Vụ Vedan xả chất thải ra sông Thị Vải là vụ việc gây ô nhiễm môi trường được Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phát hiện ngày 13 tháng 9 năm 2008 tại Công ty Vedan Việt Nam.
Từ phản ánh, bức xúc của người dân địa phương về tình trạng lén lút xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, sau hơn 3 tháng theo dõi, ngày 13 tháng 9 năm 2008, đoàn kiểm tra liên ngành đã bắt quả tang Công ty Vedan đóng tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai xả một lượng nước thải lớn chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Theo ước tính, Vedan có thể xả nước thải tới 5.000 m3/ngày ra sông.[1]
Theo nhận định ban đầu, việc lắp đặt hệ thống xả dịch thải của Công ty Vedan là vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.[2]. Theo Đại tá Lương Minh Thảo, hành vi vi phạm này là đặc biệt nghiêm trọng. Tại hiện trường, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng Công ty Vedan Việt Nam đã thừa nhận hành vi vi phạm của công ty.[1]
Ngày 19 tháng 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố kết quả điều tra 10 sai phạm của Vedan, bao gồm:
Ngày 6 tháng 10, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường đối với Vedan với tổng số tiền phạt là 267,5 triệu đồng, buộc truy nộp phí bảo vệ môi trường hơn 127 tỷ đồng.
Ngày 13 tháng 10, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương, kiên quyết tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với Công ty Vedan.[4]
Liên quan đến vấn đề trên, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội Việt Nam khoá XI, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đã bị đại biểu quốc hội truy vấn vụ Vedan xung quanh những vấn đề: xử lý vi phạm của Vedan và đặc biệt là làm rõ trách nhiệm của hệ thống quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương.[5][6]