Đây là một Đạo Quán cổ nay đã biến thành chùa, quán xưa thuộc hệ thống "Đan Sơn Tứ Quán " vùng xứ Đoài, hiện tọa lạc tại phía đông thôn Chiền xã Đức Thượng huyện Hoài Đức thành phố Hà Nội. Tên thường gọi của quán là Quán Chiền, tên chữ là Viên Dương Đạo Quán.
Tể tướng Lữ Gia nhà Triệu đi qua vùng này thấy hai vị tiên đang đánh cờ bèn xuống ngựa vái chào, các tiên liền bay đi, nhân đó ông bèn cho lập đạo quán để cho đạo sĩ tu hành.
Về sau ở đây có đạo sĩ tên là Lý Trang tu hành ở đây, ngày ăn rau phỉ để sống, tối tụng kinh Ngọc Hoàng Bản hạnh. Khi cây rau phỉ biến thành cây Xương Bồ mọc trên đá thì đạo sĩ đắc đạo thành Tiên bay lên trời. Từ đó tên huyện này gọi là Đan Sơn.
Năm Ất Dậu đời Mạc Mục Tông 1585, Hiển Cung Đại phu triều Mạc là Nguyễn Định cho hưng công Thượng Điện và Hậu Đường. Sự việc này còn khắc trong bia Hưng Trị năm thứ 2 năm 1589 hiện đặt tại quán.
Năm Gia Long thập lục niên (1817), đúc chuông lớn "Viên Dương Quán Chung ".
Năm 1934 niên hiệu Bảo Đại, trùng tu tòa Tiền Đường.
Chùa Viên Dương Quán được xếp hạng di tích cấp Tỉnh, Thành phố tại quyết định số 1230 /QD - UBND ngày 10 tháng 3 năm 2011.
Hệ tượng này cũng đầy đủ như một ngôi chùa bắc bộ khác:
Tiền Đường gồm bên phải từ ngoài vào là ban Đức Chúa Ông gồm các tượng Chúa Ông, Già Lam, Chân Tể, cạnh đó là ban thờ Khuyến Thiện, bên trái là tượng Trừng ác, Thánh Hiền, Diện Nhiên, Đại sĩ.
Thượng Điện gồm các tượng như Tam Thế, Chuẩn đề, động Quan Âm Hương Tích, động Quán Âm Thị Kính... Cửu Long, Phạm Thiên, Đế Thích.
Hệ tượng này bày của yếu tại gian giữa tiền đường và phần trước thượng điện, nếu như các đạo quán cải thành chùa khác như Linh Tiên Quán, Lão Quân Quán, Lâm Dương Quán... tượng đạo giáo thường bày trong cùng thì ở đây tượng bày trước mặt, ngay dưới ban Phật.
Lớp trên gồm Tam Thanh: Nguyên Thủy Thiên Tôn, Linh bảo Thiên Tôn, Đạo Đức Thiên Tôn (đáng chú ý tượng Đạo Đức Thiên Tôn ở đây tạc râu màu trắng giống như hóa thân Lão Quân chứ không râu đen như thường thấy.)
Lớp thứ 2 gồm có: Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu.
Lớp thứ 3 gồm có: Huyền Thiên Trấn Vũ (điểm kỳ lạ là tượng Trấn vũ ở đây đặt giữa Phạm Thiên và Đế Thích, tòa Cửu Long lại đặt dưới một chút)