Đoàn Kiến Quốc

Đoàn Kiến Quốc
Quốc tịch Việt Nam
Sinh24 tháng 3, 1979 (45 tuổi)
Nha Trang, Phú Khánh, Việt Nam
Phong cách chơiTay trái, kiểu cổ điển[1]
Thứ hạng cao nhất171 (Tháng 12 năm 2008)[2]
Chiều cao1,65 m (5 ft 5 in)
Cân nặng59 kg (130 lb)
Thành tích huy chương
Bóng bàn nam
Đại diện cho Việt Nam
Đại hội Thể thao Đông Nam Á
Huy chương vàng – vị trí thứ nhất Vientiane 2009 Đánh đôi
Huy chương bạc – vị trí thứ hai Manila 2005 Đồng đội

Đoàn Kiến Quốc (sinh ngày 24 tháng 3 năm 1979 tại Nha Trang, Phú Khánh) là vận động viên bóng bàn người Việt Nam. Anh từng nắm giữ thứ hạng 171 của Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế và hai lần liên tiếp được góp mặt ở Thế vận hội Mùa hè.

Sự nghiệp

[sửa | sửa mã nguồn]

Tuổi thơ

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn Kiến Quốc sinh ra trong một gia đình mà cả nhà đều yêu thích bóng bàn. Vì lý do đó mà ngay khi ở tuổi mẫu giáo Kiến Quốc đã biết cách cầm vợt. Năm 7 tuổi, anh thường đi theo anh trai mình trong các buổi tập của vận động viên năng khiếu tỉnh Phú Khánh, chủ yếu là để nhặt bóng cho các anh chị lớn tập. Đến một ngày huấn luyện viên cho anh thử sức và bất ngờ nhận anh vào tập luyện.

Thi đấu trong nước

[sửa | sửa mã nguồn]

Kiến Quốc đã bắt đầu thi đấu cho đơn vị tỉnh Khánh Hòa từ các giải ở lứa tuổi nhi đồng, thiếu niên cho đến Giải Cây vợt trẻ. Sau đó, anh bước vào con đường thi đấu chuyên nghiệp, tham dự ở Giải Đội mạnh cùng với Giải Vô địch Bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân. Do quá bận rộn với việc thi đấu nên mãi đến năm 2003, tức là lúc 24 tuổi, anh mới có được tấm bằng bổ túc Trung học Phổ thông. Sau 20 năm cống hiến cho Khánh Hòa, vào ngày 24 tháng 3 năm 2009 anh đã nộp đơn xin nghỉ tập luyện và thi đấu.

Sau đó, anh về đầu quân cho Câu lạc bộ bóng bàn Petro Việt Nam. Kiến Quốc cũng đã được tuyển thẳng vào Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh khóa tại chức hệ 5 năm. Tuy nhiên do phải thường xuyên tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế nên anh có rất ít thời gian để theo học.[3] Sau ba năm thi đấu cho Petro Việt Nam Kiến Quốc đã quyết định không ký tiếp hợp đồng mặc dù câu lạc bộ đã mời anh tiếp tục gắn bó trong vai trò vận động viên lẫn huấn luyện viên.

Từ tháng 11 năm 2012, anh rơi vào cảnh thất nghiệp. Đến tháng 2 năm 2013, Kiến Quốc quyết định trở về đầu quân cho Khánh Hòa với mong muốn được gần gũi với gia đình tại Nha Trang cũng như góp phần giúp cho bóng bàn Khánh Hòa vượt qua giai đoạn khủng hoảng.[4]

Tại giải vô địch bóng bàn toàn quốc Báo Nhân dân lần thứ 31 tranh Cúp Dầu khí Việt Nam - Đạm Cà Mau tại Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Kiến Quốc đã thất bại ở trận chung kết diễn ra vào ngày 28 tháng 4 năm 2013 trước tay vợt Dương Văn Nam của đơn vị Quân đội với tỷ số 1-4 và đành chấp nhận chiếc huy chương bạc.[5]

Thi đấu quốc tế

[sửa | sửa mã nguồn]

Đại hội Thể thao Đông Nam Á

[sửa | sửa mã nguồn]

Tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2005 được tổ chức ở Manila, Philippines, Kiến Quốc đã giành được tấm huy chương bạc ở nội dung đồng đội sau khi thất bại trước đội tuyển Singapore ở chung kết. Bốn năm sau, tại SEA Games 25Viêng Chăn, Lào, anh đã xuất sắc giành được tấm huy chương vàng đầu tiên tại một kỳ SEA Games khi cùng với người đồng đội Đinh Quang Linh vượt qua cặp đôi người Singapore Gao NingYang Zi ở trận chung kết nội dung đôi nam.[6]

Trong giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 27 được tổ chức tại Naypyidaw, Myanmar, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam đã mời Đoàn Kiến Quốc quay lại thi đấu cho đội tuyển nhưng anh đã từ chối với lý do mình đã lớn tuổi, muốn nhường lại cơ hội cho các vận động viên trẻ cũng như muốn dành thời gian để hoàn tất chương trình học ở Đại học Thể dục Thể thao.[7]

Thế vận hội

[sửa | sửa mã nguồn]
Thế vận hội 2004
[sửa | sửa mã nguồn]

Tại giải đấu tuyển chọn vận động viên bóng bàn tham dự Olympic Athens 2004 của khu vực Đông Nam Á diễn ra trong hai ngày 16 và 17 tháng 3 năm 2004 tại Nhà thi đấu Cheras, Kuala Lumpur, Malaysia, Đoàn Kiến Quốc đã xuất sắc giành chức vô địch và qua đó đoạt tấm vé duy nhất để góp mặt tại Athens. Anh đã vượt qua tay vợt đồng hương Trần Tuấn Quỳnh ở trận chung kết với tỷ số 4-2. Anh là vận động viên bóng bàn đầu tiên của Việt Nam dự tranh ở một kỳ Thế vận hội.[8]

Tại Thế vận hội 2004, Kiến Quốc đã phải dừng bước ngay ở vòng một nội dung đơn nam khi thất bại trước tay vợt người Ý gốc Trung Quốc Min Yang với tỷ số 1-4 vào ngày 14 tháng 8 năm 2004.[9]

Thế vận hội 2008
[sửa | sửa mã nguồn]

Cũng giống như ở giải đấu vào năm 2004, tại giải đấu tuyển chọn vận động viên bóng bàn tham dự Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, Kiến Quốc cũng đã giành chức vô địch và tấm vé duy nhất để lần thứ hai liên tiếp góp mặt ở Thế vận hội sau khi lần lượt vượt qua anh em nhà Sanguasin, Phakpom Sanguasin và Phuchong Sanguasin, của Thái Lan ở bán kết và chung kết.

Anh đã vượt qua tay vợt người Úc David Zalcberg với tỷ số 4-0 ở vòng sơ loại tại Olympic Bắc Kinh 2008 vào ngày 19 tháng 8. Đây cũng là chiến thắng đầu tiên của một tay vợt bóng bàn Việt Nam ở đấu trường Olympic. Khoảng hai giờ đồng hồ sau, Kiến Quốc bước vào vòng một, đối thủ của Kiến Quốc là tay vợt người Pháp Christophe Legoût, tay vợt đã từng xếp hạng 17 thế giới và xếp trên anh đến 171 bậc trên bảng xếp hạng thế giới tại thời điểm đó. Tuy vậy, Kiến Quốc đã thi đấu hết sức tự tin, kiên trì giành giật từng điểm một để giành chiến thắng thuyết phục với tỷ số 4-2.[10] Anh đã không thể tạo nên bất ngờ một lần nữa khi thất thủ trước tay vợt người Nga Alexei Smirnov, tay vợt hạng 29 thế giới tại thời điểm đó, với tỷ số 1-4 vào ngày hôm sau, 20 tháng 8.[11]

Sau màn trình diễn tương đối tốt ở Thế vận hội Mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, Đoàn Kiến Quốc đã nhận được một lời đề nghị thi đấu tại Thổ Nhĩ Kỳ cùng Câu lạc bộ Istanbul với mức lương 1000 USD một tháng cùng với việc câu lạc bộ sẽ lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại của anh trong thời gian thi đấu, tập luyện.[12]

Cuộc sống cá nhân

[sửa | sửa mã nguồn]

Đoàn Kiến Quốc từng là Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam. Em trai của Đoàn Kiến Quốc là Đoàn Trọng Nghĩa cũng là một tuyển thủ bóng bàn quốc gia [13].

Ngày 15 tháng 2 năm 2012, Kiến Quốc kết hôn với cô bạn gái cùng quê Nha Trang sau 7 năm yêu nhau.[14].

Thành tích

[sửa | sửa mã nguồn]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ “ITTF Profile – Doan Kien Quoc”. Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  2. ^ “ITTF World Ranking”. Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  3. ^ A. Dũng (ngày 19 tháng 8 năm 2011). “Nỗi khổ của Đoàn Kiến Quốc”. Báo Người lao động. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  4. ^ An Nhơn (ngày 25 tháng 2 năm 2013). “Đoàn Kiến Quốc đầu quân cho quê nhà”. vnExpress. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  5. ^ Nguyễn Phạm (ngày 29 tháng 4 năm 2013). "Tượng đài" Đoàn Kiến Quốc thành cựu vô địch”. Đài Truyền hình Việt Nam. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 2 năm 2014. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  6. ^ Marshall, Ian. “Singapore Dominant in South East Asia Games Table Tennis Events”. Liên đoàn Bóng bàn Quốc tế. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2013.
  7. ^ Tiến Cường (ngày 6 tháng 3 năm 2013). “Đoàn Kiến Quốc từ chối vào đội tuyển quốc gia”. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  8. ^ “Tự hào Đoàn Kiến Quốc”. Báo Nhân dân. ngày 20 tháng 3 năm 2004. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  9. ^ “Vietnam table tennis star captures spot at 2008 Beijing Olympics”. NBC Olympics. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2013.
  10. ^ “Đoàn Kiến Quốc xuất sắc thắng tay vợt số 2 của Pháp”. Báo Quân đội nhân dân. ngày 19 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  11. ^ “Men's Singles Second Round”. NBC Olympics. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2014. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2013.
  12. ^ Hoàng Long (ngày 25 tháng 8 năm 2008). “Cây vợt Đoàn Kiến Quốc sau Olympic Bắc Kinh: Istanbul đang vẫy gọi!”. Báo Thể thao & Văn hóa. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.
  13. ^ Anh Dũng (6 tháng 8 năm 2008). “Chông gai chờ Đoàn Kiến Quốc”. Báo Người Lao động Điện tử. Truy cập ngày 6 tháng 2 năm 2014.
  14. ^ Thuần Thư (ngày 13 tháng 2 năm 2012). “Cây vợt vàng có "sợi xích vàng". Báo An ninh Thủ Đô. Truy cập ngày 21 tháng 1 năm 2014.