây là tiếng nói của một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Nhưng đằng sau những tình cảm ấy, có một quan niệm nhân sinh mới chưa thấy trong thơ ca truyền thống”.[5][6]
- "Có thể nói, nồng nàn và trữ tình là hai phẩm chất, đồng thời cũng là hai giọng điệu chủ đạo trong thơ Xuân Diệu. Trong số đó, Vội Vàng là một trong những thi phẩm tiêu biểu nhất cho giọng điệu nồng nàn của Xuân Diệu" (Nguyễn Đăng Điệp).
- "Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù là lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu luôn ru thanh niên bằng giọng yêu đời thắm thiết" (Nhà phê bình, nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan).[7]
- Chu Văn Sơn: "Cái động thái bộc lộ đầy đủ nhất thần thái Xuân Diệu có lẽ là vội vàng. Ngay từ hồi viết Thi nhân Việt nam, Hoài Thanh đã thấy “Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt”. Cho nên, đặt cho bài thơ rất đặc trưng của mình cái tựa đề Vội vàng, hẳn đó phải là một cách tự bạch, tự hoạ của Xuân Diệu".[8][9]
- Chu Văn Sơn: "Mục đích lập thuyết, dạng thức tuyên ngôn đã quyết định đến bố cục của Vội vàng. Thi phẩm khá dài, nhưng tự nó đã hình thành hai phần khá rõ rệt. Cái cột mốc ranh giới giữa hai phần đặt vào ba chữ “Ta muốn ôm”. Phần trên nghiêng về luận giải cái lí do vì sao cần sống vội vàng. Phần dưới là bộc lộ trực tiếp cái hành động vội vàng ấy. Nói một cách vui vẻ: trên là lý thuyết, dưới là thực hành! Điều dễ thấy là thi sĩ có dụng ý chọn cách xưng hô cho từng phần. Trên, xưng “tôi” – lập thuyết, đối thoại với đồng loại. Dưới, xưng “ta” – đối diện với sự sống. Trình tự luận lí có xu hướng cắt xẻ bài thơ. Nhưng hơi thơ bồng bột, giọng thơ ào ạt, sôi nổi như thác cuốn đã xoá mọi cách ngăn, khiến thi phẩm vẫn luôn là một chỉnh thể sống động, tươi tắn và truyền cảm."[8][9]
- Theo SGK Ngữ văn 11 tập 2, chương trình giáo dục phổ thông 2006: “Vội vàng là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời, ham sống đến cuồng nhiệt. Tư tưởng đó được thể hiện qua một hình thức nghệ thuật điêu luyện : sự kết hợp nhuần nhị giữa mạch cảm xúc và mạch luận lí, giọng điệu say mê, sôi nổi, những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ.”[1]
- Tạp chí Tao Đàn: “Bài thơ là lời giục giã hãy sống mãnh liệt, sống hết mình, hãy quý trọng từng phút, từng giây của cuộc đời mình nhất là những năm tháng tuổi trẻ của một hồn thơ yêu đời ham sống đến cuồng nhiệt”.[10]
Phân tích bài thơ Vội vàng
Bình giảng bài thơ Vội Vàng, Chu Văn Sơn