Arsène Lupin là loạt phim trinh thám do đài ORTF khởi sự giai đoạn 1971-4[2][3].
Truyện phim phỏng theo loạt tiểu thuyết trinh thám rất ăn khách của tác giả Maurice Leblanc đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, do kết cấu rất phức tạp của tác phẩm, bộ phim trở thành đề án xuyên lục địa với sự phối hợp của 8 quốc gia - một sự kiện hi hữu ở giai đoạn sơ khai của lịch sử truyền hình thế giới.
Những năm trước Đệ nhất thế chiến, tên tội phạm cổ cồn trắng Arsène Lupin khiến các sở cẩm phải điên đầu. Y thường xuất quỷ nhập thần với tài hóa trang cùng sự yểm trợ của một gã tài xế cùng một thiếu nữ đài các nào đó. Mục tiêu của Arsène Lupin là các nhà quyền quý với những món bảo vật hiếm lạ, cũng có khi y sẵn sàng bỏ qua tiền bạc chỉ để chiếm hữu báu vật, xong việc y chuồn thẳng và thường để lại một danh thiếp xác nhận rằng Arsène Lupin đã đánh cắp món vật đó. Lắm khi, Arsène Lupin biến các nhân viên sở cẩm thành những gã hề ngớ ngẩn.
Phần 1 (1971)
Phần 2 (1973)
Phim được thực hiện chủ yếu tại Paris cùng một số ngoại cảnh tại các quốc gia Tây Âu giai đoạn 1971-4.
Loạt phim tuy được thực hiện theo các tiểu thuyết đã ấn hành cùng thủ cảo của tác gia Maurice Leblanc, tuy nhiên tính cách nhân vật cùng một số tình tiết được sửa lại cho thích hợp với kĩ thuật điện ảnh hơn. Arsène Lupin trong phim được mô tả là nhân vật nhất mực lịch lãm và dí dỏm trong bất kì tình huống hiểm nguy nào, đôi khi còn tỏ ra độ lượng mà trả lại của cắp, khác hẳn hình ảnh ti tiện bất chấp luân lí trong nguyên tác.
Nhiều thập niên sau khi xuất phẩm, Arsène Lupin được đánh giá là kiệt tác điện ảnh truyền hình Tây Âu và Bắc Mỹ. Bộ phim tiên phong xu hướng sản xuất dòng phim trinh thám bối cảnh thời kì tiền Đệ nhất thế chiến, mà tại Anh gọi là Victorian-Edwardian era. Chính Arsène Lupin cũng được Pháp và nhiều nền điện ảnh khác dựng lại hoặc làm tiếp nhiều lần, đa số đạt thành công vang dội cả về doanh thu và nghệ thuật.
Tại Việt Nam, Arsène Lupin được VTV3 giới thiệu ở khung 18:00 hàng ngày năm 1997-8, sau đó phát lại ở khung 14:00 hàng ngày. Thời kì phim lên sóng, trong học sinh nảy trào lưu tặng danh thiếp đề tên người gửi nhằm bắt chước cử chỉ nhã nhặn của nhân vật Arsène Lupin.